Theo dữ liệu của ứng dụng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Klook, 60% du khách của khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có người Việt, tham gia khảo sát, muốn thư giãn trong không gian thoải mái và tận hưởng nghỉ dưỡng sang trọng hơn là đi phượt. Họ mong có những “kỳ nghỉ sống chậm”. Xu hướng du lịch hiện tại là chọn chuyến đi nhẹ nhàng thoải mái thay vì tiết kiệm ngân sách.
Khách Việt được khảo sát thích đi chơi “có hội có thuyền”, với 75% bày tỏ đi để kết nối bạn bè chứ không muốn độc hành. Chỉ 30% du khách châu Á Thái Bình Dương hứng thú với việc du lịch một mình và tự phát. Trái ngược với giai đoạn trước dịch, 79% người trẻ trong độ tuổi gen Y (sinh năm 1981 đến 1996) lựa chọn độc hành.
Khách Việt cũng có xu hướng đến những nơi nóng ấm, du lịch để tận hưởng văn hóa địa phương với đa số lựa chọn trải nghiệm văn hóa, thưởng thức cảnh quan, chỉ số ít chọn khám phá các di tích lịch sử. Họ hiện có xu hướng chọn những điểm gần gũi với thiên nhiên để thư giãn. Ngoài ra, số lượng đặt vé đi nước ngoài của người Việt trong tháng 5 đã tăng gấp 4 lần so với đầu năm, báo hiệu nhu cầu du lịch quốc tế tăng mạnh khi nhiều hạn chế đã được dỡ bỏ.
Bà Michelle Ho, Giám đốc điều hành khu vực Philippines, Thái Lan và Việt Nam của Klook, cho biết kết quả của khảo sát không làm bà ngạc nhiên. “Hai năm dịch bệnh là vòng xoáy của cảm xúc khiến mọi người định hướng lại nhu cầu, sở thích của mình”, bà nói. “Đã có rất nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta trong hai năm qua, vì thế người ta có nhiều xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi du lịch. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy khách du lịch ngày nay có nhiều ý định riêng và kỳ vọng xây dựng được một chuyến hành trình trải nghiệm dựa trên những gì quan trọng đối với họ”, bà Michelle nói thêm.
Khảo sát dựa trên số liệu từ 57.000 người dùng Klook khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Trung Nghĩa