Sau khi tăng vốn điều lệ gấp gần 5 lần lên 1.053 tỷ đồng, Công ty CP Thương mại và dịch vụ Danh Việt tăng tốc triển khai dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Trước khi với những tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới là Best Western và Marriott International để vận hành dự án, chủ đầu tư đã thuê đơn vị thiết kế danh tiếng quy hoạch khu đất rộng 72ha như một thành phố nghỉ dưỡng biển mang phong cách Italia.
Tuy nhiên, khi tăng tốc triển khai xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, chủ đầu tư bất ngờ vấp phải sự ngăn cản của 15 hộ dân.
Dự án có đủ pháp lý để triển khai
Theo tìm hiểu của TheLEADER, dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt – tên thương mại là Venezia Beach – Luxury Residences & Resort đã được triển khai từ hơn một thập kỷ trước.
Cụ thể, dự án đã được cơ quan nhà nước thẩm định và ra quyết định thu hồi đất, giao đất thực hiện dự án từ năm 2008-2009 với diện tích 72ha.
Chủ đầu tư đã hoàn tất nghĩa vụ nộp tài chính và toàn bộ diện tích 72ha của dự án đã được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2010.
Tháng 9/2018, dự án được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư, sau đó được phê duyệt quy hoạch chi tiết và Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng. Gần đây nhất, dự án cũng đã được UBND huyện Hàm Tân phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, đại diện pháp lý công ty Danh Việt cho biết, Lạc Việt là dự án lớn, tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, nên các bước chuẩn bị pháp lý cho dự án được công ty thực hiện cẩn thận, chỉn chu và đến nay, dự án đã có đầy đủ pháp lý để thực hiện triển khai.
Theo ông Nghĩa, vị trí những hộ dân gửi đơn khiếu nại đều nằm trong khu đất công ty Danh Việt đã được cấp sổ đỏ và nên việc các hộ dân trồng cây hoặc xây dựng nhà tạm trên khu đất thực chất hành vi này là tái lấn chiếm đất của dự án.
Hiện còn 15 hộ dân chưa bàn giao phần diện tích hơn 11.000 thuộc giai đoạn 2 của dự án, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong với công tác triển khai xây dựng. Khu vực này có một số thửa đất có keo lá tràm, xà cừ mới được trồng khoảng từ một đến hai năm. Các hộ dân dựng nhà tạm bằng tôn, giăng dây thép gai, có trường hợp xây hẳn tường gạch để phân chia ranh giới giữa các lô đất.
Các hộ dân từ chối bàn giao đất vì họ cho rằng chưa được nhận tiền đền bù.
Chính quyền vào cuộc
Trước những vướng mắc của dự án, ông Văn Quý Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân cho biết đã lập tổ công tác với thành phần là đại diện các phòng chuyên môn để tiến hành rà soát lại nguồn gốc đất, quá trình giải quyết trước đây đối với 15 hộ dân đang khiếu nại.
Theo tổ công tác này, việc đền bù giải toả 15 hộ dân gặp khó khăn do sự phức tạp trong xác định nguồn gốc đất. Trong khi một số hộ dân cho rằng họ có quyền sử dụng đất do họ đã khai hoang và canh tác ở khu vực này nhiều năm nay, nhưng trên thực tế lại không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, một số mảnh đất do hộ dân cho rằng thuộc quyền sở hữu của mình lại do UBND xã Thắng Hải quản lý. Cũng có trường hợp hộ dân nhảy vào tái lấn chiếm đất dự án.
“Khi kết quả rà soát được thường vụ huyện ủy cho ý kiến, tỉnh ủy chỉ đạo, UBND huyện sẽ căn cứ vào kết quả đó giải quyết thỏa đáng tùy theo trường hợp từng hộ. Chẳng hạn, với hộ nào trồng cây thì sẽ hỗ trợ hoa màu còn đối với hộ nào không có đất mà cố tình lấn chiếm thì sẽ bị xử lý theo đúng pháp luật”, ông Ngọc cho biết.
Ông Nghĩa cho biết, dù việc triển khai dự án bị ảnh hưởng bởi người dân tái lấn chiếm nhưng chủ đầu tư luôn đặt quan điểm thượng tôn pháp luật. “Vì vậy khi người dân lấn chiếm đất, công ty đã nhiều lần báo cáo và đề nghị chính quyền xử lý nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, mặt khác để dự án được triển khai đúng tiến độ”, đại diện chủ đầu tư cho biết.