Quá giới hạn của “sống ảo”
Cả hai cột mốc biên giới số 423 và 428 đều thuộc xã Lũng Cú, thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và thuộc quản lý của Đồn biên phòng Lũng Cú. Đường để vào cột mốc 428 rất khó, địa hình đồi núi ngoằn ngoèo, có những đoạn dốc thẳng đứng, phía trên là vách đá, phía dưới là sông Nho Quế. Muốn chinh phục mốc giới này phải đi bộ ít nhất 3 tiếng từ cuối bản Xéo Lủng của người Mông. Trong khi đó, mốc 423 có chóp bằng nằm ngay ven đường tỉnh lộ từ Đồng Văn vào cột cờ Lũng Cú, Hà Giang rất dễ dàng chinh phục bằng các loại phương tiện.
Chinh phục các cột mốc biên giới là một trong những trào lưu phượt của nhiều bạn trẻ. Không phải ai cũng có thể làm được điều này vì mức độ nguy hiểm cao, đặc biệt là các mốc giới nằm ở vị trí khó khăn di chuyển. Mới đây trên các diễn đàn Phượt đã chia sẻ hình ảnh một nhóm bạn trẻ chụp ảnh bên cạnh mốc quốc giới số 428. Tuy nhiên, ngay sau khi hình ảnh được đăng tải, nhiều cư dân mạng đã phát hiện ra sự khác biệt của tấm hình vì cột mốc 428 có chóp nhọn, nằm gần sông Nho Quế – biên giới tự nhiên giữa Việt Nam – Trung Quốc tại địa phận Lũng Cú. Nhiều người đã nay lập tức nhận ra mốc quốc giới họ chụp ảnh là mốc 423 và lo lắng cột mốc biên giới đã bị nhóm này phá hoại.
Hành động thiếu ý thức đáng lên án của nhóm phượt (nguồn internet)
Đồn biên phòng Lũng Cú cho biết đã nhận thông tin và lập tức cho bộ đội đi kiểm tra thì phát hiện cột mốc biên giới số 423 vẫn nguyên trạng, không bị xê dịch hay tô vẽ, đục đẽo ảnh hưởng. Phía Biên phòng nhận định, có thể các bạn trẻ đi phượt đã dùng son môi hoặc vật liệu khác tô vẽ số “3” thành số “8” sau đó đã lau đi. Đây là một hành động thiếu ý thức đáng lên án của nhóm phượt nói trên, khi họ không thể chinh phục cột mốc 428 mà sửa số 3 thành số 8 rồi chụp hình “sống ảo”.
Hành vi vi phạm Luật Biên giới quốc gia
Trao đổi với báo chí, Thượng tá Phạm Ngọc Thủy, Chính trị viên Đồn biên phòng Lũng Cú cho biết dân phượt thường thích chụp ảnh với cột mốc, việc này không thể cấm vì họ di chuyển trong lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, khi đi lên khu vực biên giới cần đi dưới sự giám sát của bộ đội biên phòng theo Nghị định 34/2014 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước CHXHCN Việt Nam. Cụ thể, Điều 6 của nghị định quy định: “Công dân Việt Nam vào khu vực biên giới đất liền phải có Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác theo quy định của pháp luật”.
Nhóm bạn sửa cột mốc biên giới ở Hà Giang để sống ảo đã vi phạm một trong những hành vi bị cấm, được quy định tại khoản 1, Điều 14 Luật Biên giới quốc gia: “Xê dịch, phá hoại mốc quốc giới; làm sai lệch, chệch hướng đi của đường biên giới quốc gia; làm đổi dòng chảy tự nhiên của sông, suối biên giới; gây hư hại mốc quốc giới”
Theo quy đinh của pháp luật, nhóm phượt này có thể bị xử phạt hành chính đến 50 triệu đồng căn cứ theo Nghị Định 169/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới Quốc gia. Điểm a, khoản 2, Nghị định này quy định: “Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia bao gồm: a) Vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới, dấu hiệu đường biên giới”. Mức xử phạt cũng quy định tại khoản 1, điều 3 của Nghị định: “Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng”.
Cột mốc biên giới là thiêng liêng và bất khả xâm phạm
Đề nghị các cơ quan chức năng xử phạt nhóm phượt trên theo đúng quy định của pháp luật để ngăn chặn, răn đe những hành vi vô ý thức tương tự.
Sơn Tùng