Chúng tôi xin giới thiệu một số hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm trong trường tiểu học để các nhà trường tham khảo.
Học sinh Trường TH Nam Hà (TP Hà Tĩnh) trải nghiệm gói bánh chưng
1. Hoạt động câu lạc bộ
Câu lạc bộ là hình thức sinh hoạt ngoại khóa của những nhóm học sinh cùng sở thích, nhu cầu, năng khiếu… dưới sự định hướng của những nhà giáo dục nhằm tạo môi trường giao lưu thân thiện, tích cực giữa các học sinh với nhau và giữa học sinh với thầy cô giáo, với những người lớn khác. Hoạt động của câu lạc bộ tạo cơ hội để học sinh được chia sẻ những kiến thức, hiểu biết của mình về các lĩnh vực mà các em quan tâm, qua đó phát triển các kĩ năng của học sinh như: kĩ năng giao tiếp, kĩ năng lắng nhe và biểu đạt ý kiến, kĩ năng trình bày suy nghĩ, ý tưởng, kĩ năng viết bài, kĩ năng chụp ảnh, kĩ năng hợp tác, làm việc nhóm, kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn để… Câu lạc bộ là nơi học sinh được thực hành các quyền trẻ em của mình như: quyền được học tập, quyền được tự do kết giao và hiệp hội; quyền được vui chơi giải trí và tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; quyền được tự do biểu đạt; tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin… Thông qua hoạt động của các câu lac bộ, nhà giáo dục hiểu và quan tâm hơn đến nhu cầu, nguyện vọng và mục đích chính đáng của các em.
Câu lạc bộ hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, thống nhất, có lịch sinh hoạt định kì và có thể được tổ chức với nhiều lĩnh vực khác nhau như:
Câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật: âm nhạc (thanh nhạc, nhạc cụ, nhạc kịch…) diễn kịch, thơ, múa rối, phóng viên, mĩ thuật, khiêu vũ, nhảy sạp, dân vũ, múa khèn, dẫn chương trình…
– Câu lạc bộ thể dục thể thao: bóng đá, bóng rổ, thể dục nhịp điệu, điền kinh, bơi lội, cầu lông, cắm trại…
– Câu lạc bộ học thuật: Toán học, Tin học, Tiếng Anh…
– Câu lạc bộ võ thuật: Taekwondo, Karatedo, Pencak silat, đấu vật…
– Câu lạc bộ trò chơi dân gian: cờ người, đánh đu, kéo co, ném còn, đánh cầu/đá cầu, ô ăn quan, tập tầm vông, thả đỉa ba ba, đánh chuyền, đánh khăng, đánh quay, đánh đáo…
– …
Khi lựa chọn các thành viên tham gia câu lạc bộ cũng như khi tổ chức các buổi sinh hoạt câu lạc bộ cần đảm bảo một số nguyên tăc sau:
– Tham gia trên tinh thần tự nguyện.
– Không phân biệt đối xử, đảm bảo sự công bằng.
– Phát huy tính sáng tạo,
– Tôn trọng ý kiến và nhân cách học sinh.
– Bình đẳng giới
– Đảm bảo quyền trẻ em.
– Học sinh là chủ thể quyết định mọi vấn dề của câu lạc bộ.
Mỗi nhà trường đều có thể tổ chức nhiều câu lạc bộ khác nhau cho các nhóm học sinh tham gia và cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho mỗi câu lạc bộ để việc tổ chức thực hiện đạt hiệu quả giáo dục cao.
2. Tổ chức trò chơi
Trò chơi là một loại hình hoạt động giải trí, thư giãn; là món ăn tinh thần bổ ích và không thể thiếu được trong cuộc sóng con người nói chung và đặc biệt, đối với thanh thiếu niên học sinh nói riêng, những trò chơi phù hợp nhiều khi có tác dụng giáo dục rất tích cực. Trò chơi là hình thức tổ chức các hoạt động vui chơi với nội dung kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, có tác dụng giáo dục “chơi mà học, học mà chơi”.
Trò chơi có thể được sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau của hoạt động TNST như: làm quen, khởi động, dẫn nhập vào nội dung học tập, cung cấp và tiếp nhận trí thức; đánh giá kết quả, rèn luyện các kĩ năng và củng cố những tri thức đã được tiếp nhận… Trò chơi có những thuận lợi như: phát huy tính sáng tạo, hấp dẫn và gây hứng thú cho học sinh; giúp cho học sinh dễ tiếp thu kiến thức mới; giúp chuyển tải nhiều tri thức của nhiều lĩnh vực khác nhau; tạo được bầu không khí thân thiện; tạo cho học sinh tác phong nhanh nhẹn…
Trò chơi có nhiều chức năng xã hội khác nhau như: chức năng giáo dục, chức năng văn hóa, chức năng giải trí, chức năng giao tiếp…
– Chức năng giáo dục: Trò chơi là phương tiện giáo dục hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thiết thực của học sinh, tác động toàn diện đến tất cả các mặt khác nhau của nhân cách; về thể chất, tâm lý, đạo đức và quan hệ xã hội. Trò chơi giúp các em nâng cao thể lực, rèn luyện sự nhanh nhẹn, dẻo dai và bền bỉ của cơ bắp, thần kinh, phát triển tốt các chức năng của các giác quan (thị giác, xúc giác, khứu giác, thính giác,…), các chức năng vận động, phát triển tốt các phẩm chất và năng lực tư duy sáng tạo, linh hoạt.
Trò chơi còn phát triển tốt các phẩm chất nhân cách cho học sinh như tính tập thể, tính hợp tác, tính kỉ luật, tính sang tạo, tính tự chủ, tính tích cực, sự nỗ lực ý chí, lòng dũng cảm, tính linh hoạt, tính tự tin, sự thân thiện, lòng bao dung, những tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mĩ lành mạnh…
Trò chơi là một phương tiện để giúp học sinh nâng cao hiểu biết về tự nhiên, xã hội, về khoa học – kĩ thuật, văn hóa văn nghệ, phát triển tốt các năng lực tư duy, trí nhớ ngôn nữ, tưởng tượng (đặc biệt là các trò chơi trí tuệ và trò chơi sáng tạo). Chơi cũng đòi hỏi học sinh tư duy, ứng dụng trí thức vào hành động, phát triển năng lực thực hành. Chơi cũng là một con đường học tập tích cực.
– Chức năng giao tiếp: Trò chơi là một hình thức giao tiếp. Trò chơi tạo cơ hội để học sinh tham gia vào các mối quan hệ giao tiếp bạn bề, phát triển tốt các năng lực giao tiếp, trò chơi đồng thời là một phương tiện (một con đường) mà thông qua đó, học sinh có thể giao tiếp được với nhau một cách tự nhiên và dễ dàng.
– Chức năng văn hóa: Trò chơi là một hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh của con người, thể hiện những đặc điểm văn hóa có tính bản sắc của mỗi dân tộc độc đáo. Tổ chức cho học sinh tham gia trò chơi là một phương pháp tái tạo văn hóa, bảo tồn văn hóa và phát triển văn hóa rất có hiệu quả (đặc biệt là các trò chơi dân gian, trò chơi lễ hội).
– Chức năng giải trí: Trò chơi là một phương thức giải trí tích cực và hiệu quả, giúp học sinh tái tạo năng lực thần kinh và cơ bắp sau những thời gian học tập, lao động căng thẳng. Trò chơi giúp học sinh thư giãn, thay đổi tâm trạng, giải tỏa những buồn phiền, những mệt mỏi về trí tuệ và cơ bắp, tạo niềm vui, hứng khởi, sự hồn nhiên, yêu đời… để học sinh tiếp tục học tập và rèn luyện tốt hơn. Những trò chơi vui nhộn và hứng không chỉ thỏa mãn nhu cầu của các em mà còn mang lại những giá trị tinh thần hết sức to lớn, hữu ích.
Mục đích của trò chơi nhằm lôi cuốn học sinh tham gia vào các hoạt động giáo dục một cách tự nhiên và tăng cường tính trách nhiệm; hình thành cho học sinh tác phong nhanh nhẹn, phát huy tính sáng tạo cũng như tăng cường sự thân thiện, hòa đồng giữa các học sinh, tạo hứng thú, xua tan căng thẳng, mệt mỏi cho các em học sinh trong quá trình học tập và giúp cho quá trình học tập được tiến hành một cách nhẹ nhàng, sinh động, không khô khan nhàm chán.
Tùy theo từng trò chơi cụ thể mà trò chơi có quy mô tổ chưc là nhóm nhỏ (từ 2 đến 4 hoặc 5 học sinh) hoặc nhóm lớn (từ 10 đến 15 học sinh) hay quy mô lớp hoặc khối lớp, toàn trường.
3. Tổ chức diễn đàn
Diễn đàn là một hình thức tổ chức hoạt động được sử dụng để thúc đẩy sự tham gia của học sinh thông qua việc các em trực tiếp, chủ động bày tỏ ý kiến của mình với đông đảo bạn bè, nhà trường, thầy cô giáo, cha mẹ và những người lớn khác có liên quan. Diễn đàn là một trong những hình thức tổ chức mang lại hiệu quả giáo dục thiết thực. Thông qua diễn đàn, học sinh có cơ hội bày tỏ suy nghĩ, ý kiến, quan niệm hay những câu hỏi, đề xuất của mình về vấn đề nào đó có liên quan đến nhu cầu, hứng thú, nguyện vọng của các em; đồng tời đây cũng là dịp để các em biết lắng nghe ý kiến, học tập lẫn nhau. Diễn đàn thường được tổ chức rất linh hoạt, phong phú và đa dạng với những hình thcs hoạt động cụ thể, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh.
Mục đích của việc tổ chức diễn đàn là để tạo cơ hội, môi trường cho học sinh được bày tỏ ý kiến về những vân đề các em quan tâm, giúp các em khẳng định vai trò và tiếng nói của mình đưa ra những suy nghĩ và hành vi tích cực để khẳng định mình. Diễn đàn cũng giúp các em nâng cao khả năng tự tin và xây dựng các kĩ năng cần thiết như: kĩ năng phát biểu trước tập thể, kĩ năng trình bày vấn đề, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng lắng nghe, kĩ năng thể hiện sự tự tin, kĩ năng phát hiện vấn đề…
Qua các diễn đàn, các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh và những người lớn có liên quan nắm bắt được những băn khoăn, lo lắng và mong đợi của các em về bạn bè, thầy cô, nhà trường và gia đình… tăng cường cơ hội giao lưu giữa người lớn và trẻ em, giữa trẻ m với trẻ em và thúc đẩy quyền trẻ em trong trường học. Giúp học sinh được thực hành quyền được bày tỏ ý kiến, được lắng nghe và quyền được tham gia… đồng thời giúp các nhà quản lý giáo dục và hoạch định chính sách nắm bắt, nhận biết được những vấn đề mà học sinh quan tâm từ đó có những biện pháp giáo dục và xây dựng chính sách phù hợp hơn với cac em.
Diễn đàn có thể được tổ chức ở quy mô khối lớp, cấp trường, cấp quận/huyện, cấp tỉnh hoặc cấp khu vực hay cao hơn nữa. Chủ đề của diễn đàn có thể xây dựng dựa trên nội dung các hoạt động giáo dục, những nhu cầu và mong muốn của các em về nhà trường, thầy cô, bố mẹ; hoặc căn cứ vào các vấn đề thực tiễn của các lớp như mối quan hệ giữa các bạn học sinh trong lớp hoặc cách ứng xử của thầy, cô giáo với học sinh…
Để phát huy khả năng sáng tạo và tăng cường tính độc lập của học sinh trong hầu hết quá trình của diễn đàn, học sinh là người chủ trì, từ khâu chuẩn bị, xây dựng chủ đề diễn đàn đến khâu dẫn dắt, điều hành diễn đàn và đánh giá kết quả diễn đàn dưới sự hướng dẫn của người lớn.
4. Sân khấu tương tác
Sân khấu tương tác (hay sân khấu diễn đàn) là một hình thức nghệ thuật tương tác dựa trên hoạt động diễn kịch, trong đó vở kịch chỉ có phần mở đầu đưa ra tình huống, phần còn lại được sáng tạo bởi những người tham gia. Phần trình diễn chính là một cuộc chia sẻ, thảo luận giữa những người thực hiện và khán giả, trong đó đề cao tính tương tác hay sự tham gia của khán gi ả.
Mục đích của hoạt động này là nhằm tăng cường nhận thức, thúc đẩy để học sinh đưa ra quan điểm, suy nghĩ và cách xử lý tình huống thực tế gặp phải trong bất kì nội dung nào của cuộc sống. Thông qua sân khấu tương tác, sự tham gia của học sinh được tăng cường và thúc đẩy, tạo cơ hội cho học sinh rèn luyện những kĩ năng như: kĩ năng phát hiện vấn đề, kĩ năng phân tích vấn đề, kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo khi giải quyết tình huống và khả năng ứng phó với những thay đổi của cuộc sống…
Sân khấu tương tác nâng cao tính sáng tạo, tăng khả năng hoạt động tập thể cũng như tính phản ứng với tập thể. Sân khấu tương tác tạo ra những trò chơi và những bài tập khác nhau nhằm tăng cường sự nhận thức của bản thân và tính tự chủ. Điều này có thể khởi đầu bằng kinh nghiệm của một cá nhân nhưng cuối cùng phải kết thúc bằng kinh nghiệm của cả tập thể. Do vậy, trong môi trường này kinh nghiệm cá nhân là rất quan trọng cho chính bản thân của cá nhân đó cũng như đóng vai trò như một công cụ nhằm củng cố kinh nghiệm nhóm.
Nội dung của sân khấu tương tác là các vấn đề, những điều trực tiếp tác động tới cuộc sống của học sinh. Học sinh tự chọn ra vấn đề, tự xây dựng kịch bản và cuối cùng chọn ra những diễn viên cho vở diễn đó để thực hiện và sẽ không có sự trợ giúp từ bên ngoài.
Sân khấu tương tác có thể diễn ra trong phạm vi hẹp (trong lớp học) hoặc rộng hơn (phạm vi toàn trường).
5. Tham quan, dã ngoại
Tham quan, dã ngoại là một hình thức tổ chức học tập thực tế hấp dẫn đối với học sinh. Mục đích của tham quan, dã ngoại là để các em học sinh được đi thăm, tìm hiểu và học hỏi kiến thức, tiếp xúc với các thắng cảnh, các di tích lich sử, văn hóa, công trình, nhà máy hoặc một đại danh nổi tiếng của đất nước ở xa nơi các em đang sống, học tập… giúp các em có được những kinh nghiệm từ thực tế, từ các mô hình, cách làm hay và hiệu quả trong một lĩnh vực nào đó, từ đó có thể áp dụng vào cuộc sống của chính các em.
Các chuyến tham quan, dã ngoại sẽ tăng cường cơ hội cho học sinh được giao lưu, chia sẻ và thể hiện những khả năng vốn có của mình, đồng thời giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương đất nước, hiểu được các giá trị truyền thống và hiện đại.
Nội dung tham quan, dã ngoại có tính giáo dục tổng hợp đối với học sinh như: giáo dục lòng yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử, truyền thống của Đảng, của Đoàn, của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Các lĩnh vực tham quan, dã ngoại có thể được tổ chức ở trường tiểu học là:
– Tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa.
– Tham quan các công trình công cộng, nhà máy, xí nghiệp.
– Tham quan các cơ sở sản xuất, làng nghê,.
– Tham quan các Viện bảo tàng,
– Tham quan du lịch truyền thống
– Dã ngoại theo các chủ đề học tập.
– Dã ngoại theo các hoạt động nhân đạo.
-…
Tham quan, dã ngoại là hoạt động thu hút đông đảo học sinh tham gia, bởi tính hấp dẫn, mang màu sắc vui chơi của nó. Tham quan, dã ngoại là điều kiện và môi trường tốt cho các em tự khẳng địn mình, thể hiện tính tự quản, tính sáng tạo và biết đánh giá sự cố gắng , sự trưởng thành của bản thân cũng như tạo cơ hội để các em học sinh thực hiện thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”, “lí luận đi đôi với thực tiễn”, đồng thời là môi trường để thực hiện mục tiêu “xã hội hóa” công tác giáo dục.
6. Hội thi/cuộc thi
Hội thi/cuộc thi là một trong những hình thức tổ chức hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn học sinh và đạt hiệu quả cao trong việc tập hợp, giáo dục, rèn luyện và định hướng giá trị cho tuổi trẻ. Hội thi mang tính chất thi đua giữa các cá nhân, nhóm hoặc tập thể luôn đạt được mục tiêu mong muốn thông qua việc tìm ra người/đội thắng cuộc. Chính vì vậy, tổ chức hội thi cho học sinh là một yêu cầu quan trọng, cần thiế của nhà trường, của giáo viên trong quá trình tổ chức hoạt động TNST.
Mục đích tổ chức hội thi/cuộc thi nhằm lôi cuốn học sinh tham gia một cách chủ động, tích cực vào các hoạt động giáo dục của nhà trường; đáp ứng nhu cầu về vui chơi giải trí cho học sinh; thu hút tài năng và sự sáng tạo của học sinh; phát triển khả năng hoạt động tích cực và tương tác của học sinh, góp phần bồi dưỡng cho các em động cơ học tập tích cực, kích thích hứng thú trong quá trình nhận thức.
Hội thi/cuộc thi có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: thi vẽ, thi viết, thi tìm hiểu, thi đố vui, thi giải ô chữ, thì tiểm phẩm, thi thời trang, thi kể chuyện, thi chụp ảnh, thi kể chuyện theo tranh, thi sáng tác bài hát, hội thi học tập, hội thi thời trang, hội ti học sinh thanh lịch… có nội dung giáo dục về một chủ đề nào đó.
Hội thi có khả năng thu hút sự tham gia của tất cả học sinh trong nhà trường, từ cá nhân đến nhóm hay tập thể với các quy mô tổ chức khác nhau như quy mô lớp, quy mô khối lớp hoặc quy mô toàn trường. Hội thi cũng có thể huy động sự tham gia của các thành viên trong cộng đồng như các nghệ nhân, những người làm công tác xã hội hay các tổ cức đoàn thể như Đoàn Thanh niên phường/xã, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh hay cán bộ, nhân viên các co quan như y tế, công an, bộ đội…
Nội dung của hội thi rất phong phú; bất cứ nội dung giáo dục nà cũng có thể được tổ chức dưới hình thức hội thi/cuộc thi. Điều quan trọng khi tổ chức hội thi là phải linh hoạt, sáng tạo khi tổ chức thực hiện, tránh máy móc thì cuộc thi mới hấp dẫn.
Khi tổ chức hội thi/cuộc thi nên kết hợp với các hình thức tổ chứ khác (như văn nghệ, trò chơi, vẽ tranh…) để cuộc thi/hội thi phong phú, đa dạng, thu hút được nhiều học sinh tham gia hơn.
7. Hoạt động giao lưu
Giao lưu là một hình thức tổ chức giáo dục nhằm tạo ra các điều kiện cần thiết để cho học sinh được tiếp xúc, trò chuyện và trao đổi thông tin với những nhân vật điển hình trong các lĩnh vực hoạt động nào đó. Qua đó, giúp cho các em có được những nhận thức, tình cảm và thái độ phù hợp, có được những lời khuyên đúng đắn để vươn lên trong học tập, rèn luyện và hoàn thiện nhân cách.
Hoạt động giao lưu có một số đặc trưng sau đây:
– Phải có đối tượng giao lưu. Đối tượng giao lưu là những người điển hình, có những thành tích xuất sắc, thành đạt trong các lĩnh vực nào đó, thực sự là tấm gương sáng để học sinh noi theo, phù hợp với nhu cầu hứng thú của học sinh.
– Thu hút sự thamgia đông đảo và tự nguyện của học sinh, được học sinh quan tâm và hào hứng.
– Phải có sự trao đổi thông tin, tình cảm hết sức trung thực, chân thành và sôi nổi giữa học sinh và người được giao lưu. Những vấn đề trao đổi phải thiết thực, liên quan đến lợi ích và hứng thú của học sinh, đáp ứng nhu cầu của các em.
Với những đặc trưng trên, hoạt động giao lưu rất phù hợp với các hoạt động TNST theo chủ đề. Nó dễ dàng được tổ chức trong mọi điều kiện của lớp, của trường.
Hoạt động giao lưu ở trường phổ thông có thể hướng vào các mục đích giáo dục sau:
– Tạo điều kiện để học sinh thỏa mãn nhu cầu giao tiếp, được tiếp xúc trò chuyện trực tiếp với những con người mà mình yêu thích, ngưỡng mộ và kì vọng; được bày tỏ tình cảm, tiếp nhận thông tin và được học hỏi kinh nghiệm để nâng cao vốn sống và định hướng giá trị phù hợp.
– Giao lưu giúp cho học sinh hiểu đúng đắn hơn về các đặc trưng cơ bản của các loại hình lao động nghề nghiệp, những phẩm chất và năng lực cao quý của những con người thành đạt trong các lĩnh vực nào đó cũng như con đường đi đến thành công của họ. Từ đó, giúp học sinh có được sự nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện.
– Giao lưu giúp cho học sinh hiểu đúng đắn hơn về các đặc trưng cơ bản của các loại hình lao động nghề nghiệp, những phẩm chất và năng lực cao quý của những con người thành đạt trong các lĩnh vực nào đó cũng như con đường đi đến thành công của học. Từ đó, giúp học sinh có được sự nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện.
– Giao lưu cũng tạo điều kiện để học sinh thiết lập và mở rộng mối quan hệ xã hội, giúp học sinh gần gũi nhau, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ và cảm thông, hình thành những tình cảm lành mạnh.
8. Hoạt động chiến dịch
Hoạt động chiến dịch là hình thức tổ chức không chỉ tác động đến học sinh mà tới cả các thành viên cộng đồng. Chính trong các hoạt động này học sinh có cơ hội khẳng định mình trong cộng đồng, qua đó hình thành và phát triển ý thức “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.
Việc học sinh tham gia các hoạt động chiến dịch nhằm tăng cường sự hiểu biết và sự quan tâm của học sinh đối với các vấn đề xã hội như: vấn đề môi trường, giao thông, an toàn xã hội… giúp học sinh có ý thức hành động vì cộng đồng; tập dượt cho học sinh tham gia giải quyết những vấn đề xã hội; phát triển ở học sinh một sỗ kỹ năng cần thiết như: kĩ năng hợp tác, kĩ năng thu thập thông tin, kĩ năng đánh giá và kĩ năng ra quyết định.
Mỗi chiến dịch nên mang một chủ đề để định hướng cho các hoạt động như:
– Chiến dịch Giờ Trái Đất;
– Chiến dịch làm sạch môi trường xung quanh trường học;
– Chiến dịch ứng phó với biến đổi khí hậu;
– Chiến dịch bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng ngập mặn;
– Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn;
– Chiến dịch tình nguyện hè;
– Chiến dịch ngày thứ bảy tình nguyện;
– Chiến dịch về trật tự xã hội;
– Chiến dịch khắc phục các định kiến;
– …
Tùy thuộc vào các vấn đề của địa phương mà nhà trường có thể lựa chọn và tổ chức cho học sinh tham gia các chiến dịch với những chủ đề phù hợp với đối tượng và đặc điểm địa phương.
Để thực hiện hoạt động chiến dịch được tốt cần xây dựng kế hoacj để triển khai chiến dịch cụ thể, kharthi với các nguồn lực huy động được và học sinh phải được trang bị trước một số kiến thức, kĩ năng cần thiết để tham gia vào chiến dịch.
9. Hoạt động nhân đạo
Hoạt động nhân đạo là hoạt động tác động đến trái tim, tình cảm, sự đồng cảm, thấu cảm của học sinh trước những con người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thông qua hoạt động nhân đạo, học sinh biết thêm những hoàn cảnh khó khăn của người nghèo, người nhiễm chất độc da cam, trẻ em mồ côi, người tàn tật, khuyết tật, người gia cô đơn không nơi nương tựa, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những đối tượng dễ bị tổn thương trong cuộc sống… để kịp thời giúp đỡ, giúp họ từng bước khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Hoạt động nhân đạo giúp các em học sinh được chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm và giá trị vật chất của mình với những thành viên trong cộng đồng, giúp các em biết quan tâm hơn đến những người xung quanh từ đó giáo dục các giá trị cho học sinh như: tiết kiệm, tôn trọng, chia sẻ, cảm thông, yêu thương, trách nhiệm, hạnh phúc…
Hoạt động nhân đạo trong trường tiểu học được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như:
– Xây dựng quỹ ủng hộ các bạn thuộc gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn;
– Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam;
– Quyên góp cho chương trình “Trái tim cho em”;
– Quyên góp đồ dùng học tập cho các bạn học sinh vùng cao;
– Tổ chức trung thu cho học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa;
– Gây quỹ ủng hộ người tàn tật, khuyết tật;
– Quyên góp ủng hộ nhân dân vùng bão, lũ;
– …
Tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi nhà trường mà tổ chức hoạt động nhân đạo phù hợp, hiệu quả và có tính giáo dục cao cho học sinh.
10. Hoạt động tình nguyện
Hoạt động tình nguyện là hoạt động mang tính tự nguyện, tự giác cao thông qua việc học sinh tự mình nhận lấy trách nhiệm để sẵn sàng làm việc (thường là những việc khó khăn, đòi hỏi phải hi sinh thời gian, công tác tiền của…) và thực hiện hoạt đồng mà không quản ngại khó khăn, gian khổ mà không nhất thiết phải có quyền lợi vật chất cho bản thân.
Hoạt động tình nguyện của cá nhân hay cộng đồng, được xuất phát từ lòng nhân ái, tính tích cực xã hội và hoài bão lý tưởng của tuổi trẻ nhằm thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, đột xuất của địa phương, đơn vị vì lợi ích của xã hội, cộng đồng. Hoạt động tình nguyện bồi dưỡng cho các em có lòng nhân ái, biết chia sẻ, bao dung những người xung quanh, từ đó, giúp các em sống có ý thức cộng đồng. Khi quant âm và tham gia vào các hoạt động của cộng đồng, các em sẽ nhận thức được vai trò cũng như trách nhiệm xã hội của bản thân, từ đó có thái độ đúng đắn, đóng óp cho sự phát triển của cộng đồng địa phương mình.
Ý nghĩa hàng đầu của hoạt động tình nguyện là tăng cường tình đoàn kết, sự hỗ trợ, tin cậy lẫn nhau, biết trợ giúp, biết đồng tâm hiệp lực với những người xung quanh, từ đó nuôi dưỡng tinh thần tương thân, tương ái. Tất cả các hoạt động này đóng góp đáng kể đối với chất lượng cuộc sống.
Học sinh ở bất kì lứa tuổi nào cũng có thể tham gia hoạt động tình nguyện để trở thành các tình nguyện viên. Tuy nhiên để hoạt động tình nguyện đạt hiệu quả thì các nhà trường phổ thông cần lựa chọn nội dung và hình thức tổ chức phù hợp với từng độ tuổi.
Nhà trường có thể tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động tình nguyện như:
– Giúp đỡ các bạn học kém, các bạn là người khuyết tật, ốm yếu, bệnh bật, các bạn học sinh con em gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình neo đơn…;
– Giúp đỡ công việc tại các công trình phúc lợi, công trình công cộng…;
– Giúp đỡ những người nghèo khó xung quanh, làm các công việc mang tính chất động viên, giúp đỡ tại các cô nhi viện, viện dưỡng lão, bệnh viện, doanh trai quân đội…;
– Tham gia cứu hộ thiên tai;
– Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường;
– Tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, bảo vệ tự nhiên, hoạt động trồng cây gây rừng, tạo thói quen sinh hoạt ít gây ô nhiễm môi trường…;
– Bảo vệ công trình công cộng, di sản văn hóa…;
– Tham gia điều hành an toàn giao thông;
– Tuyên truyền, phổ biến pháp luật;
– Dạy chữ cho trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn;
– Chăm sóc y tế, phổ cập giáo dục, phát triển văn hóa;
– Chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, các em thiếu niên, nhi đồng;
– …
11. Lao động công ích
Lao động công ích là việc cá nhân đóng góp một phần sức lao động của mình để tham gia xây dựng, tu bổ các công trình công cộng vì lợi ích chung của cộng đồng nhằm duy trì, bảo tồn các công trình công cộng cũng như kịp thời phòng, chống và khắc phục hậu quả của thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh…
Trong nhà trường, lao động công ích được hiểu là sự đóng góp sức lao động của học sinh cho các công trình công cộng của nhà trường hoặc địa phương nơi các em sinh sống. Lao động công ích giúp học sinh hiểu được giá trị của lao động, từ đó biết trân trọng sức lao động và có ý thức bảo vệ, giữ gìn những công trình công cộng. Thông qua lao động công ích, học sinh được rèn luyện các kĩ năng sống như: kĩ năng hợp tác, kĩ năng tìm kiếm và xử lý thông tin, kĩ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, kĩ năng xác định giá trị, kĩ năng đặt mục tiêu, kĩ năng lập kế hoạch…
Các hoạt động công ích học sinh có thể tham gia ở nhà trường và địa phương là:
– Vệ sinh vườn trường, sân trường, lớp học, môi trường xung quanh nhà trường;
– Vệ sinh đường làng, ngõ xóm;
– Trồng và chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, cây xanh;
– Tu sửa bàn ghế, trường lớp;
– Vệ sinh các công trình công cộng;
– Trồng và chăm sóc cây xanh nơi công cộng;
– Đóng góp ngày công lao động với các hoạt động của địa phương như: trồng lúa; gặt lúa, trồng rừng, làm các sản phẩm mây tre đan, tham gia vào các làng nghề ở địa phương…;
– Chăm sóc, bảo vệ các di tích lịch sử, các công trình công cộng, di sản văn hóa;
-…
12. Sinh hoạt tập thể
Sinh hoạt tập thể là một yếu tố chính để duy trì và phát triển các phong trào và đoàn thể. Sinh hoạt tập thể giúp các em được thư giãn sau những giờ học mệt mỏ.
Sinh hoạt tập thể là hình thức chuyển tải những bài học về đạo đức, nhân bản, luân lý, giá trị… đến với học sinh một cách nhẹ nhàng, hấp dẫn. Nên biến những bài học đó thành những bài ca, điệu múa, điệu dân vũ, vở kịch hay trò chơi… để các em được học tập một cách dễ hiểu, gần gũi, thoải mái nhất. Những hoạt động này không những giúp cho các em tiếp thu bài học một cách thoải mái, tự nhiên, mà còn giúp cho các em được vui chơi, thư giãn.
* Ca hát
Trong sinh hoạt của các phong trào Đội, ca hát là một hoạt động chủ lực không thể thiếu, vì nó nói lên được sức mạnh, sự đoàn kết, vui tươi và trẻ trung của tập thể đó.
Ca hát là giáo dục bằng truyền cảm, là bộc lộ tâm tình của mình bằng ngôn ngữ của âm thanh và nhịp điệu. Nó biểu dương ý chí và tình đồng đội, giải tỏa những buồn chán, ức chế, làm hưng phấn tinh thần, giãi bày tâm trạng của cá nhân hay tập thể, đem lại bầu không khí vui tươi trong sinh hoạt…
Vì ca nhạc mang tính đa diện như: hùng tráng, bi thương, vui vẻ, trầm buồn, kích động… tùy theo bài hát cũng như tâm trạng người hát và người nghe, cho nên chỉ cần nghe một cá nhân hay tập thê hát lên một vài bài hát, có thể đánh giá được taamt rạng và “trình độ” sinh hoạt của cá nhân hay tập thể đó.
* Ca múa tập thể
Ca múa tập thể là một trong những sinh hoạt ưa thích của thanh thiếu niên, nó vừa giải trí, vừa vận động, vừa là một phương tiện giáo dục rất hiệu quả.
Ca múa là hình thức bộ lộ tình cảm bằng những cử chỉ và điệu bộ một cách có nghệ thuật cho nên điệu múa phải đi đôi với lời ca, bổ túc cho nhau, làm nổi bật ý tưởng của lời ca. Phải rập ràng, linh động, uyển chuyển, nhịp nhàng theo tiết tấu nhịp điệu của bài ca.
Ca múa tập thể nghĩa là những điệu múa mà tất cả mọi người đều có thể thực hiện được như: múa hát sân trường, dân vũ rửa tay, khiêu vũ tập thể…
* Phan Duy Nghĩa (Tổng hợp từ các tài liệu)
Giáo dục Tiểu học Hà Tĩnh @ 07:40 12/09/2019 Số lượt xem: 14230