Mình vừa mới kết thúc hành trình dài từ Nam Ninh đến Tân Cương bằng tàu hỏa gần 1 tháng (thiếu 4 ngày nữa) :)) Mình đã dừng chân 3 tỉnh của Trung Quốc: Hồ Nam (Phượng Hoàng Trấn), Cam Túc (Lan Châu, Đôn Hoàng) và Tân Cương (Urumqi, Yining, Kashgar, Kuche, Turfan). Vâng nhờ tiết kiệm tiền đi lại nên chuyến hành trình chi phí đến mức ngạc nhiên, không tới 20 triệu.
Điểm đến tiếp theo của mình là Kashgar hay Kashi 喀什là một trong những điểm dừng chân quan trọng tuyến phía Nam và Bắc Con đường Tơ lụa, trước khi qua các nước Trung Á. Lúc đi thấy bình thường, giờ xem bản đồ mới biết thành phố này cùng kinh tuyến với Ấn Độ, vậy mới biết là mình đã đi xa đến mức nào. Mình đến Kashgar vào mùa hè nắng đổ lửa, ánh nắng vô cùng gắt, không khí khô. Thời điểm nóng nhất vào lúc 4h chiều tầm 39 độ, 10h tối mặt trời mới lặn. Cảm thấy lúc nào cũng nắng chói chang như thế, nên cả đám lông bông ngoài đường cả ngày, chứ đợi trời râm mát thì không bao giờ có. Khát nước thì ăn dưa Hami, dưa hấu, đói thì ăn xương cừu hầm.
1. Chuyến tàu đêm từ Yining đến Kashgar
Yining và Kashgar nằm cách nhau dãy núi Thiên Sơn đồ sộ, thường khách du lịch chọn cách bay cho nhanh lẹ. Mình đi tàu, nên cung đường vô cùng dài, từ Yining vòng ngược trở lại Urumqi và rẽ phải đi Kashgar, 229 tệ cho 28 tiếng. Nhiều lần mình tính bỏ luôn Yining vì nó ngược hướng quá, đi Nam Cương hết cho lành. Nhưng vì oải hương nên chấp nhận đi xa tẹo vậy. Như chuyến tàu đi Yining, chuyến này cảnh sát kiểm tra cũng gắt gao, cứ vài tiếng an ninh lại rà bom. Toa nào cũng đông người, đông đúc, đến Urumqi thì người ta xuống bớt nên cũng đỡ. Ga tàu Kashgar đang sửa chữa nên vừa nóng vừa chật chội.
Do cung đường này chỉ có 1 chuyến tàu duy nhất nên không có sự lựa chọn nào khác. Đến Kashgar tầm 3h sáng, các taxi đứng đợi sẵn vs giá quá đáng, giá tính theo đầu người nữa chứ, cảm giác cứ như cá tự chui đầu vào rọ. Mình kiên quyết không đi, đợi thêm vài tiếng, trời sáng đi xe buýt. Gì chứ thời gian mình không thiếu. Lát sau nhỏ bạn đi cùng deal gì đó, giảm giá chút xíu xìu xiu, và nó cứ kêu réo đi cho bằng được.
2. Permit ở Kashgar
Mình đi Tân Cương hơn 15 ngày và không có bất kỳ permit nào, trừ visa TQ. Riêng tỉnh Kashgar có phần rất đặc biệt, có thể nó là tỉnh cực Tây giáp biên giới. Tất cả mọi người trong khách sạn, bao gồm người đại lục và nước ngoài đều phải tới trung tâm du lịch làm permit. Bọn mình dự là đi núi Côn Lôn và cao nguyên Pamir, sa mạc Taklamakan 2-3 ngày vs các bạn người TQ trong khách sạn, anh ấy thuê xe riêng đi. Nhưng cảnh sát ở đó từ chối cấp cho 2 đứa người Việt, thế là ở nhà. Đối với người nước ngoài phải đi tour của cty du lịch hoặc đi theo đoàn đông (cần đăng ký trước 3 ngày). Bạn người TQ mình nói rằng bọn mình hoàn toàn có thể có permit nếu làm cách đây 3 ngày nhờ công ty du lịch lo hộ, hỏi 2 đứa có muốn đợi không? tất nhiên câu trả lời là không. okay, không có permit thì đi vòng vòng trong thành phố chơi. Nên thành ra nếu không đi vùng biên giới thì không cần permit.
3. Chơi gì ở Kashgar
a. Đi tour ở Kashgar
Do không có permit nên bọn mình đi Mộ Hương Phi, đảo mấy vòng khu Old City cổ kính lẫn New city nhộn nhịp, đi hết khu chợ Bazaar, lượn lờ qua lại nhà thờ Hồi giáo vẫn dư thời gian. Thế là lên app con cá heo xem dân local họ đi đâu, thấy Thiên Môn tour, nghĩ nghĩ chắc gần Thiên Sơn, nên báo với chủ khách sạn book. Tour ở Kashgar mắc chưa bao giờ được mắc. Đi Thiên Môn cách trung tâm 40km, nằm ở độ cao 460m là cổng trời tự nhiên cao nhất thế giới, được phát hiện bởi người Anh.
Tài xế chở tới nơi xong để đó, hai đứa tự đi bộ vào cổng trời tầm 45 phút, đường đất đá sỏi, leo cao bậc thang các kiểu. Hai đứa vào đâu tầm 3 tiếng quay trở về thành phố, đi tong 400 tệ/ người (không bao gồm vé cổng). Nơi này vô cùng vắng khách, đâu đó tầm 20 người à. Nên đi vào buổi sáng cho mát, nhớ mang theo nước. Vé vào cổng 20 tệ, xem hình Thiên Môn tại đây
b. Vòng quanh trung tâm thành phố Kashgar
Quần thể mộ gia tộc Abakh Khoja (hay còn gọi mộ Hương Phi), người thì nói đó là mộ fake (đậy tấm màu vàng). Hôm mình lại nghe hướng dẫn viên lại nói là anh trai Hương Phi mất 3 năm để đưa xác về, bên trong mộ còn có chiếc xe chở quan tài. Lịch sử TQ cắt xén, chả biết thực hư thế nào, đi coi cho biết thôi. Vé người lớn tầm 40 tệ thì phải, mình có thẻ sinh viên còn 20 tệ. Mình ghé mộ vào buổi sáng, bước ra cổng có xe buýt màu xanh miễn phí cho những bạn vừa mới mua vé Mộ Hương Phi. Xe di chuyển đến chợ Da bazaar luôn, rất tiện.
Id Kah Mosque là thánh đường Hồi Giáo lớn nhất Tân Cương được xây dựng thế kỷ 15 theo phong cách Trung Á. Nhà thờ Hồi giáo màu vàng, khu cổ trấn Kashgar, tiệm trà 100 tuổi cùng một khu vực. Khu new city cách khu cổ trấn 30 phút đi bộ, buổi tối lên đèn đẹp và nhộn nhịp. Các quầy bar, nhà hàng mở nhạc vui nhộn. Mọi người có thể đến đây uống bia và xem mấy thiếu nữ múa điệu vùng Tây Vực.
Taxi ở đây giá ok, 8 tệ cho 2-3km đầu tiên gì ấy, vùng này Didi không hoạt động. Do các vị trí gần nên mình thường đi bộ, còn mấy nơi cách 2-3km thì đi taxi. Ăn uống giá rẻ tầm 10 tệ/ phần. Thịt cừu hầm nồi nhỏ 20 tệ/ phần, xiên thịt cừu mềm, không hôi 7 tê/ xiên, bánh bao nướng nhân thịt dê 3 tệ/ cái. Xem hình Kashgar tại đây
c. Địa điểm tuyệt đẹp ở vùng biên giới mà mình không được đi
Sau đây là những tấm hình được chụp vào mùa hè năm 2019 mấy đứa bạn TQ mình đi. Những nơi này phải có permit và thuê xe để đi.
- Đỉnh Muztagh Ata 慕士塔格峰 Mushitagefeng là một trong những đỉnh núi cao nhất Tân Cương 7509m. Gần đó có hồ Karakul, đây là một trong những nơi hoang dã và đẹp nhất vùng Tân Cương, là nơi ở của người Tajik.
- Red Valley 红山谷 景区 hongshangu jingqu địa hình Yadan là cảnh quan núi hiếm có trong cả nước hình thành sau hàng trăm ngàn năm khắc gió và cát.
- Cửa khẩu Khunjerab 红其拉甫口岸 Hongqi Lafu kou’an nằm ở độ cao 4733 mét, hàm lượng oxy ít hơn 50% đồng bằng. Mùa đông không hoạt động
- 108 khúc cua – Con đường cổ xưa Pamir Panlong 帕米尔盘龙古道 pami’er panlong gudao
4. Khách sạn ở Kashgar
Mình chọn hostel ở khu Old City, gần tiệm trà 100 tuổi và nhà thờ Hồi giáo màu vàng. 喀什老城青年旅舍 – 喀什市吾斯塘博依路233号(Kashgar Old Town Youth Hostel No. 233 Boyi Road, Wusitang, Kashgar City) 48 tệ/ dorm. Hostel này dơ, phòng vệ sinh, phòng khách dơ, cảm thấy nó quá tải khách du lịch, nhân viên không biết tiếng anh. Cả khu Old City mình không biết còn cái hostel nào cho người nước ngoài nữa không. Thấy bao nhiêu khách nước ngoài đều tập trung ở đây, chắc do vị trí thuận tiện. Thật sự hostel cho người nước ngoài đếm trên đầu ngón tay.
Ở Kashgar vậy là ngán lắm rồi, giờ mình chỉ mong đến Kuche gặp thần tượng của mình đây :)) Thành phố tiếp theo cho những ai là fan của tác phẩm Đức Phật và nàng :))
Mọi thắc mắc về thông tin du lịch học tập ở các nước, các bạn có thể email về cho mình ltmtrinh93@gmail.com. Ngoài ra, các bài trên đều là chất xám, trải nghiệm của mình viết nên, các bạn có thể chia sẻ link, không sao chép dưới mọi hình thức. Cảm ơn các bạn!