Ngành du lịch phát triển trở lại và dịch vụ lưu trú hiện nay chính là một lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn có khả năng tạo ra lợi nhuận khổng lồ với những nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp. Ngành dịch vụ này không chỉ là một lĩnh vực kinh doanh tiềm năng đầy hấp dẫn mà chúng còn vô cùng cần thiết và quan trọng. Vậy kinh doanh dịch vụ lưu trú là gì? NPLaw thông qua bài viết này để mang đến một số nội dung liên quan đến kinh doanh dịch vụ lưu trú.
I/ Kinh doanh lưu trú là gì?
1. Cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú là gì?
Kinh doanh lưu trú (Accommodation business) là hoạt động kinh doanh dịch vụ cho thuê phòng ngủ của một cơ sở lưu trú du lịch.Kinh doanh lưu trú du lịch còn được hiểu là hoạt động kinh doanh của các cơ sở lưu trú du lịch trong việc cung cấp các dịch vụ lưu trú, ăn uống và các dịch vụ khác nhằm thỏa mãn nhu cầu lưu lại tạm thời của khách du lịch tại một khu vực tỉnh thành, một vùng hay một quốc gia phát triển du lịch.
2. Đặc điểm kinh doanh lưu trú
Kinh doanh lưu trú bao gồm: dịch vụ lưu trú và dịch vụ bổ sung. Và đều có đặc điểm sau:
- Các dịch vụ này không tồn tại ở dạng vật chất và được cung cấp cho các đối tượng khách hàng, trong đó chiếm tỉ trọng lớn nhất vẫn là khách du lịch.
- Trong quá trình hoạt động, cơ sở kinh doanh lưu trú không tạo ra sản phẩm mới và cũng không tạo ra giá trị mới.
- Hoạt động của các cơ sở lưu trú thông qua việc sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của khách sạn và hoạt động phục vụ của các nhân viên đã giúp chuyển dần giá trị từ dạng vật chất sang dạng tiền tệ dưới hình thức “khấu hao”.
- Kinh doanh lưu trú không thuộc lĩnh vực sản xuất vật chất, mà thuộc lĩnh vực kinh doanh dịch vụ.
3. Vai trò của kinh doanh lưu trú du lịch
Vai trò của dịch vụ kinh doanh lưu trú bao gồm:
- Giải quyết nhu cầu việc làm cho xã hội.
- Góp phần tham gia vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
- Đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
- Góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam
II/ Các loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú
Các loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú bao gồm:
- Các loại hình Khách sạn như: Khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn bên đường, khách sạn nổi và khách sạn thành phố.
- Biệt thự du lịch;
- Căn hộ du lịch;
- Nhà nghỉ du lịch;
- Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê;
- Tàu thủy lưu trú du lịch;
- Bãi cắm trại du lịch.
III/ Quy định về kinh doanh dịch vụ lưu trú
Theo quy định của Luật du lịch thì kinh doanh dịch vụ lưu trú là ngành nghề cung cấp các dịch vụ phục vụ cho nhu cầu lưu trú của khách du lịch ngắn hạn và dài hạn kèm theo các dịch vụ khác như: nhà hàng, ăn uống, giải trí, chăm sóc sức khỏe,.. phải đảm bảo các điều kiện và thủ tục nhất định
1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú
Trong Nghị định 96/2016/NĐ-CP đã quy định tại Khoản 22 Điều 3 và Mục 3 Chương V Nghị định 168/2017/NĐ-CP thì doanh nghiệp muốn tham gia kinh doanh dịch vụ lưu trú cần phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường và cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như dịch vụ phục vụ đối với từng loại hình cơ sở kinh doanh lưu trú:
- Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với khách sạn: đảm bảo số lượng phòng; có quầy lễ tân, phòng vệ sinh; có nơi để xe cho khách đối với khách sạn nghỉ dưỡng và khách sạn bên đường; có bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống đối với khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn nổi, khách sạn bên đường; có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới; Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.
- Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với biệt thự du lịch: đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị cần thiết; đầy đủ các phòng chức năng tiện ích.
- Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với căn hộ du lịch: đảm bảo đầy đủ tiện nghi, có các trang thiết bị cũng như phòng đầy đủ công năng thiết yếu.
- Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với tàu thủy lưu trú du lịch: Có khu vực đón tiếp khách, phòng ngủ (cabin), phòng tắm, phòng vệ sinh, bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống; có đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để khách hàng tự sử dụng hoặc được phục vụ.
- Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với nhà nghỉ du lịch; nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; bãi cắm trại du lịch: đảm bảo đủ tiện nghi tối thiểu và các yêu cầu y tế, an toàn…
- Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú còn có trách nhiệm:
- Ban hành nội quy.
- Kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách lưu trú.
- Ghi đầy đủ thông tin của khách lưu trú vào sổ quản lý (hoặc nhập đầy đủ thông tin vào máy tính)
- Khai báo tạm trú đầy đủ.
- Kiểm tra và quản lý giấy tờ tùy thân của người đến thăm khách lưu trú tại phòng nghỉ, ghi đầy đủ thông tin.
- Lưu trữ thông tin của khách lưu trú và thông tin của người đến thăm khách lưu trú tại phòng nghỉ trong thời hạn ít nhất 36 tháng.
2. Thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú
NPLaw với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng xử lý thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú:
- Đăng ký kinh doanh lưu trú du lịch;
- Xin giấy phép an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy
- Xin giấy phép an ninh trật tự
- Nếu cơ sở có cung cấp dịch vụ ăn uống thì còn cần đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm
Ngoài ra, nếu là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì cần mang hộ chiếu nước ngoài và nếu là người nước ngoài muốn kinh doanh dịch vụ lưu trú cần cần được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp phép cư trú (cấp thẻ tạm trú).
IV/ Những thắc mắc thường gặp về kinh doanh dịch vụ lưu trú
Hòm thư và tổng đài tư vấn của NPLaw đã nhận được rất nhiều những câu hỏi liên quan đến kinh doanh dịch vụ lưu trú, chúng tôi xin giải đáp một vài thắc mắc phổ biến của các khách hàng:
1. Cơ sở kinh doanh đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ lưu trú nhưng Giấy tờ về phòng cháy và chữa cháy cấp cho công trình nhà ở kết hợp căn hộ cho thuê hoặc công trình nhà ở nhân viên thì có đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự không?
Trả lời:
Tại Phụ lục 1 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ có liệt kê các loại cơ sở thì hộ kinh doanh là các cơ sở thuộc loại dưới đây thì phải tuân thủ và đáp ứng được các điều kiện phòng cháy chữa cháy theo quy định:
- Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non; Cơ sở giáo dục thường xuyên; Cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục.
- Phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, cơ sở y tế khác được thành lập theo luật khám bệnh, chữa bệnh
- Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; quán bar, câu lạc bộ, thẩm mỹ viện, kinh doanh dịch vụ xoa bóp.
- Cửa hàng điện máy, siêu thị; cửa hàng bách hóa; cửa hàng tiện ích; nhà hàng, cửa hàng ăn uống
- Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ; nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch.
- Trung tâm thể dục, thể thao; cơ sở thể thao khác được thành lập theo Luật Thể dục, thể thao;
- Bảo tàng, thư viện; nhà triển lãm; nhà trưng bày, nhà lưu trữ, nhà sách, nhà hội chợ; cơ sở tôn giáo.
- Cửa hàng kinh doanh, sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, mô tô, xe gắn máy.
- Gara để xe ô tô, bãi trông giữ xe được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Cửa hàng kinh doanh xăng dầu, cửa hàng kinh doanh chất lỏng dễ cháy; cửa hàng kinh doanh khí đốt.
- Hầm có hoạt động sản xuất, bảo quản, sử dụng chất cháy, nổ; kho hàng hóa vật tư cháy được hoặc hàng hóa, vật tư không cháy đựng trong các bao bì cháy được; bãi chứa hàng hóa, vật tư, phế liệu có diện tích từ 500m2 trở lên.
- Nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình.
Trong trường hợp này, công trình nhà ở kết hợp căn hộ cho thuê hoặc công trình nhà ở nhân viên lẫn kinh doanh dịch vụ lưu trú đều cần phải có giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, căn hộ chuyển đổi mục đích sử dụng từ dạng căn hộ cho thuê hoặc công trình nhà ở nhân viên sang cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú cần phải xin cấp mới giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy.
2. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh bị Tòa án xử phạt tù cho hưởng án treo và đang trong thời hạn thử thách thì có được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để kinh doanh dịch vụ lưu trú không?
Trả lời:
Căn cứ theo điều 7 Nghị định 96/2016 NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh trật tự thì Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú phải không thuộc:
- Đối với người Việt Nam:
Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.
Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.
Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
- Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài:
Chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.
Như vậy, pháp luật không cấm người bị Tòa án xử phạt tù cho hưởng án treo và đang trong thời hạn thử thách chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh.
3. Theo quy định, cơ sở lưu trú du lịch phải đủ điều kiện về an ninh trật tự và Biên bản kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy. Chủ các căn hộ kinh doanh lưu trú có được phép sử dụng lại các giấy nêu trên của chủ đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho tòa nhà chung cư không?
Trả lời:
Tại Phụ lục 1 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ có liệt kê các loại cơ sở thì hộ kinh doanh là các cơ sở thuộc loại dưới đây thì phải tuân thủ và đáp ứng được các điều kiện phòng cháy chữa cháy theo quy định:
Trong trường hợp này, công trình nhà ở kết hợp căn hộ cho thuê hoặc công trình nhà ở nhân viên lẫn kinh doanh dịch vụ lưu trú đều cần phải có giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy. Nếu mục đích sử dụng của tòa nhà chung cư khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ liên quan đến an ninh trật tự và biên bản kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy không phải là cấp cho cơ sở lưu trú du lịch thì chủ các căn hộ đầu tư phải làm lại các giấy tờ nêu trên.
4. Nhà trọ có phải cơ sở lưu trú?
Trong hệ thống mã ngành nghề đăng ký kinh doanh thì mã ngành 551 – 5510 quy định về Dịch vụ lưu trú ngắn ngày thì Nhóm này bao gồm:
- Dịch vụ cung cấp cơ sở lưu trú cho khách du lịch, khách trọ, hàng ngày hoặc hàng tuần, nhìn chung là ngắn hạn. Các cơ sở lưu trú bao gồm loại phòng thuê có sẵn đồ đạc, hoặc loại căn hộ khép kín có trang bị bếp và dụng cụ nấu ăn, có hoặc không kèm theo dịch vụ dọn phòng hàng ngày, có thể đi kèm với các dịch vụ khác như ăn uống, chỗ đỗ xe, dịch vụ giặt là, bể bơi, phòng tập, dịch vụ giải trí, phòng họp và thiết bị phòng họp;
- Hoạt động của các cơ sở lưu trú như: khách sạn; biệt thự du lịch (resort); phòng hoặc căn hộ khách sạn; nhà khách, nhà nghỉ; nhà trọ, phòng trọ; chỗ nghỉ trọ trên xe lưu động; làng sinh viên, ký túc xá sinh viên; nhà điều dưỡng.
Loại trừ: Cho thuê nhà, căn hộ, phòng ở có hoặc không trang bị đồ đạc nhằm mục đích ở lâu dài, thường là hàng tháng hoặc hàng năm được phân vào ngành 6810 (Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê).
Như vậy, nếu nhà trọ cho thuê dưới dạng trang bị đầy đủ đồ đạc thì nhà trọ trong loại hình này là cơ sở kinh doanh lưu trú.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn