Gặp người phượt thủ già tại 1 quán cà phê của gia đình, ông Hùng dáng người nhỏ nhắn với mái tóc dài được buộc cao, ông khoe với tôi về chiếc áo mặc đến buổi trò chuyện: “Chiếc áo này tôi luôn mặc để thay cho lời cảm ơn người đồng đội đã đồng hành cùng tôi trên chuyến đi xuyên qua 2 châu lục”.
Ông bắt đầu kể về hành trình phượt bằng xe máy phân khối lớn trong 6 tháng của mình một cách say sưa, đôi lúc mắt ông đỏ hoe, ngấn lệ vì xúc động.
Bạt đi mấy vía sau hành trình liều lĩnh
Ngày 2/7/2019, ông Hùng cùng 4 phượt thủ khác (3 nam, 1 nữ) khởi hành từ Việt Nam qua Lào rồi sang Trung Quốc, trong đó 1 người sử dụng phương tiện là ô tô để phượt, còn lại là xe phân khối lớn. Đây là tuyến đường chung của các biker khi muốn phượt ra nước ngoài.
“Tuy nhiên, khi chuẩn bị đến nước Iran thì có 2 người đồng đội tách đoàn, chỉ còn tôi, anh Hà (trưởng đoàn) và bạn Quỳnh Anh (phó đoàn) tiếp tục phượt bằng xe máy phân khối lớn”, ông Hùng cho biết.
Nói về chuyến hành trình, người phượt thủ già thốt lên: Tôi thoát chết, bạt đi mấy vía vì ám ảnh và mấy tháng sau tôi mới hoàn hồn.
Vừa đến Lào được 50km, ông Hùng gặp phải 1 tai nạn lớn, ông phải chủ động đâm xe vào cột mốc bên đường để không bị lao xuống vực. Người văng ra vệ đường, còn xe bị gãy cổ.
Anh trưởng đoàn lo lắng ông không thể tiếp tục hành trình, nhưng ông vẫn kiên quyết sửa xe và lên đường.
Phải đi trong thời tiết âm 15 độ C khi qua nước Nga, Kazakhstan, ông ngã liên tục, có lần tưởng chết vì thời tiết khắc nghiệt quá, có những cung đường 300-400km không có một nhà dân nào.
Kinh khủng đến nỗi, hơi thở ra đến đâu đóng băng đến đấy: “Băng đóng trắng xóa trên kính mũ bảo hiểu. Nên cứ đi được 50km tôi phải dừng lại”.
Dù đi găng tay dày và có túi sưởi ở tay lái nhưng cũng không lại với thời tiết, các ngón tay buốt, chỉ mong đi được 50km để dừng lại ôm 2 bàn tay vào ống xả của xe để cho nóng găng tay, sau đó ốp tay vào kính mũ bảo hiểm để băng tan ra, lau đi và tiếp tục hành trình.
Chai nước buộc ở trên xe chỉ 1 – 2 tiếng là đóng băng. Nên ông luôn để 1 chai nước trong người cho nóng, điện thoại cũng vậy, để trong người cho ấm thì mới mở để xem bản đồ được.
Sợ tuyết đến độ nhìn thấy những thảm cỏ màu xanh khiến ông yêu đời, thậm chí, chỉ cần nhìn thấy màu cỏ úa thôi đã vui rồi, tức là nơi đó có hơi ấm.
Rồi có lần ông cùng 2 người đồng đội phải nằm lại trên đèo ở độ cao hơn 3000m, tuyết bao phủ, trải hết quần áo xuống dưới vẫn rét, mệt đến mức không bò được. Rồi có ngày phải nhịn đói vì xe hỏng và lại phải nằm trên đèo.
Vượt qua 2 châu lục để về trường cũ sau 44 năm
Đam mê phượt và xe máy từ khi còn trẻ, trước chuyến đi “kỷ lục” này ông Hùng đã từng độc hành và khi thì cùng vợ đi khắp đất nước trên chiếc xe 67. Bạn bè quen gọi ông là Hùng 67.
Quyết định đi, ông Hùng chỉ chia sẻ duy nhất với vợ. Trằn trọc suy nghĩ nhiều ngày, ông quyết định viết di chúc và chuyển toàn bộ tài sản cho vợ.
“Tôi nghĩ không nhiều người dám làm điều này, nhưng tôi quyết định làm để có tinh thần thoải mái hơn để lên đường”, ông Hùng nói.
Ban đầu ông chỉ có ý định đi Trung Quốc nửa tháng, nhưng khi biết có khách hàng đặt tour 6 tháng, đi qua 2 châu lục. Ông liền đăng ký với anh Hà (trưởng đoàn): “Nếu đến Nga thì tôi đăng ký đi, vì mong ước trở về thăm trường cũ ấp ủ trong tôi lâu lắm rồi, tưởng tượng đến cảnh dựng chiếc xe máy trước cổng trường rồi chạy ra bãi cỏ ngày xưa tôi hay đá bóng, lúc đó tôi háo hức lắm”.
Đây cũng là động lực lớn nhất thôi thúc “lão đại” U60 đăng ký chuyến đi này.
Khi đặt chân đến nước Nga được 2 ngày, ông Hùng đề xuất 2 người đồng đội đi cùng: “Chú muốn về trường cũ, các cháu hỗ trợ chú được không? 2 người bạn đi cùng đều nhất trí dẫn tôi về thăm trường”.
Về đến ngôi trường Gruzia, nơi mà cách đây 44 năm ông đã học tập và có nhiều kỷ niệm đẹp đẽ của thời sinh viên tinh nghịch. Dựng “ngựa chiến” ở cổng trường, ông Hùng cởi bộ “giáp”, chạy ngay vào cánh rừng thăm lại các gốc cây ngày xưa, trường vẫn như ngày nào nhưng những hàng cây tùng thì cao vút, xòe tán um tùm.
Vì thông thạo tiếng Nga nên ông còn hàn huyên với một số người bán hàng gần trường, rồi quay về xưởng thực tập, gặp 1 số anh bảo vệ ở đó.
“Buồn nhất là khi mọi người nói cô giáo cũ của tôi đã mất”, mắt ông đỏ hoe, giọng như lạc đi vì xúc động.
45.000km và hơn 2000 lít xăng
Cả hành trình đi qua 39 quốc gia, 45.000km và hết hơn 2000 lít xăng. Ông phải thay cả cổ xe khi gặp tai nạn ở Lào, thay 2 chiếc lốp, 3 chiếc xích.
Khi quyết định đi, ông Hùng được trưởng đoàn khuyên nên mua xe phân khối lớn thì mới chinh phục được. Vợ chồng ông vào Sài Gòn và quyết định mua chiếc xe CBX500, giá gần 200 triệu. Chiếc xe thiết kế cho những người cao trên 1m70, nhưng ông Hùng chỉ cao 1m60.
Từng là một kỹ sư của nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, ông mày mò “độ” lại chiếc xe trong suốt gần 4 tháng để phù hợp nhất với bản thân: “Tôi phải hạ thấp xuống, hạ giảm xóc và uốn hẳn 1 chiếc ghi đông mới”.
Cứ sửa rồi lại tập đi miệt mài. Ba chiếc thùng sắt trên xe ông chất cát hoặc nước vào để tập lái cho giống với thực tế, đang trời nắng vẫn mặc bảo hộ, đi giày vào để tập.
Suốt hành trình, sáng nào cũng vậy, trước khi ra khỏi phòng, ông đều niệm phật, cầu xin thần linh, tổ tiên của mình và cả thần linh tại đất nước mà ông đang ở và mong tối nay an toàn để về đến khách sạn ngủ.
Ông gần như không gặp rào cản về ngôn ngữ khi đến các nước bởi ông biết tiếng Nga và tiếng Anh, bạn đồng hành cũng thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh. Nếu không diễn tả được bằng lời thì ông sẽ vẽ ra giấy, hoặc diễn tả bằng ngôn ngữ hình thể.
“Phượt xe máy kỳ diệu lắm”
Từng đi nhiều nơi với nhiều phương tiện, nhưng chỉ khi ngồi trên chiếc xe máy và lướt trên những cung đường thì mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời.
“Ngồi trong ô tô chỉ nhìn được 1 hướng, nhưng ngồi trên xe máy có thể nhìn được 4 hướng, cảm nhận bằng mọi giác quan, kỳ diệu lắm. Nếu đã đi phượt xe máy, có lẽ chẳng phượt thủ nào muốn bước lên ô tô hay máy bay”, ông Hùng chiêm nghiệm.
Phượt thủ lão làng vẫn lâng lâng khi kể lại những kỷ niệm khiến ông không thể nào quên. Đó là những người dân Iran nồng hậu, quý khách, từ trẻ con đến người già, ai cũng vẫy tay chào biker: “Đến nỗi, tôi mỏi cả tay khi vẫy chào lại họ”.
Lão đại cũng thừa nhận ngiêng ngả, mê mẩn và không thể nào quên được cảnh sắc ở đất nước Kygyzstan. Trên đường chinh phục đèo Tossor cao và hiểm trở bậc nhất thế giới, ông được tận mắt chiêm ngưỡng những thảo nguyên đẹp mê hồn, cảnh người dân chăn thả cừu, lừa và ngựa. “Như cảnh thần tiên vậy”, ông Hùng ví von.
Vốn là 1 họa sĩ, chuyên vẽ phong cảnh và đi nhiều nước trên thế giới, nhưng ông khẳng định chưa bao giờ nhìn thấy một khung cảnh đẹp như ở Kygyzstan, thảo nguyên, đồi núi xen lẫn, ngắm mãi chẳng muốn rời đi.
Không chỉ cảm nhận thế giới qua đôi mắt mà ông còn lắng tai nghe từng âm thanh. Là người yêu âm nhạc và có năng khiếu thổi sáo trúc nên ông cảm nhạc rất tốt.
“Cứ nghe thấy tiếng ngỗng là tôi nhớ về đất nước Armenia. Tiếng ngỗng kêu giữa trời hay lắm!”.
Khi đi trên 1 thung lũng nổi tiếng ở nước Armenia, ông dừng chân nghỉ và ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết. Khi tỉnh dậy, mở mắt nhìn lên bầu trời thì nghe thấy tiếng ngỗng kêu và giật mình bởi nhìn thấy đàn ngỗng bay trên trời thành đội hình đẹp như thiên nga, chúng kêu để gọi nhau, tiếng ngỗng từ trên trời vọng xuống, hòa vào không gian trong veo.
Ông còn dùng mũi để cảm nhận mùi hương khi đặt chân đến mỗi đất nước. Đi đến vùng phía Nam của Thụy Sĩ, chắc chắn sẽ ngửi thấy mùi phân bò vì họ nuôi bò rất nhiều, những cánh đồng cỏ phẳng tắp. Hoặc đến một số nước ở Trung Á, mùi cừu dải khắp nơi. Hoặc những đất nước có mùi hương rất thơm, quyến rũ của những cánh đồng hoa.
Đi để trở về chứ không phải đi để đến
Chiều tối ngày 19/12/2019, sau gần 6 tháng rời Hà Nội chinh phục những miền đất mới, ông Hùng đỗ “ngựa chiến” trước của nhà, hít 1 hơi thật sâu và nói bản thân: “An toàn thật rồi”.
Qua cuộc hành trình để đời, ông thấm thía: “Đầu tiên là dám đi, quyết đến và phải trở về. Món ăn tinh thần quan trọng hơn vật chất. Phải làm cho tinh thần thoải mái thì mới đi được xa”.
Khi quyết định chinh phục hành trình, ông đã đặt ra cho mình khẩu hiệu: “Đi để trở về chứ không phải đi để đến”. Ông lấy câu khẩu hiệu đó làm “kim chỉ nam”, nếu chỉ đi để đến thì bạn chỉ chuẩn bị 5 phần nhưng còn đi để về thì bạn phải chuẩn bị gấp đôi.
“Tôi có thể không đến được đích nhưng tôi phải về được nhà”, đó cũng là cách giúp người thân trong gia đình yên tâm, ủng hộ quyết định của mình.
Ông cũng dành lời khuyên với những người trẻ hoặc cả người già đang có ý định đi phượt thì hãy quyết tâm, còn sức khỏe thì cứ đi. Việc chọn người đi cùng hoặc người ngồi sau xe mình cũng phải kỹ càng.
“Tôi rất biết ơn 2 đồng đội của mình, giờ đây chúng tôi là những người bạn của nhau. Những kỷ niệm 3 chú cháu trải qua mãi không bảo giờ quên”, ông xúc động nói.
Những lần xe hỏng phải nằm lại trên đèo, 1 người đi tìm cứu hộ còn 2 người ở lại trông xe, lúc nào cũng lắng tai nghe ngóng, hễ nghe thấy tiếng ô tô là mừng lắm vì có xe đến cứu trợ.
Rồi giây phút 3 chú cháu phóng xe ở Quảng trường Đỏ Matxcova (Nga). “Để có trải nghiệm ấy, chúng tôi phải tính toán trong 2 ngày, để không bị công an phạt”.
Nói về danh hiệu “Kỷ lục Việt Nam”, ông Hùng bày tỏ: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đạt được danh hiệu cao quý đó. Tôi rất cảm động và trân quý tất cả tình cảm mọi người đã dành cho mình”.
Trở về cuộc sống thường ngày, ông Hùng vẫn sinh hoạt ở câu lạc bộ Mô tô Hà Nội, không ngừng lao động để trang trải cuộc sống, rèn luyện sức khỏe để có thể chinh phục những cung đường mới nếu thấy thích hợp.
Tháng 11 vừa qua, ông cùng vợ đi phượt các tỉnh phía Nam của nước ta bằng “ngựa sắt” mà ông từng chinh chiến ở các cung đường thế giới. “Việt Nam của mình cũng đẹp chẳng kém gì thế giới, chi phí lại rất rẻ, các bạn nên đi để chiêm ngưỡng”, ông bày tỏ.
Cuộc trò chuyện với phượt thủ lão làng kết thúc khi đường phố Hà Nội đã sáng đèn, ông Hùng trở về nhà, lên chiếc xe 67 để đi bơi trên hồ Tây, đây là thói quen hàng ngày để ông rèn luyện sức khỏe, bất kể trời rét.