Tháng 1: Ngày 05&06(ÂL), tại Thị xã Sông Cầu: Lễ hội Sông nước Tam Giang
Lễ hội diễn ra nhiều cuộc thi như đua thuyền rồng, lắc thúng chai, đan lưới… được tổ chức trên dòng sông Tam Giang thu hút đông đảo du khách đến từ các vùng trong và ngoài tỉnh.
Ngoài các môn thể thao dưới nước, lễ hội còn tổ chức các trò chơi dân gian như bắt vịt trên sông, leo cột, đẩy gậy… Tất cả mang đến bầu không khí sôi sục, khẩn trương cho cả một vùng sông nước dịp đầu năm mới.
Tháng 1 – 6&7(ÂL), tại Xã An Cư, huyện Tuy An: Lễ hội Đầm Ô Loan
Lễ hội “đua thuyền truyền thống Đầm Ô Loan” đã có từ trước ngày giải phóng đến nay được tổ chức ngay trên danh thắng quốc gia là nét đẹp truyền thống của cộng đồng dân cư các xã của huyện Tuy An sống ven đầm. Lễ jppok thu hút hàng trăm vận động viên tham gia 4 nội dung như đua thuyền rồng nam, thuyền chài 04 người, sõng lưới 02 người (nam, nữ) và sõng chống sào. Đây là hoạt động chính của lễ hội, thể hiện tính đoàn kết, sức khỏe dẻo dai, mạnh mẽ của thanh niên, thanh nữ để lao động, đem lại lợi ích cho gia đình và xã hội.
Ngoài ra, các trò chơi diễn ra trong lễ hội thường có là quăng chài đánh cá, mở mắt bắt vịt, bơi chài (nam, nữ), bơi bộ (nam, nữ), móa hát bội.
Tháng 1-7(ÂL), tại Phường 6, TP. Tuy Hòa: Lễ hội Sông nước Đà Nông
Nơi đây đã thành điểm đến du xuân đầu năm hấp dẫn để được xem bà con trong huyện cùng nhau tranh tài với các môn thi như bơi lội, lắc thúng chai, đua thuyền rồng, trước đó là lễ cầu ngư, hát lăng và chương trình văn nghệ mừng năm mới.
Tháng 1-8 (ÂL), tại Xã Hòa Hội, Huyện Phú Hòa: Lễ hội Đập Đồng Cam
Ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm trở thành ngày hội đập Đồng Cam, đông đảo bà con nhân dân và du khách gần xa về đây để thắp hương tưởng niệm những người công nhân đã mất trong quá trình xây dựng đập và du xuân đầu năm mới.
Tháng 1-9 (ÂL), tại Xã An Xuân, Huyện Tuy An: Hội đua ngựa Gò Thì Thùng
Vào mùng 9 Tết, từng dòng người từ các xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân (huyện Sơn Hoà), Xuân Phước, Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), 16 xã, thị trấn (huyện Tuy An) và khắp nơi trong và ngoài tỉnh nô nức đổ về Gò Thì Thùng trong cái nắng ấm vùng cao ngày đầu xuân.
Điều khá lạ là chiến mã tham gia cuộc đua chủ yếu là ngựa cái, chuyên thồ nông sản của người địa phương, còn ngựa đực chỉ được dắt đến để …làm cảnh, không cho tham gia đua!. Khi ra sân, những chú ngựa này được khoác thêm tấm vải màu cho thêm phần long trọng. Các kỵ mã chính là những nông dân chân lấm tay bùn. Người và ngựa đều không chuyên nhưng không khí trường đua hấp dẫn. Tiếng trống giục, tiếng vỗ tay, tiếng hò reo cổ vũ đã làm cho cuộc đua tăng thêm sức nóng.
Tháng 1-10&11(ÂL), tại Xã An Dân, Huyện Tuy An: Lễ hội Chùa Từ Quang
Lễ hội Chùa Từ Quang được tổ chức nhằm giúp cho tăng ni, Phật tử và nhân dân khắp nơi về đây tưởng nhớ các vị hòa thượng đã có công lao khai lập, trụ trì và những anh hùng của dân tộc từng chọn nơi đây làm căn cứ đấu tranh giữ nước, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đồng thời, lễ hội còn là dịp cho thanh niên trai tráng tại địa phương biểu thị sức khỏe qua các trò chơi dân gian như thi đấu bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy và nhảy thụng.
Tháng 1-15 (ÂL), tại Núi nhạn, TP. Tuy Hòa: Hội thơ Nguyên tiêu Núi Nhạn
Đây là lễ hội thơ đương đại xuất hiện sớm nhất sau ngày đất nước thống nhất, luôn quy tụ đông đảo các nhà thơ và người yêu thơ trong, ngoài tỉnh. Tình bạn thơ ấm áp bốn phương tiếp thêm “lửa” cho thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn.
Không như Ngày thơ ở những nơi khác, Hội thơ Nguyên tiêu truyền thống trên núi Nhạn đã trở thành một lễ hội văn hóa thực sự của người dân đất Phú. Họ đến đây để được sống trong không khí thiêng liêng của cái đẹp mà thơ mang lại.
Sự quy tụ bạn thơ bốn phương đã tiếp thêm “lửa” cho hội thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn có bề dày truyền thống bền lâu nhất nước, để chúng ta cùng hướng tới một festival thơ hoành tráng trong tương lai. Tại sao không?
Tháng 1-13 (ÂL), tại Phường 1, TP. Tuy Hòa: Hội chùa Ông
Tháng 1-27&28 (ÂL), tại Xã An Hiệp, Huyện Tuy An: Lễ hội đền Lê Thành Phương
Ngày 27/9/1996, Bộ Văn hoá Thông tin quyết định công nhận di tích Mộ và Đền thờ Lê Thành Phương là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.Ngày 20/02/1887 (tức 28 tháng Giêng, năm Đinh Hợi -1887) Lê Thành Phương bị địch xử tử tại bến đò Cây Dừa (nay thuộc xã An Dân- H. Tuy An). Mộ Lê Thành Phương đặt trên núi Đá Trắng, gần đèo Quán Cau, đã được trùng tu khá khang trang. Đền thờ Lê Thành Phương được xây dựng dưới chân núi Đá Chồng.
Hằng năm, vào ngày giỗ của ông (28 tháng Giêng âm lịch), nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội Đền Lê Thành Phương thu hút hàng ngàn khách phương xa đến tham quan, tìm hiểu.
Tháng 1 Tỉnh Phú Yên: Hội bài chòi
Ở Phú Yên, hội đánh Bài Chòi còn có một nét riêng mà không phải ở hội đánh Bài Chòi nơi nào cũng có. Đó là, ngoài những người mua thẻ và được ngồi trên các chòi, một số người khác cũng mua thẻ nhưng trải chiếu ngồi dưới đất (xung quanh các chòi) cùng tham gia đánh. Và, trong cuộc chơi, đôi khi xuất hiện cảnh Anh Hiệu và một chân bài nào đó trên chòi đối đáp với nhau, như trường hợp đánh Bài Chòi ở làng Long Thủy, xã An Chấn, huyện Tuy An. Còn một nét khác biệt nữa, là việc dâng tiền thưởng, không chỉ là hành động dâng tiền một cách đơn điệu, mà Anh Hiệu còn biểu diễn một vài làn điệu cổ, như xuân nữ, xàng xê, hò quảng,… để gửi những lời chúc an khang thịnh vượng, mua may bán đắt,… tới người trúng thưởng.
Với những giá trị văn hóa tiêu biểu của di sản, Bài Chòi Phú Yên đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.
Tháng 2-6 (ÂL) tại Xã Hòa Trị, Huyện Phú Hòa: Lễ hội đền Lương Văn Chánh
Hàng năm cứ vào ngày mùng 6/2 âm lịch (ngày nhận sắc lệnh) và ngày 19/9 âm lịch (ngày mất) người dân Phú Yên tổ chức Lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh với sự tham gia đông đảo của bà con nhân dân và du khách gần xa. Du khách có thể tham gia vào các trò chơi dân gian như đánh bài chòi, kéo co, thi nấu cơm, bắt vịt dưới sông, thi đấu cờ tướng, cờ người, đập ấm đất… thể hiện nét văn hóa truyền thống của người dân sinh sống trên vùng đất Phú Yên.
Từ tháng 2 đến tháng 8 tại các vùng ven biển Phú Yên: Lế hội cầu ngư
Được tổ chức thường xuyên hàng năm tại những địa phương ven biển Phú Yên thuộc các huyện Sông Cầu, Tuy An, Đông Hòa và TP. Tuy Hoà- nơi phần lớn dân cư sống bằng nghề đánh bắt hải sản, lễ hội thường được tổ chức vào tháng 2 – 8 Âm lịch khi ngư dân chuẩn bị vào vụ đánh bắt cá chính trong năm. Mục đích của lễ hội là cúng tế các vị tiên hiền địa phương và thần Ông Nam Hải, cầu cho sóng lặn biển êm, cá mực đầy thuyền. Lễ hội bao giờ cũng gồm cả phần lễ và phần hội. Phần lễ được thực hiện với nhiều nghi thức trang nghiêm ở nơi điện thờ của làng, xã như: lễ dâng cúng vật phẩm, lễ đọc văn tế, những tiết mục múa thiêng, hò bá trạo, hát khứ lễ… và phần hội là buổi tiệc chiêu đãi khách, hát bội và các trò chơi dân gian. Tính chất của lễ hội cầu ngư là nơi gặp gỡ, chuyện trò, tham dự sinh hoạt văn hoá của đông đảo nhân dân địa phương. Lễ hội thu hút chẳng những nhân dân các vùng lân cận, mà còn cả những người ở xa tới dự.
Từ tháng 3 đến tháng 5, tại Dân tộc thiểu số ở Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh: Lễ hội mừng sức khỏe
Tuỳ theo hoàn cảnh ở từng địa phương mà bà con tổ chức lễ hội mừng sức khỏe.
Từ tháng 3 đến tháng 5, tại Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh: Lễ hội mừng lúa mới
Sau khi thu hoạch lúa xong, thường là vào dịp tháng 3 hàng năm, đồng bào các dân tộc thiểu số Phú Yên tổ chức lễ ăn mừng lúa mới tại từng gia đình vừa để tạ ơn thần lúa, vừa để vui mừng về những thành quả lao động đã đạt được. Trong lễ hội này người ta đánh cồng, chiêng, trống, vui chơi ca hát, uống rượu cần thâu đêm suốt sáng. Tuy không có sự phân công trước, nhưng các gia đình cứ trông nhau mà tổ chức theo thứ tự từng nhà một. Sau khi tan buổi lễ mọi người đều hy vọng về một mùa bội thu sắp đến.
Từ tháng 3 đến tháng 5, tại Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh: Lễ bỏ mã
Là lễ lớn của đồng bào dân tộc miền núi Phú Yên, gồm cả phần lễ và phần hội. Họ có quan niệm con người sau khi chết đi thì linh hồn vẫn còn tồn tại, sau lễ bỏ mả mới về hẳn với thế giới tổ tiên, lúc này được coi như lần cuối cùng tiễn biệt người chết. Cùng với phần nghi lễ là phần hội như: ca hát, nhảy múa, đánh cồng chiêng, kể khan … . Khách mời không những chỉ người thân, bạn bè, bà con trong buôn, mà còn cả bà con các buôn lân cận đến tham dự. Gắn liền với ngày làm lễ bỏ mả là ngày dựng xong nhà mồ, đây là một công trình nghệ thuật đặc trưng của đồng bào dân tộc miền núi Phú Yên.
Từ 21 – 23 tháng 3 (ÂL), tại Tháp Nhạn, P.1, Tp. Tuy Hòa: Lễ Vía Bà
Vào mỗi dịp lễ, Tết, mồng 1 và 15 âm lịch hằng tháng, nhân dân trong vùng đều đến đây cầu nguyện cho cuộc sống được bình an. Tháng 3 âm lịch hàng năm, tại đây diễn ra Lễ hội vía Bà – Tạ ơn Mẹ Xứ sở, vị thần đã có công dạy người dân nghề nông, nghề dệt, che chở và bảo vệ mọi người khỏi thiên tai, địch họa. Với ý nghĩa ấy, lễ hội vía Bà (hay còn gọi là lễ hội Tháp Nhạn) là lễ hội chung của nhân dân trong vùng, của cả người Chăm và người Việt dọc khu vực miền Trung cùng hành hương, dâng hương. Ngày nay, lễ hội còn thu hút hàng ngàn du khách thập phương đến tham dự.
(Nguồn: phuyentourism.vn)