Tại Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 40 vừa được tổ chức hôm 6/12 vừa qua, ông Trần Lê Hùng – lão đại trong làng phượt thủ Việt Nam, đã được xướng tên ở giải thưởng “Hoa tre Việt Nam”. Đây là hạng mục dành cho những kỷ lục có giá trị nội dung đặc biệt, những cống hiến xuất sắc thông qua những công trình mang ý nghĩa to lớn cho xã hội và cộng đồng.
Nam biker 67 tuổi được xác lập là “người Việt Nam đầu tiên đi xe máy bằng đường bộ liên tục trong 6 tháng qua 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới”.
“Bản thân tôi trong 6 tháng xuyên châu Á sang châu Âu rồi quay về Việt Nam, đỗ xe trước cửa nhà, cũng không bao giờ dám mơ về danh hiệu này”, ông nói, rồi gửi lời cảm ơn cuộc sống và những tình cảm thân thương từ gia đình, bạn bè.
39 quốc gia, 40 vùng lãnh thổ, 6 tháng và một xác lập kỷ lục xứng đáng
Ông Trần Lê Hùng trân trọng tất cả, bởi bản thân đã già, và chưa từng mơ về những kỷ lục, mà chính nó lại đến với ông. Sau khi hành trình xuyên lục địa của ông được truyền thông và báo chí quan tâm, Ban tổ chức của Kỷ lục Việt Nam đã liên hệ, ông chứng minh bằng những trang hộ chiếu đóng dấu chằng chịt, toạ độ ảnh, giấy xuất nhập cảnh.
“Tôi đã đặt chân đến những vùng đất này, và họ đã xét duyệt, đánh giá, so sánh dữ liệu nhiều năm trước, rồi xác lập kỷ lục cho tôi”, ông nói.
Cho đến bây giờ, chưa một phượt thủ xuyên lục địa nào đủ sức vượt qua cái tên Trần Lê Hùng. Còn nhớ cách đây 1 năm, chúng tôi có dịp lắng nghe câu chuyện phi thường của ông, vốn là một kĩ sư chế tạo về hưu, đã rong ruổi trên chiếc xe phân khối lớn, đi qua hơn 30 quốc gia và 40 vùng lãnh thổ.
Thời trẻ, ông Hùng là thanh niên có “máu phượt”, gắn bó với con xe “67” (Honda 67) từ những năm 1976. Ông từng “nếm trải” mọi cung đường ở Việt Nam, từ cực Bắc vào tận cực Nam, cũng chính trên con xe cũ mèm đã chở 4 thế hệ gia đình nhà họ Trần.
Vợ ông – cũng là một tay đi xe Honda 67, đã cùng ông chinh phục nhiều cung đường từ khi còn yêu nhau. 2 vợ chồng lần lượt đặt chân đến những “mảnh đất hứa” của những tay ưa phượt, như Hà Giang, Bắc Kạn, Lũng Cú, thác Bản Giốc,… Ngày đi tối ngủ, mỗi người một cái sẹo to tướng ở đầu gối trong lần không may “xoè” trên con đường dẫn tới cột cờ Lũng Cú. Cho dù máu chảy, nhưng 2 người vẫn tiếp tục đi, rồi cùng nhau trở về căn nhà nhỏ ở Hà Nội.
Không lâu sau, ông Hùng “một mình một ngựa” lên đường vào miền Nam, hết 17 ngày. Là một kĩ sư, hoạ sĩ, nhà điêu khắc, được ngắm nhìn trời mây non nước, ông hiểu rằng, Việt Nam mình tuyệt đẹp, đẹp hơn hẳn với những lần di chuyển bằng xe khách hay tàu hoả. Ông đi dọc đường bờ biển, nhâm nhi những tách trà, thử ăn đồ hải sản, gặp biển chỗ nào, ông xuống bơi chỗ đó.
Trong một lần nhìn ngắm những bức ảnh của Trần Đặng Đăng Khoa – chàng “phượt thủ” với giấc mơ đi vòng quanh thế giới, người hoạ sĩ già thầm ước rằng, “Một ngày nào đó, chiếc 67 của mình được đỗ tại những địa điểm này, thì sướng biết bao nhiêu!”.
Ông tìm đến một đơn vị chuyên dẫn tour đi nước ngoài. Khi nghe họ bảo sẽ đi qua nước Nga, ông cảm thấy hào hứng ngay lập tức. Nước Nga là tuổi trẻ của ông, là quê hương thứ 2 với bao mộng mơ hoài bão, là tâm hồn của tất cả những người từng đặt chân đến đất nước này. Nỗi nhớ nhung nước Nga trỗi dậy mạnh mẽ, đến nỗi ông gật đầu đồng ý không chút đắn đo cho tour nước ngoài này.
Để chuẩn bị cho hành trình xuyên châu Á và châu Âu, ông Hùng mua một con xe phân khối mới – Honda CB500X có trọng lượng hơn 200kg. Đây là loại xe không dành cho những ai chỉ cao mét 6, nặng 50kg như ông. Bằng mọi cách, ông “độ” lại con xe, hạ độ cao, thay ghi-đông,… rồi mang sang trung tâm dạy lái xe tập luyện mỗi ngày. “Bất kể con xe máy nào nếu đã nổ được và đi được, đều sẽ đưa mình đến đích. Con ngựa là để mình cưỡi, chứ không phải để thiên hạ ngắm”, ông nghĩ thầm.
Ngày 2/7/2019, ông Hùng giao lại công việc cho người thân, bắt đầu hành trình cùng những người bạn. Không liên hoan, không tiệc chia tay, không cần con cái đưa tiễn, ông chỉ bảo với vợ: “Anh lên đường!” rồi thôi. Tour không hẹn ngày về, ông chấp nhận với tâm thế thoải mái nhất!
6 tháng ngồi trên xe máy, tấm lưng người lữ khách chưa một ngày nào oải. Hộ chiếu đóng kín mặt. Mỗi đất nước – mỗi ấn tượng riêng, là phong cảnh, là con người, cũng có khi là khí hậu. Chuyến hành hương về trường cũ ở Gruzia khắc sâu trong tâm niệm.
44 năm trôi qua kể từ khi là chàng sinh viên 20 tuổi, con đường xưa vẫn thế, cơ sở hạ tầng không thay đổi, chỉ có cây tùng bách năm nào mới chỉ cao quá đầu người, mà nay ngất ngưởng gấp 3 lần. May sao, nếp nhà vẫn còn đó. Trường này có đẹp gì đâu, với người ta là bình thường, nhưng với ông Hùng lại thân thương đến lạ.
Chiều 19/12/2019, ông Hùng đỗ con xe phân khối lớn trước cửa nhà, tự nhủ, “Thôi, thế là về nhà an toàn rồi”. Bỏ lại đằng sau 45.000km, 2.000 lít xăng, 2 lần thay xích, 3 lần thay lốp, số lần ngã xe đếm không xuể. Bao nhiêu lớp đất đá, vết xước dài vẫn còn nguyên vẹn trên xe máy mà ông không nỡ rửa trôi hay sửa chữa.
“Tôi là một lão nghệ sĩ dở hơi mà, đi bằng cảm hứng. Cứ lì lợm và có ước mơ, tôi sẽ làm được!”
Ông Hùng từng nói với chúng tôi rằng chưa có dự định gì tiếp theo sau hành trình hơn 45.000km xuyên Á-Âu. Nhưng vừa rồi, ông đã kết thúc 20 ngày xuyên Việt cùng vợ, vẫn là trên con xe phân khối lớn. Đó là ước mơ, mà 2 vợ chồng cùng “đánh liều” một phen. Ông Hùng có phần tin tưởng bản thân, vì đã từng chinh chiến thế giới trên con xe phân khối lớn. Rồi ông bà dắt tay nhau lên đường.
“Chắc chưa có cặp vợ chồng già nào đi xe phân khối lớn thực hiện hành trình xuyên Việt”, ông cười.
Ông nói đó là một chuyến đi đầy cảm xúc. “Phong cảnh đất nước mình đẹp quá, tôi cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt vời của Việt Nam”, ông tấm tắc.
Cặp vợ chồng già không áp lực, lên đường cùng bản lĩnh và đam mê. Không lo nghĩ hôm nay, ngày mai phải đến đâu, cứ đi thôi! Ông Hùng không chọn đi theo lộ trình quốc lộ 1A, vì cách đây 6 năm, ông đã một mình đi xe máy chinh phục mũi Cà Mau. Lão đại muốn có sự khác biệt, nên đã chọn đường biên giới sát biển, sát Campuchia. “Cứ đường viền bản đồ mà đi, tôi thích lắm!”.
Chuyến đi không thiếu gian truân, bởi chiếc xe phân khối lớn làm vợ chồng ông ngã đôi ba lần trên những đoạn đường khó nhằn. “May không gãy chân tay gì”, ông đùa. Trên quốc lộ 14C mà nhiều “dân chơi hệ phượt” còn dè chừng, tới một đoạn dốc cao, chiếc xe nặng hơn 200kg bất ngờ “bốc đầu”, đổ vật xuống đường, đè lên người 2 ông bà.
“Chân em bị kẹt rồi”, nghe vợ nói, ông Hùng co một chân lên, đạp mạnh vào yên xe, giúp bà rút được chân ra nhưng không đứng lên ngay được. “Chúng tôi dùng hết sức mà sau ba lần mới dựng được xe lên… Cạn sức, chúng tôi phải chờ có người đi qua để nhờ trợ giúp cho xe lên đỉnh dốc”.
Đi đến đâu, ông Hùng cũng nhận được sự đón tiếp nồng hậu của các biker. Họ khâm phục một tinh thần biker không tuổi, đã mong ước là sẽ lên đường và không bỏ cuộc. Ông Hùng cũng tự nhận mình là một biker không tuổi, cứ ngồi lên xe lại trẻ trung và sung sức. Ông không dám “đua” với các biker khác, mà luôn đặt tính “cẩn thận” lên đầu.
“Lúc nào tôi cũng ấp ủ những chuyến đi, nhưng không dám nói trước, vì tuổi đã gần 70. Có sức khỏe, có cảm hứng, tôi sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Nếu có sức khỏe mà không có cảm hứng thì cũng không điều gì lay động được tôi. Tôi là một lão nghệ sĩ dở hơi mà, đi bằng cảm hứng. Cứ lì lợm và có ước mơ, tôi sẽ làm được!”.