Cung đường trekking Tà Năng – Phan Dũng được biết đến với danh xưng cung đường trekking đẹp nhất nước Việt Nam. Cung đường có độ dài hơn 50 km và đi qua ba tỉnh lớn là Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Chuyến trekking sẽ khởi hành từ xã Tà Năng (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), kết thúc điểm cuối tại xã Phan Dũng (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).
Chặng 1: Xuất phát từ TP.HCM đến Tà Đùng
Trước khi thực hiện chuyến trekking đến Tà Năng – Phan Dũng, Thanh Ngân, một hướng dẫn viên du lịch cùng đồng đội ghé Tà Đùng (Đăk Nông) – nơi được ví như “Vịnh Hạ Long” thu nhỏ giữa núi rừng Tây Nguyên để trải nghiệm.
Xuất phát từ TP.HCM, Thanh Ngân có mặt tại điểm đón của đoàn lúc 5 giờ sáng. Xe khởi hành di chuyển đến Tà Đùng và nghỉ ngơi ở Tà Đùng Topview Homestay (hay còn gọi là Homestay Nhà Chú Đông)
“Chúng mình cũng mua vé đi thuyền tham quan Hồ Tà Đùng, mức giá thuê thuyền khoảng từ 100.000 đồng/người. Ở đây, bạn sẽ tham quan quanh hồ, dừng chân trên một đảo nhỏ, ăn uống cũng như chơi các trò chơi dưới nước.” – Thanh Ngân cho biết.
Chặng 2: Team di chuyển đến Tà Năng – Phan Dũng
Sau trải nghiệm tại Tà Đùng, thưởng thức các loại đặc sản Tây Nguyên như cacao, cà phê, gà nướng cơm lam, Thanh Ngân di chuyển đến Sàn Homestay của người dân tộc Tày ở bìa rừng Tà Năng (huyện Đức Trọng) để nghỉ ngơi và thưởng không khí thanh bình của vùng cao trước ngày trekking.
Tại homestay lần đầu cả nhóm được khám phá cuộc sống “trồng gì ăn nấy” của người dân ở đây. Từ những cây dâu tằm ngọt lịm, những trái bơ vừa vào mùa hay macca.
Chặng 3: Bắt đầu trekking
Sáng sớm, cả nhóm Thanh Ngân được hướng dẫn viên sẽ phổ biến các quy tắc an toàn trong hành trình trekking và thông tin chi tiết về quãng đường, khí hậu, địa hình… Sau đó, mỗi người được phát một cây gậy, áo mưa và chai nước.
Đây là lần đầu Thanh Ngân được trải nghiệm cung đường trekking được cho là đẹp nhất Việt Nam.
Thanh Ngân cho biết: “Dọc quãng đường đi bộ qua nhiều dạng địa hình từ ruộng nương, đồi cà phê cho đến những rừng thông ngút ngàn. Trekking chừng 6 km đường bằng và băng qua vài con suối nhỏ róc rách là bắt đầu đoạn leo dốc.
Những con dốc ở đây không quá gắt nhưng cứ kéo dài mãi. Cả đoàn cứ thắc mắc trong đầu là bao giờ mới hết dốc. Gặp cột mốc ghi chữ Tà Năng – Phan Dũng niềm vui như vỡ òa. Tại đây nhóm Thanh Ngân đã chụp ảnh rất nhiều và di chuyển đến Đồi Lính để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.
“Hết dốc phần thưởng mà tự nhiên ban cho chúng tôi là đồi cỏ đầu tiên, một khung cảnh hùng vĩ trải dài. Những đồi cỏ mát xanh tươi như một thảo nguyên, cùng bầu không khí trong lành, cơn gió mát mẻ lồng lộng, làm vơi đi rất nhiều những quãng đường trekking gian nan.”- Thanh Ngân bày tỏ.
Đến 16 giờ cả đoàn tới bãi trại là đồi Hai Cây Thông, đây là một ngọn đồi cao khoảng 900 m so với mực nước biển và có tầm nhìn rất rộng. Tại đây hầu hết các đoàn đều hạ trại, cùng nhau ăn uống, hát hò giữa núi rừng hoang dã.
Sáng hôm sau, cả nhóm dậy sớm ngắm bình minh, sau đó thì dùng bữa sáng và di chuyển bắt đầu leo về hướng Phan Dũng.
Chặng 4: Leo xuống có mệt không?
Thật ra, khi leo xuống có nhiều bạn khá là mệt rồi, thời tiết ở Phan Dũng cũng rất khác biệt so với Tà Năng. Thời tiết Phan Dũng nóng và gắt hơn nhiều, vì vậy vừa leo vừa nghỉ là kế sách. Cứ leo một tí là lại có chỗ bán nước uống tiếp thêm năng lượng.
Đến giờ trưa, nhóm mình đến một con suối, nghỉ ngơi và ăn trưa. Leo thêm một đoạn nữa thì cả nhóm bắt “xe ôm rừng” (người lái những chiếc xe máy cũ kĩ) để đến điểm mà xe du lịch đón tụi mình và kết thúc chuyến đi.
Thanh Ngân nói: “xe ôm rừng” là một trải nghiệm rất thú vị mà các bạn nên thử trải nghiệm.