Chính vì những lợi ích tuyệt vời đó, gần đây, hoạt động dã ngoại dành cho trẻ em được quan tâm và đẩy mạnh. Cuối năm học, các trường học thường tổ chức cho học sinh đi thực tế, các gia đình cũng tích cực cho con đi du lịch dịp cuối tuần. Cụ thể thì những chuyến dã ngoại đã mang lại lợi ích gì cho trẻ?
Khám phá thiên nhiên
Với hầu hết trẻ em, thiên nhiên luôn là niềm yêu thích bất tận. Dã ngoại là cơ hội để trẻ được hòa mình vào thiên nhiên và khám phá thế giới xung quanh. Ðược tiếp xúc với cây cối, hoa cỏ, sông suối, những con vật dễ thương… là trải nghiệm tuyệt vời trong những năm tháng ấu thơ của một đứa trẻ.
Trải nghiệm thực tế
Thông qua các buổi dã ngoại, trẻ được trải nghiệm trực tiếp những điều chúng từng nghe, nhìn và học trong sách vở. Bởi khi tham gia dã ngoại, sẽ có rất nhiều hoạt động “nhập vai” để trẻ được thể hiện. Ví dụ, trẻ sẽ được tự tay trồng và chăm sóc cây cối, cho vật nuôi ăn như một bác nông dân thực thụ. Trẻ được tham gia nặn những món đồ gốm xinh xinh, hiểu hơn về quy trình sản xuất chén, bát, lọ hoa… Từ đó, trẻ hiểu được những vất vả và khó khăn của người lao động, biết trân quý sức lao động hơn.
Nâng cao sức khỏe về thể chất và tinh thần
Dã ngoại tách trẻ khỏi các thiết bị điện tử để hòa mình vào thiên nhiên. Một chuỗi các hoạt động sôi động và thú vị khi đi dã ngoại như: chèo thuyền, bơi, nặn đất, thi kéo co, thi hát, chơi trốn tìm, tham quan… sẽ giúp trẻ rèn luyện về cả thể lực cũng như trí tuệ, đồng thời giúp trẻ tăng cường khả năng miễn dịch, cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai.
Những chuyến dã ngoại cũng có tác dụng rất lớn trong việc giảm căng thẳng, mệt mỏi cho trẻ em. Vui chơi hết mình cùng bạn bè giúp trẻ xả stress, tạm quên đi các áp lực về học tập và điểm số. Sau mỗi chuyến đi, trẻ sẽ cảm thấy yêu đời hơn, tràn đầy năng lượng để bắt tay vào việc học hay tham gia các hoạt động.
Hơn nữa, không gian thiên nhiên thoáng đãng với nhiều cây xanh cũng rất tốt cho sức khỏe tinh thần của trẻ.
Thực hành những kỹ năng sống quan trọng
Những chuyến đi dã ngoại tập thể cùng bạn bè giúp trẻ có thêm cơ hội để thực hành những kỹ năng sống quan trọng như: giao tiếp và làm việc nhóm, thậm chí trong một số trò chơi, một số trẻ sẽ được thử sức với vai trò là những nhà lãnh đạo trẻ. Trẻ sẽ cùng nhau thảo luận, hợp tác để vượt qua những thử thách của ban tổ chức và chiến thắng các đội, nhóm khác. Trẻ cũng tự mình học hỏi được nhiều điều thú vị thông qua quan sát, lắng nghe và hành động. Từ đó, trẻ sẽ cảm thấy tự tin và mạnh mẽ hơn.
Mặt khác, dã ngoại cũng khiến trẻ tự lập hơn rất nhiều, vì khi tham gia dã ngoại cùng trường lớp, trẻ sẽ phải tuân thủ theo giờ giấc và hoạt động chung của đoàn. Trẻ sẽ tự ăn, ngủ, nghỉ, sinh hoạt sao cho hợp lý. Có trẻ biết mình bị say xe, đã chủ động uống thuốc say xe và tự tìm hiểu để biết rằng người say xe không nên uống sữa hay trà sữa trước khi lên ô tô. Có trẻ hay bị chảy máu cam, được cha mẹ nhắc nhở, trẻ sẽ mang theo bên mình ít giấy ăn để đề phòng trong trường hợp đang vui đùa cùng các bạn thì bị chảy máu. Ðó chỉ là những sự chuẩn bị nho nhỏ của trẻ để tự mình vượt qua những khó khăn của bản thân, hòa nhập với mọi người.
Có thể nói, dã ngoại chính là bài học thiết thực giúp trẻ biết cách chủ động sắp xếp công việc, phát triển tư duy, rèn luyện các kỹ năng sống và biết ứng phó trước mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Một số cha mẹ cảm thấy không yên tâm khi cho con tham gia dã ngoại cùng trường/ lớp. Tuy nhiên, thực tế là trẻ trưởng thành lên rất nhiều sau mỗi chuyến dã ngoại cùng bạn bè. Và cho dù không có cha mẹ ở bên, thì các thầy cô và hướng dẫn viên du lịch sẽ luôn theo sát trẻ. Mỗi năm, trẻ nên đi dã ngoại ít nhất 1-2 lần để được trải nghiệm cuộc sống và thư giãn tinh thần. Nếu sức khỏe của con có vấn đề cần được chăm sóc đặc biệt, cha mẹ có thể xin đi cùng để dõi theo con.
Vượt qua giới hạn bản thân
Tham gia những chuyến dã ngoại, trẻ không chỉ được khám phá thiên nhiên và vui chơi mà còn có cơ hội được tham gia các trò chơi thử thách, để vượt qua chính mình và chinh phục những điều mà trước đây trẻ chưa bao giờ làm. Nhiều trẻ khi tham gia dã ngoại cũng chính là lần đầu tiên các em được chèo thuyền, cưỡi ngựa, trượt cỏ, thử chơi các trò chơi cảm giác mạnh…
Tăng tính kết nối với gia đình và bạn bè
Khi tham gia dã ngoại, dù chỉ trong một hay vài ba ngày cũng là cơ hội tuyệt vời để trẻ được gần gũi hơn với các thành viên trong gia đình (nếu trẻ đi dã ngoại cùng gia đình) và bạn bè (nếu trẻ đi dã ngoại với trường/lớp). Thông qua hoạt động dã ngoại, trẻ hiểu hơn về các thành viên trong đoàn, từ đó, mối quan hệ cha mẹ – con cái, bạn bè cũng được cải thiện theo chiều hướng tích cực hơn.
Biết quan tâm đến những người xung quanh
Khi sống trong một tập thể, trẻ không thể được bao bọc và cưng chiều như khi ở nhà với cha mẹ. Sinh hoạt cộng đồng không chỉ giúp trẻ trưởng thành mà còn biết quan tâm hơn đến những người xung quanh. Ví dụ, trẻ biết giúp đỡ bạn cùng nhóm khi bạn bị đau ở đâu đó, biết chờ đợi khi bạn đi quá chậm, biết hỗ trợ bạn khi bạn cần trợ giúp… Từ đó, trẻ cũng biết quan tâm và yêu thương mọi người sống quanh mình hơn.