Video ghi lại hình ảnh đoàn phượt thủ ‘chăn đường’ trên đường đi khu du lịch Tam Đảo. Clip: Nguyễn Công Hà
Bao biện cho hành vi không chuẩn mực
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền nhanh chóng đoạn ngắn video ghi lại hình ảnh một đoàn phượt thủ “chặn đường” trên đường lên khu du lịch Tam Đảo gây cản trở các phương tiện khác đang lưu thông khiến không ít tài xế, người dân bức xúc, phẫn nộ.
Đáng nói, đây không phải là trường hợp đầu tiên “đoàn xe ưu tiên tổ chức chặn đường” như thế này. Trước đó, 07/2019, một đoàn phượt thủ với khoảng 40 xe máy cũng tổ chức chặn đường tại ngã tư Hiệp Sơn (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) cũng khiến cộng đồng mạng được một phen dậy sóng. Hay một trường hợp tương tự khoảng cuối năm 2018, một nhóm phượt khoảng 200 người điều khiển xe máy với tốc độ cao, chặn ngã tư tại Nam Định cũng khiến người dân vô cùng bức xúc.
Có thể thấy, trong thời gian gần đây, việc “chặn đường” của các nhóm phượt thủ đã trở thành trào lưu, bất chấp luật pháp khiến hình ảnh về loại hình du lịch này càng trở nên xấu xí trong mắt cộng đồng.
Quay trở lại việc đoàn phượt chặn đường dưới chân Tam Đảo, một bình luận được cho là của một người trong nhóm phượt xuất hiện với nội dung: “Người bình thường vượt đèn đỏ thì không sao, phượt mà vượt cái là báo chí đưa ầm ầm. Sao bao nhiêu cái điều tốt chúng tôi làm không được đưa lên báo đài mà cứ có chút sai sót lại sân si đến vậy. Cùng là con người với nhau thì nên đặt vị trí cho nhau hiều đi chứ cứ sân si chúng tôi như vậy”.
Bình luận trên nhanh chóng trở thành tâm điểm của cơn bão về ý thức tham gia giao thông, chấp hành luật giao thông trên các diễn đàn, trang mạng xã hội. Đương nhiên, phần lớn các bình luận đều không đồng tình với ý kiến của phượt thủ trên. Đây là một sự nguỵ biện, bao biện cho hành vi không chuẩn mực.
Theo quy định, chỉ các phương tiện: xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; đoàn xe có cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu… mới được quyền ưu tiên di chuyển.
Tất nhiên, phượt thủ không được đề cập trong nhóm những phương tiện ưu tiên này. Vậy từ đâu mà các phượt thủ lại từ cho mình cái quyền ưu tiên như vậy?
Căn cứ theo Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, với hành vi gây cản trở các phương tiện khác đồng thời không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, nhóm phượt thủ sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng tới 400.000 đồng.
Cái tôi cá nhân vị kỷ
Theo PGS.TS Trịnh Hoà Bình – Giám đốc Viện Xã hội học phân tích, việc tự ý chặn các phương tiện trên đường chưa hẳn là xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật của một số bạn trẻ được coi là “phượt thủ” mà là hành vi cố ý nhằm thoả mãn cái tôi vị kỷ của một số cá nhân.
“Tôi không cho rằng hành vi này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, mà đây là những hành vi có tính chất cố ý nhằm thỏa mãn cái tôi vị kỷ. Những hành vi như vậy theo tôi cần phải có trừng phạt thích hợp. Bởi lẽ, để xảy ra một, hai vụ rồi về sau những phượt thủ sẽ hành xử theo kiểu tự nhiên, đương nhiên và nghĩ rằng những hình thức, hoạt động của mình là độc đáo, có quyền miễn trừ, có quyền ưu tiên và giống như một sự vinh quang, ân huệ riêng trong cộng đồng xã hội”, PGS.TS Trịnh hoà bình nhận định.
Cũng theo PGS. TS. Trịnh Hòa Bình, thời gian gần đây, xuất hiện một nhóm nhỏ các bạn trẻ thường hay lấy lối văn hóa riêng của mình để chống lại những quy định chung của cộng đồng. Khi thực hiện những hành vi vi phạm mà không bị xử lý, họ coi đây là thành quả đáng tự hào.
Chính vì vậy, việc giáo dục trong nhà trường, gia đình, đặc biệt trong công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe có ý nghĩa quan trọng để ngăn chặn hành vi này cũng như nâng cao ý thức của các bạn trẻ khi tham gia giao thông.
Lấy văn hoá riêng để chống lại quy định chung
Trước tình hình giao thông, đặc biệt tại các cung đường du lịch tại Việt Nam hiện nay, hành vi cố tình vi phạm luật giao thông của các phượt thủ càng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Tai nạn giao thông trong quá trình đi “phượt” đã xảy ra không ít, thậm chí, nhiều vụ tai nạn vô cùng thảm khốc.
Thế nhưng, những hình ảnh thảm khốc đó chưa “đủ sức” để các phượt thủ nhận thức, hiểu hơn về tầm quan trọng của việc tuân thủ luật giao thông, đảm bảo an toàn giao thông.
Dàn hàng ngang, phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn, đi không đúng phần đường quy định, chặn đường… những hình ảnh xấu này càng khiến cộng đồng có cái nhìn tiêu cực hơn về loại hình du lịch này.
Hơn thế, những thói quen xấu này có thể được lan truyền như một thứ kinh nghiệm “quý báu” giữa các phượt thủ cũ và mới rồi bám chặt vào nhận thức và mặc định rằng phượt thủ phải như vậy, những hành vi đó là văn hoá của phượt thủ thì càng trở nên đáng sợ hơn.
Cái giá phải trả của thói quen xấu này là tính mạng bản thân, tính mạng của những người tham gia giao thông khác hay ảnh hưởng tới nhóm thanh thiếu niên khi họ học theo, làm theo…
Dù chỉ là hiện tượng của một bộ phận “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng ảnh hưởng tới các phượt thủ chân chính cũng không hề nhỏ. Có xây dựng hình ảnh tốt đẹp tới mấy thì chỉ cần một hành vi xấu cũng đủ để đập tan mọi thành quả.
Đến bao giờ các phượt thủ mới có “hành động” thực sự để cho thấy họ sẵn sàng tuân thủ luật giao thông, đảm bảo về an toàn giao thông, lấy lại cái nhìn thiện cảm từ cộng đồng, thay vì lên mạng kể lể điều tốt mình làm mà chẳng ai ghi nhận…
Đến bao giờ các phượt thủ “ưu tiên” này sẽ nhận ra những lỗi lầm, vi phạm của họ thay vì sự bao biện, chống đối, lấy văn hoá riêng để chống lại quy định chung của cả cộng đồng.
Các phượt thủ “ưu tiên” này có thể cho cộng đồng thấy mình không phải là thành phần “nằm trên” luật pháp được không?