Nhóm chúng tôi gồm 20 người, khởi hành từ Hà Nội tới Mông Cổ tháng 2/2020, khi Covid-19 đang bùng phát tại Trung Quốc và ít ca ở Việt Nam. Chúng tôi dành 7 ngày để lái xe off road, khám phá vườn quốc gia Altai Tavan Bogd phía tây đất nước. Đây là nơi sinh sống của bộ tộc du mục đi săn với chim đại bàng Kazahk.
Vị trí để dựng lều của người bộ tộc du mục Kazahk thường nằm trong thung lũng giữa các mỏm đồi, để tránh gió, tránh bão. Dù biết kinh nghiệm như vậy, chúng tôi có lần không đến được địa điểm trại vì thời tiết quá khắc nghiệt. Cả đoàn dừng lại sớm hơn, dựng lều ở trên vùng đất bằng phẳng giữa hoang mạc đầy tuyết trắng. Đêm hôm ấy, bão tuyết đánh sập chiếc lều đã gia cố chắc chắn, những chiếc gần đó cũng sập 1-2 thanh xà. Bên ngoài nhiệt độ chỉ khoảng âm 8 độ C, chúng tôi quấn chặt áo, mũ chạy ra dựng lại lều.
Đó chỉ là một trong những trải nghiệm của nhóm chúng tôi. Ngồi ở nhà lên kế hoạch theo bản đồ, chúng tôi tưởng tượng sẽ chạy đường xuyên đồi, trên lớp băng tuyết mỏng, nhìn ngắm thảo nguyên bao la của Mông Cổ. Những gì từng thấy qua sách báo, không giúp chúng tôi hình dung nổi sự khó khăn của hành trình.
Trước ngày khởi hành, tin tức về Covid-19 lan tràn trên mặt báo, khi ấy trong đầu chúng tôi nghĩ đến hủy chuyến hay đi tiếp. Kết quả sự hào hứng về vùng đất Thành Cát Tư Hãn vẫn thôi thúc chúng tôi lên đường. Giữa dịch bệnh, sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc) nơi chúng tôi quá cảnh vắng lặng, chỉ vài du khách vật vờ. Rồi khi tới sân bay Ulaanbaatar, hành khách được thông báo ngồi yên tới 30 phút, những người mặc đồ bảo hộ trắng kiểm tra hộ chiếu, tờ khai y tế, đo thân nhiệt. Lúc này chúng tôi mới thật sự cảm nhận được sự căng thẳng. Sau tiếng rưỡi đồng hồ, hộ chiếu mới được đóng dấu. Dosjan, người làm Kazakh Tour, vẫy tay chào chúng tôi, hành trình mới bắt đầu.
20 người lái xe off road từ thủ đô Ulaanbaatar tới khu bảo tồn thiên nhiên Altai Tavan Bogd ở cực tây xa xôi. Cung đường dài 2.000 km đưa 7 chiếc xe Land Cruiser băng qua những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng. Xung quanh chúng tôi chỉ toàn màu trắng xóa, chỉ duy nhất con đường nhiều xe cộ qua lại còn màu nâu, uốn lượn như tấm lụa trải tít chân trời. Nhưng càng tiến sâu về Altai Tavan Bogd, băng qua những hoang mạc thì con đường màu nâu ấy càng biến mất, chúng tôi đôi lần mất phương hướng, vừa đi vừa tìm đường.
Chúng tôi như chơi trò thú nhún khi xe đi qua lớp tuyết dày, chòng chành và đảo lắc liên hồi. Nhiều lần mũi xe vùi đầu vào tuyết, bánh xe quay tít thổi lên bụi trắng xóa mà không thể di chuyển, mấy con người cùng nhau hì hục đẩy, xe này kéo xe kia. Lạc đường, vỡ lốp chưa tồi tệ bằng vỡ két nước. Chúng tôi từng phải để một xe lại giữa đèo, trên độ cao 3.000 m và lạnh âm 35 độ C. Rời đi được một chút, quay mặt lại phía sau đã thấy chiếc xe bỏ lại bị phủ kín tuyết, không biết đoàn cứu hộ có thể tìm thấy nó không.
Nhiều lúc chúng tôi cũng thấy mình quá nhỏ bé, bất lực trước thiên nhiên khi đoạn đường lội bộ tuyết ngập sâu quá bắp chân. Gió lạnh cứ quật vào mặt rát bỏng, cảm giác không thể thở được, thỉnh thoảng phải ngừng đi để quay mặt tránh gió. Một người anh trong đoàn nói với tôi “Nhìn thấy chiếc xe, leo lên được là gần kiệt sức, gần quá ngưỡng chịu đựng của bản thân”.
Nhưng khó khăn nào cũng được đền đáp. Trong hành trình, tới ngày thứ 3 sau khi lái xe qua thành phố Murun, chúng tôi thẳng tới thị trấn Tsaannuur, nơi sinh sống của những người chăn tuần lộc. Chụp ảnh, lùa đàn gia súc thấm mệt, chúng tôi sẽ qua đêm trong lều hình nón với lớp da thú bao quanh mà người nơi đây gọi là Teepees. Người chăn tuần lộc ở phía bắc Khovsgol được gọi là Dukha, Dukhans hoặc Duhalar. Đây là một trong những bộ tộc du mục cuối cùng của Mông Cổ, hiện chỉ còn khoảng 40 dòng họ với 1.500 người.
Trên một con đèo nối giữa Ulangom và Ulgii có một đoạn hồ đóng băng. Cả nhóm chúng tôi dừng lại, thảnh thơi đạp xe. Một vài người đục lỗ câu hay thả lưới đánh bắt hồ băng linh thiêng của người Kazakh, bộ tộc du mục với truyền thống đi săn cùng chim đại bàng.
Tuyệt vời hơn, chúng tôi được trải nghiệm cùng người Kazahk ở khu bảo tồn thiên nhiên Altai Tavan Bogd. Trời đột ngột sầm sì, bão tuyết kéo đến, nhiệt độ xuống thấp nhanh chóng, những người đàn ông Kazahk gọi chúng tôi lên ngựa, để lùa đàn gia súc cả nghìn con về chuồng. Sự hiểu biết về thiên nhiên, phản ứng linh hoạt là đặc trưng vốn có của bộ tộc du mục này. Một năm họ sẽ di cư 4 lần, đưa đàn gia súc tới nơi nhiều cỏ cây tươi tốt hơn. Họ dựng lều ở những nơi kín gió và tối đến bên bếp lửa bập bùng, chúng tôi mặc kệ bên ngoài là bão tuyết, nhiệt độ xuống âm 30 độ C. Mở cửa lều bước ra ngoài, giữa bầu trời đêm đen kịt là lung linh nghìn ánh sao sáng, giống hệt với những gì tôi tưởng tượng.
Ngày cuối cùng, chúng tôi được theo họ đi săn. Thông thường họ săn vào ban đêm, còn ban ngày nhường lại cho những con đại bàng đã được huấn luyện. Người Kazahk cưỡi ngựa lên vùng núi cao, trên tay là đại bàng dũng mãnh đã được bịt mắt. Khi nhìn thấy cáo đằng xa, họ cởi bịt mắt cho những con đại bàng đuổi theo và vồ lấy con mồi, còn họ phi ngựa đuổi theo. Những tiếng rít xé tan không gian của đại bàng, sải cánh tự do thẳng lên bầu trời là ký ức tôi không bao giờ quên.
Ngày trở về Việt Nam, vẫn chưa hết sóng gió, cả đoàn bị mắc kẹt vì Covid-19. Song nhờ chuyến bay giải cứu của Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ, cả đoàn trở về bình an. Thi thoảng khi ngồi cùng nhau, chúng tôi thường đùa rằng “đây là cuộc chơi của những kẻ không bình thường”. Song ai nấy đều tự hiểu trong lòng, một vùng đất hoang dã và khắc nghiệt, trần trụi với thiên nhiên, nơi con người sống với văn hóa, truyền thống luôn là nơi chúng tôi muốn đặt chân đến, chạy trốn khỏi đô thị và phồn hoa.
Nguyễn Quỳnh Anh