Học sinh trầm cảm, tâm thần, tự tử… vì bạo lực học đường
Năm 2023, ngành giáo dục chứng kiến nhiều vụ bạo lực học đường có hệ lụy nghiêm trọng, kéo dài.
Ngày 4/4, tại Trường THCS Lý Tự Trọng, thành phố Huế, hai học sinh lớp 6 xô xát ngay trong lớp học dẫn đến một em tử vong.
Cụ thể, em N.Đ.T. ăn thạch dừa trong lớp, sơ ý để nước thạch dừa chảy vào tay. T. chùi tay vào tường của lớp. Bạn cùng lớp là H.V.G.B nhìn thấy đã góp ý dẫn tới hai bên cãi nhau. T. sau đó xông vào hành hung B., xô B. ngã đầu đập vào bàn học.
B. được giáo viên đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế nhưng không qua khỏi. B. ra đi vì bạo lực học đường ở tuổi 11.
Ngày 16/4, tại thành phố Vinh, Nghệ An, N.T.Y.N. – học sinh lớp 10A15, Trường THPT Chuyên Đại học Vinh – tự tử tại nhà riêng. Gia đình cho biết em bị bạn học cô lập, đả kích một thời gian dài.
Theo tường thuật của các bên liên quan, N. chơi thân với một nhóm bạn ở lớp nhưng đến thời điểm trước ngày 20/11/2022, N. và nhóm bạn ngừng chơi. Sự việc khiến N. bị tâm lý, thường xuyên tâm sự chán nản với người thân, sợ đi học, sợ đến trường.
N. liên tục xin nghỉ học vì lý do sức khỏe. Cuối học kỳ I, N. nhắn tin cho cô giáo chủ nhiệm hỏi về mẫu đơn xin chuyển lớp, cô giáo nói không có, song không tìm hiểu lý do vì sao. 3 tháng sau đó, N. tự tử.
Ngày 31/8, một phụ huynh tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, lên mạng kêu cứu khi con trai 15 tuổi bị bạo lực học đường thời gian dài dẫn đến trầm cảm, bỏ nhà ra đi.
Người mẹ này đăng kèm bản chụp trang nhật ký của con, trong đó con chị kể lại chuyện bị làm nhục, hành hạ thân thể mỗi ngày bởi 4 bạn cùng lớp từ năm lớp 8: Bị chọc đinh bẩn vào miệng, búng tai, “tác động vật lý” hằng ngày, úp băng vệ sinh lên mặt… Cháu nhiều lần nghĩ đến chuyện tự tử.
Ngày 26/10, một đoạn lip ghi lại cảnh cháu V.V.T.K., học sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội), bị nhóm bạn cùng lớp đánh hội đồng lan truyền trên mạng xã hội. Đoạn clip ghi lại từ tháng 6. Đến tháng 9 nhà trường mới phát hiện sự việc.
Theo thông tin xác minh từ cơ quan chức năng, đoạn clip chỉ là một trong nhiều lần cháu K. bị bạn đánh hội đồng.
Cuối tháng 9/2023, cháu K. được bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán bị rối loạn phân ly (một dạng của rối loạn tâm thần).
Hiện tại, sau 3 tháng phát bệnh, cháu K. chưa lấy lại nhận thức bình thường dù được điều trị tích cực bởi bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai và chuyên gia của Cục Trẻ em. Cháu gọi bố mẹ là “côn đồ bố”, “côn đồ mẹ”, thường xuyên rơi vào trạng thái hoảng loạn, mất nhận thức.
Lỡ kỳ thi lớp 10 vì bị bạn đánh, học sinh lớp 4 cũng là nạn nhân
Ngày 3/6, tại Trường THCS Hưng Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), trong tiệc chia tay cuối cấp, em T.V.V. (15 tuổi) xảy ra va chạm với một số bạn cùng trường. Sau đó em V. bị nhiều bạn lao vào đánh đến thương tích. Phải nhập viện trong trạng thái chấn thương và hoảng loạn tinh thần, V. bỏ lỡ kỳ thi vào lớp 10 diễn ra vào ngày 7/6.
Ngày 9/11, tại Trường tiểu học Bế Văn Đàn (xã Ea Tân, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk), N.T.M.U., học sinh lớp 4, bị 10 bạn cùng lớp đánh hội đồng.
Theo hình ảnh gia đình chia sẻ, cơ thể em U. bị bầm tím, phần tai gần đầu bị cào cấu chảy máu, tay bị nhiều vết đâm do vật sắc nhọn gây ra. Sau thời gian điều trị, em U. vẫn bị hoảng loạn, sợ hãi, sợ đi học.
Giáo viên bị học sinh bạo lực học đường
Đêm ngày 4/12, một đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo bị đám đông học sinh quây lại, chốt cửa không cho cô ra ngoài, chửi tục, ném giấy rác và dép vào người cô lan truyền trên mạng xã hội. Đoạn clip sau đó được xác định ghi lại tại Trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).
Sự việc gây chấn động dư luận bởi chưa có tiền lệ. “Thủ phạm” gây ra bạo lực học đường là học sinh và nạn nhân là giáo viên.
Hiện vụ việc vẫn chưa có kết luận xác minh, làm rõ những sai phạm của hai bên từ chính quyền địa phương.
4 giải pháp từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Ngày 7/11, trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, thống kê từ ngày 1/9/2021 đến đầu tháng 11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến hơn 2.000 học sinh. Bình quân cứ 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra một vụ việc.
Các vụ bạo lực học đường có sự giảm về độ tuổi và sự tăng về số học sinh nữ tham gia.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, hiệu trưởng và giáo viên các trường học còn thiếu kỹ năng xử lý bạo lực học đường.
Phân tích về căn nguyên bạo lực học đường gia tăng, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng một trong những nguyên nhân chính đến từ xung đột và bạo lực trong gia đình.
Ông Nguyễn Kim Sơn dẫn chứng con số 220.000 vụ ly hôn mỗi năm, trong đó 70-80% có lý do liên quan đến xung đột, bạo lực. Học sinh trong các gia đình này có thể vừa là người chứng kiến bạo lực, vừa là đối tượng bị bạo lực, bị bỏ rơi. Một tỷ lệ lớn học sinh là nạn nhân bạo lực gia đình tiếp tục là nạn nhân hoặc thủ phạm của bạo lực học đường.
Do đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định việc ngăn chặn, giải quyết những vấn đề gia đình có vai trò rất quan trọng để đẩy lùi bạo lực học đường.
Cũng tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đưa ra các giải pháp đồng bộ để hạn chế, ngăn ngừa tình trạng bạo lực trong trường học:
Một là cung cấp cho học sinh các kỹ năng xử lý những vấn đề có nguy cơ phát sinh bạo lực học đường.
Hai là tập huấn cho giáo viên kỹ năng xử lý các vấn đề xảy ra giữa học sinh.
Bà là bổ sung vị trí chuyên trách tư vấn tâm lý học đường cho các trường học.
Bốn là thúc đẩy sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ con em khỏi bạo lực học đường.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, khâu quan trọng tạo nền tảng giải quyết vấn đề này là triển khai thật tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển con người, nâng cao nhân cách đạo đức con người Việt Nam, bởi đây mới là gốc rễ của việc xử lý vấn đề bạo lực học đường.