Trả lời VnExpress, du khách Thụy Điển Alva White cho biết bà và chồng vừa kết thúc chuyến đi Hà Giang theo tour của công ty S Vietnam tại Hàng Đào, Hà Nội. Trước đó, họ đặt một tour du lịch Hạ Long của công ty này và thấy chất lượng tốt nên quyết định đặt tiếp tour “Hà Giang loop” 4 ngày 3 đêm, khởi hành 18/11.
Theo thỏa thuận, tour sẽ có hướng dẫn viên biết tiếng Anh và vợ chồng White “ở phòng riêng”. Tuy nhiên, nữ du khách nói công ty đã “không cung cấp đúng dịch vụ” khi hướng dẫn viên hầu như không hiểu tiếng Anh và họ phải ở phòng dorm (phòng tập thể). Ngoài ra, họ cũng được ghép chung với nhóm đi 3 ngày 2 đêm và White cho rằng đây là cách sắp xếp không hợp lý.
“Hướng dẫn viên không nói được tiếng Anh nên chúng tôi gần như mù tịt về thông tin suốt chuyến đi. Thậm chí, hướng dẫn viên còn không chỉ chúng tôi cách để tự lái xe máy an toàn”, White nói.
Khi đoàn bắt đầu di chuyển, White và chồng không theo kịp những người còn lại. Họ bị cảnh sát giao thông phạt vì một số lỗi. Theo White, rủi ro khi tham gia giao thông là điều cô và chồng đã lường trước nhưng các tour uy tín sẽ chỉ cách cho khách tránh vi phạm luật. Nữ du khách Thụy Điển nhận xét cách tổ chức tour của công ty “rất lộn xộn”.
Không hài lòng với dịch vụ tour, cặp đôi quyết định tự hủy lịch trình và yêu cầu về Hà Nội cùng nhóm 3 ngày 2 đêm. Sáng 20/11, White tới công ty và yêu cầu được nhận lại 4 triệu đồng vì dịch vụ kém. Sau khi đôi bên thỏa thuận, số tiền họ nhận lại là 1,5 triệu đồng.
“Con số này chưa làm hài lòng tôi nhưng còn hơn không có gì. Chúng tôi là những du khách trung tuổi, không dễ dàng bỏ qua cho họ như những khách trẻ”, White nói. Dù hai bên thỏa thuận không chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội, cặp đôi khách nước ngoài vẫn quyết định đăng lên một hội nhóm dành cho khách nước ngoài ở Việt Nam.
Bà Nguyễn Minh Tân, giám đốc công ty, cho biết “rất tức giận” với cách hành xử của cặp đôi khi tự ý phá vỡ thỏa thuận ban đầu. Theo bà Tân, công ty chấp nhận bồi thường không có nghĩa “thừa nhận cung cấp dịch vụ kém chất lượng”.
Về vấn đề phòng dorm, bà Tân giải thích nhóm đi Hà Giang này được sắp xếp ngủ nhà sàn và nhà sàn đã được chia thành các không gian riêng, có rèm che và đây là “đặc trưng của các phòng nghỉ nhà sàn ở Hà Giang”. Tại văn phòng công ty, đơn vị này có cung cấp hình ảnh nhà sàn trong phần giới thiệu tour cho khách.
Về hướng dẫn viên, bà Tân cho biết đây là thực trạng chung của các hướng dẫn viên bản địa tại Hà Giang. Họ chỉ có thể nói tiếng Anh ở mức “rất cơ bản”, không thể giới thiệu chuyên sâu về từng điểm đến như hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, bà khẳng định họ nắm chắc địa hình Hà Giang nên “hoàn toàn có thể đảm bảo an toàn cho du khách”. “Mọi chuyện là sự hiểu nhầm không đáng có”, bà Tân nói.
“Hà Giang loop” được gọi là “cung đường vàng”, đang ngày càng nổi tiếng với du khách nước ngoài. Cung đường dài khoảng 350 km, bắt đầu từ Quản Bạ, qua Yên Minh, lên Đồng Văn, tới Mèo Vạc rồi trở lại điểm xuất phát, băng qua đèo cao, vực sâu, đòi hỏi tay lái cứng để đối mặt với những khúc cua tựa vòng lặp vô tận.
Hướng dẫn viên không biết tiếng Anh là vấn đề lớn đang được chính quyền Hà Giang quan tâm, đặc biệt khi ngày càng có nhiều khách Tây balo đến đây du lịch. Thông thường, với một đoàn 12 người, kèm 12 lái xe, chỉ có một người biết tiếng Anh ở mức cơ bản.
Anh Minh Hoàng, làm du lịch ở Hà Giang hơn 10 năm, nhận xét “cung đường vàng” này có nhiều tiềm năng nhưng chưa thực sự phát triển.
Tú Nguyễn