PHƯỢT BÌNH THUẬN VÀO THỜI GIAN NÀO ĐẸP NHẤT?
Khí hậu Bình Thuận phân hóa thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhưng trên thực tế mùa mưa chỉ tập trung vào các tháng 8, 9, 10.
- Khoảng thời gian từ tháng 4-5: Khí hậu nóng nhất trong năm thích hợp cho các hoạt động tắm biển.
- Từ tháng 6, 7 và 8 có mưa nhiều, tảo biển xuất hiện làm cho nước đục, kèm theo mùi rất khó chịu. Nếu bạn có nhu cầu tắm biển thì mình khuyên không nên đi vào thời gian này.
- Tháng 12, tháng 1 và tháng 2 (nhiệt độ trung bình 25,5°C) không khí dịu mát, biển lộng gió. Khoảng thời gian này rất thích hợp Phượt Bình Thuận.
PHƯỢT BÌNH THUẬN BẰNG PHƯƠNG TIỆN GÌ?
Tàu hoả
Chuyến tàu SPT1 khởi hành từ ga Sàu Gòn lúc 6h40 sáng đế Phan Thiết lúc 10h15 trưa. Theo chiều đi từ Sài Gòn tàu sẽ dừng ở 2 ga là Bình Thuận và Phan Thiết. Tùy vào kế hoạch của mình mà các bạn có thể chọn ga phù hợp.
Còn từ Hà Nội các bạn có thể di chuyển bằng tàu Thống Nhất, tất cả các chuyến tàu đều xuất phát hàng ngày từ ga Hà Nội tới ga Sài Gòn. Thời gian đi mất khoảng 26 tiếng với tàu nhanh nhất SE3. Tàu sẽ dừng tại ga Bình Thuận cách trung tâm Tp Phan Thiết khoảng 15km.
Xe giường nằm
Hiện có rất nhiều nhà xe chạy từ Sài Gòn (và một số tỉnh khác) đi Phan Thiết. So với tàu hoả, vé xe giường nằm đi Phan Thiết sẽ rẻ hơn. Thời gian chạy đa dạng hơn nên sẽ có nhiều lựa chọn hơn so với việc đi tàu.
Từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, các bạn có thể lựa chọn các tuyến xe chất lượng cao đi Sài Gòn. Các tuyến xe này đều chạy dọc theo QL1A và qua địa bàn tỉnh Bình Thuận. Các bạn có thể xuống vị trí nào phù hợp cho hành trình của mình.
<> Từ Hà Nội <>
- Xe Hoàng Long: Địa chỉ số 7 ngõ 155 Cầu Giấy, Hà Nội. SĐT: 0246 672 6080. Giá vé 860.000đ.
- Mai Linh Express: Khởi hành tại bến xe nước ngầm. SĐT: 0243 633 6699 (tại Hà Nội), 0262 3823 222 (tại Phan Thiết)
<> Từ Hồ Chí Minh <>
- Xe Kumho Samco Express: Khởi hành tại bến xe Miền Đông. SĐT: 0283 5112112. Giá vé 120.000đ/lượt
- Xe Mai Linh Express: Khởi hành tại bến xe miền Đông và bến xe Lê Hồng Phong. SĐT: 0283 9393939 (tại HCM), 0262 3823 222 (tại Phan Thiết). Giá vé 120.000đ.
- Xe Phương Trang: Khởi hành tại 274-276 Đề Thám, Q1. SĐT: 0262 3636 636. Giá vé 120.000đ.
- Xe Tâm Hạnh: Khởi hành tại 199 Phạm Ngũ Lão, Q1. SĐT: 0283 920 5653 / 0286 295 8818. Giá vé 120.000đ.
<> Từ Nha Trang <>
- Xe Sinh Café: Khởi hành tại 10 Biệt Thự (SĐT: 0258 3522 982-3523 183), 90C Hùng Vương (SĐT: 0258 3521 981/3524 329)
- Xe Hạnh Café: Khởi hành tại 10 Hùng Vương (SĐT: 0258 352 7466 / 352 7467), 117 Nguyễn Đình Chiểu (ĐT: 0262 384 7347 / 384 7597).
- Xe Phương Trang: Khởi hành tại 30 Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang (SĐT: 0258 3524 315). Bến xe Nam Nha Trang số 58 Đường 23 tháng 10 (SĐT: 0258 3822 192).
<> Từ Đà Lạt <>
- Tâm Hạnh: Khởi hành tại 68 Trương Công Định (SĐT: 063 382 8383)
- Sinh Café: Khởi hành tại 4A Bùi Thị Xuân. SĐT: 0263 3822 663/3836 702.
Xe máy
Cung đường 1: Đường quốc lộ 1A (210km)
Từ Trường Chinh, bạn rẽ phải và chạy thẳng theo quốc lộ 1A, đến Big C Đồng Nai thì rẽ phải vào quốc lộ 51.
Sau đó đi thẳng qua đường Võ Nguyên Giáp đến đoạn giao quốc lộ 1A – Bưu điện Dầu Giây – Thị xã Long Khánh. Cứ thế chạy thẳng quốc lộ là sẽ đến Bình Thuận và thành phố Phan Thiết.
Cung đường này là đường quốc lộ nên có khá nhiều xe tải đi lại. Các bạn đi đường thì nên đi cẩn thận, tuân thủ luật giao thông và chuẩn bị đầy đủ đồ đảm bảo an toàn.
Cung đường 2: Đường Ven biển (266km)
Trung tâm thành phố – Phà Cát Lái – quốc lộ 51 – quốc lộ 55 – đường ven biển Vũng Tàu – Thị xã LaGi – đường ven biển thị xã LaGi – T.p Phan Thiết, Bình Thuận.
Cung đường này hơi phức tạp, bạn nên dùng bản đồ google map để di chuyển sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên cung đường ven biển này rất đẹp, gió mát đáng để trải nghiệm.
***Lưu ý:
- Đến Trung tâm Phan Thiết: nên chọn xe Kumho và Phương Trang. Vì trả khách tại bến xe Phan Thiết và có xe trung chuyển đến các khách sạn, resort ở Phan Thiết.
- Đến Mũi Né: nên chọn xe Phương Trang hoặc Sinh Café. Nhà xe sẽ đưa và đón khách ngay tận các resort ở Mũi Né.
- Đến Mũi Kê Gà: đến Siêu Thị Coop mart Phan Thiết, đón xe bus số 6 (cứ 30 phút có 1 chuyến). Đđi từ Phan Thiết xuống Mũi Kê Gà, dọc đường, nhờ xe Bus dừng tại resort của mình. Khi về, nhờ resort canh và bắt xe bus dùm mình và đi theo hướng ngược lại.
- Nếu đi tàu hỏa thì nên xuống ga Phan Thiết chứ đừng xuống ở ga Mương Mán sẽ cách xa Phan Thiết hơn. Trên tàu có bán vé xe bus đón từ ga đi đến các resort ở Mũi Né với giá 30.000đ/khách.
DI CHUYỂN NHƯ THẾ NÀO KHI PHƯỢT BÌNH THUẬN?
Phương tiện xe buýt
Hệ thống xe buýt của Bình Thuận hầu hết đều tập trung ở Phan Thiết. Tuy chưa nhiều nhưng cũng có đủ một số tuyến cơ bản để các bạn có thể di chuyển tới những điểm cần thiết như: Mũi Né, Hòn Rơm, Kê Gà, La Gi.
Với các địa điểm khác, nếu không nằm trên lộ trình xe buýt các bạn có lẽ sẽ phải cần thuê xe máy để đi tiếp.
Thuê xe máy tại Bình Thuận
Nếu muốn chủ động hơn trong việc khám phá Bình Thuận, các bạn có thể tự thuê xe máy tại Tp Phan Thiết. Nếu các bạn lưu trú tại Mũi Né, hầu hết khách sạn/resort nơi các bạn ở sẽ cung cấp luôn dịch vụ này.
Phượt Hot thông tin đến bạn một số địa chỉ thuê xe máy khi Phượt Bình Thuận.
- MR.BƯỞI: 41/3 Nguyễn Đình Chiểu, Hàm Tiến, Tp Phan Thiết. Điện thoại: 01267329367
- MR.LONG: 60 Nguyễn Đình Chiểu, Hàm Tiến, Tp Phan Thiết. Điện thoại: 0979 793906
- MR.HIẾU: Mũi Né, Tp Phan Thiết. Điện thoại: 0933 715692.
- MR.HƯNG: Mũi Né, Tp Phan Thiết. Điện thoại: 0907 298178.
- TÂM CHUNG: 280 Thủ Khoa Huân, Phú Thủy, Tp. Phan Thiết. Điện thoại: 0969 371347 – 0979 725417
- HOÀNG HIẾU: Phú Trinh, Tp. Phan Thiết. Điện thoại: 0916028368
- MR.LÂM: 161 Nguyễn Hội, P. Phú Tài, Tp. Phan Thiết. Điện thoại: 0342311448
- CHO THUÊ XE MÁY PHAN THIẾT: U21 KDC Kênh Bàu, P. Xuân an, Tp. Phan Thiết. Điện thoại: 0342311448 – 0946343407
- LỘC NƯƠNG: Tp.Phan Thiết. Điện thoại: 0902605780 – 0917401171
CÁC ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH KHI PHƯỢT BÌNH THUẬN
Du lịch Phan Thiết
Mũi Né
Mũi Né Cách trung tâm thành phố Phan Thiết 14 km về hướng Đông Bắc. Mũi Né là tên một làng chài và cũng là một điểm du lịch quen thuộc khi Phượt Bình Thuận.
Bãi biển nông thoải, nước sạch và trong, nắng ấm quanh năm, không có bão nên Mũi Né là nơi tắm biển, nghỉ ngơi lý tưởng dành cho du khách.
Dải bãi biển ở Mũi Né hiện giờ hầu hết nằm trong các khu resort, nhà hàng mà khách du lịch bình thường khó có thể tiếp cận. Tuy nhiên Mũi Né cũng còn một vài bãi biển hoang sơ và đẹp mà bạn có thể tham quan.
Bãi đá Ông Địa
Đây là một bãi biển nằm trên đường từ Phan Thiết đến Mũi Né. Đối diện ngay khu resort Sea Link.
Không ai biết rõ tên địa danh này có từ lúc nào. Ở đây có một tảng đá có hình thù giống Ông Địa đang ngồi nhìn vào đất liền.
Tảng đá này được hình thành từ tự nhiên. Người dân sinh sống ở đây cho rằng đây là “Ông Địa” mà trời ban tặng, họ bắt đầu lập am, thắp nhang để cầu tài lộc, buôn may bán đắt.
Đây cũng là khu vực được các bạn nước ngoài lựa chọn để chơi các trò chơi mạo hiểm như lướt ván hay trượt sóng.
Suối Tiên
Đây là một khe nước nhỏ nằm khuất sau các đồi cát đỏ ở trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Lối vào Suối Tiên hầu hết bị che khuất bởi nhà dân nên nếu không để ý các bạn sẽ dễ bị bỏ qua.
Đoạn suối chạy dài khoảng 1km trước khi đổ ra biển, ngay phía trên là những đồi cát đỏ rực khiến khung cảnh trông vô cùng đẹp và nên thơ.
Hòn Rơm
Đây không phải tên một hòn đảo mà là một ngọn núi nhỏ vẫn còn hoang sơ của Mũi Né. Trên đường đi Bàu Trắng các bạn sẽ nhìn thấy một doi đất nhô ra sát biển, đấy chính là khu Hòn Rơm.
Thời tiết thuận lợi nên ở trên núi này có một loại cỏ ống dài khoảng 0,50m. Vào mùa nắng lớn, cỏ bị cháy khô, màu vàng.
Người dân đi biển ở ngoài khơi nhìn vào ngọn núi thấy dáng khô vàng giống như một đụm rơm khổng lồ, nên mới gọi là Hòn Rơm.
Ngày nay, Hòn Rơm thực chất là một “tiểu khu” du lịch của Mũi Né, với cảnh quan đẹp trầm lắng. Bãi tắm dài hơn 17 km, vẫn còn nguyên sơ, chưa có người ở và khai thác, gọi là Bãi sau Hòn Rơm.
Tại đây, nước xanh trong vắt, sóng êm, không có đá ngầm. Vào mỗi buổi sáng hoặc buổi chiều, người ta có thể ngồi tại đây ngắm bình minh hay hoàng hôn. Vào buổi tối nhìn trăng lên hay tổ chức lửa trại, tắm biển.
Đồi Cát Hồng
Đồi cát hồng Mũi Né, một phần của Đồi Cát Bay – một bãi cát trải dài nhiều chục cây số và lan rộng từ Bình Thuận đến Ninh Thuận.
Đồi hồng là điểm tham quan chính và được xem là đẹp nhất ở Mũi Né nằm trên đường DT706 ra Hòn Rơm. Thời điểm hợp lý để ngắm đồi cát hồng là lúc bình minh hoặc hoàng hôn.
Thời điểm này nắng hầu như không có nên bạn có thể đi bộ hoặc chơi trượt cát. Những khoảng thời gian khác đồi cát vô cùng nóng, không thích hợp để tham quan.
Làng chài Mũi Né
Qua Suối Tiên một đoạn chợ làng chài Mũi Né nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Cách trung tâm thành phố Phan Thiết hơn 20 km.
Vào mỗi buổi sáng, nơi đây thực sự là một chợ hải sản vô cùng nhộn nhịp với những cuộc mặc cả giữa người mua và người bán.
Hầu hết các loại hải sản sau khi cập bờ đều được sơ chế ngay tại bờ biển và được thu mua bởi nhà hàng quán ăn hay những lái buôn.
Nếu thích thưởng thức hải sản tươi sống bạn có thể mua tại chợ và người dân sẽ chế biến và làm luôn cho bạn. Đặc biệt các loại hải sản: ỐC, CUA GHẸ, TÔM HÙM,… tính tiền bằng thau đồng giá từ 100k.
Đến làng chài Mũi Né, bạn sẽ có thêm hiểu biết về cuộc sống của ngư dân ở đây. Những hoạt động chế biến, giao dịch diễn ra nhộn nhịp và liên tục.
Bãi biển Đồi Dương
Từ Trung tâm thành phố Phan Thiết theo hướng đại lộ Nguyễn Tất Thành, bạn đi thẳng khoảng 1km nữa là đến biển Đồi Dương – Thương Chánh. Đây là bãi tắm mà tên tuổi của nó đã gắn liền với lịch sử xây dựng và phát triển thành phố biển này.
Biển Đồi Dương được gọi như vậy là vì ngày xưa, nơi đây là một vùng rộng lớn trồng rất nhiều cây dương chắn gió. Tuy nhiên, hiện nay khu vực trồng dương đã bị thu hẹp rất nhiều vì phần lớn đất dành cho khách sạn. Bãi tắm Đồi Dương bây giờ mang tên chính thức là Công viên Đồi Dương.
Tháp Chăm Phố Hài – Tháp Pôshanư
Tháp Po Sah Inư (còn gọi là Tháp Chăm Phố Hài) là một nhóm di tích đền tháp Chăm còn sót lại của Vương quốc Chăm Pa xưa.
Nằm trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hài. Cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7 km và cách trung tâm khu du lịch Mũi Né khoảng 13km.
Nhóm tháp này có phong cách kiến trúc Hòa Lai – một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chămpa. Tháp có mang kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí.
Trường Dục Thanh
Dục Thanh Học hiệu (viết tắt của: Giáo Dục Thanh Thiếu Niên) là một ngôi trường do các sĩ phu yêu nước ở Phan Thiết.
Được sáng lập vào năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ.
Cấu trúc chính của trường gồm 2 nhà lớn bằng gỗ dùng làm phòng học, một ngôi nhà lầu nhỏ – Ngoạ Du Sào – là nơi bàn việc, tiếp khách quý, luận đàm văn thơ và nhà Ngự làm nơi ở chung của các thầy và trò xa nhà.
Vạn Thủy Tú
Vạn Thủy Tú tọa lạc trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết. Nơi thờ thần Nam Hải – tức Cá Ông, theo tín ngưỡng của ngư dân vùng biển.
Các vạn thường được xây dựng ngay sát bờ biển của các làng chài. Vạn này được ngư dân làng Thủy Tú xây dựng vào năm Nhâm Ngọ 1762 để thờ Cá Ông (cá voi) ở chính điện. Nhà thờ Tiền Hiền, Võ Ca được bố trí theo hình chữ Tam. Mặt chính quay về hướng Đông.
Vạn làng Thủy Tú là một trong những vạn cổ xưa nhất của nghề biển ở Bình Thuận. Bên trong vạn có nhiều di sản văn hóa Hán-Nôm liên quan đến nghề biển.
Thể hiện trong nội dung thờ phụng ở các khám thờ, tượng thờ, hoành phi, liên đối, trên văn khắc của đại hồng chung.
Đảo Phú Quý
Từ Phan Thiết theo hướng Đông – Đông Nam vượt qua 56 hải lý, các bạn sẽ bắt gặp một hòn đảo nằm giữa biển Đông mênh mông với hình thù rất kỳ thú.
Nhìn từ phía Đông của đảo, ta thấy đảo nổi lên như một con rồng đang cuồn cuộn trên mặt nước với sóng biển.
Nhìn từ phía Bắc đảo giống như con cá Thu và nếu nhìn từ phía Tây Nam, ta sẽ dễ dàng hình dung đó là một con cá voi khổng lồ trồi lên mặt nước.
Phú Quý có diện tích 17,82 km2, bốn bề là biển. Địa hình Phú Quý không bằng phẳng. Có 3 ngọn núi chính là núi Cấm, núi Cao Cát và núi Ông Đụn. Nhiều di tích và danh lam thắng cảnh phục vụ để phát triển Du lịch.
Du lịch Bắc Bình Thuận
Đồi cát Bàu Trắng
Bàu Trắng là tên một hồ nước ngọt cách Mũi Né khoảng 35km thuộc huyện Bắc Bình. Bàu Trắng chia thành 2 phần bởi một đồi cát vắt ngang qua.
Nhân dân ở đây từ xưa đã gọi là Bàu Ông và Bàu Bà. Bàu Bà rộng hơn Bàu Ông và chứa lượng nước nhiều hơn.
Xung quanh Bàu Bà trồng rất nhiều sen (nên nơi đây còn có tên là Bàu Sen). Sen được cư dân trồng với mục đích thu hoạch hạt và ngó. Thế nhưng, chính việc trồng sen tại khu vực này khiến cho cảnh quan thêm phần đặc sắc.
Đồi cát gắn liền với Bàu Trắng từ hàng nghìn năm nay, giờ được ví như một tiểu sa mạc Sahara của Bình Thuận.
Khu vực này hiện vẫn còn hoang sơ, chưa có nhiều dịch vụ đưa vào khai thác. Chính vì vậy, đây là một điểm du lịch rất đáng để đến khi du lịch Mũi Né.
Thời điểm phù hợp để đến Bàu Trắng là sáng sớm, khi bình minh lên. Lúc này ngoài vẻ đẹp của đồi cát, bạn còn có cơ hội săn những bức ảnh tuyệt vời trước khi một ngày mới bắt đầu.
Thời gian này nhiệt độ đồi cát cũng vẫn chưa cao nên không. Đến đây bạn có thể tham gia vào một trò chơi mạo hiểm và rất thú vị là lái xe mô tô trên cát.
Du lịch Tuy Phong
Biển Cổ Thạch và bãi đá bảy màu
>>> Phượt Cổ Thạch – Bãi biển rêu xanh “ngoài hành tinh”
Từ thành phố Phan Thiết, theo Quốc lộ 1A, đi ngược về phía Bắc 90km. Đến ngã ba thị trấn Liên Hương, rẽ trái men theo con đường đất đỏ. Hai bên đường rì rào rừng phi lao là đến bãi biển Cổ Thạch.
Điều hấp dẫn nhất ở bãi biển là những bãi đá lung linh sắc màu. Bãi đá hình thành tự nhiên do tác động của thủy triều, hải lưu, nước biển.
Đá được đẩy từ lòng biển trồi nhô lên bờ. Đá có nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau.
Tuy nhiên, cảnh tượng kỳ thú nhất trong năm khi giữa trung tuần tháng 3 là khi toàn bộ đá được bao phủ một lớp rêu xanh thật đẹp và độc nhất vô nhị.
Chùa Hang
Chùa Cổ Thạch (còn gọi chùa Đá Cổ, hay chùa Hang) tọa lạc ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), trong khu vực bãi biển Cổ Thạch.
Chùa là một am nhỏ do thiền sư Bảo Tạng thuộc đời thứ 40 thiền phái Lâm Tế khai sơn năm 1835. Chùa qua nhiều đời được sửa sang và trùng tu, ngày nay nó đã trở nên rộng lớn hơn và khang trang hơn nên được đổi thành chùa Cổ Thạch.
Cù Lao Câu
Cù Lao Câu cách Phan Thiết khoảng 110 km về hướng Đông Bắc. Tuỳ theo từng bến đi những trung bình ghe máy đi độ 40 phút sẽ đến đảo.
Từ đất liền nhìn ra trông như mộ chiến hạm lớn. Toàn đảo bao quanh bởi hàng vạn khối đá có nhiều màu sắc và hình thù khác nhau, trông như những đàn thú với nhiều loại lớn nhỏ.
Lễ cúng lớn nhất ở Đền thờ thần Nam Hải trên Cù lao Câu là vào dịp rằm và 16 tháng Tư âm lịch hàng năm và tổ chức hát chèo bả trạo để tế Ngài.
Gành Son
Cái tên Gành Son có lẽ xuất phát từ những ngọn đồi hay gành có màu đỏ (màu son) rất đặc sắc. Gành Son thuộc xã Chí Công, huyện Tuy Phong.
Cách Tp Phan Thiết khoảng 80 km về phía bắc. Nơi đây có những ngọn đồi hay gành có màu đỏ (màu son) rất đặc sắc. Không chỉ thế, hình dáng của những dãy, hang núi cũng mang nhiều hình thù màu sắc lạ mắt.
Biển Gành Son lại được ít người Việt Nam chú ý do nơi đây không phát triển du lịch. Tuy nhiên, vẻ đẹp của Gành Son vẫn có nét riêng mà phải đến tận nơi mới cảm nhận được.
Tháp Po Dam (Pô Tằm)
Po Dam hay Pô Tằm là tên một nhóm tháp Chăm ở làng Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Tháp này xây để thờ vua Po Dam, hay còn gọi là Po Kathit (Bàn La Trà Duyệt) của người Chăm.
Po Dam cũng là nhóm tháp khác biệt hơn so với các nhóm tháp Chăm thông thường vì nó được xây dưới chân đồi thay vì trên đỉnh đồi, các cửa chính quay về hướng Nam thay vì hướng Đông.
Du lịch Hàm Thuận Nam
Khu du lịch núi Tà Cú
Núi Tà Cú nằm ven quốc lộ 1A tại thị trấn Thuận Nam cách thành phố Phan Thiết 28km về phía Nam. Đây là một địa điểm leo núi, một thắng cảnh kỳ thú của tỉnh Bình Thuận. Khung cảnh nơi đây hoang sơ, kỳ vỹ với núi non trùng điệp.
Khí hậu ở Tà Cú quanh năm trong lành mát mẻ. Đến đây vào mỗi độ xuân về, bạn sẽ thỏa thích ngắm hoa mai vàng, hoa vông đỏ nở thơm nức cả cánh rừng.
Đặc biệt, dòng nước suối trong vắt tuôn ra từ những khe đá trên núi mát lạnh, trong veo càng làm cho khung cảnh thiên nhiên trở nên kỳ thú.
Có hai cách để lên núi Tà Cú. Một là men theo hơn 1.000 bậc thang, tốn gần 3 giờ đồng hồ để lên núi. Phương án này thường được các du khách thích mạo hiểm, có sức khỏe tốt thực hiện. Cách thứ 2 chỉ mất 15 phút đã có mặt trên đỉnh vừa nhanh lại vừa tiện là cáp treo.
Chùa núi Tà Cú
Chùa núi Tà Cú (người địa phương hay gọi đơn giản là chùa Núi) là một ngôi chùa tọa lạc trên núi Tà Cú ở độ cao hơn 400 m. Phía trên chùa là tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn dài 49 m, cao 7m.
Cách pho tượng khoảng 50 m về phía dưới là nhóm tượng Di đà Tam tôn xếp thành hàng ngang, xây trên đài sen.
Tháp mộ của Tổ và của các nhà sư trụ trì đã qua đời được chia thành hai cụm ở trước điện thờ và sau điện thờ. Tháp Tổ nằm trước điện thờ, bên cạnh có mộ con cọp tương truyền là đã được sư Hữu Đức thuần hóa.
Hải đăng Kê Gà
Hải đăng Kê Gà (hoặc Khe Gà) ở mũi Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam (trước thuộc huyện Hàm Tân), tỉnh Bình Thuận.
Phượt Bình Thuận đến thăm ngọn hải đăng cổ ở Mũi Kê Gà
Đây là một ngọn tháp cao thắp đèn dùng cho tàu thuyền giao thông trong khu vực. Và đã được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là ngọn hải đăng cao nhất và cổ xưa nhất Việt Nam.
Hiện nay, hòn đảo Khe Gà và ngọn Hải đăng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách khi đến thăm tỉnh Bình Thuận. Hải đăng Khe Gà còn là di tích kiến trúc độc đáo.
Bên trong hải đăng có 183 bậc thang xoáy trôn ốc bằng thép dẫn đến đỉnh hải đăng cùng hàng chục bậc tam cấp dẫn lên đến đỉnh đèn.
Xung quanh chân Hải đăng có hai hàng hoa sứ dọc theo lối đi do người Pháp trồng. Đến nay hàng hoa sứ vẫn còn nguyên vẹn, toả bóng mát quanh năm.
Du lịch Lagi
Dinh Thầy Thím
Dinh Thầy Thím hiện tọa lạc tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi. Dinh có dạng kiến trúc như một ngôi đình làng bao gồm nhiều công trình như: Tam quan, Võ ca, chính điện. Nhà thờ Tiền hiền, nhà thờ Hậu hiền, miếu ông Hổ, miếu Thành hoàng,v.v….
Các công trình kiến trúc với nghệ thuật điêu khắc chạm trỗ và các trang trí nội thất của Dinh Thầy Thím thể hiện rõ nét kiểu cách kiến trúc cung đình.
Bãi biển Cam Bình
Bãi biển Cam Bình nằm bên dưới rừng dương xanh bát ngát, không khí tại nơi đây rất mát và thoáng đãng. Tại nơi đây lúc nào cũng có gió hiu hiu thổi vào từ biển cộng thêm bóng mát từ những tán lá dương.
Cát trắng láp lánh dưới nắng, sóng biển vỗ rì rào. Thực sự lý tưởng cho việc tắm biển, cắm trại, chơi các trò chơi và nghỉ dưỡng tại đây.
Khi đến du lịch Cam Bình, các bạn có thể lựa chọn một trong 2 phương án:
- Thuê bãi (quán sẽ cho bạn thuê bãi, có bạt để ngồi, ly chén đũa để ăn, dịch vụ vệ sinh bãi biển sau khi sử dụng, dịch vụ tắm nước ngọt sau khi tắm biển xong, nấu ăn – chế biến món ăn cho khách), cái này phù hợp với các bạn muốn mang đồ ăn cá nhân của mình theo, hoặc mua hải sản trực tiếp từ biển. Mức giá thuê từ 60k đến 100k/người/ngày.
- Ra ăn hải sản của quán sẽ không bị tính phí gì, chỉ trả tiền theo menu ( bao ghế ngồi, ghế ngã, võng khi yêu cầu, có nước rửa tay sau khi ăn hải sản xong, tắm nước ngọt)
Hồ Hàm Thuận – Đa Mi
Đa Mi nằm giữa Đà Lạt và Phan Thiết, cách thị xã Bảo Lộc gần 60 km. Băng qua những con đường đèo ngoằn nghèo, bắt gặp 2 hồ nước nhân tạo tuyệt đẹp giữa núi rừng trùng điệp là hồ Hàm Thuận và hồ Đa Mi.
Hai hồ nước được hình thành nhờ công trình thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi. Hồ Hàm Thuận nằm trên sông La Ngà, một nhánh của hệ thống sông Đồng Nai. Giữa hồ có 8 đảo lớn nhỏ, đủ hình dạng đan xen. Cây cối phủ xanh mướt như những hòn non bộ khổng lồ.
Thác trượt Tà Pứa
Nép mình bên cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ, thác trượt Tà Pứa có vẻ đẹp hoang sơ đến mê hoặc lòng người. Nằm giáp ranh 2 xã Đức Phú, huyện Tánh Linh và xã Mê Pu, huyện Đức Linh.
Thác trượt Tà Pứa có độ dốc thoai thoải với dòng chảy nhẹ nhàng, uyển chuyển. Băng mình qua các khối đá bằng phẳng, liền kề như chiếc phản khổng lồ, dòng thác tạo nên một bàn trượt tự nhiên mà không có ở bất cứ nơi nào khác.
Thác trượt chưa được khai thác du lịch nên thác còn rất hoang sơ, nếu muốn vào thác. Bạn phải gửi xe tại trạm kiểm lâm rồi men theo con đường đất nhỏ ẩn hiện trong màu xanh của cây và tre rừng.
Cái đẹp của thác trượt nằm ở đỉnh thác, với những hòn đá nằm chỏng chơ xếp chồng lên nhau. Bạn có thể cảm nhận được tất cả sự thay đổi của thác tùy theo mùa.
Vào mùa mưa, thác trông tuyệt đẹp với những dòng chảy tung bọt trắng xóa. Riêng thời điểm từ tháng 11 đến tháng 6 dương lịch thì chính là lúc tham quan thác tuyệt vời nhất. Vào thời điểm này, nước chỉ là một màng mỏng chảy trên một phiến đá mà thôi.
Tuy nhiên, khung cảnh xung quanh thác thì vô cùng đẹp, rừng núi bao quanh xanh mướt, có những cây cao to rất là xum xuê, lại có những sợi dây leo dài, thòng xuống hình lưỡi câu như một cái xích đu. Dòng nước của thác vào mùa này rất thích hợp cho trò chơi trượt thác.
CÁC MÓN ĂN NGON BẠN NÊN THỬ KHI PHƯỢT BÌNH THUẬN
Món ăn ngon ở Phan Thiết
Hải sản
Nhắc đến những món ngon Phan Thiết thì không thể bỏ qua hải sản. Rất dễ bắt gặp các quán ăn hải sản san sát nhau trên bờ kè gần cầu Trần Hưng Đạo hướng dọc về biển Đồi Dương. Trên bờ biển Mũi Né dọc đường Thủ Khoa Huân.
Bạn sẽ thấy nào là tôm, ghẹ, mực, cá và các loại ốc vẫn còn tươi sống, bơi lội tung tăng. Khi có khách mua thì chủ quán sẽ cân kí rồi vớt lên chế biến ngay khiến thịt vừa dai, vừa ngọt lại giòn.
Cách chế biến hải sản ở vùng biển này rất đa dạng: món hấp luộc với gừng xả, món xào me tóp mỡ tỏi ớt, món nướng mọi hoặc đút lò phô mai…
Bước chân đến đây, bạn sẽ cảm thấy như đứng dưới một bầu trời ẩm thực với vô vàn món ngon Phan Thiết không thể khước từ. Tuy nhiên, đừng quên hỏi giá trước khi quyết định chọn món bạn nhé.
>>> Địa điểm tham khảo:
- Quán Xuân Vàng: đường Đường Phạm Văn Đồng (bờ kè sát cầu).
- Quán 06: số 6 Đặng Văn Ngữ, phường Phú Trinh, Phan Thiết .
- Quán Tư Minh: dọc bên sông Cà Ty, Phan Thiết .
- Quán Cây Bàng: 02 – 04 Nguyễn Đình Chiểu, khu phố 1, Tp. Phan Thiết.
- Quán Bidop: 191 Nguyễn Đình chiểu, Hàm Tiến, Phan Thiết, Bình Thuận.
- Quán Sang Thái: 170 Huỳnh Thúc Kháng, Mũi Né, Tp. Phan Thiết.
Bánh căn Phan Thiết
Bánh Căn cùng làm từ bột gạo rồi được đổ trong khuôn như bánh khọt nhưng khác ở chỗ là được đổ trong khuôn đất và không tráng mỡ vào khuôn.
Vì vậy hương vị bánh căn là bột “nướng” khác với bột “chiên” của bánh khọt.
Bánh chín được nạy ra, 2 cái úp vào nhau giữa là lá hành thái nhỏ. Bánh căn được dùng kèm với nước mắm hoặc nước cá kho, có thể ăn kèm với xíu mại.
>> Địa chỉ tham khảo:
- Quán bánh Căn số 168 Thủ Khoa Huân
- Quán bánh căn Lân NGuyệt: Số 8 đường Hải Thượng Lãn Ông
- Quán dưới chân cầu Dục Thanh.
- Quán bánh canh từ cầu Lê Hồng Phong bạn đi theo hướng chợ Phan Thiết sẽ thấy tiệm mắt kính Eden. Trước tiệm mắt kính là cô bán bánh căn vỉa hè với giá cực rẻ, bánh căn cực ngon. Cô chỉ bán vào buổi chiều tối.
Bánh xèo Phan Thiết
So với đại đa số cách ăn bánh xèo, thì Phan Thiết là vùng có cách ăn đơn giản và lạ lẫm nhất. Bất kỳ ai cũng ngạc nhiên khi không bắt gặp bất kỳ loại rau sống nào để cuốn bánh.
Bởi lẽ, bánh xèo ở Phan Thiết được ăn kèm rau sống với nước mắm pha. Tất cả cùng hòa quyện với nhau cùng lúc chứ không cầu kỳ cuốn từng miếng.
>>> Địa chỉ tham khảo:
- Quán bánh xèo Cây Phượng: 49 Tuyên Quang, Bình Hưng, thành phố Phan Thiết. Giờ mở cửa lúc 16h30.
- Quán bánh xèo Cây Xoài: 40 Tuyên Quang, Bình Hưng, thành phố Phan Thiết.
- Quán bánh xèo Dì Ba: Địa chỉ: Số 56 Nguyễn Phú Nguyên, Phú Thuỷ, thành phố Phan Thiết. Giờ mở cửa lúc 16h30.
- Bánh xèo chửi: Phía sau trường cấp 2 Hùng Vương, Phan Thiết.
Bánh tráng cuốn dẻo
Món này được bán cùng với các quán bánh tráng mắm ruốc nướng ở lề đường. Thành phần của bánh khá đơn giản gồm bánh tráng dẻo, mắm ruốc, tóp mỡ, trứng cút.
Mọi thứ được cuộn lại rất ngon và hấp dẫn. Món ăn này thường được bán vào buổi chiều tối.
>>> Địa chỉ tham khảo:
- Đường Nguyễn Sắc Kim – bánh tráng cô Liên.
- Vỉa hè đường Lê Hồng Phong.
- Bánh tráng nướng Góc Phố: Đường Thủ Khoa Huân, Phan Thiết.
- Bánh tráng nướng: Đường Ngư Ông, lối vào Vạn Thủy Tú, Phan Thiết.
- Bánh tráng nướng: Ngã tư Trần Hưng Đạo – Thủ Khoa Huân, Phan Thiết.
- Bánh tráng nướng ngã ba Tam Biên: Gần cà phê Tiếng xưa, đường Trần Hưng Đạo, Phan Thiết.
Bánh canh
Một món ăn mang hương vị rất riêng của Phan Thiết . Bánh canh chả cá thì có của Trảng Bàng, Nha Trang, Bình Định … nhưng mùi vị ở Phan Thiết là đặc sắc hơn cả.
Sợi bánh canh rời, đục chứ ko trong, ko dính như là bánh canh thường hay ăn, và thấy giống cọng bún bò.
Không chỉ bán bánh canh và hầu hết các hàng bánh canh đều bán kèm với bánh mỳ xúi mại trứng luộc rất ngon và hấp dẫn . Ngoài ra bạn còn có thể ăn bánh mỳ nóng chấm với nước bánh canh rất ngon.
>>> Địa chỉ tham khảo:
- Quán bánh canh Xíu: Số 1 HA, Đường Kim Đồng. Thời gian mở cửa: Từ 14h00 đến 22h00.
- Quán bánh canh trên đường Hải Thượng Lãn Ông (gần trung tâm SKCB). Thời gian mở cửa: Từ 16h00 đến 19h00.
- Quán bánh canh 298 Huỳnh Thúc Kháng, P. Mũi Né, số 176 Tôn Đức Thắng, P. Phú Thủy.
- Quán bánh canh số 66 Trần Quý Cáp, Tp. Phan Thiết.
- Quán bánh canh chả cá bà Lý: 566 Trần Hưng Đạo – Phan Thiết
Mì Quảng Phan Thiết
Mì Quảng du nhập vào Phan Thiết đã được biến tấu đi rất nhiều, cụ thể là nước lèo nấu ngọt xương và nước nhiều hơn chứ không xâm xấp như tô mì Quảng gốc. Và cũng chỉ ở Phan Thiết mới sáng tạo ra món mì Quảng vịt mà nơi khác không có.
Mì Quảng Phan Thiết có hai món chính là mì Quảng vịt với mì Quảng heo. Thường quán nào bán cũng đầy đủ cả hai để tùy theo khẩu vị khách chọn lựa.
Ăn heo thì có thịt lát hoặc giò nạc, ăn vịt thì có đùi vịt rồi đầu, cổ, cánh, ức, bộ lòng đủ cả.
>> Địa chỉ tham khảo:
- Quán mỳ quảng: Số 129 Trần Phú (Mì Quảng giò heo Phan Thiết).
- Mỳ quảng vịt Trại Hòm: 133 Trần Phú, Phan Thiết.
- Quán mỳ quảng Bà Phượng: đối diện tay phải trường Tuyên Quang (Triệu Quang Phục, Đức Nghĩa, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận) (Giá hơi cao nhưng ăn rất ngon, đậm vị).
- Quán mỳ Quảng gần trường Phan Bội Châu (cách 200m nhìn về phía tay trái). Số 70 Lê Hồng Phong, Phú Thủy, Tp. Phan Thiết, Bình Thuận. Quán chỉ mở bán vào buổi sáng.
Bún bò Phan Thiết
Có một quán bún bò nằm trên đường Trần Hưng Đạo, Tp Phan Thiết mà cái hương, cái vị của nước lèo và rau ăn kèm không giống bất kỳ nơi nào. Nhiều thực khách sành ăn quả quyết, phong vị bún bò này không phải Bắc, cũng chẳng phải Nam, càng không phải Huế.
Chính món bún bò dơ sẽ khiến những thực khách phải có thêm một nhìn nhận khác, phải gật đầu mà thừa nhận rằng ngoài bún bò Huế ra, vẫn còn một món bún bò khác biệt và ngon như thế.
Chẳng biết công thức của món bún bò dơ được ai sáng chế ra, tuy nhiên ở thành phố biển Phan Thiết nó gắn liền với một chiếc xe nhỏ được bày bán tại một trong những con lộ chính của nơi này, và tất nhiên lúc nào cũng đông khách.
Món này khi ăn phải vừa ăn vừa nhai miếng thịt bò thơm, dai được ướp ngon lành, húp vị nước dùng thanh ngọt, cắn miếng huyết, nhai cọng rau răm cho điểm xuyết thêm chút vị cay nhè nhẹ, pha lẫn chút vị chua không lẫn vào đâu được của dấm .
Người Phan Thiết đi ăn bún bò dơ hình như không phải vì hiếu kỳ bởi cái tên là lạ của nó, mà họ ăn vì sự quen thuộc và đôi khi còn bao hàm cả những nỗi nhớ nhung xa xưa lắm.
Bánh quai vạc
Bánh quai vạc khá giống với bánh bột lọc Huế. Bánh được làm nhỏ, với lớp vỏ dai, mềm, trong suốt, để lộ nhân tôm. Và hấp dẫn nhờ hương vị của nước mắm ngon.
Món này cũng là món ăn được cho cả ngày. Không chỉ ăn kèm nước mắm, người Phan Thiết còn thích cho bánh quai vạc vào bánh mì, rưới nước mắm ớt lên.
Bánh rế Phan Thiết
Nghề làm bánh rế ở Phan Thiết hiện nay tập trung chủ yếu ở các khu vực nội thành, là nghề truyền thống của nhiều gia đình, nên mỗi nơi cho ra lò những chiếc bánh rế mùi vị, độ ngon khác nhau, nhưng tất cả đều tạo nên nét đặc trưng, hương vị rất riêng cho vùng đất này.
Bánh rế thoạt đầu trông rất đơn giản, nhưng để chế biến thành công đòi hỏi người làm phải hết sức khéo léo. Nguyên liệu chính của món này chủ yếu từ khoai mì hoặc khoai lang.
Phải chọn những củ khoai lang, khoai mì (sắn) thật tươi, không non cũng không già. Trải qua 6 công đoạn gồm 6 thợ đảm nhận các công việc khác nhau mới có thể chế biến được chiếc bánh rế thơm ngon và chất lượng.
Khoai, sắn sau khi được chọn kỹ, bỏ vào thau nước ngâm vài tiếng cho bớt nhựa. Sau đó lột sạch vỏ và bào thành sợi nhỏ đều, để khi chiên những sợi này đan xen và quấn lẫn nhau. Trộn chúng với một xíu hương vani rồi mới đem chiên.
Tiếp đến, người thợ bánh bắc chảo dầu lên lò than đang ửng hồng, thêm một ít dầu dừa vào chảo. Khi dầu sôi, bốc một nắm khoai mì/khoai lang bào sẵn bỏ vào cái vá (muỗng) có cán dài rồi nhúng vào chảo dầu. Dùng đũa đảo sợi khoai lên cho chín đều và tránh bị dính vào thành cục quá dày.
Dầu nóng làm cho khoai chín và kết dính vào nhau, tạo nên những chiếc bánh có hình thù giống cái rế để lót nồi. Khi bánh đã kết dính với nhau và đã chín đều, dùng vá vớt bánh ra vỉ cho ráo dầu.
Chiên hết số sợi mì đã bào cũng là lúc bánh rế đầy rổ. Ta dùng một chảo khác để thắng đường. Khi đường tan chảy, gấp từng chiếc bánh rế một nhúng sâu vào chảo đường rồi lấy ra.
Cứ tiếp tục cho đến hết. Sau đó rắc thêm chút mè trắng rang sẵn lên mặt bánh rế vừa nhúng đường, để khi dùng tạo hương thơm và vị đặc biệt hơn.
Lẩu thả Phan Thiết
Nguyên liệu chính làm nên món này là cá tươi, thường là cá mai, cá suốt hoặc cá đục. Sau khi lóc xương cẩn thận, cá được trụng (chần) và rửa sạch bằng nước chanh tươi để mất mùi tanh, rồi tẩm ướp sơ gia vị.
Ngoài cá tươi được xếp ngay ngắn trên đĩa ở giữa, những nguyên liệu khác còn có trứng chiên, thịt luộc, rau sống, xoài và dưa leo…
Tất cả phải được xắt sợi và đặt trên những cánh hoa chuối, trải đều xung quanh đĩa cá, tạo hình một bông hoa. Bên cạnh mâm nguyên liệu còn có đĩa bún và một nồi nước lèo sôi sục kế bên.
Để thưởng thức lẩu thả, thực khách lấy khoảng 3-4 con cá vào tô, tiếp đó cho thêm các nguyên liệu phụ rồi rót nước lèo vào bát để thưởng thức.
Gỏi cá Phan Thiết
Trong số các loại gỏi chế biến từ hải sản Phan Thiết , gỏi cá Phan Thiết là món ăn ngon và rất riêng của vùng biển Phan Thiết. Đặc biệt trong đó phải kể đến là gỏi cá mai.
Món gỏi ngon đúng kiểu xứ Phan là thịt cá dai, giòn, không tanh và đặc biệt phải tươi. Cá được chọn làm gỏi là phải còn nhảy lăn tăn
Cá mai nhỏ bằng ngón tay út, bóp chanh, ướp gia vị, trộn cùng rau răm, hành, húng và đậu phộng rang. Ăn kèm nước chấm gỏi sền sệt thơm đậm mùi me, chuối chín, tỏi, ớt và đường hoặc quấn bánh tráng và rau sống.
Vị ngọt bùi của cá, cay nồng của các loại rau tươi, béo của bánh tráng mè và thứ nước chấm đặc trưng tạo nên món ăn thơm ngon, bổ dưỡng và đậm đà hương vị biển.
>> Địa chỉ tham khảo:
- Quán Cây Bàng Số 2 – 4 Nguyễn Đình Chiểu, phường Phú Hài, Phan Thiết.
- Các quán nhậu tập trung ở khu vực bờ kè sông Cà Ty.
- Đặc biệt trong khu ăn uống chợ Phan Thiết có một hàng bán Gỏi cá mai ướt ăn ngon, món này giờ ở Phan Thiết rất hiếm. Nước mắm hơi đặc biệt, nước mắm đậu phộng chuối chín giã nhuyễn (món gỏi cá mai hay bán trong nhà hàng được gọi là Gỏi cá mai khô).
- Quán Tám Ù: số 3 Nguyễn Đình Chiểu, Tp. Phan Thiết
- Quán Gia Đình ở số 19B Huỳnh Thúc Kháng, Tp. Phan Thiết
- Bi Bo quán: 191 Nguyễn Đình Chiểu, Tp. Phan Thiết
Cá lồi xối mỡ
Cá lồi xuất hiện nhiều nhất là vào các tháng 7-8-9 âm lịch. Một con cá lồi lớn nhất có trọng lượng từ 3-5kg, trung bình từ 1-2 kg và nhỏ nhất khoảng 0,5 kg. Những con cá lồi lớn, thịt sẽ nhiều và ngọt hơn.
Có nhiều món ăn ngon chế biến từ cá lồi: nấu canh chua cá lồi, cá lồi kho tỏi, tiêu hay ớt. Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là món cá lồi xối mỡ cuốn bánh tráng. Đây là món ăn ngon ở Phan Thiết mà bạn không thể bỏ lỡ.
Cá lồi khi mua về, được cạo sạch chất nhờn, mổ bụng bỏ ruột cá chỉ để gan lại hấp chung với cá. Cá cắt thành từng miếng vuông, đem hấp cách thủy. Mỡ heo thắng vàng, cho hành lá vào, gần ăn xúc cá ra đĩa, rưới mỡ hành lên.
Nước mắm để chấm cá lồi là nước mắm tỏi ớt, đường và me. Nêm sao vừa đủ vị chua, cay, mặn ngọt. Gan cá lồi được hấp chín bỏ vào nước mắm đánh tan, nước mắm sẽ thêm phần hấp dẫn nhờ vào vị béo của gan cá.
Riêng với những người thích ăn món cuốn thì cá lồi cuốn bánh tráng là món không thể bỏ qua. Cũng chế biến bằng cách hấp như các loại cá biển khác, nhưng cá lồi sau đó còn được xối mỡ hành lên thân cá.
Đem lại món ăn vừa beo béo vừa có hương thơm thoang thoảng của hành. Ăn kèm là rau sống, bún tươi, bánh tráng và chén nước mắm ớt chanh hoặc mắm me.
>>> Địa chỉ tham khảo:
- Hải sản Xuân Vàng, 2 Phạm Văn Đồng
- Quán nhậu Tư Minh, 17-19 Phạm Văn Đồng
- Quán Thu Tý, 63 Phạm Văn Đồng
Mực một nắng
Những chú mực lá to xòe ra, chỉ cẩn một lần hong qua cái nắng Bình Thuận, sau đó nướng trên than hồng, mực sẽ ngã sang màu vàng nhạt phảng phất hương thơm. Món mực này sẽ ngon hơn nhiều khi chấm với nước mắm Phan Thiết cho thêm vài lát ớt.
Vị ngọt dai của mực, độ mặn vừa phải và thơm lừng của nước mắm cùng hòa vào hương vị nồng cay của ớt mang lại cho du khách thêm niềm hứng khởi. Chỉ thế thôi nhưng món ăn rất đổi bình dị này sẽ để lại nỗi nhớ trong lòng không ít những thực khách đã từng thưởng thức.
>> Địa chỉ tham khảo:
- Quán 49: số 49, đường Phạm Văn Đồng (bờ kè sông Cà Ty).
- Quán Lâm Tòng: số 92, đường Nguyễn Đình Chiểu, Mũi Né.
- Quán Việt Nam Home: số 125, đường Nguyễn Đình Chiểu, Mũi Né.
- Quán Xuân Vàng: số 2 đường Phạm Văn Đồng (bờ kè sông Cà Ty).
Tôm biển Phan Thiết
Có thể kể ra đây vài giống tôm ngon chỉ có ở Phan Thiết là tôm he, tôm sú lửa, tôm càng, tôm thẻ xanh, tôm rồng, tôm hùm, tôm mũ ni, tôm bạc.
Hay một số loại tôm rất hiếm như tôm hùm gai, tôm đất, tôm tít, tôm chì, tôm gân, tôm nghệ. Rất nhiều món ăn dân dã và đời thường được người dân thành phố Phan Thiết chế biến từ những con tôm ngọt lịm.
Răng mực
Răng mực là cục tròn tròn, nhỏ xíu trên phần đầu mực thường bị nhiều người nhầm tưởng là mắt mực hay miệng mực.
Trước đây, khi chế biến mực, người ta thường bỏ đi vì cho rằng không ăn được nhưng dần trở thành một thức đặc sản của Phan Thiết.
Từ răng mực có thể chế biến được rất nhiều món ăn khác nhau. Nhưng hấp dẫn nhất là món chả răng mực.
Răng mực được nhúng vào bột, sau đó cho vào chảo dầu đang nóng, chiên từng khoanh nhỏ. Đợi đến khi vàng giòn thì vớt ra để ráo dầu và thưởng thức.
>> Địa chỉ tham khảo:
- Các quán dọc bờ kè sông Cà Ty, trên đường Nguyễn Tất Thành đường ra biển Đồi Dương.
- Khu ăn đêm trên đường Võ Thị Sáu.
- Quán răng mực nướng gần Ga Phan Thiết (bán vào khoảng 3h chiều đến gần tối).
Cá nục kho Phan Thiết
Cá nục là một trong những món ăn bình dân nhưng rất thơm ngon và nhiều dinh dưỡng. Thịt cá nục chắc và ngọt nên chế biến được nhiều món ngon như kho, nướng, chiên, hấp, nấu chua, nấu sốt, trong đó đậm đà hương vị miền biển nhất là món cá nục kho theo bí quyết của người Phan Thiết.
Với món cá nục kho, người Phan Thiết thường kho theo kiểu “cá nục kho tỏi ớt” cùng một điểm rất khác biệt trong chế biến là bẻ đầu nhét vào bụng cá, vừa tạo cho con cá nục kho căng tròn hấp dẫn vừa làm cho miếng cá (nhất là những người thích ăn đầu) thêm thơm ngon khi thấm đều gia vị.
Trứng mực Phan Thiết
Phan Thiết còn có một món ít người biết đó chính là trứng mực hấp. Trứng mực hình thoi, màu trắng đục, thoạt đầu nhìn qua chả mấy hấp dẫn.
Tuy nhiên khi hấp lên nóng hổi, đem ra còn chút khói bốc lên sẽ kích thích vị giác đến lạ. Món ăn này đơn giản từ cách chế biến đến gia vị đi kèm.
Chỉ cần chén muối tiêu chanh bên cạnh, cho thêm vài lát ớt cay, một đĩa rau răm ăn kèm cho thơm và một đĩa đồ chua là đã đủ làm xiêu lòng thực khách.
Bún cá ngừ Phan Thiết
Món ăn thơm ngon với hương vị rất riêng mà còn rất gần, gũi mộc mạc trong tên gọi như tính cách đôn hậu của miền biển. Và bún cá ngừ kho là một món ăn như thế.
Cá ngừ tươi mua ở chợ về làm sạch, cắt từng lát dày khoảng 2,5cm, ngâm nước muối, rửa sạch, cho vào rổ để ráo nước rồi ướp đều gia vị ở hai mặt lát cá (muối, bột ngọt).
Khi những lát cá vừa thấm thì dùng dầu chiên sơ rồi cho vào nồi nước đã có gia vị (cà, hành, tỏi, ớt giã nhuyễn, ớt nguyên trái, nước mắm, bột ngọt, nước dừa …) sao cho vừa xăm xắp mặt lát cá.
Cá ngừ kho thường là món ăn với cơm của đại bộ phận người Phan Thiết. Nhưng nếu ăn với bún tươi kiểu Phan Thiết lại là một món ăn rất lạ miệng và hợp khẩu vị nhiều người.
Món ăn ngon ở Tuy Phong
Nhum biển Tuy Phong
Nhum có nhiều loại: nhum mỡ, nhum ta, nhum sọ… Để chế biến nhum, có lẽ công đoạn vất vả nhất là cắt hết số gai tua tủa bao quanh.
Dùng dao chẻ đôi, bỏ hết bộ lòng choáng gần hết bên trong sẽ thấy lớp vừa trứng vừa thịt màu vàng đục bám dọc bên thành “quả cầu”, đó là phần quý của con nhum.
Ngư dân Tuy Phong có cách ăn nhum phổ biến nhất là cắt đôi con nhum theo chiều dọc, nướng trên lửa than hồng. Chỉ cần nướng sơ, dùng muỗng nạo từng thớ thịt chấm với muối tiêu chanh La Gàn… là trọn vẹn hương vị béo, bùi, ngọt, thơm mùi biển của nhum.
Cá mú hấp
Loại cá này được xem là số một khi nói đến độ chắc ngọt của thịt cá, cùng mùi thơm tự nhiên. Để nếm được trọn vẹn vị ngon, người ta thường ăn món cá mú đỏ hấp gừng.
Cá hấp với gừng, hành bào, nước tương, vừa chín tới, sẽ có lớp da đỏ tươi béo giòn, thớ thịt trắng phau cùng mùi hương thơm lừng hấp dẫn khứu giác lẫn vị giác.
Cua huỳnh đế Tuy Phong
So với các loại hải sản khác, cua Huỳnh đế khẳng định đẳng cấp về chất lượng mà lâu nay được ví ngang với cá tuyết đen, cá hồi đỏ…
Cua Huỳnh đế chỉ có ở một số nơi như Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Tam Quan (Bình Định), trong đó chỉ có cua Huỳnh đế của vùng biển Tuy Phong (Bình Thuận) là mang hương vị riêng do ngư trường thích hợp cho loại cua này.
Cua Huỳnh đế Tuy Phong to bằng bàn tay xòe, mình khum tròn, thoạt nhìn giống con bọ khổng lồ, đầu hơi chúi xuống, có khá nhiều râu vểnh lên, lưng có gai, càng và que ngắn, khi luộc chín mai cua có màu đỏ hồng rất đẹp.
Cua Huỳnh đế vùng biển Tuy Phong hầu như có quanh năm nhưng vào độ tháng chạp âm lịch là thời điểm cua ngon nhất. Lúc này, cua cái và đực đều đầy gạch, cua cái có thêm trứng, ăn rất ngon.
Người xứ biển ở đây cho biết, phần gạch của Cua Huỳnh đế là chất bổ dưỡng nhất. Ăn không độc như gạch của cua thường hay ghẹ.
Sớ thịt Cua Huỳnh đế Tuy Phong chắc, ngọt, dai và thơm. Vỏ cua giòn, mềm, dùng răng cắn bể được.
Bánh hỏi lòng heo Phú Long
Món ăn gồm: bánh hỏi, lòng heo, bánh tráng mỏng, rau sống và nước chấm. Bánh hỏi Phú Long mới nhìn qua tưởng đơn giản, nhưng chế biến cũng rất công phu.
Để có được bánh hỏi bạn thưởng thức vừa ý, người làm bánh phải chọn gạo tốt ngâm với nước lã một đêm. Sau đó vo và xả đi xả lại ba bốn lần. Qua các công đoạn tỷ mỉ khác để làm ra từng sợi bánh trắng tinh, ráo hỏi.
Riêng luộc lòng, chọn thịt không phải là điều giản đơn. Dĩa lòng phải có đủ tim, gan, cật, phèo non và nhất định không thể thiếu thịt ba chỉ.
Muốn lòng và thịt ngọt ngon, có độ giòn thì sau khi vớt khỏi nồi nước sôi lập tức thả ngay vào một thau nước đá được chuẩn bị sẵn.
Chính cái lạnh của đá sẽ làm cho bề mặt miếng thịt se lại. Giữ nước ngọt của thịt và đặc biệt làm miếng thịt, miếng lòng vừa trắng vừa giòn.
Cái ngon đậm đà của bánh hỏi lòng heo còn phải kể đến chén nước chấm. Nước mắm cốt me thơm dịu – cũng chính là điểm đặc biệt của món bánh hỏi Bình Thuận.
Nói là nước mắm nhưng không có mắm. Chỉ tỏi ớt xay nhuyễn, pha với nước cốt me, đường và một chút muối tạo nên vị chua chua ngọt ngọt rất nhẹ nhàng.
>>> Địa chỉ tham khảo:
- Quán bánh hỏi lòng heo ở dọc đường QL1, thuộc xã Hàm Nhơn, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận.
- Quán bánh hỏi lòng heo ở số 41 Tuyên Quang, P. Bình Hưng
- Quán bánh hỏi lòng heo ở thị trấn Phú Long.
Các món ăn ngon ở Phú Quý
Cua mặt trăng
Món cua mặt trăng là đặc sản quý hiếm vào hàng bậc nhất ở đảo Phú Quý. Những hình tròn màu đỏ đậm, pha vào màu hồng tươi trên mai cua như mặt trăng chính là lý giải cho cái tên đặc biệt này.
Cua mặt trăng sống ẩn náu trong các khe đá san hô, nổi tiếng vì thịt rất ngọt thơm, săn chắc. Nhất là khi trăng mọc, trong khi các loài cua khác lại thường bị ốp vào thời kỳ này.
Cua đem hấp hoặc nướng than, mang ra chấm với muối tiêu chanh, thịt cua ngon đến mức chỉ nếm qua một lần, bạn sẽ nhớ mãi.
Ốc nhảy Phú Quý
Ốc nhảy là món ăn nổi tiếng ở các vùng biển đảo Việt Nam như Phú Quý, Trường Sa,… Loại ốc này chỉ có ở các vùng biển ấm nóng. Ốc nhảy có miếng mày cứng cắm xuống mặt đáy rồi thu người búng mạnh để di chuyển. Tùy theo dòng chảy mà có khi ốc búng được xa đến gần nửa mét.
Thịt của ốc nhảy rất giòn, thịt ngọt và béo, là một trong những đặc sản ngon trong các loại ốc. Ốc nhảy phù hợp để làm món hấp sả, nướng mọi….
Mỗi món có mùi vị đặc trưng riêng biệt nhưng vẫn phổ biến nhất vẫn là hấp sả kèm theo chén mắm gừng ngon tuyệt vời…..
Tôm hùm
Lặn bắt tôm hùm là nghề truyền thống của ngư dân tại đây. Tôm hùm có thịt chắc ngọt, xen lẫn những sợi gân giòn, là món khó có thể bỏ qua khi đặt chân đến đảo Phú Quý.
Tại cầu cảng hay các nhà hàng hải sản địa phương đều có đặc sản này. Tôm khi chín, bóc hết vỏ lộ ra lớp thịt trắng ngần với từng thớ thịt rất săn chắc, ngon lành.
Hải sâm
Theo ngư dân, ở đây có khoảng 100 loài hải sâm nhưng chủ yếu phân biệt được 10 loại. Hải sâm còn gọi là đồn đột, là món ăn quý và đắt tiền vì chúng cung cấp nguồn dinh dưỡng cao.
Đồng thời có tác dụng như một loại thuốc bổ. Hải sâm thường được nấu với các vị thuốc bắc cùng thịt bồ câu, gà ác, móng heo, chân bò, gân nai.
Bò nóng Phú Quý
Phú Quý là đảo nên nổi tiếng về hải sản là điều không gì lạ. Nhưng đặc biệt là ở đây còn nức danh với món “bò nóng”.
Bò Phú Quý được chăn thả, cho ăn cỏ tự nhiên nên thịt mềm ngọt, săn chắc, ít mỡ. Bò nóng ý chỉ thịt bò tươi được làm và bán hết trong ngày nên đảm bảo hương vị thơm ngon hơn hẳn.
Khách có thể chọn thịt tươi tại chỗ, tự chế biến thành nhiều món đa dạng. Có thể kể đến món bò tái chanh cuốn rau sống, bò nướng thơm lừng da giòn mềm không dai, bò xào lăn, bò hấp gừng. Và không thể không nhắc món cháo bò.
ĐẶC SẢN BÌNH THUẬN
Nước mắm Phan Thiết
Nước mắm Phan Thiết thuộc loại “lão làng” và đã có mặt ở hầu hết tại các thị trường trong nước. Khác biệt dễ nhận thấy nhất của nước mắm Phan Thiết so với nước mắm các vùng khác là màu vàng rơm (nếu nguyên liệu là cá cơm). Hay màu nâu nhạt (cá nục), trong sánh, có mùi thơm nồng và vị ngọt đậm do đạm cao.
Khác biệt đó của nước mắm Phan Thiết được giải thích vì quá trình ủ chượp dưới trời nắng và gió – nhiệt độ trung bình cao. Độ ẩm thấp tác động tích cực đến cơ chế lên men.
Ngay trong làng nghề nước mắm ở Phan Thiết, cũng có 3 khu vực sản xuất nước mắm ít nhiều khác nhau:
- Khu vực phường Thanh Hải: Chủ yếu là các hàm hộ (nhà làm nước mắm) nhỏ, sản phẩm nước mắm vừa mặn, có màu cánh gián đẹp (nhưng để lâu dễ bị xuống màu), độ đạm trung bình. Tại đây còn sản xuất ra các sản phẩm gốc mắm như: mắm nêm, mắm tôm, mắm ruốc…
- Khu chế biến nước mắm Phú Hài: Đây là khu vực sản xuất quy mô tương đối lớn, sản phẩm nước mắm có độ mặn truyền thống.
- Khu vực phường Hàm Tiến-Mũi Né: nước mắm tại khu vực này có thể nói là tốt nhất vì nguyên liệu làm từ cá cơm và không có phụ gia. Tuy nhiên, sản phẩm sản xuất ra rất hạn chế.
Thanh long Bình Thuận
Bình Thuận có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho cây thanh long phát triển, cung cấp sản phẩm quanh năm.
Thanh long Bình Thuận có vỏ quả dày, khi chín màu đỏ có độ bóng cao, tai quả dày, cứng, chân tai rộng; thịt quả chắc giòn, có vị ngọt chua; mùi thơm đặc trưng, hạt nhỏ và ít.
Cốm hộc Phan Thiết
Cốm hộc là thức quà khá đặc trưng của vùng đất Phan Thiết. Cốm hộc được làm từ gạo nếp ngon rang nở bung và đường sên với dứa, gừng.
Cũng như các lọai cốm khác, cốm hộc được làm từ lúa nếp. Nếp đem rang, hạt nếp nở bung thành hoa gọi là hạt nổ.
Mong rằng những thông tin Phượt Hot chia sẻ sẽ giúp bạn có một kế hoạch du lịch thật thú vị. Và phượt Bình Thuận sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với bạn trong chuyến hành trình tiếp theo.
Phượt Hot chúc bạn có một chuyến du lịch thật tuyệt vời, tràn đầy niềm vui và đông đầy những kỷ niệm.