Những con số ấn tượng
Cô Tuyết Nga (60 tuổi, giáo viên về hưu) vừa cùng hội chị em Mỵ Dung (58 tuổi, giáo viên về hưu), Quỳnh Loan và Cầm Giang (cùng 51 tuổi) hoàn thành chuyến xuyên Việt 35 ngày với những con số ấn tượng và kỷ niệm không thể nào quên.
Bốn người phụ nữ từng là cô giáo – học trò, bạn đồng niên, bạn cùng trường tại THPT Chu Văn An (Hà Nội) với đam mê du lịch, đã cùng nhau tạo nên một hành trình đáng nể.
Theo lời cô Nga, chuyến đi xuyên Việt vốn được ba người em ấp ủ từ 2020 và dự định đi vào năm 2021, “nhân kỷ niệm tuổi 50 của Giang và Loan”. Nhóm 8 người (không gồm cô Nga), dự định khởi hành trên 2 xe ô tô.
Song, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều khách sạn, khu du lịch… chưa mở cửa đón khách trở lại. Họ lùi lịch sang năm sau, từ nhóm 8 người, rút xuống còn 3 gồm cô Dung, Loan và Giang.
“Tôi và Dung từng cùng nhau đi du lịch nhiều nơi, nên khi em ấy rủ đi xuyên Việt, tôi đồng ý ngay”, cô Nga nhớ lại.
Đầu năm 2022, dịch Covid-19 tạm lắng, nhóm 4 người khởi động lại hành trình xuyên Việt, dự kiến lên đường ngày 17/4. Tuy nhiên, do nhiều lần vướng bận chuyện gia đình, lịch trình bị hoãn và lùi một tháng.
Đến 8/5, khi cô Nga và Dung vừa trở về từ chuyến du lịch Ấn Độ, nhóm quyết định khởi hành ngay hôm sau.
Lịch trình được cô Loan sắp xếp cụ thể, chi tiết và cẩn thận cho từng ngày, như đến điểm nào, dừng chân ở đâu, ăn uống và nghỉ ngơi thế nào. Kế hoạch không cố định, mà sẽ rất linh hoạt, tùy cơ ứng biến nếu có vấn đề phát sinh, nhất là khi ngày đầu tiên nhóm xuất phát muộn hơn dự kiến, khiến chuyến đi bị “lố” thêm một ngày.
Trước khi lên đường, họ bảo dưỡng xe ô tô 7 chỗ, mua thêm một số vật dụng gọn nhẹ đề phòng đến những vùng hẻo lánh, xa xôi.
“Người thân trong gia đình đều tin tưởng, ủng hộ và động viên 4 chị em thực hiện chuyến đi”, cô Nga nói. Với nữ giáo viên về hưu, đây không chỉ là giấc mơ từ lâu, còn là cơ hội khám phá bản thân không thể bỏ lỡ.
Sáng 9/5, nhóm xuất phát từ Hà Nội theo đường Hồ Chí Minh, đi dọc dãy Trường Sơn lên Tây Nguyên, qua miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ. Họ về Hà Tiên, Đất Mũi Cà Mau, qua Rạch Giá, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Sài Gòn, ra Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu) rồi theo đường ven biển và Quốc lộ 1A trở lại Hà Nội.
Nhóm kết thúc “chuyến đi của cuộc đời” tại một quán phở trên đường Võ Chí Công (Hà Nội) tối 12/6.
Những con số ấn tượng được “hội chị em U60” liệt kê sau hành trình: 6.750km thực tế chạy xe trong 35 ngày, duy nhất một tay lái nữ là cô Loan.
Mỗi sáng thức dậy, 4 thành viên đều tràn đầy năng lượng cho một ngày mới. Đến mỗi một địa danh lịch sử hay thắng cảnh thiên nhiên, họ hào hứng tìm hiểu, khám phá, ghi lại những khung hình và khoảnh khắc đẹp.
Đặc biệt, tại các khu nghĩa trang, di tích, nhóm không quên thắp hương để bày tỏ lòng biết ơn các anh hùng, liệt sỹ.
“May mắn chúng tôi không gặp khó khăn trên hành trình này: Không lạc đường, không quên đồ, không bị ốm”, cô Nga kể.
“Thước phim” đầy kỷ niệm và ý nghĩa
Trong suốt chuyến đi, mỗi thành viên trong nhóm được phân công nhiệm vụ rõ ràng.
Cô Loan – tay lái cừ khôi đã một mình lái cả chặng đường 6.750km suốt 35 ngày. Dù 3 thành viên có thể cầm vô lăng, dự định thay nhau lái, nhưng nhóm nhận thấy cô Loan điều khiển sẽ đảm bảo tiến độ hành trình, nhờ kỹ năng tìm đường nhanh và xử lý tình huống tốt.
Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, nữ tài xế đều tra cứu bản đồ để xác định lộ trình, số km dự kiến và cung đường của hôm sau. Trên thực tế, có những đoạn đường không đúng như bản đồ miêu tả, cả đội dừng xe, xác định phương hướng hoặc nếu gặp dân địa phương, thì nhờ họ chỉ đường giúp.
“Mưa rừng Trường Sơn xối xả, dữ dội, đường đèo quanh co hiểm trở và vô cùng vắng vẻ. Có đoạn, suốt dọc gần 100km leo đèo, xuyên rừng, chúng tôi chỉ gặp 4 xe cùng chiều, 5 xe ngược chiều. Nhưng Loan vẫn lái xe rất siêu”, cô Nga tấm tắc.
Cô Giang chịu trách nhiệm hậu cần, đồng thời là nhiếp ảnh gia, chụp cho các thành viên những bức ảnh rất đẹp.
Cô Dung là “giám đốc hình ảnh và truyền thông”, chụp ảnh mọi lúc mọi nơi, cả những tấm hình có tính phóng sự để ghi nhớ những địa danh nhóm đã đi qua.
Còn “chị cả” Tuyết Nga, là điểm tựa tinh thần, khích lệ cả nhóm hoàn thành giấc mơ.
“Một chuyến đi rất ấn tượng, vừa trải nghiệm cuộc sống thực tế, vừa khám phá vẻ đẹp đất nước, khám phá những món ăn truyền thống vùng miền. Tất cả được lưu giữ trong một ‘thước phim’ đầy kỷ niệm và ý nghĩa”, cô Nga sẽ chẳng thể quên bữa tiệc sinh nhật tuổi 60 của mình giữa rừng Tây Nguyên đại ngàn.
Dù một vài địa điểm đã đến 2, 3 lần nhưng cô Nga vẫn luôn ấn tượng vẻ đẹp thiên nhiên và cố gắng tìm tòi những điều mới mẻ. Với cô, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm khác nhau, thích nhất là 4 địa danh: Tây Nguyên, Mũi Đôi (Khánh Hòa), Đá Mũi Rồng (Bình Định) và Thạch Ky Điếu Tẩu (Quảng Ngãi).
Trong đó, chinh phục Mũi Đôi – điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam, là kỷ niệm đáng nhớ nhất với cả nhóm.
Nếu những người trẻ thường chọn trekking (đi bộ đường dài) 12km, thì hội chị em U60 chọn phương án an toàn hơn, để đảm bảo sức khỏe và thời gian.
Họ chọn đường biển, rồi đi bộ 2,5km trên hoang mạc cát lún, đi thuyền, đu dây dưới những mỏm đá và khe đá. Những lúc có thành viên muốn bỏ cuộc, các chị em lại động viên và khích lệ lẫn nhau.
Tới được Mũi Đôi, cả nhóm vỡ òa tự hào, cùng chụp ảnh với áo dài, áo cờ đỏ sao vàng, để lưu giữ khoảnh khắc vượt qua muôn trùng khó khăn.
Từng du lịch trong và ngoài nước nhiều lần, nhưng với bà giáo về hưu, chuyến đi xuyên Việt lần này lâu nhất và ấn tượng nhất, giúp cô thỏa mãn mong ước ngắm nhìn Việt Nam xinh đẹp theo cách rất riêng.
“Điều quan trọng nhất chúng tôi nhận được sau hành trình, chính là tình cảm chị em sâu sắc”, cô Nga tâm sự.
Sắp tới, nhóm dự định dành 3 tuần tiếp tục khám phá các tỉnh miền núi phía Bắc.
Bộ ảnh hội chị em U60 xuyên Việt 35 ngày sau đó được lan tỏa khắp các trang mạng xã hội khiến cả nhóm bất ngờ và hào hứng. Họ hi vọng, thông qua chuyến đi này, có thể truyền cảm hứng tới cộng đồng về tinh thần “chinh phục những giấc mơ”.