Liên quan đến clip nhóm người khỏa thân trên đỉnh Mã Pì Lèng (khu vực khách sạn Panorama), nhiều người có thể dễ dàng nhận ra trong clip có sự xuất hiện của Hiếu Orion (tên thật Trần Chí Hiếu) – một Facebooker có tiếng trên mạng xã hội.
Chia sẻ với VietNamNet, Trần Chí Hiếu cho biết anh đang trên đường từ Hà Giang về Hà Nội. Anh Hiếu nói, lý do nhóm của anh có hành động khỏa thân trên đèo Mã Pì Lèng một phần ‘đó là ước mơ, sở thích của chúng tôi từ lâu là được ăn mặc thoải mái, phóng xe trên đỉnh đèo’.
Ngoài ra, giữa những luồng quan điểm tranh cãi về Panorama, anh Hiếu cho biết nhóm anh cũng muốn trực tiếp đến, sử dụng dịch vụ của khách sạn này xem nó như thế nào trước khi đưa ra nhận xét về nó.
Hình ảnh nhóm của anh Hiếu khỏa thân trên khu vực khách sạn Panorama
‘Có nên xây một trạm dừng chân ở những nơi như thế này hay không? Theo tôi là rất nên. Bởi vì, sau khi đi hàng trăm cây số trên một cung đường địa hình đồi núi như thế này, lái xe cực kỳ cần một điểm dừng chân để nghỉ ngơi, chưa nói đến chuyện giải trí hay ngủ nghỉ’.
‘Kể cả có hay không có bà Ánh xây Panorama thì cũng nên có một điểm như thế. Tất nhiên nên quản lý như thế nào đó để có hiệu quả nhất, tốt nhất cho môi trường. Chúng tôi cũng muốn ủng hộ những người như thế này bên cạnh việc ủng hộ môi trường. Còn nếu chúng ta cứ ngồi quy chụp, chỉ trích thì đó là việc khác. Đó chỉ là lợi dụng môi trường để tấn công, dồn nhau vào đường cùng’.
‘Còn theo ý kiến cá nhân của tôi sau khi sử dụng dịch vụ của Panorama, tôi thấy trước mắt địa điểm này được làm rất cẩn thận, chu đáo, đảm bảo vệ sinh. Tôi thực sự hài lòng mặc dù nó không sang trọng, to đẹp như khách sạn nhưng đầy đủ, sạch sẽ. Bà chủ cũng không tham lam khi chỉ làm có 7 phòng nghỉ. Đó là lý do tại sao nhiều trang ‘review’ về du lịch ở nước ngoài ‘vote’ nhiều sao cho nó’.
Theo anh Hiếu, hiện nay trên đường lên các điểm khu du lịch nằm trên đèo, núi khác cũng có nhiều điểm dừng chân làm bằng tre, nứa tạm bợ do người dân dựng lên. ‘Những điểm đó với chỗ này thì cái nào an toàn hơn cho cả người dân và người sử dụng dịch vụ? Nếu có những nơi làm được nghiêm túc, chỉn chu, bảo vệ được môi trường thì phương án đó tốt hơn là những điểm dừng chân làm bằng tre, nứa’.
‘Còn nếu lo ngại sau này mọc lên nhiều Panorama thì đó không phải là lỗi hay nhiệm vụ của những người như Paronama. Đó là nhiệm vụ quy hoạch của chính quyền và rất nhiều người khác. Còn bây giờ, chúng ta đang gõ đầu hết vào một nơi, đó là người xây dựng lên nó. Chúng ta đang ngồi chỉ trích họ, cả chính quyền cũng chí trích họ. Người dân bị kẹt giữa thế gọng kìm của cả truyền thông và chính quyền, pháp luật’.
Nhà nghỉ Panorama được xây dựng trên điểm ngắm đẹp nhất của đèo Mã Pì Lèng. Ảnh: Người Lao Động
Về việc có quá nhiều phản ứng về hành động khỏa thân trên đèo Mã Pì Lèng của nhóm, anh Hiếu chia sẻ, vì ‘trend’ mạnh quá mà anh chưa kịp nói gì clip đã bị Facebook hạ xuống. ‘Có một số hình ảnh xấu thì tôi chủ động gỡ’.
‘Chúng tôi cũng không ngờ sẽ nhận được phản ứng mạnh như thế từ dư luận. Chúng tôi biết mình sai, gây ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng. Và chúng tôi cũng chấp nhận bị phạt hay cách nào đó’.
Trả lời câu hỏi đây có phải là cách Hiếu Orion làm truyền thông cho Panorama hay không, anh trả lời: ‘Những ai nghĩ rằng đó là cách làm truyền thông của tôi thì họ không hiểu về tôi. Tôi có rất nhiều kênh truyền thông, tôi cũng đủ nổi trên mạng xã hội, có nửa triệu người theo dõi, nhưng tôi không bao giờ chọn cách truyền thông như thế này. Phản ứng của dư luận nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi, chứ đó không phải là mục tiêu truyền thông của tôi’.
‘Kể cả khi tôi không khỏa thân trên Mã Pì Lèng thì việc tôi đứng ra bênh vực Panorama là tôi cũng đã bị áp lực từ cộng đồng yêu môi trường rồi. Họ vẫn tấn công tôi thôi. Tôi biết điều đấy là không tốt cho tôi nhưng tôi vẫn nói lên quan điểm của mình’.
‘Quan điểm của tôi trên mạng xã hội luôn có góc nhìn của cá nhân tôi. Tôi luôn muốn đưa ra những góc nhìn tích cực cho con người, chứ không phải chỉ ngồi ở nhà cào bàn phím, chỉ trích, quy chụp ai đó’.
Trong khi đó, bà Lê Thị Thu Hiền – Cục trưởng cục Di sản, Bộ VHTTDL cho hay: ‘Việc cá nhân có sự yêu quý, bày tỏ tình cảm với di sản điều đó đáng trân trọng, và họ có nhiều cách thể hiện khác nhau.
Tuy nhiên, những hành động, thái độ đó phải phù hợp với văn hóa ứng xử trong đời sống, và phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, tuân thủ pháp luật Việt Nam. Cách thể hiện hành động bảo vệ di sản, cần có những hành xử tích cực, không gây phản cảm với cộng đồng thì sẽ được nhiều người ủng hộ’.
Nguyễn Thảo – Thúy Tình