Kinh doanh vận tải khách du lịch là gì? Quy định với phương tiện vận tải khách du lịch (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
1. Kinh doanh vận tải khách du lịch là gì?
Theo khoản 1 Điều 45 Luật Du lịch 2017 thì kinh doanh vận tải khách du lịch là việc cung cấp dịch vụ vận tải đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, đường bộ chuyên phục vụ khách du lịch theo chương trình du lịch, tại khu du lịch, điểm du lịch.
2. Quy định với phương tiện vận tải khách du lịch
Quy định với phương tiện vận tải khách du lịch theo Điều 6 và Điều 7 Thông tư 42/2017/TT-BGTVT như sau:
2.1. Quy định đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường bộ
Quy định đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường bộ như sau:
– Xe ô tô phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
– Xe ô tô phải được gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
– Xe ô tô phải được niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định, bên cạnh giường nằm phải có bảng hướng dẫn cho hành khách về an toàn giao thông và thoát hiểm khi xảy ra sự cố theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
– Xe ô tô vận tải khách du lịch phải bảo đảm nội thất và tiện nghi như sau:
+ Xe ô tô dưới 09 chỗ phải có các trang thiết bị bao gồm: điều hòa nhiệt độ, thùng chứa đồ uống, dụng cụ y tế sơ cấp cứu, túi thuốc dự phòng, dụng cụ thoát hiểm, tên và số điện thoại của chủ phương tiện tại vị trí phía sau ghế của lái xe;
+ Xe ô tô từ 09 chỗ đến dưới 24 chỗ, ngoài các quy định với xe ô tô dưới 09 chỗ thì còn phải trang bị thêm: rèm cửa chống nắng, bảng hướng dẫn an toàn, thùng đựng rác;
+ Xe ô tô từ 24 chỗ trở lên (trừ ô tô chuyên dụng caravan), ngoài các quy định với xe ô tô từ 09 chỗ đến dưới 24 chỗ thì còn phải trang bị thêm micro, nơi cất giữ hành lý cho khách du lịch; có vị trí dành cho người cao tuổi, người khuyết tật theo quy định.
2.2. Quy định đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa
Quy định đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa như sau:
– Phương tiện phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
– Phương tiện phải lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động – AIS khi hoạt động trên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo theo quy định của pháp luật.
– Trang bị đủ số lượng phao, áo phao cho du khách trên tàu.
– Phương tiện thủy nội địa vận tải khách du lịch phải đảm bảo nội thất và tiện nghi như sau:
+ Đối với phương tiện từ 12 ghế ngồi đến 20 ghế ngồi phải trang bị:
++ Bảng hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm và số điện thoại, địa chỉ các cơ quan tìm kiếm cứu nạn để tại vị trí ghế ngồi của khách;
++ Có biểu đồ hành trình tuyến du lịch;
++ Có thùng chứa đồ uống; thùng đựng rác.
+ Đối với phương tiện từ 20 ghế ngồi đến 50 ghế ngồi ngoài các quy định với phương tiện từ 12 ghế ngồi đến 20 ghế ngồi còn phải trang bị:
++ Dụng cụ chống nắng, micro; tủ thuốc và các dụng cụ sơ cứu, cứu nạn theo danh mục quy định của Bộ Y tế;
++ Khu vực phục vụ dịch vụ ăn uống và khu chế biến (nếu có) phải đảm bảo yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế và đảm bảo các quy định an toàn phòng chống cháy nổ.
+ Đối với phương tiện từ trên 50 ghế ngồi trở lên ngoài các quy định với phương tiện từ 20 ghế ngồi đến 50 ghế ngồi thì phải trang bị:
++ Mái che, rèm cửa chống nắng, điều hòa nhiệt độ hoặc quạt mát tương ứng với số khách du lịch được vận chuyển;
++ Phòng vệ sinh.
– Đối với tàu thủy lưu trú du lịch thực hiện theo quy định của Chính phủ.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY