- Leo núi một mình có gì thú vị?
- Cần chuẩn bị những gì cho chuyến độc hành an toàn?
- Kinh nghiệm leo núi một mình
1. Leo núi một mình có gì thú vị?
Một câu hỏi khá ngớ ngẩn đế bắt đầu topic này. “Leo núi một mình có gì thú vị?” hay “Tại sao lại đi leo núi một mình?” Câu trả lời đơn giản là vì “Mình thích” thôi. Sẽ không có một lý do cụ thể nào cả, đơn giản và vì thích đi một mình, nhưng thích phải đi đôi với khả năng, chứ mỗi thích thôi thì không được đâu.
Kinh nghiệm cho thấy, khi thực hiện những chuyến độc hành sẽ có những thuận lợi sau:
- Làm những gì mình thích: Bạn thích chụp ảnh, thích thì chụp thôi và không ai than phiền cả, muốn chụp bao nhiêu thì chụp. Còn nếu bạn không có hứng thú với những bức ảnh thì cũng không cần cố cười để vào cùng một khung ảnh với mọi người trong đoàn.
- Đi hay nghỉ, nó tùy vào bạn, muốn đi thì đi, muốn nghỉ thì nghỉ, hành trình này là của bạn và bạn tự làm chủ nó. Tự làm chủ tốc độ di chuyển của mình, tức là đi nhanh hay đi chậm tùy vào tình trạng sức khỏe của mình, không phụ thuộc vào bất kỳ ai cả.
- Khi đi một mình bạn có thể tự làm chủ được lịch trình của mình, linh hoạt thay đổi theo nhu cầu của bản thân.
- Nếu bạn là một người yêu đến điên cuồng sự yên tĩnh thì leo núi một mình là gợi ý thú vị. Bạn thoải mái đắm chìm trong thế giới của mình mà không sợ ai làm phiền.
- Và sau đó, sau khi hoàn thành chuyến leo núi độc hành bạn sẽ nhận ra yêu bản thân mình hơn, tin tưởng bản thân mình hơn.
Tuy nhiên một số điểm trừ của việc đi leo núi một mình:
- Sẽ không có ai hỗ trợ bạn trong trường hợp cần sự phối hợp, ví dụ như qua suối, bị thương,… nên đòi hỏi nếu muốn đi leo núi một mình bạn cần có kinh nghiệm chắc chắn và sức khỏe đảm bảo.
- Sẽ không có người nói chuyện, sẽ hơi buồn nhưng nếu bạn yêu sự yên tĩnh thì nó không vấn đề gì.
- Sẽ không có ai động viên bạn những khi yếu lòng, mệt mỏi. Bạn phải tự đứng dậy là đi tiếp – một bài tập ý chí khá hiệu quả.
- Sẽ có những nỗi sợ: Bạn sợ thú rừng, sợ côn trùng rắn rết, sợ cả những người đàn ông râu rậm đang tiến về phía bạn. Nhưng nếu chọn đúng cung đường thì nỗi sợ chỉ là do bạn tự tạo ra thôi, hãy bình tĩnh chinh phục nó. Và tất nhiên là vẫn phải cẩn thận nhé!
2. Cần chuẩn bị những gì cho chuyến độc hành an toàn
Trước tiên bạn cần lên một kế hoạch, tìm tracklog hoặc bản đồ nơi đến. Hãy lên kế hoạch cần làm gì, bằng cái gì từ lúc đi đến khi về – một kế hoạch chi tiết nhất có thể. Sau khi đã có kế hoạch hãy chọn 1-2 người đủ tin tưởng và đủ bình tĩnh để nói về hành trình của mình. Việc này liên quan mật thiết đến an toàn của bạn. Và tất nhiên khi bạn đã an toàn trở về thì đừng quên thông báo với họ, nếu không là lớn chuyện đấy.
Vì chỉ đi có một mình, nên bạn phải chuẩn bị chu đáo nhất những thứ cần thiết. được chia thành 3 nhóm:
Sức khỏe và tinh thần
Dù đi một mình hay nhiều mình thì sức khỏe, tinh thần vẫn là thứ cần chuẩn bị. Khi là một chuyến độc hành thì sự chuẩn bị này cần phải kỹ hơn nữa. Trong một chuyến độc hành, bạn phải tự mang tất cả hành lý, từ lều, túi ngủ, dụng cụ nấu nướng đến vật dụng cá nhân. Tất cả sẽ dồn lên đôi vai của bạn, balo sẽ to hơn, nặng hơn và mất sức hơn. Sẽ không ai chia sẻ, nên việc tập luyện thể lực nhiều hơn là điều chắc chắn phải thực hiện. Bạn có thể tham khảo cách luyện tập trước những chuyến đi để có một kế hoạch luyện tập phù hợp. Đồng thời đã là độc hành thì sẽ không ai bên cạnh động viên lúc bạn mệt mỏi muốn bỏ cuộc. Nên hãy xác định đã độc hành thì phải có một tinh thần thoải mái, một ý chí sắt đá để hoàn thành chuyến đi.
Kỹ năng
Kỹ năng ở đây là kỹ năng di chuyển, kỹ năng sinh tồn và những kiến thức sinh tồn cần có.
Đã đi một mình mà còn bị thương nữa thì thật tệ. Sẽ không ai hỗ trợ hay dìu bạn đi tiếp, nên nhất định không được bị thương, chắc chắn bạn không được bị thương trên hành trình. Chắc chắn trên từng bước đi là chìa khóa của sự an toàn này. Những kỹ năng sinh tồn cần thiết cũng cần được trang bị một cách rõ ràng, kỹ càng. Ví dụ như:
- Kỹ năng tìm nước
- Kỹ năng xác định phương hướng
- Kỹ năng vượt suối an toàn
- Kỹ năng tạo lửa
- Các cách giữ ấm
- Kỹ năng xử lý vết côn trùng cắn hay những chấn thương – không ai muốn nhưng phải biết để xử lý và phòng tránh….
- Kiến thức về thực vật và thiên nhiên cũng phải được trang bị.
Công cụ
Về công cụ bạn cần chuẩn bị những vật dụng cần thiết phải có cho chuyến cắm trại – leo núi như lều trại, túi ngủ, balo, túi nước, giày, thức ăn, áo quần,…. tham khảo thêm tại check-list những thứ cần chuẩn bị cho chuyến leo núi.
Ngoài ra thì cần đặc biệt chuẩn bị những vật dụng – công cụ cho sinh tồn:
1: Track-log hoặc bản đồ và la bàn (Thiết bị định vị và xác định phương hướng nói chung) Những vật xác định phương hướng giúp bạn xác định đúng hướng cần đi, đi đúng đường và an toàn về địch. Đồng thời chúng còn có tác dụng hỗ trợ trực tiếp nếu không may bạn đi lạc.
2. Đèn pin và pin dự phòng Đêm đến mà không có ánh sáng thì xác định. Cho dù là đi theo đoàn hay đi một mình thì cũng cần có đèn pin, khi đi một mình thì vai trò của đèn pin càng quan trọng.
3. Lọc nước sinh tồn Nước mang đi quá nhiều sẽ nặng hành lý, lọc nước sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này. Đồng thời nếu lỡ có kéo dài thời gian ở trong rừng thì bạn cũng không lo về thiếu nước.
4. Dao sinh tồn/ rựa đi rừng Đây là món không thể thiếu, công dụng cả một con dao là rất rất nhiều trong những chuyến leo núi, dã ngoại. Bạn cần có 1 con dao nhỏ gọn cho sử dụng trong việc nhẹ như nấu ăn, gọt giũa. Và một con dao lớn/ rựa để làm những việc nặng hơn trong sinh tồn như là chặt củi,….
5. Thực phẩm dự phòng (Lương khô là thích hợp nhất) Ngoài lương thực chuẩn bị cho bữa chính và các bữa phụ, hãy chuẩn bị thêm một ít dự phòng, có thể là lương khô hoặc kẹo, socola gì đó. Nhằm dự phòng trong trường hợp đi lạc thì có cái chống đói, đợi cứu hộ.
6. Bộ sơ cứu – cứu thương Những chấn thương xảy ra ngoài ý muốn, bạn bị dị ứng hay bị con gì cắn. Việc chấn thương trong khi leo núi, trekking là điều không nói trước được. Việc bạn cần làm khi bị chấn thương không phải là than trách mà là khắc phục và xử lý nó. Muốn làm được điều đó bạn cần có một bộ sơ cứu – cứu thương đầy đủ.
7. Công cụ tạo lửa Ví dụ như bật lửa, diêm, đánh lửa. Hoặc mang cả 3 để tránh trường hợp bị ướt. Đèn pin có thể chiếu sáng nhưng không có khả năng xua đuổi côn trùng và các loại thú trong rừng, nên một đống lửa vào ban đêm vẫn thật sự cần thiết. Nhưng nhớ là nhóm xong nhớ dập tắt lửa hoàn toàn, đảm bảo không còn dấu vết gì trước khi rời đi nhé!
8. Gương và còi sinh tồn
2 vật này để phòng cho trường hợp đi lạc. Vô cùng nhỏ gọn và dễ chuẩn bị nên đừng bỏ qua nhé!
9. Mềm cứu sinh Thời tiết lạnh sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bạn, một chiếc mền cứu sinh nhỏ nhắn sẽ giúp bạn rất nhiều trong trường hợp này.
10. Dây dù. Dây dù – một đoạn dây khoảng 10 mét sẽ là vũ khí lợi hại trong những chuyến leo núi. Một số công dụ phải nhắc đến như là garo vết thương, làm bẫy, dựng lều, buộc công cụ trong sinh tồn,…. Bên cạnh dây dù thì hãy chuẩn bị cho mình kiến thức thắt dây cơ bản nhé!
3. Kinh nghiệm leo núi một mình
Một vài kinh nghiệm đút kết cho một chuyến “độc hành” an toàn:
- Hãy chọn một cung đường quen thuộc, có khai thác tour hoặc ít nhất là có đường mòn, có đánh dấu đường đi để nâng cao tính an toàn cho chuyến đi. Nếu là chuyến độc hành đầu tiên thì hãy chọn cung đường đơn giản thôi.
- Hãy cố gắng tìm track-log hay bản đồ địa phương chất lượng nhất.
- Đừng quên nói với người thân về kế hoạch độc hành của bạn.
- Biết giới hạn của bạn và chọn một cung đường phù hợp, đồng thời không cố gắng quá sức khi mệt.
- Chuẩn bị tốt nhất cho sức khỏe và tinh thần.
- Kiểm tra thời tiết trước ngày khởi hành để đảm bảo không có mưa bão gì trong hành trình của bạn, còn nếu mưa thôi thì hãy chuẩn bị thêm những thứ cần thiết cho chuyến trekking mùa mưa
- Có vẻ việc đeo tai nghe để nghe nhạc rất hợp lý khi đi trekking một mình. Nhưng bạn không nên làm như vậy. Khi đeo tai phone bạn sẽ không cảm nhận được thế giới xung quanh, không cảm nhận được sự thay đổi của thiên nhiên, thời tiết qua âm thanh. Vì vậy đừng đeo tai nghe để nâng cao nhận biết của mình về những thay đổi xung quanh.
Hãy tin vào chính bản thân mình: Có một mình mình, không tin mình thì tin ai. Không cho phép bất kỳ điều gì không ổn xảy ra trong chuyến đi làm lung lay tinh thần của bạn. Hãy tin tưởng bản thân, phán đoán chính xác và đưa ra những quyết định dứt khoát.
Cuối cùng, chúc bạn có những chuyến độc hành ấn tượng, đầy trải nghiệm.