Cuối năm 2021, khi điền thông tin đăng ký tham dự chuyến thám hiểm Sơn Đoòng, tôi đã bị đánh trượt từ vòng “gửi xe” bởi không có một chút kinh nghiệm cũng như sự tập luyện thường xuyên nào. Vậy là đầu năm 2022, tôi xách ba lô cho chuyến leo núi đầu tiên trong đời. Lảo Thẩn – nóc nhà của Y Tý (Lào Cai) – đỉnh núi được đánh giá là nơi dễ leo nhất vùng núi Tây Bắc, dành cho những người mới bắt đầu trekking đã được tôi lựa chọn. Trên hành trình ấy, mới chỉ những bước đi đầu tiên, tôi đã cảm thấy như kiệt sức, mỏi rã rời và “bền vững” giữ vai thành viên chốt đoàn. Tuy nhiên, một động lực mạnh mẽ từ bên trong đã giúp tôi không bỏ cuộc và hoàn thành chuyến đi. Tôi đã tâm niệm: Lần đầu tiên mình làm một điều từng là “không tưởng”, lần đầu tiên thực sự được hòa mình vào thiên nhiên nên “phải đi rồi sẽ đến”. Và thời điểm đặt chân tới đỉnh núi, chạm tay vào “chóp”, tôi xúc động muốn khóc và tự nhủ: “Mình đã làm được rồi!”.
Tôi – từ một đứa đứng trên tầng 3 nhìn xuống cũng chóng mặt, vậy mà sau vài lần trekking, tôi đã vượt qua được nỗi sợ đứng cheo leo trên các mỏm đá, tạo dáng trên dây ở độ cao hàng chục mét trong chuyến thám hiểm Hố sụt Kong ở Quảng Bình hay khi vượt thác ở Đà Lạt, Sa Pa. Từ đứa luôn chốt đoàn, lóp ngóp lê từng bước ở Lảo Thẩn, Tú Làn… thì thành công từ chuyến Sơn Đoòng đã giúp tôi vươn lên và giữ vững vị trí top đầu của các chuyến đi tiếp theo, thậm chí còn một mình thám hiểm núi lửa Batur ở Bali, Indonesia hay Everest Base Camp ở Nepal.
Sau chuyến đi đầu tiên đó, tôi đăng ký chuyến thám hiểm hệ thống hang động Tú Làn 3 ngày 2 đêm tại Quảng Bình. Cả mấy ngày Tết, trong khi mọi người xung quanh “quần là áo lượt” đi chơi Tết thì tôi cặm cụi đi bộ, leo cầu thang và tập luyện chuẩn bị cho chuyến đi thứ hai này. Vẫn là tôi chốt đoàn. Vẫn là tôi lê lết với đôi chân đau nhức nhưng ý chí chưa bao giờ giảm. Và tôi đã sẵn sàng hơn bao giờ hết cho chuyến đi lớn trong cuộc đời – “Sơn Đoòng” vào đầu tháng 3/2022.
Nhiều người hỏi tôi: “Đi có khổ không?”
Khổ chứ! Điều kiện sinh hoạt, vệ sinh không thể như ở nhà. Tắm suối, tắm sông lạnh buốt. Không gội đầu mấy ngày là thường. Không điện, không điện thoại, không internet…
“Có sợ không?”
Sợ chứ! Sợ cây gai, cây lá ngứa. Sợ côn trùng, sợ các “em” vắt ngoe nguẩy khắp nơi. Sợ độ cao, sợ những mỏm đá tai mèo…
“Có mệt không?”
Trời ơi! mệt muốn đứt hơi! Tôi nghe rõ tiếng tim mình đập thình thịch, tưởng như cả núi rừng nghe thấy tiếng thở hổn hển của mình. Bắp chân mỏi nhừ. Đùi đau nhức nhối. Mồ hôi nhỏ tong tong như nước mưa…
Nhưng những cái “được” thì quá nhiều. Được dành những giây phút cho riêng mình. Được hít hà mùi thiên nhiên trong lành. Được ngắm nhìn tận mắt những cảnh đẹp chỉ thấy trên phim ảnh. Được rèn luyện và tăng cường sức khỏe từ thể chất tới ý chí. Được trải nghiệm cảm giác vượt qua chính mình… Thế nên, tôi đã tranh thủ từng ngày nghỉ để “được” thêm thật nhiều cho cuộc sống!
Tôi – từ một đứa đứng trên tầng 3 nhìn xuống cũng chóng mặt, vậy mà sau vài chuyến trekking, tôi đã vượt qua được nỗi sợ đứng cheo leo trên các mỏm đá, tạo dáng trên dây ở độ cao hàng chục mét trong chuyến thám hiểm Hố sụt Kong ở Quảng Bình hay khi vượt thác ở Đà Lạt, Sa Pa. Từ đứa luôn chốt đoàn, lóp ngóp lê từng bước ở Lảo Thẩn, Tú Làn… thì thành công từ chuyến Sơn Đoòng đã giúp tôi vươn lên và giữ vững vị trí top đầu của các chuyến đi tiếp theo, thậm chí còn thực hiện những chuyến đi một mình như: Thám hiểm núi lửa Batur ở Bali, Indonesia hay Everest Base Camp ở Nepal.
Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm khác nhau với muôn vàn khoảnh khắc WOW nhưng không lần nào giống lần nào. Việt Nam thực sự là một thiên đường cho các trekker. Từ các cung leo núi khu vực phía Bắc, tới các cung thám hiểm hang động ở Quảng Bình và các tour vượt thác ở Đà Lạt, Tây Nguyên hay tour du lịch địa hình đều mang đến những trải nghiệm vô cùng đa dạng.
Đầu năm 2024, tôi khởi động năm mới với chuyến leo núi Sa Mu ở Sơn La – một đỉnh núi mới được khai thác cho các hoạt động leo thám hiểm với khoảng rừng rêu nguyên sinh trải dài chưa có nhiều người đặt chân tới. Tưởng chọn một cung dễ khai xuân mà ai ngờ nhóm chúng tôi lại là những trekker đầu tiên mở màn một cung đường mới còn chưa hình thành rõ đường trek với những tảng đá dọc suối còn nguyên rêu trơn khủng khiếp, được khai trương lán mới hơi gỗ còn cay mắt, chọn cung đường ngày thứ hai dài nhất với 15km đa phần là dốc gắt và kéo dài liên tục. Thêm đau bụng và đau lưng cả buổi sáng ngày thứ hai khiến lần đầu tiên trong hai năm trekking, tôi có những giây phút cảm giác kiệt quệ cả về sức lực và tinh thần. Thế nhưng, chỉ cần dừng lại một vài giây, hít đầy lồng ngực mùi rừng núi, ngắm nhìn những tán lá xanh mướt, những thân cây rêu phủ kín ma mị, hay lắng nghe một tiếng chim ríu rít, tiếng suối róc rách, tôi như được nạp thêm 10 phần năng lượng để tiếp tục xuyên rừng, vượt dốc…
Việt Nam thực sự là một thiên đường cho các trekker. Từ các cung leo núi khu vực phía Bắc, tới các cung thám hiểm hang động ở Quảng Bình và các tour vượt thác ở Đà Lạt, Tây Nguyên hay các tour du lịch địa hình đều mang đến những trải nghiệm vô cùng đa dạng.
Bước vào con đường trekking, được gặp gỡ thật nhiều những trekker từ mọi miền đất nước, mọi độ tuổi với trình độ học vấn và công việc khác nhau, nhưng cùng một điểm chung là yêu thiên nhiên và cùng có ý thức bảo vệ thiên nhiên, không xả rác ra môi trường… Sự lớn lên từng ngày của cộng đồng trekker với sự lan tỏa tích cực về việc gìn giữ môi trường tự nhiên hy vọng sẽ là một đóng góp không nhỏ vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Tôi đặt mục tiêu sẽ tiếp tục dành thời gian thực hiện thêm các chuyến trekking khám phá các vùng đất mới của Việt Nam, “lôi kéo” nhiều bạn bè cùng tham gia. Chuyến đi tiếp theo tôi dự kiến vào cuối tháng 2 tại Tây Nguyên.
Mỗi chuyến đi, mỗi trải nghiệm luôn là những hành trang vô cùng giá trị, tô điểm sắc màu và cung cấp thật nhiều năng lượng ý nghĩa cho cuộc sống của tôi./.