Đi phượt cũng như đi du lịch, mục đích chính là được thấy, được trải nghiệm. Nên việc đi bằng cách nào hoặc nghỉ ngơi chỗ nào cũng tùy sở thích mỗi người. Miễn là bạn đảm bảo sức khỏe, an toàn, thoải mái là được.
Bạn đi đường dài thì phải chuẩn bị những thứ cơ bản như: thuốc men, hành lý, vệ sinh cá nhân… Đấy là những điều tối thiểu mà ai đi du lịch cũng phải trang bị. Nếu có điều kiện hơn thì bạn có thể tìm thêm thông tin trên Google, hay các hội nhóm trên mạng để hỏi thêm kinh nghiệm của những người đi trước. Tôi luôn quan niệm rằng thà biết mà không dùng đến còn hơn là mù tịt.
Còn chuyện “ăn bờ ngủ bụi” như nhiều người từng chê trách về những phượt thủ, cá nhân tôi cho rằng đó là chuyện rất bình thường với những người đi du lịch bụi. Tất nhiên, phải hiểu là chẳng ai muốn thế, chỉ hoàn cảnh bắt buộc mà thôi. Tôi cũng có lần phải ngủ trên núi ở Bắc Sơn, ngủ trong lán ở bìa rừng Mường Nhé, hay chạy xe xuyên đêm mưa, đầy bùn lầy ở Điện Biên để đến được cực Tây của Tổ quốc.
Chuyến đi đó diễn ra vào năm 2015, do đi chung với công ty nên 19h tôi mới đến Điện Biên Phủ. Suy nghĩ mãi, tôi quyết định thuê xe ôm với giá 1,7 triệu đồng để đi cực Tây ngay trong đêm vì chỉ còn ba ngày là phải lên máy bay về. Tháng 8 nên miền núi phía Bắc toàn lở núi. Tôi đi xe mà bùn ngập đến gối, phải phụ người xe ôm đẩy xe trong rừng vào lúc 23h, sợ hãi không thể tả. Cũng may tôi vẫn hoàn thành chuyến đi đáng nhớ này.
Còn chuyến leo núi để chụp thung lũng Bắc Sơn, do trời tối không xuống núi được nên tôi đành phải ngủ ngay dưới Seno trạm viba khi trời mưa tầm tã. May mắn tôi không bị rắn rết tấn công. Kể ra mấy chuyện như vậy để các bạn thấy rằng hầu như ai đi du lịch khám phá cũng đều gặp phải những tình huống khó lường tương tự. Khi đó, bạn chỉ có thể phải chấp nhận và tìm cách thích nghi bằng sự chuẩn bị từ trước. Tất cả đều phải đánh đổi.
>> Đi phượt kiểu ‘mắc võng nằm rừng’
Đôi khi, trên chuyến đi dài ngày, bạn sẽ không tránh khỏi những điều đó, nhưng vì thời gian và hoàn cảnh nên cũng phải trải qua. Bù lại, đến nay, tôi đã đi được 43 trên tổng số 63 tỉnh ở Việt Nam. Tôi từng đi xe máy liên tục hơn 250 km trong ba ngày liên tục. Thú thức, lúc đó, xương cụt của tôi buốt đến tận óc. Tôi có hai chuyến đi Hà Nội – Tà Xùa – Mù Cang Chải với quãng đường hơn 1.000 km và Hà Nội – Thái Nguyên – Lạng Sơn – Cao Bằng với chiều dài tương tự. Đó đều là những trải nghiệm vô cùng gian nan, đòi hỏi thể lực và tinh thần vô cùng khủng khiếp.
Tôi không hiểu sao nhiều người lại nghĩ phượt tức là đi ngẫu hứng và không có kế hoạch. Đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Nếu đi nhiều thì bạn sẽ hiểu là việc lên kế hoạch trước mỗi chuyến đi quan trọng thế nào? Phượt không có nghĩa là mong chờ khó khăn để chứng minh khả năng của bản thân như một số bạn vẫn nghĩ. Chỉ có những người ít đi hoặc bám víu vào các danh xưng mới cố nghĩ ra phải mạo hiểm thế này, liều lĩnh thế kia mới gọi là phượt.
Mục đích của tôi khi đi phượt chỉ là cố gắng đi càng nhiều càng tốt, hoàn thành chuyến khám phá đến 63 tỉnh trên cả nước. Dĩ nhiên, sẽ chẳng có chuyến đi nào trọn vẹn đến mức tôi biết rõ mọi thứ ở nơi mình đặt chân đến. Nhưng tôi luôn trân trọng những trải nghiệm cuộc sống và văn hóa của mỗi vùng miền của Tổ quốc.
Ngược lại, tôi cũng không bao giờ đánh giá người khác vì lựa chọn cách đi du lịch thế nào, miễn là họ đi đến nơi, về đến chốn, được giải tỏa, được mắt thấy tai nghe, vậy là quá tốt rồi. Tại sao chúng ta cứ phải phán xét người khác? Mỗi người mỗi sở thích, cuộc sống khác nhau, việc đánh giá chỉ nhằm nâng cao cái tôi của bản thân chứ chẳng đạt được cái gì gọi là thực tế. Nên cho dù bạn đi du lịch bằng máy bay, siêu xe, ngủ khách sạn 5 sao; hay chạy xe máy, mắc võng nằm rừng, cũng vẫn tốt hơn việc chỉ ru rú ở nhà và không biết gì về cuộc sống.
Trung Dung
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Tôi đi phượt không ‘ăn bờ ngủ bụi’
- Chuyến đi phượt khổ ải chỉ vì tin một bài review
- Trải nghiệm nhớ đời khi đi phượt một mình
- ‘Khách du lịch Việt quá hiền’
- Điểm sáng nhờ không quảng cáo ở Phú Quốc