.
Một chiều cuối năm 2016, những tỉnh lân cận thì mưa như bão, nhưng Phan Thiết lại nắng cháy. “Bắt” con xe máy từ thành phố men theo đường cái quan, một bên là núi, một bên là biển và khá nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, vượt trạm thu phí Sông Phan rồi rẽ phải theo ngã ba nhỏ đến suối Nhum…, phóng chừng hơn tiếng tôi đến Mũi Kê Gà ở xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Mũi Kê Gà là một hòn đảo nhỏ (còn gọi là Hòn Bà), nằm cách đất liền khoảng 500m, được xem là hòn đảo có cảnh quan đẹp nhất vùng biển Phan Thiết. Độc đáo của bãi biển Mũi Kê Gà là những bãi đá đủ kích cỡ, hình dạng… xếp chồng lên nhau như một bức tranh đá rắn chắc. Mũi Kê Gà còn có di tích ngọn hải đăng nổi tiếng.
Leo lên hàng trăm bậc cấp xoáy trôn ốc để lên đỉnh tháp hải đăng cao gần 100m so với mực nước biển, ông già Quý – một dân chài địa phương như một hướng dẫn viên chính hiệu – cho biết: Do thế đá xếp chồng như những hòn trống, mái; như cọc chông Bạch Đằng bảo vệ vùng biển không để người “bạch tạng” vào vùng đất phương Nam, nên lắm tàu buôn khi qua đây đã bị đá đánh chìm. Vì vậy khi chiếm được Trung Kỳ, người Pháp đã nghiên cứu và cho xây ngọn hải đăng Kê Gà để hướng dẫn tàu vận tải của quân đội cũng như tàu buôn của nước ngoài qua lại giao thương. Ngọn hải đăng xây trong 2 năm (1897 – 1899) và đến năm 1900 thì người Pháp đặt thêm trên ngọn tháp một bóng đèn lớn 2.000W quét xa 22 hải lý (tương đương 40km).
Thú nhất khi “phượt” Mũi Kê Gà là đi câu đêm. Hải – người bạn ở thị trấn LaGi, “ông trùm” thu mua hải sản ở Hàm Thuận Nam – đưa tôi lên con tàu gỗ nhỏ của ông già Quý. Đêm, ông già Quý cho tàu rời Mũi Kê Gà chạy ra biển chừng vài trăm mét thì thả neo bên cạnh những con tàu khác đang sáng đèn. Biển đêm thật kỳ bí nhưng thật đẹp khi sóng làm những con tàu nhỏ chòng chành, lắc lư như hòa chung một vũ điệu. Như tay chơi chính hiệu, Hải mở đèn rọi xuống biển, phía dưới làn nước trong xanh tôi nhìn rõ mồn một từng đàn cá bơi lượn. Chỉ cho tôi, Hải bảo: “Đúng là vương quốc của cá hanh”. Chỉ hai lần buông câu, ông Quý và Hải đã lôi lên hai con cá hanh lớn bằng bắp chân. Đã chuẩn bị sẵn, hai người để nguyên cá đang giãy đành đạch dùng dao lướt nhẹ hai bên lườn lấy ra miếng thịt thăn, tươi ngon, vắt lên miếng chanh, phần cá còn lại bỏ vào nồi nước sôi ở bếp ga đang đỏ lửa, thêm nắm gạo, hành hoa là có nồi cháo cá thơm ngào ngạt. Phải nói là “gỏi cá hanh” ăn tại chỗ nhắm với cút rượu gạo chính hiệu LaGi… dù người tôi đang lờ đờ say vì sóng biển cũng tỉnh cả người.
Chưa hết, Hải còn lôi ở cạp tàu ra một xô nhựa nhỏ, dùng đôi găng tay cao su bắt ra những con hình tròn dẹt, gai tua tủa, con to nhất như quả cam sành mà Hải gọi là con nhum. Ông Quý như chuyên gia ẩm thực, nhanh nhẹn dùng dao lật 2 mảnh vỏ lấy ra những miếng thịt trắng, hồng. Được miếng nào ông thả vào cái chén nhỏ vắt chanh sẵn rồi chia cho từng người. Ông cười sảng khoái, giới thiệu: Đây gọi là con nhum, vua chúa đặt tên chữ là con cầu gai, là đặc sản của Mũi Kê Gà.
Bây giờ, những dự án du lịch tạm ngừng ở nơi đây đang phục hồi trở lại. Và một trong những dự án mới khởi động lại là Khu căn hộ nghỉ dưỡng và Du lịch ẩm thực vui chơi, giải trí Biển Đá Vàng của Công ty Ý Ngọc mới khởi công vào ngày 18/12/2016.
Chia tay khi bình minh vừa ló dạng, nhìn Mũi Kê Gà trong nắng sớm như cái đầu gà đang vươn chiếc cổ đỏ lừ ra biển khơi gáy sáng, tôi cảm nhận, Kê Gà sẽ được đánh thức trong năm con gà 2017… Hứa hẹn gà sẽ đẻ trứng vàng!