Chị Bùi Hằng (43 tuổi, ở Hà Nội) có niềm đam mê du lịch. Chị cùng gia đình đã khám phá gần hết các điểm đến ở khắp Việt Nam.
Trước đó, hai con của chị Hằng là bé Huy (14 tuổi) và bé Mây (7 tuổi) từng được bố mẹ đưa đi du lịch khắp nơi từ lúc 2 tuổi.
Với những kỳ nghỉ dài ngày như Tết Nguyên Đán, anh chị cũng đưa con đi xuyên Việt hoặc du lịch nước ngoài cùng ông bà nội ngoại hai bên. Chị Hằng cho hay, hầu hết các chuyến đi đều theo tiêu chí trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Các con của chị đã hai lần đi xuyên Việt bằng ô tô nhưng phượt xe máy thì chưa.
Cuối tháng 7, chị Hằng quyết định lên kế hoạch phượt bằng xe máy khắp Hà Giang trong 5 ngày cùng hai con. Ngoài ra, ba mẹ con còn có sự hỗ trợ của 2 người lái xe, vừa là người dẫn tour am hiểu về địa hình và văn hóa bản địa.
Chị Hằng hài hước cho biết, người cần chuẩn bị tâm lý nhất cho hành trình này chính là mình vì đây là chuyến đi mà chị và hai con phải vượt ngưỡng giới hạn bản thân khi lần đầu ngồi xe máy di chuyển hàng trăm km mỗi ngày.
Người phụ nữ này thậm chí còn dự sẵn tình huống cho người dẫn tour trong trường hợp ba mẹ con bỏ cuộc vào ngày thứ 2. May mắn, chị và các con đã vượt qua 5 ngày khám phá Hà Giang một cách ngoạn mục mà không bị “sứt mẻ” về thể chất và tinh thần.
Chị Hằng và hai con đi xe giường nằm từ bến xe Mỹ Đình vào lúc 9 giờ tối. Sau khoảng 6 tiếng, xe có mặt ở homestay Giang Sơn (TP Hà Giang). Đây là địa điểm nghỉ chân quen thuộc của các phượt thủ. Homestay này cũng cho thuê xe máy để du khách thuận tiện di chuyển, trải nghiệm ở Hà Giang.
Từ đây, ba mẹ con chị Hằng bắt đầu hành trình 5 ngày khám phá vùng địa đầu Tổ Quốc bằng xe máy.
Ngày 1
Ngày đầu tiên là chặng từ Hà Giang đi Du Già dài 90km. Cả nhà dậy từ 6h sáng, chuẩn bị đồ đạc cẩn thận chất lên xe. Lần đầu phượt bằng xe máy, lại ở vùng núi cao nên chị Hằng không khỏi choáng ngợp với đường cua ở đây.
“Cung đường thành phố Hà Giang – Thuận Hòa – Thái An – Đường Thượng có rất nhiều đoạn cua, hết cua phải lại cua trái. Trung bình cứ 5-7 giây lại gặp một khúc cua, lúc thì là cua tay áo lên dốc cao chót vót, lúc lại hun hút xuống vực sâu”, bà mẹ hai con nhớ lại.
Bù lại những đoạn đường quanh co, khó đi, chị cùng các con lại được chiêm ngưỡng cảnh núi non hùng vĩ, nghe tiếng gió thổi, tiếng thác nước chảy ào ào,… hay cảm nhận những tia sáng uyển chuyển lách qua khe núi.
“Suốt cả đoạn đường di chuyển, đến một cái chớp mắt mình cũng thấy tiếc vì sợ bỏ lỡ cảnh sắc đẹp như tranh của thiên nhiên nơi đây”, chị nói thêm.
Sau khi tới homestay Du Già, ba mẹ con tranh thủ ăn trưa, nhận phòng, nghỉ ngơi rồi buổi chiều đi tắm thác.
Cả gia đình đi bộ hơn 1km từ chỗ nghỉ tới thác, men theo con đường xuyên qua bản người Mông, người Tày “lổn nhổn đất đá rồi lên dốc, xuống dốc như trêu ngươi”.
Cuối cùng, ba mẹ con cũng nhìn thấy dòng thác lớn đổ ào ào từ trên cao xuống tạo thành cái bể bơi tự nhiên trong vắt như gương. Tất cả mọi người, trừ Huy, nhảy ào xuống dòng nước mát, xua tan mọi cái nắng, nóng, mệt vừa trải qua.
Còn bé Mây thì thích thú, bơi, ngụp, lặn, hò hét, nhảy múa, vui chơi… đủ cả. Giữa sự ồn ào của các du khách, cô bé cùng người dẫn tour trèo lên mỏm đá cao 4m rồi nhảy “bùm” xuống theo dòng thác rơi.
Ngày 2
Ngày thứ hai, chị Hằng cùng các con chinh phục chặng đường dài 90km từ Du Già tới Mèo Vạc.
Tới hẻm Nậm Lang – vực sâu thứ hai ở Hà Giang, chị Hằng dừng xe nghỉ chân.
Suốt đoạn đường vừa đi, khi con gái bắt đầu ngủ gật trên xe máy, người mẹ 43 tuổi phải gồng mình giữ chặt con khỏi ngã. Được một lúc, chị thấy tay bắt đầu tê, lưng mỏi và chân đau nên tấp xe vào lề đường để con gái tỉnh táo lại.
Thậm chí, ba mẹ con còn được trải nghiệm đi con đường tắt, chiều ngang chỉ rộng khoảng 1m, không có vực sâu nhưng nếu ngã xuống cũng “gãy chân tay, sứt đầu mẻ trán”.
Sau bữa trưa tại homestay, chị Hằng lại đưa các con lên đường, di chuyển tiếp 5km về làng H’Mông Pả Vi ở Mèo Vạc. Tại đây, ba mẹ con nghỉ ngơi trong một căn phòng có tầm nhìn mở rộng ra ruộng ngô xanh ngát và xa xa là điểm bắt đầu lên dốc của Mã Pí Lèng.
Chiều tối, chị Hằng và các con có khoảng thời gian hiking chừng 3 cây số tới đỉnh núi cao nhất của xã Lũng Pù để săn đom đóm. Đỉnh núi cao, gió to và lạnh nên đom đóm không xuất hiện nhiều.
“Đường dốc cao và đá lổn nhổn nên cảm giác như xa vạn dặm. Chưa kể mất công chờ đợi gần 2 tiếng nhưng chỉ nhìn thấy vài ba con đom đóm với đoạn đường biên giới đã lên đèn giữa Việt Nam và Trung Quốc”, chị Hằng kể.
Bù lại những điều còn tiếc nuối trong ngày thứ hai, bé Huy và Mây được chiêm ngưỡng không gian về đêm nơi núi cao hùng vĩ.
“Trở về phòng vào lúc 9 giờ tối, ba mẹ con nhìn nhau như người xa lạ vì mệt nhoài rồi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Vậy là ổn cho ngày thứ hai, không bạn nào từ mặt mẹ”, chị Hằng hài hước nhớ lại.
Ngày 3
Chị Hằng và các con dành trọn ngày thứ ba rong chơi ở Tu Sản – nơi được mệnh danh “đệ nhất hùng quan” với kiến tạo địa chất độc nhất vô nhị, có chiều cao vách đá gần 1.000 m, dài gần 2 km. Đây cũng là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á.
Hẻm Tu Sản nằm dưới chân đèo Mã Pí Lèng và dưới chân vực là sông Nho Quế xanh ngắt uốn lượn quanh các vách núi.
Từ trên đường lớn, chị Hằng cùng người dẫn tour lái xe chở Huy và Mây tới điểm đỗ xe máy sau chặng đường hẹp và dốc đứng, một bên là núi cao, một bên là vực sâu, không có bất cứ cơ hội nào cho ai sửa sai nếu tay lái không vững.
Từ đây, ba mẹ con tiếp tục đi bộ hàng trăm bậc thang để xuống bến thuyền và được bù đắp, xua tan mệt mỏi bằng trải nghiệm chèo thuyền SUP, bơi trên dòng sông Nho Quế.
Giữa khung cảnh thiên nhiên xanh mát, chị Hằng cùng các con được người dẫn tour chiêu đãi bữa trưa trên mỏm đá “có view triệu đô” với nhiều món ngon như dê nướng, gà nướng, dưa chuột và dưa lưới. Thậm chí, nhận ra thiếu mất món bia lạnh, chị còn gọi ship bằng thuyền mang qua.
Kết thúc ngày thứ 3, chị và hai con trải nghiệm massage và tắm lá thuốc, tận hưởng khoảnh khắc thư giãn trước khi chìm vào giấc ngủ sâu.
Ngày 4:
Ngày thứ tư là chặng Đồng Văn – Quản Bạ dài 120km.
Buổi sáng, chị Hằng đưa các con qua phố cổ Đồng Văn, leo lên cột cờ Lũng Cú rồi ghé qua thăm quan làng của người Lô Lô với những ngôi nhà trình tường lợp ngói âm dương.
Tiếp tục chạy xe khoảng một tiếng đồng hồ, ba mẹ con đến điểm ăn trưa tại nhà cổ 200 năm của dân tộc Giáy ở Ma Lé.
Buổi chiều, cả nhà đi thăm dinh vua Mèo ở Sà Phìn, ghé qua vườn hoa tam giác mạch còn sót lại rồi vượt dốc Thẩm Mã về Quản Bạ, qua đèo Sủa Cán Tỷ.
Dù thấm mệt nhưng chị Hằng rất hãnh diện vì mình và các con cũng chuẩn bị cán đích “trên đường đua”, vào hôm sau.
Ngày 5
Hành trình 5 ngày phượt Hà Giang kết thúc bằng chuyến xe chạy từ Quản Bạ về lại TP. Hà Giang, dài khoảng 55km.
Chị Hằng cùng các con vẫn kịp bổ sung thêm danh sách trải nghiệm ở vùng địa đầu Tổ quốc bằng chuyến tham quan bản người Dao – nơi ngôi nhà nào làm bằng đất đỏ cũng đẹp và ghé qua cầu treo Nậm Đăm mảnh mai, vắt ngang qua hai ngọn núi.
“55km từ Quản Bạ về lại Hà Giang không còn nhiều thứ đặc biệt để ngóng. Nhưng bữa trưa cuối cùng với măng chua và gỏi cá bỗng thì chẳng thể chê”, chị Hằng xuýt xoa.
Chia sẻ về chuyến đi “để đời” cùng hai con, chị Hằng bày tỏ rằng, Hà Giang quá đẹp.
Tất cả vạn vật trên cung đường hòa vào nhau thành một bức tranh thiên nhiên khiến bất cứ ai đi qua cũng phải choáng ngợp.
Bà mẹ hai con ấn tượng với cung đường Hà Giang – Du Già và Mèo Vạc – Đồng Văn, nơi có đèo Mã Pí Lèng và sông Nho Quế.
Cảm giác được nhảy xuống tắm ở dòng sông với xung quanh là vách đá dựng đứng, nước xanh như ngọc rồi ngồi ăn trưa trên mỏm đá nhìn thẳng ra hẻm sông được chị ví như “không tiền nào có thể mua được”.
“Bỏ qua những choáng ngợp về cảnh đẹp, những kiến thức thu nạp được về văn hóa, con người của một vùng đất thì mình và các con đều nhận thấy rằng, mỗi chúng ta luôn có thể vượt qua mọi “ngưỡng chịu đựng” của bản thân.
Vì thế khi mình nói chuyện với các con về dự định xuyên Ấn Độ vào dịp tết Nguyên Đán sắp tới đây thì các con đều hào hứng”, chị Hằng trải lòng.