Chúng ta thường biết đến khăn rằn Nam Bộ trong hình ảnh các bà má miền Tây hay các “o du kích” những năm kháng chiến. Không rõ khăn rằn ra đời từ khi nào, nhưng cùng với chiếc áo bà ba, nó được coi là một biểu tượng gắn liền với những người phụ nữ xứ sở miệt vườn.
Ngày nay, loại khăn này đã trở nên phổ biến hơn trong giới trẻ và đặc biệt, nó đã trở thành một phụ kiện không thể thiếu của các phượt thủ trong các chuyến du lịch bụi.
Khăn rằn Nam Bộ đã trở thành phụ kiện không thể thiếu của các phượt thủ
Khăn rằn Nam Bộ có xuất xứ từ cộng đồng người Khmer trong những ngày đầu cư trú tại Đồng bằng sông Cửu Long. Sau một thời gian dài người dân cùng chung sống và lao động sản xuất, chiếc khăn đã du nhập vào các nền văn hóa và trở thành trang phục đặc trưng của nhiều dân tộc khác sống tại khu vực này.
Khác với các loại khăn len, khăn choàng lông ấm áp của mùa đông, khăn rằn được sinh ra vốn là để giúp người nông dân chống chọi với cái nắng chói chang của miền Tây sông nước. Loại khăn này thường được làm từ chất liệu cotton thấm hút mồ hôi rất tốt.
Khăn rằn được đông đảo phượt thủ ưa chuộng bởi rất nhiều công dụng thiết thực, rất hợp để chọn làm thứ phụ kiện cùng họ “tác chiến” trên mọi cung đường. Với hành lý của dân phượt, tiêu chí gọn nhẹ, tiện lợi luôn được đặt lên hàng đầu. Khăn rằn được coi như một thứ vật dụng tích hợp cả khẩu trang, mũ, khăn mặt, khăn tắm và băng đô buộc đầu hay bảo hộ tay khi leo núi…
Hơn nữa, bởi khá hợp với quần áo rằn ri nên khăn rằn cũng được coi là một phụ kiện rất thời trang để tạo nên phong cách bụi bặm “chất lừ” cho các phượt thủ.
Khăn rằn Nam Bộ ngày nay có rất nhiều màu sắc, kích cỡ, họa tiết kẻ to nhỏ khác nhau
Khăn rằn làm băng – đô cực “chất”
Chị Nguyễn Hải Hà, (26 tuổi, nhân viên Bộ Tư pháp) – một phượt thủ quen của các cung đường Tây Bắc chia sẻ: “Tôi thích khăn rằn bởi nó rất tiện lợi, dễ thấm mồ hôi và nhanh khô. Trong những chuyến du lịch bụi bằng xe máy, khăn rằn có rất nhiều công dụng như quàng cổ, đủ rộng để trùm cả đầu và mặt tránh gió, tránh bụi, lau mồ hôi…”
Tuy rất nhiều loại khăn khác cũng có đủ các công dụng như thế, nhưng khăn rằn lại luôn “được lòng” dân phượt hơn cả. Giải thích về sự lựa chọn này, anh Mạnh Cường – một hướng dẫn viên du lịch lâu năm, cũng là một phượt thủ chuyên nghiệp – cắt nghĩa: “Điều quan trọng nhất là người ta thấy được ở khăn rằn sự giản dị, cái “chất” dã chiến và cứng cỏi, kiên cường của nó. Rồi lâu dần thành quen, không biết từ bao giờ, áo cờ và khăn rằn đã trở thành một cặp rong ruổi cùng chúng tôi trên khắp mọi nẻo đường rồi.”
Nhóm sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội với đồng phục và khăn rằn trong hành trình chinh phục đỉnh Fansipan
Phượt thủ trẻ Nguyễn Hải Hà chụp hình kỷ niệm cùng “người bạn đường” thân thiết trên đỉnh Fansipan
Từ một chiếc khăn kẻ ô hai màu đen trắng thường chỉ xuất hiện trên vai những người nông dân Nam Bộ, khăn rằn ngày nay đã được biến tấu với đủ loại màu sắc khác nhau và đủ kiểu quàng mới lạ. Nhiều tín đồ thời trang chưa từng biết đi phượt là gì cũng rất “kết” loại khăn này bởi sự hữu dụng và phong cách khỏe khoắn, năng động của nó.
Nếu muốn sắm cho mình những chiếc khăn rằn cá tính để diện trong những ngày đông, các bạn trẻ có thể dễ dàng tìm kiếm tại các shop online hoặc hỏi thăm bất cứ một cộng đồng phượt nào. Giá bán các loại khăn bình dân dao động từ 20 – 80 ngàn đồng/chiếc, tùy thuộc vào kích thước và chất liệu của khăn. Loại khăn “xịn” khổ to (200 x 70cm), chất dày dặn, không xù, khó phai màu có giá khoảng 100 – 150 ngàn đồng/chiếc. Khăn nhỏ (khổ 120 x 40cm) giá chỉ khoảng 20 – 30 ngàn đồng/chiếc.