Lều du lịch, dã ngoại không còn xa lạ với dân phượt nữa. Nó rất quan trọng cho chuyến đi, là nơi trú chân, tránh nắng, mưa và sương cho bạn dù ở bất cứ nơi đâu: ngoại ô, trên xa lộ, bên bờ hồ, cạnh suối hay trong nơi hoang dã… Lều như một căn nhà di động, ngoài việc chống lại các yếu tố thời tiết có hại cho người đi phượt, lều còn chống lại các yếu tố không ai mong muốn khi ngủ ngoài trời như côn trùng, bò sát,… Hãy tưởng tượng khi ngủ trong rừng mà không có lều! Bạn sẽ phải đối mặt với vô vàn thứ có thể biết bay, biết bò, biết ngọ nguậy thậm chí biết cắn nữa. Vô cùng khủng khiếp đúng không?
Có bao nhiêu loại lều cắm trại?
Rất nhiều! Để chọn lều cắm trại cho đúng và phù hợp với chuyến đi của bạn, không đơn giản chỉ là ra cửa hàng và mua một cái về. Vì lều có rất nhiều loại, với nhiều đặc tính, cấu tạo và chất liệu khác nhau. Để lựa chọn được một cái lều phù hợp nhất, bạn cần phải có kiến thức về chuyến đi của mình, hiểu rõ nhu cầu của mình và cả kiến thức về đặc tính từng loại lều. Bài viết này sẽ giúp bạn nắm được điều đó, hướng dẫn bạn phân biệt và hiểu rõ đặc tính của các loại lều phổ biến trên thị trường hiện nay.
Các loại lều cắm trại
Lều 3 mùa (3 Season Tent) và lều 4 mùa (4 Season Tent)
Đây là khái niệm phổ biến nhất của các bạn phương Tây. Với khí hậu và thời tiết của Việt Nam, lều 3 mùa gần như là loại lều thích hợp nhất. Lều 3 mùa thiết kế để sử dụng trong mùa xuân, hè và thu. Với thiết kế thiên về gọn, nhẹ, lều 3 mùa thông thoáng, vách lều thường được thiết kế để tăng tối đa diện tích lưới, giúp không khí lưu thông tốt trong lều. Khung lều 3 mùa thường sử dụng những loại chất liệu nhẹ như nhôm. Lớp ngoài lều 3 mùa thường thiết kế hổng, khi dựng thường cách mặt đất một khoảng đủ để không khí và gió vẫn có thể lưu thông mà vẫn đảm bảo chống mưa, sương ẩm. Chất liệu của lều 3 mùa thường mỏng, nhẹ. Trọng lượng của lều 3 mùa dao động từ 1,5 – 3 kg.
Lều 4 mùa
Lều 4 mùa thường chỉ sử dụng duy nhất cho mùa đông (ở miền ôn đới). Để thích hợp với điều kiện sử dụng khắc nghiệt như gió mạnh, nhiệt độ thấp, có tuyết, băng, ẩm ướt…lều 4 mùa thường được thiết kế kín, ít lưới, khung lều sử dụng những loại chất liệu cứng, chắc như nhôm hợp kim. Chất liệu lều 4 mùa thường dày, chắc chắn và nặng. Trọng lượng lều 4 mùa thường trên 3 kg, có loại rất nặng.
Lều 1 lớp và lều 2 lớp
Lều 1 lớp
Lều 1 lớp là loại ít được ưa chuộng ở các nước Châu Âu và Mỹ nhưng rất phổ biến ở Việt Nam. Loại này thường gặp nhất là các loại lều rẻ tiền của Trung Quốc. Lều này chỉ gồm 1 lớp vải duy nhất. Vì nó chỉ có 1 lớp vải duy nhất nhưng lại muốn chống được mưa nên gần như nó không hề có lưới, chỉ có 1 mảnh lưới nhỏ ở trên nóc lều và được che lại bằng một tấm vải nhỏ khi trời mưa. Lều 1 lớp có thiết kế cửa 2 lớp (1 lớp lưới, 1 lớp vải) thì điều này được cải thiện đôi chút. Lều 1 lớp có thể gọn nhẹ và dễ sử dụng, nhưng tính chống thấm nước không cao. Nếu bạn chỉ đi loanh quanh vùng ngoại ô hoặc các chuyến đi nhẹ nhàng, ngắn ngày thì lều 1 lớp là lựa chọn hợp lý.
Lều 2 lớp
Lều 2 lớp là thiết kế chuẩn mực của các loại lều. Được bán phổ biến tại các cửa hàng. Lều 2 lớp có ưu điểm là cực kỳ gọn nhẹ, dễ sử dụng, độ bền tuyệt vời, đàn hồi tốt. Lều 2 lớp thường đẹp, chắc chắn và chuyên nghiệp hơn so với lều 1 lớp. Nếu bạn muốn có những bức ảnh camping thật lung linh với cái lều của mình thì nên chọn lều 2 lớp.
Lều tự đứng, không tự đứng và lều tự bung
- Lều tự đứng: Là loại lều mà khi bạn ráp khung vào là lều có thể tự đứng được mà không cần phải căng dây và cắm cọc.
- Lều không tự đứng: Ngược lại với loại trên, loại này sau khi ráp khung sẽ nằm bẹp, muốn nó đứng và sử dụng được thì bạn buộc phải căng dây và cắm cọc.
- Lều tự bung: Được dùng để mô tả loại lều thật dễ sử dụng, chỉ cần vứt nó ra và nó sẽ tự bung thành một cái lều cho bạn. Đương nhiên là nó đứng được.
Theo kinh nghiệm của tôi, tôi khuyên bạn nên chọn loại lều tự đứng. Đây là loại phổ biến hơn cả, vì rõ ràng là nó có nhiều ưu điểm hơn các loại khác, cơ động hơn, nhỏ gọn hơn… Với loại này, bạn có thể cắm trại ven quốc lộ, trên mặt sàn bê tông hoặc trên một tảng đá đẹp. Điều này là bất khả thi với loại lều không tự đứng.
Với những yếu tố như ngân sách, thời tiết, địa hình và yêu cầu cụ thể của từng chuyến đi, bạn nên tự cân nhắc để chọn loại lều phù hợp. Tuy nhiên, để tiết kiệm cho các chuyến đi sau, nên chọn một cái lều có thể phục vụ cho nhiều chuyến đi với các điều kiện khác nhau.
Chúc các bạn chọn được lều ưng ý và có một chuyến đi tốt đẹp!