Đầu xuân, tình cờ giở cuốn nhật ký hành trình của Nguyễn Phương Thảo – một cô gái giữa 8x, sinh ra với lớn lên ở Hà Nội, đã tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Công nghiệp – để rồi bắt gặp rất nhiều địa danh, sự kiện cùng những cảm xúc và rất nhiều kinh nghiệm của cô khi kể về những chuyến đi trong mùa xuân.
Cuối tháng Chạp năm 2007, Phương Thảo thực hiện chuyến xa nhà đầu tiên trong dịp Tết khi cùng mẹ nhảy ô tô, xuất phát từ Hà Nội, vào cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) qua Lào rồi sang Thái Lan.
Ban đầu, mục đích của chuyến đi chỉ là thăm hỏi họ hàng. Nhưng do trục trặc lịch trình trung chuyển, khi thời khắc giao thừa của Tết Việt Nam gần điểm, Phương Thảo và mẹ chọn ngụ lại trong một nhà nghỉ nhỏ, nằm nép mình giữa một thành phố xinh xắn trên đất Thái…
Kể từ đó, Tết nào Phương Thảo cũng có những chuyến đi. Nhật ký hành trình của người lữ hành trẻ này ngày một dày lên. Chuyến ngắn nhất 5 ngày, dài nhất 10 ngày. Đó là những đêm đón giao thừa và năm mới tưng bừng tại một quảng trường trên đất nước chùa tháp Campuchia; là chiều những ngày cuối năm trôi đi trên sông Hằng ở thành phố thiêng Varanasi, vịnh Bengan vùng Cancutta, Bắc Ấn; là ngày có tiết trời mưa giá rét cưỡi lừa lên đỉnh núi cao 4.000km Đức Khâm vùng Vân Nam, Trung Quốc; là đêm tĩnh lặng ngồi tàu xuyên qua những cánh rừng sinh thái hoang sơ vùng Sri Lanca…
Sau mỗi chuyến đi về, Phương Thảo thường lao vào kiếm tiền và dành dụm. Khi có khoảng trên dưới chục triệu đồng cùng với những cơ hội đến, với những lý do hợp lý để thuyết phục, có được sự tin tưởng, tạo điều kiện của gia đình… cô lại vác balô ra đi..
Dạo mới thực hiện các chuyến đi, người lữ hành này gặp khó khăn khi chuẩn bị đồ đạc, tìm hiểu thông tin về nơi đến, gặp vấn đề về sức khoẻ… Về sau, quen dần, mọi thứ trở nên chuyên nghiệp, thuận lợi hơn. Cô thường lên mạng tìm thông tin shop đồ chuyên dụng, vé máy bay giá rẻ, những trang web chuyên dành cho dân du lịch bụi trên thế giới…
Trước mỗi hành trình, Thảo tập trung vào việc thiết kế plan (kế hoạch). Đây là việc quan trọng nhất. Có plan chính và plan “nháp” để dự trù phương án thay thế. Ở đó phải có chi tiết về đất nước tham quan (từng thành phố, khách sạn, phương tiện đi lại, từng địa danh, di tích…), thời gian đi, sử dụng từng dịch vụ, số tiền tiêu trong từng ngày…
Cô gái trẻ ấy lựa chọn dịch chuyển trong dịp Tết không phải là bởi cô không coi trọng sự sum họp, quần tụ gia đình, không thích ở nhà ăn Tết cổ truyền Việt Nam… “Mình đã đón Tết ở nhà từ bé đến lớn. Mình vẫn thích không khí Tết trong gia đình.
Tuy nhiên, đây cũng là dịp nghỉ dài ngày và nếu may mắn rủ được “cạ”, đặt được vé máy bay giá rẻ thì đi có rất nhiều thú vị. Đi để được nhìn, được nghe những điều mới mẻ như một cách đánh dấu những bước ngoặt ý nghĩa trong thời khắc bước sang năm mới”…
Và kết quả, trong mỗi hành trình mùa xuân, cô đã trải qua những ngày tự lo lắng cho bản thân, học cách tôn trọng, hoà mình cùng với những người trong nhóm, học được cách trò chuyện với người xa lạ một cách cởi mở hơn… Đặc biệt, mỗi lần đặt chân đến một địa danh mới là lần cô được tiếp xúc với một vốn kiến thức mới với nhiều khác biệt.
Không sử dụng tư duy của những người thích “phượt” để “tráng men”, để lướt lướt qua qua về những vùng đất mà mình đến, cô luôn biết cách tận dụng những cơ hội để tìm tòi, quan sát rồi cảm cảm nhận, thâu tóm trong khuôn hình của máy ảnh, nạp vào kho tri thức của mình những gì thuộc đời sống, người dân, phong cảnh, văn hoá đặc trưng…
Ví như ở Thái, cô có được dấu ấn về niềm tin, sự thân thiện, chân thành; ở Lào là những gì kỳ quan và sự chất phác; ở Ấn Độ là những gì thuộc về quốc đạo, là chính trị sôi động, là tất thảy những ngạc nhiên, huyền bí; ở Sri Lanca là những con người cực kỳ dễ thương, nồng hậu và thiên nhiên thì bao la, phóng khoáng… Nhờ những dịch chuyển mà cô lớn lên, trưởng thành và vô cùng tự tin, “giàu có”.
Theo Sức khỏe/ Dân Việt