(QBĐT) – Mới đây, chúng tôi có dịp cùng đoàn nghiên cứu, khảo sát mô hình du lịch cộng đồng của tỉnh, do ông Trần Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh làm trưởng đoàn, ra khảo sát ở các tỉnh Tây Bắc. Lào Cai và Hòa Bình là hai điểm dừng chân của đoàn, đã để lại trong lòng chúng tôi những ấn tượng không thể nào quên về cách làm du lịch cộng đồng của người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình) và người Mông, Dao, Giáy ở Sa Pa (Lào Cai)…
Mô hình du lịch cộng đồng Mai Châu
Hòa Bình hiện có 3 điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách, đó là: Bản Lác (huyện Mai Châu), bản Mường và xóm Ải (huyện Cao Phong). Chúng tôi được anh Đỗ Lê Phương, Phó phòng nghiệp vụ Du lịch tỉnh Hòa Bình dẫn vào tham quan bản Lác, một bản làng sinh sống của người Thái nằm giữa thung lũng Mai Châu.
Từ thành phố Hòa Bình đi về phía tây bắc, từ trên đèo cao nhìn xuống thung lũng Mai Châu, bản Lác- nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái đẹp như một bức tranh sơn thủy. Khói bếp bay lên từ những ngôi nhà sàn và mây trắng quyện vào nhau khiến cho chúng tôi liên tưởng đến 2 câu thơ của thi sĩ Quang Dũng trong bài thơ Tây Tiến “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói / Mai Châu mùa em thơm nếp xôi..”.
Nằm dưới thung lũng Mai Châu, bản Lác có 115 hộ/500 nhân khẩu, trong đó người Thái chiếm 98%, còn lại là người Kinh và người Mường. Trước đây, dân bản chỉ sống dựa vào nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm. Năm 1993, vẻ đẹp tiềm ẩn của bản Lác đã dần được du khách khám phá. Và cũng từ đó, mọi người trong bản đều biết làm du lịch, đưa bản Lác trở thành một trong những vùng trọng điểm về du lịch ở Mai Châu.
Ở bản Lác, chúng tôi quan sát thấy rất nhiều các quầy hàng trưng bày hàng thổ cẩm, lụa tơ tằm, túi thêu cỡ to, cỡ nhỏ nằm ngay dưới chân nhà sàn. Những cô gái Thái trong trang phục truyền thống vừa bán hàng lưu niệm vừa tranh thủ quay tơ dệt vải. Từ chỗ chỉ dệt những chiếc khăn, chiếc áo thổ cẩm để mặc, phụ nữ trong bản đã tự làm nhiều đồ lưu niệm bán cho khách như: Váy xòe Thái; vải treo tường có trang trí; dây đeo tay và những chiếc ví xinh xắn. Du khách tới đây tha hồ lựa chọn những chiếc váy thổ cẩm, khăn quàng để rồi biến mình trở thành cô gái Thái đi dạo quanh bản làng.
Ngắm ruộng bậc thang ở bản Tả Van Giáy, xã Tả Van (Sa Pa).
Hiện tại ở bản Lác có 45 ngôi nhà sàn làm “khách sạn” cho khách lưu trú, được xây cất theo quy hoạch hẳn hoi, được đánh số theo thứ tự từ 1 đến 45. Nhà sàn với kiến trúc giản dị, không gian thoáng mát, được làm bằng mây, tre, nứa, hoặc những tấm gỗ tốt được thiết kế rất chắc chắn, phần mái nhà được lợp bằng lá cọ, lá cỏ tranh tết với nhau hoặc ngói.
Điều đặc biệt là, người Thái vẫn giữ được truyền thống nhà sàn theo kiến trúc truyền thống 100%, không cách tân theo thời thế. Mỗi nhà sàn có thể ở được từ 30 – 40 người, có đầy đủ chăn, đệm, gối được gấp ngăn nắp, gọn gàng. Sát cạnh sàn ngủ, nghỉ là sàn ngồi để ăn cơm và uống trà. Chỉ với mức giá 40.000 đồng/người, du khách đã có thể sở hữu một khoảng sàn chừng 1,2 x 2 m để ngả lưng qua đêm.
Anh Vì Văn Khinh, một người trong bản Lác cho biết: “Khách lưu trú tại bản rất nhiều, nhưng không vì thế mà chúng tôi lại nâng giá dịch vụ, “chặt chém” du khách như những nơi khác. Du khách khi tới tham quan bản làng người Thái hãy yên tâm về vấn đề này. Cả 45 ngôi nhà làm du lịch đều có một giá không đổi”.
Tháng 7-2014, bản Lác được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hòa Bình công nhận là khu du lịch cộng đồng thuộc cấp tỉnh. Đây là cơ hội cho bản Lác ngày càng phát triển. Ông Vì Văn Mừng, Trưởng bản Lác cho biết: “Năm 1993, hộ nghèo của bản Lác là trên 60%, nhưng hiện nay chỉ còn 5%. Nhờ phát triển du lịch, đời sống của bà con các dân tộc ở Mai Châu đã được nâng cao, diện mạo nông thôn thay đổi đáng kể”.
Dạy nông dân làm du lịch ở Lào Cai
Lào Cai từ lâu đã nổi tiếng là một địa phương mạnh về du lịch cộng đồng trong cả nước. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng bài học thành công của du lịch cộng đồng ở Lào Cai là ở việc đề cao lợi ích của người dân và áp dụng hiệu quả cách dạy nông dân làm du lịch cộng đồng.
Thời gian trước đây, do không được đào tạo nên cách làm du lịch của người dân cũng như những người làm du lịch nơi đây thiếu chuyên nghiệp, chưa đáp ứng đúng được sở thích, nhu cầu của du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Những cô gái Thái ở bản Lác trong trang phục truyền thống vừa bán hàng lưu niệm vừa tranh thủ dệt vải.
Trước thực trạng đó, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Lào Cai đã phối hợp mở nhiều lớp tập huấn, dạy nông dân cách làm du lịch. Từ khi được tập huấn kỹ năng cách làm du lịch, được các giảng viên “cầm tay, chỉ việc” thì cách làm du lịch của người dân tiến bộ vượt bậc, nhiều người có thể giao tiếp với khách nước ngoài khá lưu loát.
Chúng tôi tới bản Tả Van Giáy, nơi tập trung chủ yếu là người Giáy ở Lào Cai. Làng Tả Van Giáy không chỉ nổi tiếng về phong cảnh đẹp và không khí mát mẻ, trong lành nơi vùng núi cao mà còn có nhiều nét đặc sắc, phong phú về văn hóa, phong tục tập quán.
Đến đây, du khách có thể tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang, có dịp được tìm hiểu thêm về phong cách, lối sống cũng như những nét văn hóa đặc sắc của người Giáy; thưởng thức nhiều món ăn do chính dân bản nấu. Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến là món xôi 7 màu và những món dân dã mà gia chủ thiết đãi.
Ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Lào Cai chia sẻ: “Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận ra rằng muốn làm du lịch cộng đồng tốt thì phải nắm bắt và đáp ứng được tâm lý du khách. Để phát triển loại hình du lịch này thì nguyên tắc trước hết là phải đề cao tính cộng đồng, phải có được sự tham gia rộng rãi của người dân, người dân phải trở thành chủ thể, được bảo đảm lợi ích để họ nhiệt tình tham gia. Bên cạnh đó, Nhà nước phải hỗ trợ người dân làm du lịch và đề cao vai trò của nhà tư vấn, nhà khoa học.
Với sự quan tâm của tỉnh, sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài, hoạt động du lịch ở Lào Cai đang ngày một phát triển. Đến nay, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Lào Cai đã cấp phép cho 120 hộ gia đình có đủ điều kiện kinh doanh nhà nghỉ lưu trú cho khách du lịch trên địa bàn huyện Sa Pa và Bắc Hà. Hàng năm, các tuyến, điểm du lịch Sapa đón trên 80.000 lượt khách lưu trú tham quan.
Theo kết quả khảo sát do Sở Văn hóa Thể thao và du lịch Lào Cai thực hiện gần đây cho thấy, các hộ dân làm du lịch thu nhập bình quân đầu người đạt 20-30 triệu/hộ/năm, cao gấp 5 đến 10 lần so với những hộ không làm du lịch cộng đồng, có một số hộ đạt 100 triệu đồng/năm, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo cho các nhóm dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, sự phát triển mô hình du lịch cộng đồng cũng đem lại cơ hội và phát triển ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, nhạc cụ truyền thống, trang sức bằng bạc… các phong tục, sinh hoạt văn hóa, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số được giữ vững.
Thanh Hoa
Bài 2: Hướng đi mới của du lịch Quảng Bình