Bác sĩ NGUYỄN TIẾN LỘC, Khoa Y học thể thao Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), trả lời: Đối với môn leo núi, tính chất địa hình khác hẳn so với bề mặt bằng phẳng của vỉa hè – nơi chúng ta đi bộ hằng ngày. Vì vậy, trong quá trình leo núi, các cơ ở vùng cẳng chân phải hoạt động với năng suất lớn hơn, linh hoạt hơn để giữ cho cơ thể thăng bằng và tránh xảy ra chấn thương.
Tại thời điểm leo núi, chị cảm thấy hoàn toàn bình thường và cơn đau chỉ xuất hiện khi nghỉ ngơi, nguyên nhân là trong quá trình di chuyển, các sợi cơ xảy ra hiện tượng co lại và giãn ra xen kẽ nhau liên tục để giúp cơ thể chuyển động, nhất là khi di chuyển ở những địa hình bất thường, các cơ có xu hướng hoạt động với cường độ cao hơn.
Tuy nhiên, khi nghỉ ngơi, phản xạ còn lại của các cơ chủ yếu là hiện tượng co lại. Vì thế, áp lực trong các khoang cơ tăng lên gây cảm giác căng tức, đặc biệt là ở vùng bắp chân.
Đây cũng là lý do vì sao các nghiên cứu y học thể thao khuyến cáo nên thực hiện các động tác kéo giãn cơ ngay sau khi vận động cường độ cao để giảm thiểu các tác dụng phụ do hiện tượng căng cơ mang lại.
Kéo giãn cơ nhằm giảm cảm giác căng tức sau khi leo núi có thể thực hiện như sau:
– Đứng thẳng người, quay mặt vào tường, thân cách tường khoảng 30 cm.
– Đưa một bàn chân ra trước sao cho các ngón chân và mũi bàn chân gác lên tường.
– Từ từ dồn trọng tâm người ra phía trước cho đến khi cảm nhận được các bắp cơ ở vùng cẳng chân sau kéo giãn ra.
– Giữ nguyên tư thế bàn chân trong 30 – 60 giây, sau đó đổi bên.
Ngoài ra, một vấn đề khác thường gặp ở những vận động viên marathon, người đam mê chạy bộ là hiện tượng đau nhức cẳng chân (shin splint). Nguyên nhân đau nhức cẳng chân là vì xương chày (xương cẳng chân) bị stress do chạy bộ trong một khoảng thời gian dài. Để khắc phục tình trạng này, chị cần hiểu cơ thể mình hơn, khởi động kỹ và xác định được khoảng cách mình có thể chạy bộ, leo núi… Từ đó tìm ra mục tiêu quãng đường cụ thể để tránh gây quá tải cho hệ thống cơ – xương – khớp.