Phượt là chúng ta sẽ dành thời gian nhiều nhất cho việc di chuyển và tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên trong suốt hành trình, vậy nên để cho chuyến đi phượt được trọn vẹn việc tuân thủ và chấp hành luật giao thông là hết sức cần thiết. Hơn thế nữa việc đi đúng luật sẽ giữ an toàn cho chính bản thân và thể hiện chúng ta là những người phượt thủ văn minh. Dưới đây là những lỗi vi phạm giao thông cần tránh khi đi phượt, hãy đọc kỹ để trang bị cho mình kiến thức hữu ích để không mất tiền nộp phạt nhé.
Tự ý thay đổi kết cấu xe, lỗi vi phạm đa số anh em mắc phải
Để chuẩn bị cho mình một con “chiến mã” tốt trước mỗi cuộc hành trình thì độ xe là điều mà hầu hết chúng ta phải thực hiện. Nhưng với những quy định hiện nay thì việc độ thêm những món đồ cho xe của mình chúng ta rất có thể sẽ phạm luật khi tham gia giao thông.
Theo Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) nếu vi phạm lỗi này, chúng ta sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 nghìn đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô.
Vậy độ xe thế nào để không bị phạt lỗi tự ý thay đổi kết cấu xe, dưới đây là những mẹo dành cho bạn:
- Không hàn đục, thay đổi kết cấu khung sườn khi lắp thêm thùng. Hãy sử dụng những sản phẩm đã được kiểm duyệt và nhà nước đã chấp nhận cho bán trên thị trường hiện nay.
- Không đục khoét thay đổi hình dáng dàn áo của xe khi thắp đèn trợ sáng, hãy lắp đèn ở những nơi thuận tiện và chỉ nên lắp đèn hỗ trợ cos.
- Không độ pô gây tiếng ồn quá lớn, hãy gắn tiêu giảm thanh cho pô đồ chơi.
Chạy quá tốc độ cho phép, lỗi vi phạm giao thông cần tránh khi đi phượt
Thời gian eo hẹp là nguyên nhân chính dẫn đến việc chúng ta phải tăng tốc độ khi di chuyển trong chuyến đi phượt của mình nhưng hãy nhớ rằng bạn còn phải đảm bảo an toàn và tuân thủ luật giao thông nữa nhé. Dưới đây là những biển báo tốc độ tối đa cho phép bắt buộc bạn phải chấp hành:
Biển báo khu đông dân cư
Khi gặp biển R420 bắt đầu khu đông dân cư tốc độ tối đa cho phép như sau:
- Đối với đường đôi, đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên tốc độ tối đa cho phép là 60 km/h.
- Đối với đường hai chiều, đường một chiều có một làn xe cơ giới tốc độ tối đa cho phép là 50 km/h.
Biển giới hạn tốc độ tối đa cho phép
Biển giới hạn tốc độ tối đa cho phép P127, đây là biển báo khá phổ biến mà dân phượt sẽ gặp nhiều trên đường. Khi gặp biển này tốc độ tối đa cho phép chúng ta chạy nhanh bao nhiêu sẽ phụ thuộc theo số được ghi ở trên biển báo.
Tập trung đông người, nằm ngồi trên đường gây cản trở giao thông
Điều 11 Nghị định 46/2016/NĐ-CP phạt tiền 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức tập trung đông người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ gây cản trở giao thông.
Đi phượt chắc chắn chúng ta sẽ phải chụp hình để lưu giữ kỷ niệm, nhưng cần tránh những hành động phản cảm như hình phía trên. Nếu ai cũng cứ tụ tập, nằm hoặc ngồi ra đường để chụp ảnh gây cản trở giao thông thì chính những phượt thủ như chúng ta cũng cảm thấy khó chịu chứ không chỉ người dân nữa.
Đi sai làn đường quy định, một lỗi vi phạm giao thông cần tránh khi đi phượt
Khi gặp những biển báo dưới đây, bạn phải tuân thủ và đi đúng làn đường theo quy định:
Đối với biển gộp làn đường theo phương tiện R415, khi đến gần nơi đường bộ giao nhau, xe được phép chuyển làn để đi theo hành trình mong muốn. Việc chuyển làn phải thực hiện theo đúng các quy định là bạn phải có tín hiệu chuyển làn và phải đảm bảo an toàn.
Một số lỗi vi phạm giao thông cần tránh khi đi phượt khác
Mặc dù những lỗi vi phạm này chúng ta rất ít khi mắc phải nhưng độ xe blog cũng đưa ra một vài lỗi vi phạm giao thông cần tránh khi đi phượt nữa như:
- Không có hoặc không mang theo GPLX
- Điều khiển xe đi vào đường cao tốc
- Điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ 3 xe trở lên
- Bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư
Tổng kết
Trên đây là những lỗi vi phạm giao thông cần tránh khi đi phượt. Hãy thể hiện mình là một phượt thủ chân chính, một người văn minh bằng cách tuân thủ luật khi tham gia giao thông. Độ xe blog sẽ tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm của mình và tổng hợp lại những kiến thức bổ ích của cộng đồng để giúp các phượt thủ làm hành trang cho mình trên mọi nẻo đường. Cảm ơn các bạn đã theo dõi!