Ngày 18/4/2023, nhóm Nghiên cứu mạnh Phát triển Du lịch và Ngoại ngữ – Khoa Du lịch và Ngoại ngữ đã tổ chức seminar với chủ đề “Du lịch sinh thái và vai trò đối với phát triển du lịch xanh và bền vững” do PGS.TS Bùi Thị Nga – Bộ môn Quản trị du lịch và lữ hành trình bày.
Trong những năm gần đây, du lịch sinh thái thực sự phát triển và được xem như là một công cụ hữu hiệu để thoả mãn sự khát khao của con người về với thiên nhiên, gắn kết bảo vệ tài nguyên môi trường với phát triển du lịch bền vững. Du lịch sinh thái có nguồn gốc từ du lịch thiên nhiên và du lịch ngoài trời. Loại hình du lịch này đă có từ rất lâu nhưng ít được con người chú ý. Thuật ngữ Du lịch sinh thái (Ecotourism) lần đầu tiên được đề xướng vào năm 1983 bởi Hector Geballos – Lascurain. Đây là loại hình du lịch có triển vọng và đang phát triển với tốc độ khá nhanh, đặc biệt là trong các khu bảo tồn và vườn quốc gia.
PGS.TS Bùi Thị Nga chia sẻ chủ đề Du lịch sinh thái
Trong bài trình bày, PGS.TS Bùi Thị Nga cũng chỉ ra đặc trưng cơ bản của du lịch sinh thái như:
– Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, khách du lịch tìm đến các khu bảo tồn thiên nhiên, các vườn quốc gia, rừng nguyên sinh, hoặc các tài nguyên thiên nhiên khác chưa bị tàn phá để tìm hiểu, sống hoà mình với thiên nhiên.
– Các cơ quan cung ứng các dịch vụ du lịch, các cơ quan bảo tồn, các hãng lữ hành, các công ty du lịch, các đơn vị tổ chức… và khách du lịch tham gia vào du lịch sinh thái có trách nhiệm tích cực thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch đối với môi trường và văn hoá.
– Các chương trình hoạt động trong du lịch sinh thái chủ yếu do hướng dẫn viên địa phương, những người có kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm về tài nguyên thiên nhiên xung quanh, được thiết lập dựa vào tài nguyên thiên nhiên và văn hoá của khu vực.
– Các phương tiện và việc sắp xếp để hỗ trợ các chương trình hoạt động du lịch sinh thái bao gồm các trung tâm thông tin, đường mòn tự nhiên, cơ sở lưu trú, ăn uống sinh thái, sách báo và các tài liệu khác. Giúp thỏa mãn về nhu cầutrải nghiệm cảnh quan thiênnhiên đối với du khách
– Đây là loại hình du lịch thân thiệnvà rất gần gũi với thiênnhiên. Chi phí dành cho các tourdu lịch sinh thái phải chăng.
– Hỗ trợ cho việc phát triểncộng đồng địa phương, giúp hỗ trợ về bảo tồn hệsinh thái
Qua đó, tác giả cũng chỉ ra những vai trò cơ bản của du lịch sinh thái đối với phát triển xanh và bền vững. Du lịch sinh thái góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, tiêu thụ nông sản tại chỗ, giúp thúc đầy kinh tế địa phương. Du lịch sinh thái góp phần phát triển xanh, tuần hoàn, và bền vững. Tạo điều kiện giao lưu quốc tế ngay tại địa phương, nâng cao trình độ dân trí của người dân địa phương. Giảm di cư, ly hương, cải thiện phúc lợi cho người dân địa phương. Giữ được nét văn hoá đặc thù, bản sắc văn hoá địa phương của các làng quê Việt.… Góp phần thay đổi bộ mặt cảnh quan, môi trường, nâng cao đời sống vật chất văn hoá tinh thần của địa phương.
Du lịch sinh thái giúp bảo tồn được hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Bảo đảm việc sử dụng tài nguyên tái tạo bền vững, giảm thiểu suy thoái tài nguyên ko tái tạo được. Khai thác và phát triển trong thời gian dài, bảo vệ tài nguyên vạn vật thiên nhiên.