“Bạn đừng vì một phút nông nổi mà để gia đình phải đau khổ. Bạn được nhiều cái nhưng họ lại mất đi cái quý nhất, và cũng là người đau buồn nhất”, phượt thủ Quang Tuân chia sẻ.
6 lưu ý cho những ai đam mê phượt
Mình xin chia sẻ ít kinh nghiệm mình thu thập được sau vài năm cầm lái trên những cung đường phượt. Mọi thứ có đúng có sai cho bạn nào vẫn hàng ngày gọi là đam mê đi khám phá… để có chuyến đi an toàn và trọn vẹn.
1. Xác định tinh thần là đang đi chơi
Thật là nực cười khi tôi thấy nhiều người nói đi phượt, đi bụi,… là đi để khám phá đi để biết chỗ này chỗ kia. Tôi thấy họ phóng xe cứ như là đi để đến, trong khi trên đường quá trời cảnh đẹp, quá nhiều thứ để họ khám phá mà họ lại bỏ qua. Vậy thì đâu phải gọi là đi để khám phá.
Nên khi đi các bạn cần xác định là mục đích để làm gì, nếu mà đi khám phá thì chạy chậm lại, 30 km nghỉ ngơi một lần, không thì 10 km nghỉ một lần cũng không sao. Có khi nhóm tôi đi 60 km mà gần 6 tiếng đồng hồ, vì như vậy bạn mới khám phá được nhiều hơn. Khi chạy chậm và nghỉ ngơi nhiều, tinh thần sẽ minh mẫn, như thế sẽ an toàn. Vừa an toàn vừa khám phá, bạn còn muốn gì nữa?
2. Yếu thì đừng ra gió
Nhiều người hỏi tôi về việc chạy xe ở đèo Hà Giang. Tôi hù là khó đi lắm. Bạn phải có kỹ năng vào số, rồi lùi số, kỹ năng vượt xe, xin đường vào cua các kiểu… Tôi vẽ ra 1001 lý do cho các bạn ấy sợ. Người nào mà chưa đi đường đèo nghe vậy là ở nhà luôn hoặc là phải đi xe đò.
Đối với tôi an toàn là trên hết nên hù cho mấy bạn chưa đi lần nào biết đường mà lượng sức chứ cứ cái câu “trẻ thì phải thử một lần” nghe nhàm lắm. Lượng sức mình mà đi chứ đừng có hùa theo mấy cái triết lý vớ vẩn rồi người đau buồn không phải là bạn!
Còn nữa “đi cùng đoàn thì phải theo đoàn, tinh thần tập thể”. Đồng ý, vậy bạn chạy không được 60 km một giờ trong đêm tối (rất rất nhiều đoàn đi như vậy 18-24h đến) thì bạn cứ nói trưởng đoàn. Nếu bạn mệt nói trưởng đoàn, họ không đồng ý cho bạn chạy chậm, hoặc nghỉ thì “vì tinh thần của tập thể tôi xin rút lui để không làm chậm mọi người”. Vừa an toàn, vừa tập thể… Tại sao không?
3. Trang bị kỹ năng lái xe
Tôi không rành lắm về kỹ thuật ôm, bo cua, nhưng từ kinh nghiệm bản thân, tôi nhận ra những điểm sau:
Đầu tiên đi chậm. Cái này khỏi phải bàn cãi nhé. Thứ 2, lên dốc số nào thì xuống số đó hoặc thấp hơn. Ví dụ lên dốc số 3 thì bạn xuống số 3. Nếu bạn thấy lao nhanh quá thì thắng lại cho nó đi chậm chậm, rồi lui số 2 đề nó ghì xe lại, khi ấy bạn sẽ làm chủ tốc độ không bị lao dốc.
Thứ 3, vượt thì phải xi-nhan bóp còi xin vượt, và vượt bên trái (nên thế). Khi thấy xe trước thực sự nhường đường thì vượt. Tuyệt đối không vượt lúc vào cua, khuất tầm nhìn xe đối diện.
Thứ 4, gặp ổ gà, ổ voi bất ngờ thì đừng lách, tránh mà thật cứng tay lái bình tĩnh rồi chạy vào luôn. Vì nếu bạn đi tốc độ cao mà lách không khéo là xe sau phi lên hoặc tránh bánh xe thì bạn sẽ nguy hiểm hơn (nhớ là cứng tay lái nhé).
Thứ 5, một cục đá nhỏ cũng có thể làm bạn té xe. Vì thế, nếu bạn thấy cục đá nhỏ bằng 1/2 nắm tay cũng đừng chủ quan. Nếu không cứng tay thì nó làm lệch bánh xe của bạn như chơi.
Thứ 6, khi đi đêm gặp xe đối diện bật đèn pha thì nhá đèn ra hiệu họ tắt đèn pha, đồng thời bạn cũng tắt đèn pha về cốt luôn…
4. Trang bị đồ bảo hộ
Đi đường dài thì nên mua mũ bảo hiểm 3/4 hoặc fullface có kính chắn gió, vừa an toàn vừa giúp bạn không bị khô mắt khi chạy xe. Nên mua giáp tay giáp chân mang vào cho những chuyến đi dài… Nói chung là mấy cái thứ này gọi là đồ phòng hộ. Khi không xảy ra chuyện gì, các bạn sẽ thấy rất phiền, nhưng mà lỡ có chuyện thì bạn sẽ thấy không bao giờ thừa. Bài học của mình là nhờ nó mà mình bay một đoạn gần 5 m khi đâm một con chó bị xe cán chết mà không trầy xước gì.
5. Tối giản hành lý
Nếu xe bạn còn chỗ thì nên để balo đồ ở đằng sau. Khăn quàng cổ nhớ buộc gọn rồi cho vào áo đừng để bay bay như lãng tử vướng lung tung. Cờ đỏ sao vàng hay cờ đoàn nếu không cần thiết thì cũng không nên cắm. Tuyệt đối không cắm cái gì ở đằng sau xe.
6. Bạn vui, bạn được hình đẹp, được đi nhiều nhưng mà đằng sau bạn có nhiều thứ lắm
Bạn đừng vì một phút nông nổi mà để cả gia đình bạn phải đau khổ. Bạn được nhiều cái nhưng họ lại mất đi cái quý nhất, và họ cũng là người đau buồn nhất. Vì thế hãy luôn đưa yếu tố an toàn lên hàng đầu… Lúa, tam giác mạch, dã quỳ, hoa cải, Mã Pí Lèng, Lũng Cú, các con đèo thì vẫn còn đó không đi đâu mà phải vội vàng.
Theo Zing News
Xem thêm các bài viết:
Những điều cần ghi nhớ trước khi đi phượt
Hành trình phượt 2.200 km của ‘hotboy nổi loạn’
Đi bụi từ Việt Nam tới nơi ít khách du lịch nhất thế giới