Đam mê bất ngờ
Năm 2009, trong thời gian chờ nghỉ hưu, ông Bùi Duy Linh (hiện 72 tuổi, quận 7, TP.HCM) được người bạn rủ đi Lào Cai dự đám cưới. Trải qua thời thanh niên khó khăn, ít được khám phá cảnh đẹp quê hương nên khi được bạn mời, ông vui vẻ nhận lời.
Ông cùng bạn di chuyển bằng máy bay ra Hà Nội. Sau đó, cả hai đi xe gắn máy lên Tây Bắc dự đám cưới. Tại đây, ông được người dân địa phương giới thiệu nhiều thắng cảnh.
Bị cuốn hút, ông và người bạn dùng xe máy đi thăm thú, khám phá khắp nơi. Trong thời gian này, ông chinh phục đỉnh Fansipan, khám phá Lũng Cú mùa lúa chín vàng trong tiết trời mát mẻ.
Trước đây, ông Linh đi phượt bằng chiếc xe Wave hiệu Honda của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trở về TP.HCM, ông Linh không thể nào quên những chuyến đi xuyên rừng, chinh phục cung đường đèo uốn lượn bằng xe máy. Thế rồi ông có niềm yêu thích đặc biệt với việc đi phượt bằng xe gắn máy.
Hai năm sau, ông quyết định một mình thực hiện chuyến phượt xuyên Việt đầu tiên. Ông liên hệ, làm quen và được một phóng viên ở ngoài Bắc hướng dẫn, chỉ đường từ TP.HCM ra Bắc.
Tuy nhiên, do quá nóng lòng, chưa chuẩn bị kỹ đã lên đường, ông Linh đến Tây Nguyên đúng vào mùa mưa. Thời tiết khắc nghiệt cùng địa hình phức tạp khiến ông đổ bệnh. Ông buộc phải từ bỏ chuyến đi, quay về TP.HCM.
Tuy vậy, ông vẫn không từ bỏ ý định phượt xuyên Việt bằng xe máy. Năm 2015, ông lại lên đường. Trước khi đi, ông cài phần mềm Google Earth lên máy vi tính để tìm đường từ TP.HCM ra Tây Bắc.
Từ năm 2018, ông chuyển sang phượt bằng chiếc SYM Husky 125. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khi tìm được đường đi thích hợp, ông tự viết, vẽ vào sổ tay. Ông mất gần 4 tháng để tự vẽ bản đồ đường đi cho mình.
Ông kể: “Lúc đầu đi, chưa có kinh nghiệm nên tôi vừa đi vừa lấy sổ ghi bản đồ ra xem, rất cực và phiền phức. Sau này có kinh nghiệm, tôi đi 2 người. Người ngồi sau làm nhiệm vụ xem, đọc bản đồ cho người ngồi trước.
Cứ đến ngã ba là người ngồi đằng sau sẽ mở bản đồ ra xem, chỉ cho tôi phải rẽ vào đường nào, đến điểm nào thì có chỗ nghỉ ngơi…”.
Năm 2015, ông Linh thực hiện chuyến phượt xuyên Việt bằng xe máy lần thứ hai. Lần lượt sau đó là các chuyến đi vào những năm 2017, 2018, 2019 và 2021.
Mỗi chuyến, ông chọn những cung đường khác nhau như: Đường ven biển, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông… Trong các chuyến đi này, ông Linh đều xuất phát từ TP.HCM hướng ra các tỉnh phía Bắc.
Lần gần nhất ông phượt quãng đường dài là vào năm 2021. Năm đó, ông xuất phát từ TP.HCM ra Thanh Hóa. Từ đây, ông đi khám phá tất cả các địa danh xuất hiện trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng.
Kỷ niệm khó quên
Sau khi có kinh nghiệm phượt bằng xe gắn máy, ông Linh lập trang web để tập trung, kết nối những người cùng đam mê, bất kể tuổi tác. Trong nhóm, ông có nhiệm vụ lên cung đường, hướng dẫn cách đi an toàn và đưa cả đoàn đi theo kế hoạch định sẵn.
Với phương châm an toàn trước, vui chơi sau, trước khi thực hiện chuyến đi, ông Linh thông báo các quy định của nhóm, bắt buộc các thành viên phải tuân theo. Các quy định này được ông hình thành, đúc kết từ kinh nghiệm bản thân sau nhiều lần đi phượt.
Bằng cách này, ông đã cùng các thành viên có tuổi đời khác nhau chinh phục những chặng đường từ TP.HCM ra Bắc bằng xe gắn máy, mà không để xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Hơn thế, những chuyến đi luôn khiến ông và những người đồng hành vui thích, yêu đời.
Ông chia sẻ: “Đi phượt bằng xe máy giúp tôi thỏa đam mê trải nghiệm, khám phá những cung đường mới. Các chuyến đi không khiến tôi mệt mỏi mà giúp tôi vui khỏe, tinh thần thoải mái.
Bởi mỗi chuyến đi, tôi đều có những niềm vui, cảm xúc, kỷ niệm khác nhau. Nói chung, đó là những trải nghiệm khó quên và đáng quý trong cuộc đời”.
Sau thời gian đi phượt một mình, ông Linh lập nhóm, kết nối những người cùng đam mê và lên kế hoạch đi những chuyến phượt với cung đường dài. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Một trong những trải nghiệm khó quên đầu tiên của ông là chiếc xe máy bị cháy xupap giữa đường. Lần ấy, ông phải nhờ xe sau đẩy đi một đoạn đường dài mới có tiệm sửa chữa.
Một lần khác, ông và người cùng đi bị lạc trong rừng, không tìm được lối ra. Đó là lần ông khám phá cung đường Trường Sơn Đông vào năm 2017. Lần ấy, khi di chuyển đến khu vực Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk), ông và người đồng hành đi nhầm vào đường bỏ hoang.
Con đường bị cây rừng mọc bịt kín lối đi khiến cả hai bị lạc. Không thể di chuyển tiếp bằng xe, ông Linh và bạn buộc phải bỏ lại phương tiện di chuyển duy nhất để lội bộ tìm đường ra khỏi rừng.
Sau 2 giờ đồng hồ luồn rừng, bám từng gốc cây để vượt qua những đoạn đường dốc đứng, cả hai cũng tìm được nhà dân. Sau đó, ông Linh và người bạn được người dân bản địa hỗ trợ chỗ nghỉ ngơi, lấy lại xe.
Mỗi chuyến phượt qua cung đường mới đều để lại cho ông Linh và những người đồng hành nhiều kỷ niệm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau lần ấy, ông Linh vẫn không từ bỏ đam mê chinh phục những cung đường hiểm trở, có phần nguy hiểm. Ở tuổi 72, ông vẫn tự tin mình đủ sức khỏe để tiếp tục những chuyến phượt xuyên Việt bằng xe máy.
Ông tiết lộ tháng 9 này, ông sẽ cùng nhóm của mình thực hiện chuyến phượt xuyên Việt đi qua vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc trong hơn 30 ngày. Ông tâm sự: “Thời thanh niên, tôi chơi thể thao nhiều nên sức khỏe tốt.
Trước khi đi, tôi không cần phải chuẩn bị gì về mặt sức khỏe cả. Hành lý của tôi chỉ đơn giản là vài bộ quần áo, ít tiền mặt. Tôi đang lên kế hoạch, chuẩn bị cho chuyến phượt xuyên Việt với cung đường đi qua cả vùng Đông Bắc lẫn Tây Bắc vào mùa lúa chín”.
Hà Nguyễn