Điểm đến lịch sử ở Tây Ninh (Nguồn: fb.Căn cứ trung ương cục miền Nam)
Tây Ninh không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh độc đáo và những món ăn đặc sản hấp dẫn mà còn nổi tiếng với những căn cứ lịch sử gắn liền với cuộc đấu tranh anh hùng của dân tộc. Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, Tây Ninh đã được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ngày nay, căn cứ này trở thành điểm đến du lịch thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc.
Vị trí và thông tin cần biết
- Địa chỉ: Tân Lập, Tân Biên, Tây Ninh
- Thời gian mở cửa: 7h00 – 18h00
- Giá vé: Miễn phí
- Cách di chuyển: Từ Tp. Tây Ninh, du khách di chuyển trên QL22B khoảng 40km sẽ đến ĐT792 và chạy dọc theo ĐT792 khoảng 12km sẽ gặp điểm đến.
Căn cứ lịch sử hào hùng (Nguồn: Internet)
Lịch sử căn cứ Trung Ương Cục miền Nam
Trung Ương Cục Miền Nam từng là cơ quan cao nhất, có nhiệm vụ chỉ đạo và lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam và đặt sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung trong các giai đoạn 1951 – 1954 và 1961 – 1975. Thời kháng Mỹ, nơi đây nhận chỉ thị của Trung ương Đảng và trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến dựa trên cơ sở chủ trương Trung ương Đảng. Hiện nay, căn cứ Trung Ương Cục miền Nam tại Tây Ninh vẫn còn những dấu tích, tài liệu liên quan đến thời chiến và đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Các di tích còn lại (Nguồn: Internet)
Khám phá căn cứ lịch sử
Khi đến đây, điểm dừng chân đầu tiên sẽ là nhà trưng bày. Ở đây, bạn sẽ được tham quan hơn 1.000 hình ảnh và hiện vật liên quan đến đời sống sinh hoạt và chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng. Một số di tích điển hình như căn nhà lá của cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, xe đạp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chiếc bàn làm việc của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, sa bàn về toàn bộ khu căn cứ…
Kế bên nhà trưng bày là khu nhà lá đơn sơ bên trong những lùm cây rậm rạp. Khu nhà này gồm nhà hội họp, nhà ở của cán bộ, chiến sĩ… Các căn nhà đều được dựng bằng tre, gỗ, lá trung quân, không có keo và đồn lót tay. Hiện nay, trong nhà vẫn còn giữ lại những vật dụng mà các chiến sĩ từng sử dụng và được bày trí đúng vị trí cũ như ghế, chõng tre, tủ, bàn, túi da, đèn, tài liệu… Để đảm bảo độ an toàn trong thời chiến, bên cạnh mỗi căn nhà là một hầm chữ A với hình dạng nửa chìm, nửa nổi và nối tiếp nhau hàng chuỗi cây số.
Đông đảo du khách ghé tham quan (Nguồn: Internet)
Văn hóa ẩm thực và hệ sinh thái rừng
Đến với căn cứ này, du khách còn có cơ hội tham quan hệ thống bếp Hoàng Cầm. Bếp được đào sâu, có hầm phụ chứa khói, các ống dẫn khói và nhiều rãnh nhỏ để thoát khói. Ngoài ra, du khách cũng được thưởng thức các món ăn dân dã như gà rừng xào lá giang, thịt heo kho măng, canh chua cá khô lá bứa…
Bếp Hoàng Cầm (Nguồn: Internet)
Bài viết: M. Nguyệt.
Nguồn: Campingviet.vn