Đừng nghĩ vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ chỉ có Đà Lạt hay Buôn Ma Thuột mới đáng để đi mà bỏ quên phố núi Kon Tum – “nàng tiên đang say giấc giữa đại ngàn”, còn nhiều bí ẩn và hoang sơ đang chờ bạn khám phá.
Tất tần tật kinh nghiệm du lịch Kon Tum từ A đến Z
Ngoài cảnh quan thiên nhiên với nhiều điểm đến còn hoang sơ và đậm nét văn hóa truyền thống các dân tộc, những bản anh hùng ca huyền thoại, Kon Tum còn hấp dẫn du khách bởi sở hữu Ngã ba Đông Dương nổi tiếng – nơi mà “một tiếng gà gáy sáng cả ba nước Việt – Lào – Campuchia cùng nghe”. Với cẩm nang du lịch này, Campingviet.vn hi vọng sẽ góp một phần nhỏ trong hành trình chinh phục Kon Tum cùng bạn nhé.
Thời gian lý tưởng để du lịch Kon Tum
Kon Tum mang khí hậu đặc trưng của vùng cao với không gian luôn mát mẻ quanh năm. Khí hậu Kon Tum chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Trong đó, mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Mỗi mùa, Kon Tum lại thu hút du khách bằng vẻ đẹp riêng: tháng 1 là mùa cao su thay lá; tháng 3 thì bắt đầu vào mùa cà phê nở trắng trời; tháng 11, 12 là mùa của dã quỳ vàng rực phủ khắp núi đồi, là mùa của những lễ hội truyền thống của các dân tộc.
Phương tiện di chuyển đến Kon Tum
Máy bay:
Nếu muốn tới Kon Tum bằng máy bay, bạn có thể bay tới sân bay Pleiku, cách Kon Tum 50km. Các chuyến bay tới sân bay Pleiku có một chuyến mỗi ngày. Từ đây, bạn có thể đi taxi hoặc xe bus về Kon Tum.
Đường bộ:
Tuyến đường Hà Nội – Kon Tum dài khoảng 1080 km. Trung bình mỗi ngày có khoảng 3 chuyến xe khách chạy tuyến đường này bắt đầu từ 7h00 đến 8h00 bởi 3 nhà xe: xe Việt Tân, xe Đăng Khoa, xe Hồng Anh. Thời gian di chuyển khoảng 25 giờ. Giá vé khoảng 550-600.000 đồng.
Tuyến đường Hồ Chí Minh – Kon Tum dài khoảng 576 km. Trung bình mỗi ngày có khoảng 7 chuyến xe khách chạy tuyến đường này bắt đầu từ 17h00 đến 6h30 bởi các nhà xe như: xe Minh Quốc, xe Việt Tân, xe Thuận Phát, xe Long Vân, xe Tây Nguyên, xe Tư Phầu, xe Việt Tân Phát, xe Đồng Tiến, xe Trường Giang, xe Nhật Tân… Thời gian di chuyển khoảng 12 giờ. Giá vé khoảng 230-250.000 đồng.
Tuyến đường Đà Nẵng – Kon Tum dài khoảng 350 km. Trung bình mỗi ngày có khoảng 2 chuyến xe khách chạy tuyến đường này bắt đầu từ 20h00 đến 7h30 bởi 2 nhà xe: xe Minh Quốc, xe Việt Tân. Thời gian di chuyển khoảng 8 giờ. Giá vé khoảng từ 180-200.000 đồng.
Khách sạn
Để thuận tiện cho việc tham quan, bạn nên thuê phòng trên các con đường chính như Phan Đình Phùng, Trường Chinh, Duy Tân, Trần Phú… Giá một phòng tiện nghi khoảng từ 200.000 đến 300.000 đồng. Ngoài ra, đến Kon Tum bạn có thể ở homestay trong các khu làng văn hóa như làng văn hóa Kon K’lor, Kon K’Tu, nếu bạn đi đoàn đông thì liên hệ với làng để ở như vậy là vui nhất.
Địa điểm tham quan
Măng Đen
Được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai của Kon Tum, Măng Đen là một thị trấn thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, có rừng nguyên sinh và nhiều hồ, thác nước. Khí hậu nơi đây mát mẻ trong lành, thích hợp cho du khách tránh nóng mùa hè. Nằm ở độ cao 1.100 – 1.400m so với mặt biển, giữa ngút ngàn thông và hoa rừng nên thời tiết ở Măng Đen lúc nào cũng se se lạnh. Đến với Măng Đen bạn sẽ được đi trên con đường quanh co với hai bên là những rặng thông xanh ngắt, thoang thoảng mùi nhựa thông. Văng vẳng là tiếng chim hót líu lo, khí hậu mát lành mang nét hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng.
Ngã ba Đông Dương
Ngã ba Đông Dương là điểm tiếp giáp giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Đây là nơi mà dân phượt vẫn truyền tai nhau về câu chuyện một con gà gáy, cả 3 nước cùng nghe. Để có thể tới được ngã ba Đông Dương, du khách sẽ phải vượt qua một hành trình khá khó khăn với những con đường ngoằn ngoèo, quanh co.
Khi đặt chân lên vùng biên qua những bậc thang là chạm tay vào cột mốc làm bằng đá hoa cương, cao 2m, nặng gần 900kg, được đặt trên độ cao 1.086m là một trong hai cột mốc biên giới ghi danh ba quốc gia Lào – Việt Nam – Campuchia. Cột mốc hình tam giác, mỗi mặt quay về phần lãnh thổ của quốc gia đó với hình quốc huy trang trọng.
Nhà thờ Kon Tum
Nhà thờ chính tòa Kon Tum hay còn được gọi là nhà thờ Gỗ, được xây dựng vào năm 1913 do các linh mục người Pháp khởi xướng, hiện nay dùng làm nhà thờ chính tòa, nơi đặt ngai tòa của vị giám mục giáo phận Kon Tum. Nhà thờ này theo kiến trúc Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na – sự kết hợp giữa phong cách châu Âu và nét văn hóa của Tây Nguyên Việt Nam. Điều đặc biệt của công trình này là được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít, không dùng bê tông cốt thép và vôi vữa để sơn trét. Hệ thống cột, rui mè ở đây được chạm khắc tỉ mỉ, công phu làm toát lên khí chất tự nhiên nhưng hào hùng của người dân bản địa.
Cầu treo Kon Klor
Nhắc đến các điểm tham quan nổi tiếng của du lịch Kon Tum không thể bỏ quá cầu treo Kon Klor – cây cầu nối liền hai bờ sông Đắk Bla huyền thoại. Từ trên cây cầu này, phóng tầm mắt ngắm nhìn không gian làng mạc, đồng lúa, ruộng ngô, bãi mía xung quanh cùng với dòng sông mải miết chảy ngay dưới chân cầu, du khách sẽ cảm thấy tâm hồn mình như thoáng đạt hơn.
Đến đây, bạn có thể ghé thăm làng dân tộc Ba Na – Kon Klor, cùng uống với họ can rượu cần rồi lên đường vượt dòng sông qua cầu treo để đến một vùng đất phù sa trù phú. Đó là những vườn chuối, vườn cà phê và các loại cây ăn quả. Vượt con đường quanh co khoảng 6km sẽ đến làng Kon K’tu, một làng dân tộc Ba Na còn giữ nguyên được những nét sinh hoạt và cảnh vật thiên nhiên hoang sơ.
Vườn quốc gia Chư Mom Rây
Vườn quốc gia Chư Mom Ray nằm ở phía bắc Tây Nguyên và phía tây của tỉnh Kon Tum, trên địa phận của 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi. Nơi đây có tính đa dạng sinh học cao nhất trong các vườn quốc gia hiện nay với gần 1.500 loài thực vật, trong đó có 131 loài được xác định là quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như phong lan, ngành hạt trần…
Sông Đắk Bla
Sông Đắk Bla trong lòng người dân Kon Tum là dòng sông mang tính biểu tượng bởi vì không có sông Đắk Bla thì không có Kon Tum, xét về mặt lịch sử cũng như địa lý. Đến phố núi Kon Tum, bạn sẽ ngỡ ngàng với hình ảnh dòng sông Đắk Bla như một dải lụa mềm uốn lượn điệu đà ôm gọn thành phố Kon Tum bé nhỏ, và sẽ thật ấn tượng khi nhìn thấy giữa vùng sông nước Đắk Bla bao la rộng lớn, những chiếc thuyền độc mộc như những chiếc lá rừng lững lờ trôi trên sông.
Tòa giám mục Kon Tum
Tòa giám mục được xây dựng vào năm 1935 là sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc truyền thống của dân tộc bản địa cùng với lối kiến trúc phương Tây. Ngoại trừ hàng trụ dưới sàn được xây bằng xi măng cốt thép thì toàn bộ phần còn lại của tòa nhà này được tạo nên từ các loại gỗ quý, có độ bền rất cao. Đặc biệt, tại đây có căn nhà truyền thống được coi như một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc bản địa đang sinh sống trên địa bàn.
Nhà rông Kon K’lor
Nhà rông Kon K’lor là biểu tượng của tình đoàn kết và sức mạnh cộng đồng của người dân. Nhà cao 22m, rộng trên 6m và dài hơn 17m. Với thiết kế truyền thống cùng chất liệu bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá và những họa tiết, hoa văn công phu, tỉ mỉ, nơi đây chính là điểm đến thú vị cho du khách.
Núi Ngọc Linh
Núi Ngọc Linh là một phần của dãy Trường Sơn Nam. Với độ cao 2.600m, đây là địa điểm phù hợp cho người yêu thích bộ môn leo núi và những chuyến phiêu lưu mạo hiểm. Đặc biệt, trong dãy Ngọc Linh có loài nhân sâm nổi tiếng Việt Nam mang tên sâm Ngọc Linh mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc Kon Tum và Quảng Nam ở độ cao 1.500m đến 2.100m.
Thác Pa Sỹ
Khu du lịch sinh thái thác Pa Sỹ nằm trên địa phận làng Kon Tu Rằng của người Rơ Mâm, xã Măng Cành, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, cách trung tâm huyện Kon Plong 6km về phía Tây Bắc. Khu du lịch sinh thái thác Pa Sỹ mang một vẻ đẹp hoang sơ với những cánh rừng thông nguyên sinh và hệ thống thác, hồ. Khí hậu nơi đây trong lành, mát mẻ quanh năm.
Nằm ở trung tâm khu du lịch là thác Pa Sỹ nằm ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển. Thác được hình thành từ 3 ngọn suối lớn nhất ở Măng Đen, nên được gọi là Pau Suh, theo tiếng dân tộc Rơ Mâm có nghĩa là 3 nguồn suối chụm lại thành một dòng. Sau này tên thác được đọc chệch đi thành Pa Sỹ.
Món ngon Kon Tum
Gỏi lá Kon Tum
Đây là món ăn độc đáo gồm hơn 40 loại lá rừng, thịt heo luộc thái mỏng, tôm và loại nước chấm làm từ gạo nếp lên men, hành khô, mẻ, sa tế. Cách ăn món này “đúng chuẩn” là lấy lá cải hoặc lá mơ đặt ngoài, bên trong thêm lá chua và các loại lá khác tùy sở thích người ăn rồi cuốn lại thành phễu nhỏ, bỏ thịt, tôm vào trong.
Xôi măng
Chỉ là món xôi nấu từ gạo nếp quen thuộc, kết hợp khéo léo với măng rừng nhưng đã trở thành món điểm tâm sáng thân thuộc với mỗi người dân tại Kon Tum. Cách làm xôi măng khá đơn giản và chẳng mấy cầu kỳ. Măng tươi sau khi được đào trên rừng về lột bỏ vỏ ngoài, rửa sạch và thái miếng vừa ăn. Qua công đoạn sơ chế để làm mất mùi ngái, măng được đem xào qua với gia vị để trở nên đậm đà. Gạo nếp chọn loại ngon đem ngâm trong nước muối loãng có pha thêm bột nghệ để lên màu khoảng 8 tiếng thì mang ra đồ chín.
Cà đắng
Cà đắng là món ăn dân dã của người dân tộc thiểu số Kon Tum. Cà đắng được xắt từng lát mỏng, xiên qua từng que đặt lên nướng, khi cà chuyển sang màu nâu sậm, dậy mùi thơm lan tỏa và vừa chín tới, vẫn còn giữ chút nước đắng, hơi dai dai, mềm mềm, chấm với muối tiêu rừng hoặc ăn kèm với thịt rừng nướng rất ngon. Ngoài ra cà đắng còn nấu thành nhiều món kho với tôm, tép bắt được dưới sông hay cà đắng um lươn, ếch, món nào cũng ngon, cũng dậy lên hương thơm quyến rũ.
Cá gỏi kiến vàng
Đến huyện Sa Thầy, Kon Tum nơi sinh sống của dân tộc Rơ Măm bạn nên thưởng thức cá gỏi kiến vàng độc và lạ. Món ăn mới nghe tên nhiều người cảm thấy sợ, nhưng khi được ăn rồi muốn ăn thêm. Cá suối bắt loại vừa phải, bằng ba ngón tay, đem về làm sạch, băm nhuyễn, vắt cho cạn nước để đỡ mùi tanh. Kiến vàng chọn ổ kiến non, còn cả trứng đem về giã nhỏ để riêng. Lấy muối hột, ớt xanh, tiêu rừng trộn chung cá với kiến vào, thêm chút thính gạo dậy lên mùi thơm. Khi ăn lấy lá sung cuốn lại vừa miệng và thưởng thức, vị ngọt của cá suối hòa vào vị béo của kiến non, vị cay xé của tiêu, ớt tạo nên hương vị ngon tuyệt.
Heo Măng Đen quay
Giống heo Măng Đen của dân tộc bản địa. Heo được nuôi bằng thức ăn tự nhiên của núi rừng nên thịt săn chắc và rất bổ dưỡng. Con to nhất lúc trưởng thành cũng chưa đầy 20 kg. Heo được làm sạch lông, mổ lấy nội tạng; sau đó tẩm ướp gia vị là các loại nguyên liệu từ núi rừng Măng Đen. Heo quay nguyên con bằng lửa than cho đến khi căng da vàng, giòn rụm, tỏa mùi thơm phưng phức.
Cá tầm nấu măng
Tại cao nguyên Măng Đen, Kon Tum là vùng có nhiều hồ, nước mát lạnh quanh năm. Vì vậy cá tầm được nuôi và sinh trưởng thuận lợi ở đây. Cá tầm là loại cá xương sụn, toàn bộ hệ thống xương của cá cũng như đầu cá đều cấu tạo từ sụn, thịt cá tầm trắng, dai, có vị béo ngậy, thành phần dinh dưỡng cao, dễ hấp thụ. Đến đây bạn được thưởng thức món cá tầm mới được bắt lên từ hồ tươi roi rói. Cá tầm được làm sạch, tẩm ướp gia vị từ các loại cây dược liệu của núi rừng Măng Đen, sau đó được hấp, um hoặc nướng.
Theo iVIVU.com
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com