Về tỉnh Sóc Trăng, sau khi tham quan các điểm du lịch có tiếng như chùa Dơi, chùa Đất Sét, chùa Chén Kiểu, hồ nước ngọt,… nhiều du khách được giới thiệu đến thăm khu du lịch sinh thái biển Mỏ Ó và Hồ Bể để chiêm ngưỡng, thả mình trong vẻ đẹp hoang sơ của những khu du lịch này.
Từ TP Cần Thơ theo quốc lộ Nam sông Hậu chạy về hướng tỉnh Bạc Liêu khoảng 70 km là đến khu du lịch Mỏ Ó (thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng).
Có thể nói, Mỏ Ó là điểm du lịch khiến nhiều người mê bởi vẻ hoang sơ, không gian thoáng đãng, dễ chịu khi trước mắt du khách là biển mênh mông, là khu rừng nguyên sinh dày đặc với nhiều loại cây vùng ngập mặn tạo nên phong cảnh thiên nhiên hữu tình.
Bãi biển Mỏ Ó.
Khu du lịch sinh thái biển Mỏ Ó nằm sát cửa sông Mỹ Thanh thuộc khu vực Biển Đông, có diện tích rừng tự nhiên trên 260 ha, là nơi trú ngụ của nhiều loài chim, bò sát và thủy hải sản phong phú.
Đến thăm biển Mỏ Ó, du khách được thưởng thức những món ăn dân dã như các loại cá, tép, tôm, cua vừa đánh bắt từ biển với nhiều món ngon được chế biến từ cá bóp, cá nâu, cá lù đù, mực tươi, cua, ghẹ,…khô cá khoai, cá đuối,…
Khung cảnh hoang sơ rừng ngập mặn ở Mỏ Ó.
Mỏ Ó không ồn ào, náo nhiệt như ở biển Bạc Liêu, Hà Tiên, Ba Động,… mà vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ. Du khách rất thích thú khi được lội bùn ra biển tự tay mình tìm bắt cá, bắt cua, nhặt ốc.
Đặc biệt, đến Mỏ Ó, du khách sẽ có cơ hội được đẩy “mong” giữa bãi bùn khi thủy triều xuống vô cùng thú vị. Theo lời kể của người dân ở Mỏ Ó, những bãi bồi ven biển khi thủy triều rút cạn, việc đi lại trên bãi bùn gặp nhiều khó khăn chính vì thế dân gian đã sáng chế ra một tấm ván trượt rất nhanh đồng hành với họ trong mỗi lần đánh bắt mưu sinh. Ngư dân nơi đây có nhiều cách gọi khác nhau về hình thức này, có người gọi là “đi mong”, “đạp mong”, tuy nhiên cũng có người hiểu là “đẩy mông” vì để có thể di chuyển được thì một chân quỳ lên tấm ván mỏng, chân còn lại dưới bùn đẩy cho ván lướt đi, hầu như trọng lực dồn vào mông.
Ở Mỏ Ó chỉ có một khu nhà sàn duy nhất nằm giữa chiếc cầu từ đất liền đi ra bãi biển. Ăn uống ở đây cũng khá rẻ với các món hấp dẫn như lẩu cá ngát nấu trái bần với cơm mẻ, cá kèo, mực, tôm, sò huyết,….
“Đi mong” trên bãi biển Mỏ Ó.
Rời Mỏ Ó, theo đường Nam sông Hậu qua cầu Mỹ Thanh 2 là đến khu du lịch sinh thái Hồ Bể (thuộc xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu).
Biển Hồ Bể có được là do biển bồi, lở tự nhiên qua hàng trăm năm tạo nên một khu đất giống như một hồ rộng ăn sâu vào đất liền. Vì vậy, người dân địa phương đặt tên là Hồ Bể.
Lợi thế của khu du lịch là có bãi biển dài khoảng 20 km dọc theo cửa biển Mỹ Thanh, trong đó, có 5 km bãi cát dài, mịn và hoang sơ. Hàng năm, bãi biển này có khoảng 6 tháng nước trong và 6 tháng nước đục do ảnh hưởng của phù sa từ sông Hậu đổ ra biển.
Du khách đổ về Hồ Bể.
Theo kế hoạch của tỉnh Sóc Trăng, khu du lịch sinh thái Hồ Bể sẽ được đầu tư xây dựng bờ kè kiên cố để hình thành bãi tắm quy mô lớn, là bãi tắm có cát trắng duy nhất ở Sóc Trăng.
Xung quanh khu vực biển Hồ Bể còn là nơi trú ngụ và sinh sản của nhiều loài thủy hải sản có giá trị như cua biển, nghêu, sò huyết giống… đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Đến đây, du khách sẽ có dịp tận mắt khám phá, đánh bắt những loài động vật, thủy hải sản, những thảm thực vật xanh mướt của rừng phòng hộ ngập mặn, tận hưởng bầu không khí trong lành.
Tung tăng hòa mình vào trời biển Sóc Trăng.
Đến với khu du lịch sinh thái Hồ Bể, du khách có thể tìm hiểu các truyền thuyết về Cá Ông, về quận chúa Mỹ Thanh, thăm rừng phòng hộ, thăm giồng nhãn Vĩnh Châu, các ngôi chùa Khmer và những làn điệu dân ca, múa của dân tộc Kinh, Khmer, Hoa; tham quan điểm đón chiếc xà lúp chở 13 người tù chính trị Côn Đảo trở về đất liền ngày 23/9/1945, do Bác Tôn Đức Thắng cầm lái, đều thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải.
(Theo Dân trí)