Thúy Nguyễn, 25 tuổi, hiện sống và làm việc tại Đức. Cô vừa có chuyến du lịch đến hai địa danh nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ là Istanbul và Cappadocia vào đầu tháng 10. Dưới đây là những chia sẻ về kinh nghiệm di chuyển, đến các điểm tham quan, món ngon nên thử cũng như bí quyết đặt phòng, mua vé máy bay giá rẻ… để có một chuyến đi nhẹ nhàng, thuận lợi.
Các điểm tham quan
Khi vừa xuống máy tới Istanbul, tôi ngỡ như mình đang ở Việt Nam vậy. Istanbul không hổ danh là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, kẹt xe, náo nhiệt và mọi thứ tràn đầy sức sống.
Điểm du lịch đầu tiên mà tôi ghé thăm là trái tim của thành phố, Sultanahmet Meydani. Đây là trung tâm du lịch, nhưng nơi này tương đối nhỏ. Không khí ở đây yên bình và tĩnh lặng. Du khách có những trải nghiệm dễ chịu khi rảo bước trên những con đường cổ kính, những con phố nhỏ, những bãi cỏ… Đến Istanbul phải ghé thăm Sultanahmet Meydanı giống như đến TP HCM phải ghé thăm nhà thờ Đức Bà hay Bưu điện Trung tâm vậy.
Điểm đến tiếp theo là cầu treo Bosphorus dài 1.510 m, một trong những cây cầu dài nhất châu Âu, nối biển Marmara và biển Đen. Cầu nằm trên eo biển cùng tên, chia cắt phần châu Âu và châu Á của Thổ Nhĩ Kỳ. Đi thuyền du ngoạn và ngắm hoàng hôn trên eo biển này là một trải nghiệm không nên bỏ lỡ. Ngoài ra, các bạn có thể ghé thăm các nhà thờ Hồi giáo, các cung điện trong khu vực. Khi đến đây tôi chủ yếu di chuyển bằng xe buýt, xe điện, taxi và đi bộ.
Đến Cappadocia, tôi cảm thấy mình như lạc vào một câu chuyện cổ tích vì cảnh quá đẹp, hùng vĩ và tráng lệ. Điều thú vị ở Cappadocia là cứ mỗi sáng sớm, mỗi trưa và tối mọi người sẽ nghe tiếng tụng kinh từ trên núi (hoặc từ loa) vọng xuống. Không biết tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng khi nghe âm thanh này, tôi cảm thấy rất linh thiêng và dễ chịu. Người dân ở đây thân thiện hơn ở so với Istanbul, quan điểm cá nhân tôi.
Hoạt động đầu tiên rất đáng để các bạn thử là cưỡi ngựa hoặc lạc đà ngắm bình minh, hoàng hôn tại khu vực núi. Khung cảnh đẹp và lãng mạn. Nhưng nếu cưỡi ngựa, bạn nhớ mang theo một chiếc đệm để ngồi cho êm. Ngoài ra, bạn có thể thuê xe địa hình vì di chuyển khá thuận tiện. Tuy nhiên, tôi không sử dụng vì thấy ồn và bụi bặm.
Trekking ở Cappadocia để ngắm cảnh là một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua. Mọi người có thể hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước trong các nhóm leo núi, hoặc đặt tour. Đi spa ở đây cũng rất thú vị. Sau các hoạt động leo núi, đi bộ đường dài thì ý tưởng chiều chuộng bản thân trong một spa không hề tồi. Một số khách sạn có dịch vụ này. Bạn sẽ được massage khắp cơ thể và ăn sữa chua “đúng chuẩn” Thổ Nhĩ Kỳ.
Và hoạt động cuối cùng là ngắm hoặc bay khinh khí cầu đón mặt trời mọc. Do không đủ thời gian vì lần này tôi đi du lịch kết hợp công tác nên chỉ có thể ngắm từ xa. Tuy nhiên, việc nhâm nhi một tách trà đen nóng trong không khí se lạnh, ngắm nhìn khinh khí cầu từ từ bay lên trên nền trời trong trẻo cũng là một trải nghiệm đáng nhớ.
Ăn, nghỉ
Bữa sáng cơ bản của người Thổ Nhĩ Kỳ thường có phô mai trắng, oliu, bơ, kaymak (một loại thực phẩm làm từ sữa, dạng kem), mật ong, mứt, trứng. Ngoài ra, mọi người có thể thử thêm móm menemen, một kiểu trứng khuấy với cà chua kèm gia vị, ăn sáng rất ngon. Kebab là món bắt buộc phải thử. Tôi ăn món kebab mề gà mua trong một góc hẻm và thấy ngon vô cùng.
Tôi cũng ăn kem tại phố đi bộ, với giá khoảng 30 lira (3 USD), kem không ngon lắm nhưng tôi vẫn thử. Ngoài ra, các món đồ ngọt khác mà bạn có thể thưởng thức là bánh baklava, lokum, avuk göğsü… Một lưu ý là đồ ngọt ở đây rất ngọt, tôi là người hảo ngọt nhưng nếm thử vài miếng cũng phải “đầu hàng”. Vì vậy, hãy mua mỗi thứ một ít, nếm thử rồi hãy quyết định mua nhiều.
Địa điểm tôi đến ăn là các quán hàng ở Taksim, một con phố mua sắm, ăn uống sầm uất với cuộc sống về đêm nhộn nhịp tại Istanbul. Đồ ăn đường phố ở đây thực sự rất đáng thưởng thức, rất ngon và giống kiểu hàng quán vỉa hè ở Việt Nam.
Tại Cappadocia, tôi thuê khách sạn ở Göreme. Mọi người nên lựa chọn những khách sạn có chữ “cave” (hang động) ở trên biển tên, vì đây là những nơi có nhiều cảnh đẹp để chụp ảnh.
Mẹo đi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ
Về trang phục “sống ảo”, bạn có thể thuê ngay ở khu vực Göreme, chợ A1. Tôi thuê đồ ở shop Downry Village, với giá 100 lira (10 USD) một bộ một ngày. Người chủ nói rằng đây là những bộ trang phục truyền thống của người Thổ Nhĩ Kỳ. Và đừng quên trả giá khi mua đồ.
Tôi đặt phòng khách sạn trên Booking và “săn” vé máy bay giá rẻ trên skyscanner. Bạn cần mang theo chứng nhận đã tiêm hai mũi vaccine Covid-19, hộ chiếu, visa.
Mọi người không nên đổi nhiều tiền tại sân bay, chỉ nên đổi một ít đủ để có tiền trả taxi về khách sạn, hoặc dự phòng. Vì phí đổi tiền tại sân bay đắt hơn các nơi khác trong Thổ Nhĩ Kỳ. Một số nơi, người dân chấp nhận cả đồng USD và euro.
- Thành phố nào nằm trên hai châu lục?
- Doner kebab – huyền thoại bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ
- Truyền thống mua một trả gấp đôi ở Thổ Nhĩ Kỳ
- Thịt hầm trong bình đất nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ
- Istanbul – thành phố phương Đông lướt ngoài cửa sổ