Mua thêm phần “sai”
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh Lê Đức Thương, ngày 27/4/2022, UBND xã đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, thời điểm đó là người sử dụng đất đối với thửa đất số 348, tờ bản đồ số 23, về hành vi tự chuyển mục đích đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn với diện tích chuyển mục đích trái phép 0,02 ha.
Cụ thể, xây dựng nhà khung sắt lắp ghép kính chắn gió bao che quanh tường, mái lợp tôn, trên lợp lá dừa nước chống nóng, trần gỗ, sàn gỗ với tổng diện tích 91,98m2; xây dựng hồ bơi gắn với khu nhà kính, bên trong dán gạch men. Cùng với đó là hành vi lấn chiếm đất theo hiện trạng đất rừng trồng sản xuất tại khu vực nông thôn với diện tích dưới 0,02 ha, cụ thể xây nhà sàn khung gỗ lắp ghép, sàn nền gỗ, mái lợp tôn kẽm, trên lợp lá tranh chống nóng với diện tích 66m2.
Với các hành vi trên, ông Hùng bị UBND xã Hòa Ninh xử phạt tổng 8 triệu đồng và buộc khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu của đất trong thời gian 30 ngày kể từ ngày được giao, nhận Quyết định xử phạt.
Quyết định xử phạt được ban hành, thế nhưng thay vì tiến hành khắc phục hậu quả, ngày 7/11/2023, ông Nguyễn Mạnh Hùng lại chuyển nhượng thửa đất trên cho ông Nguyễn Kiệt (đại diện pháp luật của Công ty TNHH An Sơn Ecopark). Điều đáng nói, hiện trạng các công trình vi phạm như nhà khung sắt, bể bơi trên phần diện tích của thửa đất số 348, tờ bản đồ số 23; nhà sàn khung gỗ lắp ghép tại phần diện tích lấn chiếm đất chưa được phá dỡ và hoàn trả lại hiện trạng đất trước khi vi phạm.
Theo ghi nhận của Phóng viên, thửa đất mà ông Nguyễn Kiệt nhận chuyển nhượng nêu trên nằm kế với khu vực đề xuất triển khai dự án Khu du lịch sinh thái An Sơn Ecopark, được doanh nghiệp ngang nhiên thi công trái phép bấy lâu nay. Cũng tại khu vực đất nhận chuyển nhượng này, hệ thống giao thông kết nối đã được liền mạch với dự án thi công “chui”.
Song hành với việc thi công dự án Khu du lịch sinh thái An Sơn Ecopark để vượt “tiến độ chủ trương dự án”, thì doanh nghiệp cũng kết hợp đồng thời triển khai cày xới, cải tạo mặt bằng để tạo hình theo ý thích trên phần diện tích đất nhận chuyển nhượng kế bên.
Như vậy, một bên là dự án khu du lịch quy mô gần 10ha đang dần thành hình trên “cơ sở” vi phạm xếp đá làm kè với diện tích dưới 0,05 ha nhưng không hoàn trả hiện trạng ban đầu, một bên là tiểu dự án xuất phát từ những công trình xây dựng trái phép và lấn chiếm đang được tiếp tục kiến tạo mặc cho các quy định của pháp luật hiện hành. Điểm chung của 2 “dự án” kể trên là cùng một đơn vị triển khai nhưng lại không bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý trong thời gian dài!
Cần có sự vào cuộc đồng bộ từ cơ quan chức năng
Trao đổi với Đội kiểm tra quy tắc đô thị huyện Hòa Vang, lãnh đạo Đội cho rằng với hành vi xây dựng không phép tại khu vực đề xuất dự án Khu du lịch sinh thái An Sơn Ecopark, trách nhiệm kiểm tra và xử lý đầu tiên thuộc về UBND xã Hòa Ninh, cùng với đó là trách nhiệm của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện. Chỉ khi nào UBND xã Hòa Ninh có dấu hiệu buông lỏng quản lý thì Đội kiểm tra quy tắc đô thị huyện mới vào cuộc thực hiện trách nhiệm của mình. Đại diện Đội kiểm tra quy tắc đô thị huyện Hòa Vang khẳng định, quy chế làm việc của đội tuân theo nguyên tắc đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Trái ngược quan điểm trên, ông Trương Tấn Mạnh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang lại cho rằng việc kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng trái phép là trách nhiệm của Đội kiểm tra quy tắc đô thị huyện. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện có chức năng phối hợp, hỗ trợ Đội kiểm tra quy tắc đô thị về chuyên môn đối với những trường hợp mang tính đặc thù ngành.
Có lẽ, chính “quả bóng” trách nhiệm được các ngành “đá qua đá về” là nguyên nhân dẫn đến sự lỏng lẻo trong công tác quản lý để cho những sai phạm tại dự án này kéo dài trong suốt thời gian dài. Cùng với đó chính là sự bao che của một bộ phận cơ quan chức năng để doanh nghiệp ngang nhiên “tự tung tự tác” như chốn không người!.
Để làm rõ những sai phạm như phản ánh, chúng tôi kiến nghị cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng ở cấp địa phương và cấp thành phố. Có như vậy mới chấm dứt được tình trạng vi phạm nghiêm trọng của doanh nghiệp đang có cơ hội được thức hợp thức hóa, để pháp luật luôn công bằng với tất cả. Đồng thời kịp thời ngăn chặn những tiền lệ xấu tương tự có thể xảy ra sau này!.