Khăn rằn từ lâu là hình ảnh quen thuộc của người dân Nam Bộ. Tuy nhiên nguồn gốc của chiếc khăn giản dị ấy lại xuất phát từ người Khmer. Trong quá trình cộng cư cùng các dân tộc, nó đã trở thành hình ảnh thân thương, gần gũi của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đây, khi chưa có sự du nhập của văn hóa phương Tây, chiếc khăn rằn đóng vai trò quan trọng trong trang phục của người dân Nam Bộ. Khăn thường được quàng ở cổ, nếu đổ mồ hôi thì sẵn có lau ngay. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, ngày nay khăn rằn còn được coi là vật bất ly thân của dân du lịch bụi. Dễ dàng nhận ra trong những hình ảnh chia sẻ dân phượt chẳng mấy khi vắng bóng chiếc khăn rằn.
Khăn rằn được các bạn trẻ gọi vui là khăn phượt, chủ yếu là khăn rằn Nam Bộ và khăn rằn Campuchia (Krama). So với khăn rằn Campuchia, khăn rằn Nam Bộ có phần nhỏ hơn đôi chút và có màu sắc đa dạng hơn thay vì chỉ có hai màu đen – trắng hoặc nâu – trắng.
Có nhiều cách lý giải khác nhau cho việc khăn rằn gắn liền với dân phượt. Có người cho rằng, sau thành công của bộ phim Cánh đồng bất tận, chiếc khăn rằn trở thành phụ kiện thời trang yêu thích của giới trẻ Hà Thành, đặc biệt là dân du lịch bụi. Nó biểu trưng cho khung cảnh mênh mang sông nước miền Tây vốn đầy hấp dẫn với người dân miền Bắc. Do đó, quàng chiếc khăn rằn lên vai, các phượt thủ như tiếp thêm sức mạnh trên cung đường khám phá chông gai, vì bù lại là những khung trời mới lạ.
Nhưng cũng có ý kiến rằng, câu trả lời chỉ đơn giản nằm ở công dụng tuyệt vời của chiếc khăn giản dị. Cũng như người dân Nam Bộ, khăn rằn có thể dùng được cho cả nam và nữ, dùng quấn quanh trán để ngăn mồ hôi chảy xuống mặt vào những ngày nóng bức. Với các phượt thủ, chiếc khăn rằn còn làm được nhiều điều hơn thế.
Vào những ngày hè, khăn thay mũ đội đầu tránh nắng. Trên những cung đường mịt mù khói bụi, khăn làm khẩu trang giữ sức khỏe bạn đường. Nhờ đặc tính mềm, mỏng và khô nhanh, khăn còn được dùng làm khăn tắm, lau tay và mồ hôi tiện lợi. Khăn cũng có thể dùng buộc đồ trong lúc thiếu dây hay làm túi quai chéo bỏ vài thứ đồ nho nhỏ.
Vào những ngày lạnh hay đêm về trên núi cao, chiếc khăn rằn sẽ phát huy tác dụng khi quàng cho ấm cổ và ngăn những cơn ho rình rập. Thậm chí nếu rơi vào tình huống hiểm nguy, khăn có thể trở thành vũ khí tự vệ vô cùng hữu ích.
Với nhiều người, khăn rằn còn thể hiện tinh thần đoàn kết. Bởi vậy mà trên các cung đường Tây Bắc mùa này, ngoài màu áo đỏ sao vàng là hình ảnh khăn rằn phấp phới theo từng đoàn phượt. Khăn buộc đầu, quàng cổ, trang trí trên xe, cột ở balô, túi đeo, trên tay. Biến hóa hơn, có người dùng khăn rằn gói quà tặng bạn sau hành trình chinh phục một nơi nào đó. Chỉ với chiếc khăn hai màu đan chéo mà khiến những trái tim trẻ sát lại gần nhau, đôi khi lại thành vật chứng tình yêu của nhiều phượt thủ.
Kim Anh