TÓM TẮT:
Đà Lạt là một thành phố được ban tặng nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, bốn mùa đều thu hút khách du lịch và hệ sinh thái đặc sắc. Nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên kết hợp với văn hóa bản địa là tiền đề xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn du khách tham quan và nghiên cứu. Đà Lạt có đủ điều kiện để xây dựng và triển khai loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí. Bài viết này đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí tại thành phố Đà Lạt, cần phải được quan tâm đầu tư phát triển để trở thành một thành phố du lịch trọng điểm, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Từ khóa: Đà Lạt, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí.
1. Đặt vấn đề
Đà Lạt, thành phố ở Tây Nguyên, đã trở thành một địa danh rất quen thuộc với mọi người Việt Nam và du khách quốc tế. Nơi đây được ghi nhận hình thành từ năm 1893 khi bác sĩ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên. Người Pháp đã có kế hoạch biến Đà Lạt thành “thủ đô hành chính của Đông Dương” thuộc Pháp.[1] Trong suốt chiều dài hình thành và phát triển, Đà Lạt đã có nhiều thay đổi. Đà Lạt từng là một trung tâm du lịch quan trọng, đồng thời là “hill station”- khu nghỉ dưỡng quan trọng nhất của Đông Dương thu hút một thị trường khách đa dạng, đặc biệt nguồn khách có khả năng chi trả cao, thời gian lưu trú dài. Ngày nay, Đà Lạt vẫn là một điểm đến được yêu thích, thu hút một số lượng lớn du khách nội địa và quốc tế. Trong lòng du khách, Đà Lạt chính là “một Paris thu nhỏ” nơi núi rừng cao nguyên. Đà Lạt hiện vẫn còn những tiềm năng lớn để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, đưa du lịch nghỉ dưỡng trở thành loại hình du lịch trọng điểm của ngành du lịch địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho Thành phố nói riêng và cho đất nước nói chung. Mặc dù Đà Lạt đã từng là trung tâm nghỉ dưỡng lớn. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, các dịch vụ và các sản phẩm tạo điều kiện cho khách có điều kiện nghỉ dưỡng kết hợp với vui chơi giải trí tại Đà Lạt vẫn còn hạn chế, cần có những giải pháp để phát triển.
2. Tài nguyên du lịch tự nhiên
Rừng: Tài nguyên rừng của Lâm Đồng từ lâu đã có giá trị lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung cũng như du lịch nói riêng. Trong đó, rừng thông Đà Lạt, khu bảo tồn thiên nhiên Lang Biang và khu bảo tồn thiên nhiên Cát Lộc có giá trị lớn đối với hoạt động du lịch Lâm Đồng. Trong các khu rừng hỗn giao còn tồn tại các loài động vật quý như: cầy bay, sóc bay, vượn, báo, hổ, bò rừng… thậm chí cả voi và rất nhiều loài chim thuộc bộ gà, bộ sẻ,… Ngoài ra, rừng Đà Lạt còn có rất nhiều loài cây cảnh, trước hết phải kể đến gồm: thanh lan, hoàng lan, hồng lan, tử cán, vân hài, kim hài, bạch phượng, tuyết ngọc, hoàng hạc, hạc đỉnh, vi hào, mắt trúc, bạch nhạn, long tu, dã hạc, ý thảo, thủy tiên,… Rừng Đà Lạt là một trong những tài nguyên du lịch tự nhiên có giá trị, thích hợp phát triển du lịch sinh thái với nhiều loại hình du lịch hấp dẫn.[2]
Các di tích tài nguyên du lịch tự nhiên: Trong 11 địa điểm thăm quan tại Đà Lạt, có 8/11 địa điểm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, cụ thể các địa điểm sau:
Hồ Xuân Hương: Hồ Xuân Hương là hồ nước nhân tạo nằm ở trung tâm thành phố Đà Lạt được xây dựng vào năm 1919 theo đề án của kỹ sư Rousselle. Chiều rộng mặt hồ trung bình là 200m, diện tích toàn lưu vực khoảng 21km2, lượng nước bình quân gia nhập vào hồ khoảng 0,5m3/s. Hiện nay, hồ đã bị bồi lấp mất khoảng 6ha. Hồ Xuân Hương là điểm có cảnh quan nổi tiếng cả nước đã được khai thác thành nơi vui chơi giải trí, thư giãn, ẩm thực và các hoạt động thể thao…
Hồ Tuyền Lâm: Hồ Tuyền Lâm thuộc địa phận thành phố Đà Lạt, nằm cách trung tâm thành phố về phía Nam khoảng 5km. Hồ có diện tích khoảng 320ha, quanh hồ là những đồi thông trùng điệp với nhiều loài động vật. Trên đỉnh đồi phía Bắc hồ là Thiền Viện Trúc Lâm – một công trình kiến trúc tôn giáo đạo Phật uy nghi mới được xây dựng, nơi đào tạo và quy tụ hàng nghìn tín đồ. Ngoài ra, ven hồ còn có nhiều điểm tài nguyên hấp dẫn như thác Bảo Đại, khu săn bắn thú của bản làng dân tộc Lạch,…
Hồ Than Thở: Hồ Than Thở còn có tên là hồ Sương Mai nằm ở phía Bắc thành phố và cách trung tâm Đà Lạt khoảng 6km. Hồ có diện tích mặt nước không lớn, khoảng 9ha, nhưng nằm ở vị trí yên tĩnh, giữa rừng thông bạt ngàn từ lâu đã đi vào truyền thuyết và gắn liền với tên tuổi của thành phố cao nguyên. Đây là nơi có thể khai thác khoảng không gian tĩnh mịch, với mục đích thư giãn sau những thời gian làm việc căng thẳng.
Thung lũng Tình yêu: Thung lũng Tình yêu nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 5km về phía Bắc, chìm sâu bên sườn đồi với những rừng thông quanh năm xanh biếc. Thời kỳ đầu, người Pháp gọi nơi này là Valley d’Amour; đến thời Bảo Đại làm Quốc trưởng được đổi thành “Thung lũng Hòa Bình” và đến năm 1953 được đổi tên thành “Thung lũng Tình yêu”.
Thác Cam Ly: Thác Cam Ly cách trung tâm thành phố khoảng 3km, rất thuận tiện cho du khách đến tham quan. Thác Cam Ly cao 12m, lượng nước bình quân năm tại thác này vào khoảng 0,8 -1m3/s, mùa mưa lưu lượng nước tăng lên 2- 2,5m3 /s, vào mùa khô đặc biệt là vào tháng 2, 3, 4 lưu lượng nước giảm đáng kể và có trị số khoảng 80-90 lít/s. Thác Cam Ly được đánh giá là điểm tài nguyên có giá trị phục vụ khách du lịch tham quan.
Thác Prenn: Thác Prenn nằm ngay bên đường quốc lộ 20, cách Đà lạt khoảng 10 km. Thác có độ cao khoảng 27m rộng từ 15-25m. Với cảnh quan tự nhiên hấp dẫn, với công viên hoa và nhiều cây cảnh được tạo ra ở đây, thác Prenn từ lâu đã trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở Đà Lạt.
Thác Datanla: Thác nằm cách Đà Lạt khoảng 5 km theo quốc lộ 20. Thác Đatanla là thác cao nhất trong số các thác nằm quanh Đà Lạt với độ cao khoảng 32m. Hệ thống thác Datanla ngoài thác chính dành cho khách tham quan, còn có nhiều thác khác. Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồng Bàng tổ chức các trò chơi mạo hiểm dành cho khách thích phiêu lưu, leo vách đá, băng rừng, đi bộ theo dòng suối Datanla đến cầu Prenn. Từ năm 2006, ở đây đã có hệ thống máng trượt, khách xuống thác chỉ mất 2 phút thay vì đi bộ mất 15 phút, hình thức này không chỉ tiết kiệm được thời gian cho du khách, mà còn tạo cho du khách một cảm giác mạo hiểm và hào hứng.
Núi langbiang: Langbiang còn có tên gọi là Núi Bà, có độ cao là 2.167m nằm cách trung tâm Đà Lạt khoảng 12km về phía Bắc. Đây là khu núi cao còn giữ được nhiều cảnh quan tự nhiên. Từ chân núi theo đường mòn tới đỉnh khoảng 7km, từ đó du khách có thể quan sát toàn cảnh Đan Kia Suối Vàng, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận. Khí hậu trên đỉnh Langbiang thật mát mẻ, thích hợp với hoạt động du lịch nghỉ dưỡng. Hiện tại, Langbiang đang được khai thác và trở thành một điểm du lịch sinh thái lý tưởng, ngoài ra, có thể tổ chức các loại hình du lịch khác như leo núi, thể thao, dã ngoại, vui chơi giải trí và ẩm thực.
Nhìn chung, tài nguyên du lịch tự nhiên Đà Lạt khá đa dạng, phần lớn đã được công nhận di tích xếp hạng lịch sử quốc gia.
3. Tài nguyên du lịch văn hóa
Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên: Năm 2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây có thể được coi là sự kiện văn hóa lớn của người dân Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Hiện nay, tại các bản dân tộc Mạ, Chu Ru ở Lâm Đồng còn khoảng 2.700 bộ cồng chiêng với những nét riêng so với cồng chiêng Tây Nguyên. Đây được coi là tài nguyên du lịch quý giá của Lâm Đồng, là tiền đề xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn du khách tham quan và nghiên cứu.[3]
Thiền viện Trúc Lâm: Thiền viện Trúc Lâm tọa lạc bên hồ Tuyền Lâm trên núi Phượng Hoàng, thuộc phường 3 thành phố Đà Lạt. Đây là ngôi chùa to nhất, bề thế nhất ở Đà Lạt hiện nay. Ngoài ý nghĩa là một ngôi chùa lớn, một viện thiền học, Trúc Lâm còn là một điểm tham quan lý tưởng cho du khách khi đến với thành phố cao nguyên.
Nhà thờ Đà Lạt (Nhà thờ Con Gà): Nhà thờ Đà Lạt nằm trên đường Trần Phú, thành phố Đà Lạt là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của Đà Lạt. Đây là nhà thờ lớn nhất ở thành phố Đà Lạt, được gọi là nhà thờ Chánh tòa. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1931 đến năm 1942, có chiều dài 65m, chiều rộng 14m và cao 47m. Tháp chuông của nhà thờ có thể được nhìn thấy từ nhiều vị trí trong thành phố. Phần phía trên của tường được lắp 70 tấm kính màu mang dấu ấn của kiến trúc nhà thờ châu Âu thời Trung cổ. Vào dịp Giáng sinh hằng năm, đây là nơi tập trung nhiều người trong và ngoài đạo Thiên chúa đến dự lễ, tham quan.
Ga xe lửa Đà Lạt: Ga xe lửa Đà Lạt nằm trên độ cao 1.500m so với mực nước biển là một trong những ga xe lửa lâu đời nhất ở Việt Nam. Ga vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng di tích lịch sử văn hóa. Được xây dựng từ năm 1932 và hoàn thành năm 1936, theo mô phỏng hình dáng núi Langbian. Tòa nhà chính có 3 vòm mái nhô cao như 3 đỉnh núi. Đoạn đường sắt dài 7km từ ga đến Trại Mát được khôi phục từ năm 1991 và đưa vào khai thác du lịch. Tàu lửa sẽ đưa du khách đến thưởng ngoạn hồ Than Thở với đồi thông hai mộ, rừng ái ân. Tàu ôm cua theo triền núi qua những thửa vườn bậc thang hết sức độc đáo, xuyên qua những dãy nhà kính trồng hoa, rau sạch theo công nghệ mới. Đến Trại Mát, du khách còn được tham quan chùa Linh Phước (chùa Rồng), nơi có chiếc chuông đồng nặng 5 tấn đạt trong bảo tháp cao 7 tầng. Ga xe lửa và hệ thống tuyến đường sắt là một trong những tài nguyên du lịch độc đáo.[4]
Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt: Từng được đánh giá là một trong những công trình xây dựng độc đáo của thế kỷ XX, có tuổi đời gần 100 năm. Trường Cao đẳng Sư phạm ít nhiều cũng có những đóng góp nhất định cho nét đẹp về hạ tầng của thành phố sương mù.
Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt: Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (1971 – 1973) nay trở thành một địa điểm tham quan đầy ý nghĩa của tỉnh Lâm Đồng. Đây chính là một “địa chỉ đỏ” trong giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Tinh thần đấu tranh bất khuất, quên mình vì Tổ quốc của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi năm xưa sẽ tiếp tục được trao truyền để giữ cho ngọn lửa truyền thống mãi bừng cháy.[5] [6]Tài nguyên du lịch văn hóa của Đà Lạt tồn tại khá lâu đời và là điểm nhấn để khách du lịch khám phá.
4. Văn hóa bản địa khai thác qua các yếu tố ẩm thực Đà Lạt
Đà Lạt là một thành phố du lịch nổi tiếng, được du khách biết đến với khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp và con người ở đây rất thân thiện, mến khách. Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực Đà Lạt rất phong phú, đa dạng và có những nét độc đáo riêng, nhưng lại chưa được du khách biết đến nhiều. Vì vậy, Đà Lạt cần chú trọng quan tâm phát huy, khai thác các yếu tố ẩm thực để thu hút khách du lịch.
Đà Lạt được mệnh danh là thiên đường rau xanh. Nhiều du khách tới Đà Lạt chọn thưởng thức những món ăn mang nét đặc trưng của vùng đất này như xà lách, dâu tây, a ti sô, rau củ,… Nhiều người đã thừa nhận, ăn rau tại Đà Lạt mang hương vị khác hẳn so với rau ở nơi khác, bởi độ tươi và ngọt. Thực tế, trong bữa ăn của du khách không thể thiếu rau, củ, quả tươi xanh. Đây chính là điều hấp dẫn với du khách sau những giờ leo núi, ngắm thác, thăm vườn.
Đà Lạt còn là “thiên đường” ăn vặt, với những món ăn đường phố hấp dẫn, thơm ngon, giàu dinh dưỡng, như: bánh tráng nướng, bánh canh, bánh bèo, sữa đậu nành nóng, bắp nướng,… với giá vô cùng rẻ. Ngoài ra, các món đồ uống, tráng miệng từ trái cây đặc sản như dâu tây, bơ, hồng,… cũng được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Đây cũng là nét quyến rũ đặc biệt của phố núi, nhất là với du khách trẻ.
Là vùng đất quy tụ cư dân của nhiều vùng trong cả nước, nên Đà Lạt còn thu hút bởi sự đa dạng các món ăn của cả 3 miền đất nước. Song, nổi bật vẫn là những món ăn mang hương vị miền Trung, như mì Quảng, bún bò Huế, bánh canh chả cá Phan Rang, nem nướng,… Những món ăn đặc sản này, dưới bàn tay chế biến của các đầu bếp ở Đà Lạt đã trở nên đại chúng hơn, phù hợp với khẩu vị của đông đảo du khách ba miền.
Đà Lạt không chỉ nổi tiếng là xứ sở của các loại hoa thơm trái ngọt, rượu vang Đà Lạt cũng khá nổi tiếng. Nhiều khu du lịch đã kết hợp, tạo điều kiện cho du khách tham gia trải nghiệm hầm rượu vang như DaLat Fairytale Land – Làng Cổ tích và Hầm rượu vang Vĩnh Tiến. Hầm rượu vang Vĩnh Tiến còn được mệnh danh là hầm rượu vang lớn nhất và được đầu tư hiện đại nhất ở Đà Lạt, với chiều dài hàng trăm mét, cùng hơn 15.000 chai rượu được bài trí tinh tế. Rượu vang đã làm nên nét đặc trưng văn hóa ẩm thực bản địa của Đà Lạt. Mỗi khi nhắc đến Đà Lạt, du khách không thể bỏ qua việc thưởng thức rượu vang và thăm quan hầm rượu vang nổi tiếng tại nơi đây.
Để ẩm thực thật sự trở thành một trong những điểm hấp dẫn của du lịch Đà Lạt, bên cạnh tuyên truyền về cảnh quan, khí hậu, cần chú ý giới thiệu các món ăn, cũng như những quán ăn, nhà hàng ngon, sạch, đẹp để du khách dễ dàng nắm bắt thông tin. Việc đào tạo đầu bếp cần được chuẩn hóa, vận động người địa phương học và thực hành nghề đầu bếp để thể hiện được tốt nhất cái “hồn” trong món ăn, đặc biệt quảng bá hình ảnh rượu vang Đà Lạt như một nét đặc trưng của vùng đất thơ mộng.
5. Kết luận
Ngay từ đầu thế kỷ XX, Đà Lạt đã trở thành một đô thị mang phong cách châu Âu. Với các yếu tố tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng và phong phú. Đà Lạt có đủ điều kiện để xây dựng và triển khai mô hình nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí với các điểm nhấn sau:
Thứ nhất, khí hậu Đà Lạt mang nhiều đặc tính của miền ôn đới, dịu mát quanh năm, được bao phủ bởi rừng thông xanh bát ngát. Đà Lạt là nơi có khí hậu tuyệt vời nhất tại Việt Nam.
Thứ hai, cảnh quan thiên nhiên phong phú, phần lớn các địa điểm được xếp hạng cấp quốc gia đã góp phần tạo nên một Đà Lạt vừa thơ mộng, vừa cổ kính, trở thành một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.
Thứ ba, thành phố Đà Lạt được quy hoạch bài bản, được ví như bảo tàng kiến trúc quốc gia với những công trình kiến trúc mang giá trị nhân văn sâu sắc, được xây dựng và quy hoạch dưới thời Pháp thuộc cũng là điểm thu hút khách du lịch đến với Đà Lạt.
Thứ tư, các yếu tố ẩm thực làm nên nét văn hóa bản địa với danh sách ẩm thực phong phú, đặc biệt là rượu vang, là nét đặc trưng riêng của Đà Lạt mà không điểm du lịch nào có được.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Mộc bản triều Nguyễn (2022), Đà Lạt – Thành phố trong rừng – Góc nhìn từ đồ án quy hoạch của người Pháp
[2] Đất nước Việt Nam (2011), Rừng Lâm Đồng
[3] UBND tỉnh Lâm Đồng (2014), Lâm Đồng có 19 địa danh mới được công nhận kỷ lục Việt Nam
[4] UBND tỉnh Lâm Đồng (2014), Lâm Đồng có 19 địa danh mới được công nhận kỷ lục Việt Nam
[5] Đào Hoa (2017), Di tích Quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (1971 – 1973), Bảo tàng Lâm Đồng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Nghiên cứu trong nước
- Bùi Thị Hải Yến (2017), Quy hoạch du lịch, NXB Giáo dục.
- Bùi Thị Hải Yến (2017), Tài nguyên du lịch. NXB Giáo dục.
- Cục Thống kê Lâm Đồng (2022), Tình hình kinh tế – xã hội thành phố Đà Lạt năm 2022.
- Đào Hoa (2017), Di tích Quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (1971 – 1973), Bảo tàng Lâm Đồng. Truy cập tại https://www.baotanglamdong.com.vn/index.php/component/content/article/99-nha-lao-thieu-nhi-da-lat/137-di-tich-quoc-gia-nha-lao-thieu-nhi-da-lat-1971-1973.html
- Hoàng Thu Hiền (2018), Nghiên cứu điều kiện phát triển loại hình du lịch mạo hiểm tại Đà Lạt, Lâm Đồng, Luận văn cử nhân ngành Văn hóa du lịch, Trường Đại học Dân lập Hải Phòng.
- Lê Thái Sơn (2010), Xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh của Công ty CP CADASA cho khu nghỉ dưỡng biệt thự cổ Đà Lạt đến năm 2015, luận văn thạc sĩ kinh tế. Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
- TM-MD (2022), Đà Lạt – Thành phố trong rừng – Góc nhìn từ đồ án quy hoạch của người Pháp. Mộc bản triều Nguyễn. Truy cập tại https://mocban.vn/da-lat-thanh-pho-trong-rung-goc-nhin-tu-do-an-quy-hoach-cua-nguoi-phap/
- Nguyễn Quốc Khánh và cộng sự (2021), Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn điểm đến của khách du lịch Đông Nam Bộ: Trường hợp điểm đến Đà Lạt, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. Số 1(57), Chuyên san Khoa học xã hội và Nhân văn.
- Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng (2022). Báo cáo số liệu kinh tế thành phố Đà Lạt 2017 – 2022.
- Trần Thu Trang (2015), với nghiên cứu “Phát triển du lịch nghỉ dưỡng tại Đà lạt”.
- UBND tỉnh Lâm Đồng (2004), Quyết định số 3173/Q- UBND phê duyệt đề cương dự án “Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và định hướng đến 2020”.
- UBND thành phố Đà Lạt (2010). Báo cáo về tình hình phát triển du lịch thành phố Đà Lạt giai đoạn 2016-2010, Phương hướng nhiệm vụ năm 2010 và những năm tiếp theo.
- UBND thành phố Đà Lạt (2015). Báo cáo kết quả 4 năm thực hiện 09/NQ-HU của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Lạt về phát triển du lịch giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng phát triển giai đoạn 2016 – 2020.
- Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (2009), Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 1996 – 2010 và định hướng phát triển giai đoạn 2010 – 2015.
Nghiên cứu nước ngoài:
- Collection du Vieux Hué, 1921, L’Annam, guide du touriste, Hanoï, Imprimerie d’Extrême-Orient.
- Demay Aline, 2018, Tourism and colonization in Indochina (1898-1939), Cambridge Scholars Publishing.
The potential of developing recreational holiday tourism
in Da Lat city
Nguyen Ngoc Thanh Trung
Nguyen Tat Thanh University
Abstract:
Thanks to the city’s rich and diverse natural resources, Da Lat city is a popular tourist attractions all year round. Natural tourism resources and indigenous culture can be used to develop specific tourism products. Da Lat is able to build and launch the type of recreational holiday tourism. This study evaluates the potential of developing recreational holiday tourism products in Da Lat city. It is essential to pay more attention to the tourism development of Da Lat city, aiming to become a hot tourist destination of domestic and international travellers.
Keywords: Da Lat, resort tourism, recreational holiday tourism.
[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6 tháng 3 năm 2023]