Đi phượt là một hình thức để khám phá cảnh quan thiên nhiên, những công trình kiến trúc kĩ vĩ được thiên nhiên ban tặng hay thậm chí chỉ là vẻ đẹp đơn sơ, giản dị. Với quốc gia đa dạng về mặt địa hình như Việt Nam: 3/4 diện tích là đồi núi, đường bờ biển dài 3260km, sự đa dạng về dân tộc với 54 dân tộc anh em cùng chung sống, sự đa dạng về hệ thống vịnh, hang động, đèo, núi…sẽ giúp bạn có những cảm nhận mới, trải nghiệm mới về đất nước cũng như con người tại từng vùng miền. Vì lẽ đó, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam rất thích hình thức đi “Phượt”. Cũng từ sự ảnh hưởng này của các bạn trẻ nước ngoài mà nhiều năm qua, các thanh niên Việt cũng rộ lên trào lưu đi phượt mỗi khi có cơ hội.
Ý nghĩa đi “Phượt” trong mắt người trẻ
Với gánh nặng về tiền bạc, sự nghiệp của nhiều bạn trẻ, đi phượt là cách để họ giải tỏa những áp lực của công việc, những gánh nặng của cuộc sống. Họ có thể tìm thấy niềm vui của chính mình, tìm ra những sở thích mới cho bản thân sau những chuyến đi đó.
Bên cạnh đó, đi “Phượt” là một phương pháp để hoàn thiện bản thân. Là những người đam mê phượt họ mang trong mình sự khao khát chinh phục thiên nhiên, chinh phục chính mình vượt qua khỏi vùng an toàn của bản thân dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách. Nhờ đi phượt bạn có thể biết được cách sinh tồn trong những hoàn cảnh khó khăn, giúp bạn trở nên kiên trì và sẵn sàng đương đầu với những khó khăn thử thách đó.
Phượt thủ Phong Vân – Cái tên được rất nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ về kỹ năng xử lý trên các cung đường cho đến hành động anh hùng, dũng cảm, nhân nghĩa, thông minh, sẵn sàng ra tay cứu giúp những người gặp khó khăn trên đường. Anh Phong Vân cho biết: Phượt là một phần không thể thiếu trong những năm tháng tuổi trẻ của tôi. Phượt khiến tôi cảm nhận thêm ý nghĩa cuộc sống. Mỗi lần đi đến một địa danh nào đó, tôi thấy yêu quê hương đất nước mình hơn và mình cần phải có nhiều hơn những việc làm tốt đẹp dành cho cộng đồng… Bởi không ở đâu đẹp hơn quê hương xứ sở của mình.
Đối với Minh Anh – Sinh viên trường Đại học Hà Nội cho biết: Phượt là một nét văn hóa du lịch hiện đại, tiết kiệm và mang giá trị đội nhóm cao đối với các bạn trẻ hiện nay. Chúng tôi đã từng các bạn sinh viên nước ngoài lập nhóm đi Phượt rất nhiều nơi ở Việt Nam. Mỗi lần đi chúng tôi học được nhiều điều từ kỹ năng của các thành viên, trong đó có kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng bảo vệ bản thân trước các tình huống bất ngờ, kỹ năng để trở thành thủ lĩnh… Văn hóa Phượt nếu áp dụng đúng nghĩa, bài bản thì rất tích cực và rất tốt cho người trẻ muốn trưởng thành.
Bạn trẻ làm gì với mặt trái của văn hóa “Phượt”?
Bên cạnh những mặt tốt, “Phượt” từ một hoạt động mang rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp về du lịch bụi đã bị nhiều người biến tướng, khiến dư luận mỗi lần nhắc đến chữ này đều có phần kiêng dè, ái ngại. Từ một sở thích lành mạnh của giới trẻ, thông qua những chuyến đi dài ngày bằng phương tiện cá nhân để ngắm nhìn vẻ đẹp của đất nước, trào lưu đi “Phượt” đang dần biến tướng, trở thành sân chơi cho những “quái xế” thích thể hiện. Đi tour “bạo lực” đang trở thành trào lưu nguy hiểm của những thanh niên mê tốc độ. Từ phong trào đi “Phượt”, các nhóm thanh niên tuổi đời còn khá trẻ đã đưa ra cho nhau những ngưỡng thử thách về tốc độ để vượt qua. Những đoàn xe được chế, “độ” máy nhằm tăng công suất vận hành thay phiên nhau phóng như bay trên nhiều nẻo đường, khiến ai chứng kiến cũng hoảng hồn. Cũng từ sự thiếu ý thức này mà những cuộc dạo chơi lại vô tình trở thành các cuộc hẹn với… “tử thần.
Ngô Huy Hòa – Một nhiếp ảnh gia từ niềm đam mê du lịch “Phượt” – Anh không phải là một cái tên xa lạ trong cộng đồng phượt những người yêu nhiếp ảnh. Những bức ảnh, những kinh nghiệm phượt mà anh chia sẻ trên Facebook và các diễn đàn là một nguồn tin uy tín, quý giá với tất cả những ai đang chuẩn bị bước chân vào một hành trình đến vùng đất mới.
Anh Hòa cho rằng: Phượt không giống hình thức du lịch khám phá và càng khác xa du lịch nghỉ dưỡng. Có một nguyên tắc mà bất cứ phượt thủ nào phải ghi nhớ, đó là không làm ảnh hưởng đến văn hóa và cuộc sống của người dân bản địa. Đừng nghĩ rằng, cứ “xách ba lô lên và đi” là đã trở thành phượt thủ. Có thể ban đầu, “phượt” là từ rất hay. Nhưng bây giờ, ngay cả một số phượt thủ chân chính cũng không muốn nhận “danh hiệu” này. Bằng những hành động vô ý thức, bằng sự bồng bột, thiếu hiểu biết, nhiều bạn trẻ đang khiến khái niệm “phượt” bị hạ thấp, mất đi ý nghĩa ban đầu. Giờ đây, phượt đang dần trở thành phong trào. Điều tất yếu, khi một phong trào lan rộng, bao giờ nó cũng có 2 mặt: tốt – xấu. Những phượt thủ chân chính thì không nói, nhưng những người không hiểu, không biết về phượt mà chỉ a dua theo trào lưu, rõ ràng sẽ để lại hậu quả khôn lường.
Để giữ gìn nét đẹp của văn hóa “Phượt”
Việt Nam là một địa bàn khá lý tưởng cho các bạn trẻ sử dụng hình thức du lịch “Phượt”. Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan hùng vĩ, con người hiền lành chất phác đấy được xem là địa điểm hấp dẫn thu hút được nhiều bạn trẻ đam mê đi phượt không chỉ ở trong nước mà còn du khách quốc tế. Khu vực miền núi phía Bắc, bạn có thể tham quan các địa điểm nổi tiếng như: Cột cờ Lũng Cú( Hà Giang), sông Nho Quế, cổng trời Quảng Bạ (Hà Giang), Hang Táu (Mộc Châu),… Miền Trung, các bạn đến với Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Bình Thuận… với vô vàn cảnh đẹp và cung đường rất đẹp cho các tay “Phượt” thỏa mãn niềm đam mê. Về với miền Nam, nổi bật là Cao nguyên Lâm Viên- Đà Lạt – hay còn gọi là cao nguyên Lang Biang với độ cao trên 2.000m so với mặt nước biển. Tại đây những “phượt thủ” thường chọn leo núi để chinh phục đỉnh LangBiang – Nóc nhà Tây Nguyên.
Khi viết bài này, chúng tôi đã tìm đến anh Phong Vân – Từng là thủ lĩnh của một nhóm phượt gần 200 người cách đây rất nhiều năm. Với kinh nghiệm và kỹ năng chuyên nghiệp, anh chia sẻ với các bạn trẻ về cách đi phượt bài bản và an toàn như sau:
Để có một chuyến đi chơi bổ ích và an toàn, các bạn trẻ phải biết cái gì nên hay không nên, cái gì cần thiết hay có thể bỏ qua để chuyến đi lý thú và chịu ít rủi ro nhất.
Trước mỗi chuyến đi, mỗi nhóm nên tổ chức các buổi offline, gặp mặt mọi người, nói rõ mọi vấn đề cho mọi người ứng phó với bất trắc có thể xảy đến. Trưởng đoàn luôn là người để cả nhóm noi theo. Đừng nghĩ trưởng đoàn chỉ cần tập hợp đủ nhóm, thu đủ phí là xong.
Trách nhiệm của người dẫn đoàn rất lớn, cả về ý nghĩa vật chất lẫn tinh thần. Trưởng đoàn phải là người nắm được từng đường đèo, từng khúc cua. Nếu không thể đảm bảo được an toàn cho mọi người, thiết nghĩ người trưởng đoàn đó cần phải xem xét lại.
Tuy nhiên, mỗi người cũng nên có trách nhiệm với chính bản thân mình. Công nghệ thông tin giờ phát triển, nên ngoài việc học hỏi từ trưởng đoàn, các bạn có thể xem thêm trên các diễn đàn, hội nhóm. Những thông tin đó hoàn toàn hữu ích và có thể giúp cho các bạn rất nhiều trên cung đường phượt.
Một số lưu ý khi đi “Phượt”
Thứ nhất, kiểm tra kĩ phương tiện di chuyển trước đi phượt để tránh gặp những sai sót trong quá trình di chuyển.
Thứ hai, chuẩn bị những vật phẩm thiết yếu cho quá trình đi như quần áo, đồ ăn, nước uống, vật dụng y tế cá nhân trong trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe…
Thứ ba, sự an toàn của chính bản thân và những người tham gia trong suốt quá trình đi phượt.
Nguyễn Vũ Dạ Ngân
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
Để biết thêm thông tin chi tiết về chuyến đi phượt, hãy truy cập Campingviet.vn.