Thương biển nên không thể ngồi yên
Hoạt động trong ngành du lịch, đồng thời là huấn luyện viên lặn biển nên anh Đào Đặng Công Trung (SN 1980, ngụ quận Sơn Trà, Đà Nẵng) gần như hòa tan thời gian trong ngày của mình với đại dương.
Người được Hiệp hội Hướng dẫn viên lặn biển chuyên nghiệp (PADI) cấp chứng chỉ như anh Trung có thể lặn tự do ở độ sâu 10-15 mét. Quá trình khám phá vẻ đẹp dưới đại dương, anh xót xa khi thấy cảnh nhiều rạn san hô bị hủy hoại, chết dần vì rác thải bủa vây.
“Cũng như trên cạn, rác dưới biển cũng đủ loại như túi nylon, chai lọ và ngư lưới cụ hư hỏng bị rơi, mắc lại tại các rạn san hô,… Nếu không được xử lý, những rác thải này sẽ tàn phá môi trường sống của các loại sinh vật biển”, anh Trung chia sẻ.
Thương biển nên không thể ngồi yên, mỗi khi có thời gian rảnh, anh Trung lại mang chân vịt, kính lặn, túi lưới,… đến bán đảo Sơn Trà để gìn giữ “kho báu” của Đà Nẵng. Kể từ đó, anh Trung trở thành người tiên phong nhặt rác dưới đáy biển.
Tuy nhiên, suốt 10 năm một mình âm thầm “giải cứu” đại dương, anh Trung nhận ra rằng “1 cánh én không thể làm nên mùa xuân”, vì mỗi buổi lặn anh cũng chỉ vớt được khoảng 10 kg rác…
Sau nhiều lần trăn trở, nghĩ đến việc cần phải lan tỏa hành động này, tháng 6 vừa qua, anh cùng một số người bạn thành lập nhóm lặn biển tự do Danang Freediving để tìm thêm bạn đồng hành.
Chỉ trong thời gian ngắn, nhóm đã có gần 100 thành viên tại Đà Nẵng và hiện đang phát triển thêm. Đây là những người yêu môi trường và biển, có kinh nghiệm hoạt động dưới nước ở nhiều độ tuổi khác nhau. Thành viên nhỏ nhất là em Trần Băng Băng, 11 tuổi.
Vào dịp cuối tuần, mọi người lại nhắn tin trong nhóm chat, thúc giục nhau ra Bãi Nam dưới chân bán đảo Sơn Trà để “vệ sinh” đáy biển. Họ đi thành từng nhóm “phượt” dưới nước, vừa lặn nhặt rác, vừa “cởi trói” cho san hô.
Là một trong những thành viên tiên phong, Nguyễn Thị Trà My (SN 1996) vận động viên 3 môn thể thao phối hợp (triathlon) của Việt Nam tham dự SEA Games 31, kể sau khi xem clip của anh Trung chia sẻ trên Facebook về việc nhặt rác dưới biển, chị rất ấn tượng nên liền “ứng tuyển”.
“Tôi rất vui vì có thể góp chút sức để làm đáy biển sạch hơn. Trong quá trình lặn, các thành viên luôn hỗ trợ nhau. Khi phát hiện lưới ma (lưới đánh cá bị rách mắc vào san hô), mọi người sẽ thay phiên cẩn thận cắt từng đoạn lưới để không ảnh hưởng đến rạn san hô vốn mỗi năm mới phát triển được 1 cm. Cứ thế, lần lượt từng dải san hô rộng lớn đã được cởi trói”, Trà My cười tươi nói.
“Mong du khách ý thức hơn với biển”
Anh Trung chia sẻ, việc nhặt rác dưới nước đòi hỏi nhiều kỹ năng chứ không chỉ bơi lặn giỏi, đặc biệt phải biết thích nghi với việc thay đổi áp suất. Đồng thời, họ cũng phải khéo léo để không gây tác động xấu, ảnh hưởng đến hệ sinh thái của biển.
Vì vậy, anh luôn cố gắng lồng ghép thông điệp này vào các khóa đào tạo lặn biển của mình. Từ đó, nhiều học viên ủng hộ, tham gia cùng anh trong nỗ lực làm sạch đại dương.
Cứ thế, hoạt động ý nghĩa này ngày càng được lan tỏa. Giờ đây, mỗi khi nghe anh Trung tổ chức các buổi dọn rác dưới biển, nhiều người dân, du khách, có cả người nước ngoài… cũng nhiệt tình hưởng ứng.
Tùy khả năng của mỗi người, anh Trung sẽ tìm cách cho họ tham gia cùng mình. Đối với các học viên mới, tình nguyện viên chưa có kinh nghiệm, anh phân công túc trực trên bờ vớt rác trôi nổi hoặc giữ túi đựng rác. Còn ai đã có kỹ năng lặn biển, anh hướng dẫn để họ cùng mình xuống độ sâu 5-15 mét lấy rác lên.
Theo anh Trung, trong các loại rác thải dưới biển thì cắt lưới “ma” là khó nhất. Bởi, muốn cắt sạch phải kiên nhẫn tìm ra mối của nó, rồi dùng dao sắc cắt dứt khoát. Nếu thiếu hơi thì phải ngoi lên mặt nước thở, rồi lặn xuống, không được sốt ruột vì chỉ cần lỡ tay kéo mạnh là làm gãy san hô.
“Tôi rất vui và trân trọng tất cả những ai tham gia hoạt động này. Tuy nhiên, việc nhặt rác cũng đòi hỏi phải có kỹ năng nhất định. Bởi, nếu đi nhặt rác mà đạp gãy rạn san hô, khiến các sinh vật biển gặp nguy hiểm hay làm đảo lộn môi trường sống của một quần thể nào đó thì việc làm này sẽ không còn ý nghĩa nữa”, anh Trung giải thích và “Mong du khách ý thức hơn với biển”.
Sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng gần 7 năm nay, khi nghe anh Trung tìm người nhặt rác ở Sơn Trà, chị Rally Lee (quốc tịch Hàn Quốc) lập tức đăng ký. Chị Lee nói rất buồn khi thấy nhiều loài san hô đã chết dưới đáy biển vì ô nhiễm, biến đổi khi hậu hoặc do người vô ý dẫm đạp.
“Tôi rất buồn khi thấy nhiều rạn san hô chết, nhưng cũng rất vui vì có thể cùng người dân Đà Nẵng lặn nhặt rác để bảo vệ môi trường biển”, chị Lee trải lòng.
Bà Dương Thị Xuân Liễu – Trưởng phòng Quản lý và khai thác du lịch Sơn Trà (Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng) cho biết, việc có nhiều người lặn tự do quy tụ thành nhóm như Danang Freediving để bảo vệ môi trường biển là điều rất đáng trân trọng. Hoạt động này vô cùng ý nghĩa, góp phần bảo vệ và bảo tồn san hô ở bán đảo Sơn Trà. Thời gian tới, đơn vị sẽ phát động và duy trì các đội nhóm khác cùng chung tay làm sạch biển hơn.