Ngân sách hạn hẹp nhưng thích đi du lịch, bất chấp suy thoái kinh tế, thế hệ Z vẫn ngày càng du lịch nhiều hơn hẳn các thế hệ trước. Nhiều bạn trẻ không đợi có công việc ổn định, lương cao hoặc có khoản tiết kiệm lớn mới đi du lịch. Thay vào đó, họ đang tìm cách đi chơi trong phạm vi phù hợp túi tiền của mình.
Người trẻ ngày nay có động cơ đi du lịch để khám phá, cải thiện sức khỏe tinh thần và trải nghiệm văn hóa nhiều hơn. Thế nên, thay vì lựa chọn các dịch vụ đắt đỏ, nhiều Gen Z hướng tới phong cách du lịch bụi, hay còn được biết đến với cái tên “phượt”.
Cá nhân tôi, một người trẻ cũng thuộc thế hệ Gen Z, thấy rằng, trước khi quyết định bắt đầu một chuyến đi tới một địa điểm nào đó, tôi thường bị ảnh hưởng khá nhiều từ mạng xã hội. Có thể chỉ là từ một bài review của ai đó mà tôi thấy tò mò và cũng muốn đua đòi khám phá.
Tôi còn nhớ những ngày đầu ở Hà Nội, mình cũng thực hiện một chuyến đi nhớ đời, đó là chạy xe máy đi phượt Mộc Châu. Lúc đó, do còn nhỏ tuổi, được bạn bè rủ đi chơi và cũng phấn khích vì được chở một bạn gái mình đã để ý từ lâu nên tôi nhanh chóng gật đầu tham gia chuyến đi mà chẳng cần chuẩn bị gì nhiều.
Nhưng trong quá trình di chuyển, trải qua nhiều sự cố bất ngờ, tôi bắt đầu chuyển dần từ trạng thái háo hức sang sợ hãi. Sau đó khoảng một năm, tôi hầu như không còn dám đi du lịch kiểu ngẫu hứng như thế nữa.
Đúng là các bạn trẻ bây giờ hoàn toàn không cần một lịch trình du lịch cụ thể nếu muốn được tự do khám phá và trải nghiệm các vùng đất mới. Các bạn có thể tự do thích đi đâu, làm gì, ăn gì tùy thích. Nhưng có một điều vô cùng quan trọng mà bất cứ ai cũng cần biết, đó là phân phối sức khỏe cho phù hợp, ăn, ngủ, nghỉ thoải mái thì mới có sức để đi chơi dài ngày. Chứ nếu cứ đi bạt mạng, ăn uống khổ sở, nghỉ ngơi thiếu thốn, hậu quả dể lại sẽ rất khôn lường.
>> Trải nghiệm nhớ đời khi đi phượt một mình
Sau chuyến đi lần đó và sau nhiều năm trải nghiệm, giờ tôi không còn muốn nghe đến cụm từ “đi phượt” (hay nhiều người hay gọi dưới cái tên sang hơn là “du lịch trải nghiệm, khám phá”) nữa. Tất nhiên, với những vùng đồi núi hiểm trở, khó đi lại, việc di chuyển bằng xe máy vẫn là một lựa chọn khả dĩ nhất, nhưng tuyệt đối không được đánh liều khi bản thân chưa thực sự sẵn sàng.
Tôi dần dần không bị tác động nhiều bởi mạng xã hội nữa. Tôi cũng không có thu nhập cao và ổn định nên vẫn ưu tiên tự do trong những lần trải nghiệm hơn. Nhưng tôi luôn tìm hiểu sơ bộ trước về địa hình và văn hóa từng nơi mình muốn đến để lên sẵn những phương án cụ thể trong từng tình huống phát sinh, không để bản thân rơi vào thế bị động.
Một lời khuyên của tôi dành cho những bạn trẻ muốn đi du lịch bụi, đó là trong mọi trường hợp, sức khỏe vẫn luôn phải là ưu tiên hàng đầu. Bạn phải khỏe thì mới có sức để di chuyển, khám phá và trải nghiệm nhiều hơn. Và tôi cũng luôn xác định rõ ràng rằng cái gì cũng đừng nên nhiều quá, cần phải cân bằng giữa giữa việc thích đi chơi và đảm bảo công việc.
Thay vì đánh liều với những chuyến đi kiểu “tay không bắt giặc”, tôi chọn cách đi làm và dành tiền để được đi chơi nhiều. Tới bây giờ, tôi cũng không hề hối hận về quyết định đó. Ai rồi cũng cần phải có công việc ổn định để lập gia đình, du lịch chỉ nên là một sở thích có giới hạn thay vì đeo đuổi nó đến mức đánh đổi hết những thứ khác trong cuộc sống.
Love
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Tăng giá vé máy bay – ‘tư duy làm du lịch chặt khúc’
- ‘Năm ngày giúp tôi hiểu vì sao du lịch Thái Lan chuyên nghiệp’
- ‘Du lịch Việt lép vế Thái Lan vì thiếu điểm nhấn’
- ‘Thu phí người kinh doanh thay vì du khách vào phố cổ Hội An’
- ‘Không thể bắt du khách mua vé để bảo tồn Hội An’
- ‘Thu phí vì Hội An là di sản, không phải phố ăn uống’