Những đoàn xe được chế, “độ” máy nhằm tăng công suất vận hành thay phiên nhau phóng như bay trên nhiều nẻo đường, khiến ai chứng kiến cũng hoảng hồn. Cũng từ sự thiếu ý thức này mà những cuộc dạo chơi lại vô tình trở thành các cuộc hẹn với… “tử thần”!
Đi tour “bạo lực”!
Đi tour “bạo lực” đang trở thành trào lưu nguy hiểm của những thanh niên mê tốc độ. Từ phong trào đi “phượt”, các nhóm thanh niên tuổi đời còn khá trẻ đã đưa ra cho nhau những ngưỡng thử thách về tốc độ để vượt qua. Theo M.H (thành viên một nhóm kín trên mạng xã hội Facebook, chuyên đi tour “bạo lực”), sở dĩ dùng từ “bạo lực” là vì những chuyến đi này, các thành viên trong nhóm thường sẽ chạy xe với tốc độ cực kỳ cao, có khi đạt đến 170, thậm chí 180 km/giờ.
Quãng đường di chuyển của các chuyến đi này thường có cự ly từ 100-300km. Cá biệt, có nhóm còn tổ chức chạy xuyên Bắc – Nam với lộ trình hơn 1.000km. Tùy mỗi cự ly chạy mà các “nài” xe (tiếng lóng chỉ các tay lái – PV) trong nhóm sẽ đưa ra những thử thách khác nhau về tốc độ và thời gian.
“Có khi tụi em sẽ đưa ra thử thách đi từ Sài Gòn đến Vũng Tàu trong 45 phút bằng xe máy, có khi đi Đà Lạt trong 3 tiếng. Ai vượt qua được thách thức sẽ trở thành thần tượng của các thành viên khác trong nhóm” – M.H kể.
Tối 20-5-2020, nổi hứng sau những lời gạ gẫm của các thành viên trong nhóm, D.K (thành viên của nhóm “độ xe Bình Dương”) đã tụ hội anh em, quyết định làm một “ga” (tiếng lóng ám chỉ những chuyến “phượt” xa) đi Vũng Tàu ngay trong đêm. Để quy tụ thành viên cho chuyến đi này, K. đăng trên nhóm kín, với nội dung: “Thử thách Vũng Tàu ăn lẩu cá đuối. Anh em nào muốn chơi chung thì tối nay 12 giờ đêm ở ngã tư Hàng Xanh”.
“Phượt thủ” dàn hàng, lái xe máy tốc độ cao, lấn làn
Sau lời hiệu triệu đó, có hàng chục thành viên lên tiếng hưởng ứng. “Địa điểm chốt! Tối nay sẽ đề pa đi Vũng Tàu” – K. nói với các thành viên. Khoảng 23 giờ 50 cùng ngày, hàng chục chiếc xe được độ chế, gắn pô không có hệ thống giảm thanh tụ tập lại. Cả nhóm nháo nhào nhìn xung quanh nhằm cảnh giác lực lượng cảnh sát giao thông. Đúng giờ “G”, K. siết ga cho xe lao như bay hướng về Vũng Tàu. Nhóm bạn của chàng thanh niên này cũng không chịu kém cạnh. Cuộc đi “phượt” ẩn chứa nguy hiểm, rủi ro này không chỉ một lần, mà đã có hàng trăm cuộc dạo chơi của những “phượt thủ” thời gian qua.
Vết mổ nối dài từ đầu gối đến tận mắt cá chân của Nguyễn Đ.H (22 tuổi, ngụ Q9) minh chứng cho sự nguy hiểm của những chuyến “phượt” tốc độ cao của giới trẻ. H. từng là thần tượng của một nhóm trên mạng Facebook quy tụ hơn 10.000 thành viên, có sở thích đi “phượt”. Nhưng tai nạn bất ngờ xảy ra, khiến chàng trai trẻ này phải thay đổi suy nghĩ.
Kể lại cảm giác kinh hoàng mà mình đã trải qua, P. cho biết, hôm ấy anh cùng hơn 20 thành viên khác trong nhóm bạn tổ chức “phượt” tới Đà Lạt, với thử thách rút ngắn thời gian tối đa trên toàn cự ly di chuyển. Khi cách “thành phố ngàn hoa” khoảng 50km, cú mất lái của một tài xế trong đoàn xe đã làm anh P. phải gánh hậu quả nặng nề. “Giờ đây, mỗi lần hay tin bạn bè tổ chức đi xa bằng xe máy với tốc độ cao, em chỉ biết lấy bản thân mình ra để cảnh báo các bạn về sự nguy hiểm” – P. tâm sự.
Một phượt thủ chạy xe tốc độ cao bị TNGTQuay clip, chia sẻ… như thách thức!
Trên trang Youtube “P. Xàm”, một thanh niên nhiều lần đăng tải các clip tự quay, ghi lại hành trình đi tour “bạo lực” của mình. Đa phần các clip trên đều có nội dung thiếu lành mạnh, cổ xúy cho các hành vi vi phạm pháp luật. Một clip tựa đề “Tour tốc độ cao lên Đà Lạt 240km chỉ 3 giờ 15 phút cùng GSX R150” được chủ kênh đăng tải vào ngày 3-1-2020, ghi lại cảnh một người đàn ông điều khiển môtô hướng từ TPHCM đến Đà Lạt với vận tốc hơn 100km/giờ.
Xuyên suốt cuộc hành trình, người đàn ông đó nhiều lần cho xe di chuyển vào phần đường dành cho ôtô, phóng nhanh, vượt ẩu. Sau khi clip đăng tải, đã có rất nhiều bình luận hưởng ứng, hàng trăm lượt chia sẻ, ủng hộ. Ngoài clip trên, chủ kênh Youtube “P. Xàm” còn đăng hàng chục clip khác ghi lại cảnh chạy xe với tốc độ cao, như: di chuyển từ TPHCM đến TP.Phan Thiết (Bình Thuận) trong 1 tiếng 45 phút, thách thức lực lượng CSGT khi di chuyển trên đường cao tốc tại Liên Khương bằng xe máy…
Không chỉ có kênh Youtube “P. Xàm”, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện hàng ngàn clip có nội dung tương tự được giới trẻ chia sẻ về trang cá nhân của mình. Điều này làm cho dư luận dấy lên sự lo lắng về việc giới trẻ có cách suy nghĩ lệch lạc, hưởng ứng phong trào đi “phượt” không đảm bảo an toàn.
Cách đây không lâu, “phượt thủ” Đông N. đã đăng một clip với nội dung từ TPHCM đi Hà Nội chưa tới 20 tiếng. Ngay sau đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có công văn đề nghị Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm hành vi của “phượt thủ” vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Đây là một trong những thanh niên đầu tiên đề xướng trào lưu đi “phượt” xa với tốc độ cao rồi chia sẻ lên mạng xã hội.
Cục CSGT đã ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với “phượt thủ” Đông N. về 2 hành vi: điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 – 20 km/giờ (mức phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng) và lỗi không làm thủ tục đăng ký sang tên khi mua xe (mức phạt tiền từ 100 – 200 ngàn đồng).
Không có cơ hội sửa chữa
Thời gian qua, không ít vụ tai nạn giao thông thương tâm đã xảy ra chỉ vì sự thiếu ý thức của những người điều khiển phương tiện. Mới đây nhất, ngày 27-6, một người đàn ông vô tình quay lại cảnh một “phượt thủ” lái xe máy di chuyển với tốc độ cao, ôm cua, lấn làn gây tai nạn, hậu quả là “phượt thủ” tử vong. Sự việc xảy ra vào khoảng 10 giờ cùng ngày tại đèo Phú Hiệp thuộc địa phận huyện Di Linh (Lâm Đồng). Những người chứng kiến sự việc cho biết, xe máy của “phượt thủ” ôm cua gấp, lấn sang làn bên cạnh, tông trực diện vào xe khách Thành Bưởi đang lưu thông theo chiều ngược lại.
Không chỉ chạy nhanh trên phần đường của mình, nhiều “phượt thủ” điều khiển môtô phân khối lớn, thậm chí còn làm liều cho xe chạy vào cả đường cao tốc, chỉ để thỏa mãn thú vui “đua tốc độ” hết sức nguy hiểm. Trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM, đại diện một câu lạc bộ môtô tại TPHCM cho biết, từ năm 2015, Bộ Giao thông – Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nghiên cứu việc thí điểm cho môtô phân khối lớn lưu thông vào đường cao tốc, để xin chủ trương từ Chính phủ. “Hiện tại, việc này vẫn chưa được thông qua và chúng ta nên tiếp tục chờ đợi. Nếu những người chơi môtô bất chấp chạy vào đường cao tốc khi pháp luật chưa cho phép, càng làm kiến nghị trên khó được thông qua” – Đại diện câu lạc bộ trên nói.
Nhóm PV