Không tránh khỏi những sự cố
Khi còn là sinh viên năm 3 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Phan Thành Công (22 tuổi), ngụ tại TP.Thủ Đức, đã phải chạy xe từ nhà đến cơ sở của trường ở H.Bình Chánh (TP.HCM) với quãng đường 30 km. Do đó, việc tiếp tục di chuyển 20 km đến cơ quan mỗi ngày không phải là trở ngại quá lớn với Công. Hiện anh chàng đã có gần 2 năm gắn bó với vị trí nhân viên marketing tại một công ty trong lĩnh vực công nghệ ở Q.7, TP.HCM.
Tuy nhiên, nhiều sự cố phát sinh trên đường đến công ty khiến chàng trai này đôi lúc phải kêu than. “Chạy xe vào giờ cao điểm nên không tránh khỏi tình trạng tắc nghẽn giao thông, cộng thêm thời tiết nắng nóng càng khiến bản thân đuối sức. Có hôm mình còn ngủ gật khi đang cầm lái và dẫn đến việc té xe”, Công kể.
Công cho biết vào những ngày cần có mặt tại trường quay lúc 6 giờ sáng để quay TVC, anh chàng đành chọn đi xe ôm công nghệ với mức giá từ 70.000 – 80.000 đồng/lượt để kịp đến nơi làm việc.
Tương tự, Nguyễn Thị Cẩm Hà (22 tuổi), ngụ tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cũng gặp nhiều trắc trở trên quãng đường 30 km từ nhà đến trung tâm Nhật ngữ ở TP.Thủ Đức, nơi cô theo giảng dạy đã được 1 năm. Mỗi ngày, cô phải lọ mọ dậy chuẩn bị từ sáng sớm, thậm chí còn nhịn đói vì sợ đến muộn so với giờ làm. Ngoài ra, những dòng xe kẹt cứng trên quốc lộ 1A luôn là nỗi ám ảnh của Hà.
“Mình tốn khoảng 1 tiếng rưỡi để di chuyển đến nơi làm việc. Khoảng thời gian này thực sự tiêu hao khá nhiều năng lượng của bản thân”, Hà bày tỏ.
Từng làm tiếp thị nội dung cho một studio tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM vào tháng 11.2022, Đinh Thị Thúy Huyền, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng tự nhận bản thân như đi phượt trên quãng đường 30 km từ chỗ ở đến nơi làm việc. Hơn nữa, vì phải di chuyển thường xuyên để gặp khách hàng, Huyền phải thức dậy sửa soạn một cách chỉn chu nhất từ 5 giờ 45 phút sáng.
“Có một khoảng thời gian, tôi lựa chọn đi xe buýt để tiết kiệm chi phí. Có hôm, tăng ca đến 9 giờ tối và lúc đó đã lỡ mất chuyến xe buýt cuối cùng. Mình phải ngậm ngùi nhờ người thân chạy từ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai lên Q.Bình Thạnh, TP.HCM để đón về”, Huyền kể.
Chấp nhận đánh đổi
Với Công, phúc lợi và môi trường làm việc văn minh chính là điều kiện tiên quyết để anh chàng chấp nhận việc phải đi làm xa mỗi ngày. “Có nhiều lúc xe bị bể bánh hay phải dầm mưa 1 tiếng đồng hồ trên đường đến cơ quan, nhưng đổi lại mình được nhận mức lương thưởng như ý, kèm theo quà tặng từ công ty vào dịp lễ”, Công cho biết.
Đồng tình với Công, Nguyễn Nữ Hoài Ngọc (22 tuổi), thực tập sinh pháp lý cho một công ty luật nước ngoài ở Q.1, TP.HCM, cũng không xem khoảng cách từ nơi sinh sống (TP.Thủ Đức) đến chỗ làm việc là một vấn đề gì quá lớn. Cô cho hay: “Không chỉ có cơ hội trải nghiệm cơ sở vật chất hiện đại mà mình còn được gặp gỡ những người đồng nghiệp giỏi và đã học hỏi từ họ rất nhiều thứ”. Đồng thời, Ngọc cũng bằng lòng với việc đi sớm về muộn vì chi phí thuê trọ ở trung tâm thành phố quá đắt đỏ.
Với N.L.N.T (22 tuổi), nhân viên phòng cung ứng tại một công ty phân phối đồ dùng cho trẻ sơ sinh ở Q.1, TP.HCM, thì việc phải di chuyển khoảng 17 km đến nơi làm việc cũng giúp cô có lối sống kỷ luật hơn, mỗi ngày dậy từ sáng sớm để chuẩn bị phần cơm trưa mang theo. “Đặc biệt, cấp trên ở công ty rất thân thiện và thường xuyên mua đồ ăn cho nhân viên. Tiếng tăm của nơi đây cũng giúp tôi “làm đẹp” CV của mình hơn”, Thảo kể thêm.
Còn với Thúy Huyền, dù mỗi ngày cũng đi làm như đi phượt nhưng điều làm cô hài lòng nhất là được sống với đam mê. Huyền giãi bày: “Dù không có nhiều thời gian đi chơi với bạn bè khi làm việc ở xa nhưng điều mình nhận lại là sự cọ xát thực tế và được dẫn dắt bởi một chuyên gia có tiếng trong ngành. Và hơn hết là được sống đúng với đam mê”.
Từng làm thực tập sinh truyền thông cho một quỹ xã hội có trụ sở ở Q.3, TP.HCM, Bành Bội Hàm (25 tuổi), ngụ tại H.Hóc Môn, TP.HCM, cũng thừa nhận có chung suy nghĩ với Huyền. Lúc bấy giờ, dù chỉ được nhận số tiền phụ cấp là 1,5 triệu đồng/tháng, Hàm vẫn thấy hài lòng. Cô giải thích: “Công việc ấy đã giúp mình thực hiện lý tưởng của bản thân là góp phần chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Tôi cũng đã có cơ hội gặp nhiều anh, chị nghệ sĩ và các nhà tài trợ từ những thương hiệu có tiếng. Đó là trải nghiệm vô giá của tuổi trẻ”.