Muôn kiểu sự cố khi đi cắm trại
Xinh đẹp và năng động nhưng Mai Phương, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội luôn tự nhận mình là người rất đen đủi trong những chuyến đi chơi hay cắm trại với bạn bè. “Nếu cắm trại trong rừng thì dễ bị ngã, dễ bị những con vật như kiểu đỉa cắn nếu mà đi xuống suối. Nếu ăn linh tinh sẽ dễ bị ngộ độc”, Phương chia sẻ. “Không gặp phải những sự cố nho nhỏ thì không phải là em!”.
Cách đây 1 tháng, trước khi tiếp tục quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết, Phương cùng nhóm bạn thân rủ nhau đi cắm trại ở một địa điểm trên Tây Bắc. Nhưng lần này, sự cố lại rơi vào một người bạn. Cả nhóm đi hái rau rừng để nấu ăn nhưng lẫn phải một ít lá ngón mà không hề biết. Một bạn đã ăn phải nhưng rất may có một người kịp thời phát hiện. Bạn đó nhổ ngay ra và chỉ bị ngộ độc nhẹ.
Phương Linh, sinh viên Trường ĐH Hà Nội cũng rất thích được đi cắm trại, nhất là qua đêm với hội bạn thân. Tuy vậy, không phải chuyến nào cũng suôn sẻ. Em từng gặp phải những sự cố như trời tối nhưng bếp mang theo bị trục trặc hay lều bị rách gặp đúng trời mưa…
Đi cắm trại đến một nơi xa lạ, việc xảy ra sự cố là điều mọi bạn trẻ cần phải lường trước. Tuy nhiên, cũng có không ít bạn trẻ như Quốc Huy, sinh viên Trường ĐH Xây dựng nghĩ rằng, những sự cố đó khó có thể rơi đúng vào mình nên chưa chuẩn bị những kỹ năng ứng phó.
Cắm trại: lưu giữ kỷ niệm đẹp nhưng phải an toàn
Theo anh Đặng Anh Thao, Phó chủ tịch Hội đồng huấn luyện, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên VN, không còn gì đẹp hơn là một nhóm bạn rất thân thiết cùng đến một địa điểm lãng mạn, rất yên tĩnh, xa phố phường, cùng đốt lửa, ăn uống, múa hát và thức ngủ cùng nhau. Tuy nhiên, càng chuẩn bị kỹ bao nhiêu, chuyến đi sẽ càng thành công và an toàn.
-Về địa điểm cắm trại:
Việc chọn địa điểm cắm trại rất quan trọng vì liên quan trực tiếp đến các yếu tố an toàn. Những nơi có nguy cơ bị lũ cuốn, sạt lở, cành cây đổ…cần tránh xa. Nên chọn những địa điểm cao ráo, dù mưa cũng không có nguy cơ bị ngập.
Trong quá trình khám phá thiên nhiên, cần cân nhắc khi leo lên những mỏm đá, hay tới các con suối, dòng sông, eo biển để chụp ảnh, sống ảo vì những nơi này có nguy cơ cao gặp những tai nạn về độ cao hay đuối nước.
“Các địa điểm có độ cao, có các dòng nước và có các hang động sâu chúng ta có thể khám phá, nhưng phải có sự nghiên cứu từ trước.”
-Những vật dụng không thể thiếu khi đi cắm trại:
Khi đi cắm trại, các bạn sẽ phải mang theo những thứ gọn nhẹ nhất và ít nhất có thể. Lều bánh bao là một lựa chọn tốt vì nó rất kín, có thể tránh được muỗi và các loại côn trùng. Những vật dụng cá nhân cần thiết nhất cần có: quần áo dài, quần áo mưa, mũ, dụng cụ nấu ăn…
Bên cạnh đó, thuốc sát trùng, băng dán cá nhân, cồn, đèn chiếu sáng, đèn phát tín hiệu…là những vật dụng rất cần thiết khi xảy ra những trường hợp khẩn cấp. “Chuẩn bị thật chu đáo là sự chuẩn bị cho cuộc chơi vui, còn chuẩn bị sơ sài sẽ dẫn đến chuyến đi không thành công”.
– Trang bị những kỹ năng sinh tồn:
Khi đi cắm trại, rất nhiều tình huống bất ngờ có thể xảy ra, nếu không nắm được những kỹ năng sinh tồn có thể khiến bạn gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Anh Anh Thao chỉ ra một vài kỹ năng cần lưu ý:
Kỹ năng chung sống với thiên nhiên: trang bị kỹ năng này là điều rất quan trọng. Như vậy bạn mới biết đâu là những loại cây cỏ, loại nấm, loại hoa có thể gây hại và đâu là những loại có thể dùng để làm thực phẩm.
Kỹ năng xác định phương hướng: ngoài mang theo la bàn, các bạn nên tìm hiểu kỹ năng xác định các hướng đông, tây, nam, bắc như ban ngày dựa vào mặt trời còn ban đêm dựa vào các chòm sao.
Nếu bạn là người mới hoặc trong đoàn không có ai có nhiều kinh nghiệm, bạn có thể nhờ người địa phương dẫn đường hoặc đi theo các tour du lịch khám phá.
Hãy là những công dân có ý thức bảo vệ môi trường
Có rất nhiều nhóm cắm trại, nhóm phượt, nhóm săn mây sau khi đi về để lại một bãi chiến trường như cơm hộp, vỏ chai, bẻ cây cối… Nếu chúng ta chơi xong rồi mặc kệ môi trường, chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ không còn chỗ nào để chơi và những chỗ đẹp sẽ trở thành bãi rác.
Người trẻ cần ý thức trách nhiệm của mình với cộng đồng, với môi trường, không những gìn giữ trong lúc chơi mà sau khi chơi xong sẽ trả lại môi trường thiên nhiên như cũ.
“Hãy là một người chơi không những có kỹ năng, có tinh thần mà có cả trái tim, vui mà không xả rác.”, anh Anh Thao nhấn mạnh.
Cùng nghe thêm những chia sẻ của anh Đặng Anh Thao: