Vừa qua, câu chuyện ông T (61 tuổi, ngụ ở TP Hải Phòng) cùng khoảng 10 người leo núi chinh phục đỉnh núi Tà Chì Nhù (Yên Bái) tử vong sau một đêm ngủ lại ở lán trại dọc đường leo núi khiến nhiều người cảm thấy xót xa, lo ngại về sự an toàn khi đi trekking.
Mấy năm gần đây, bên cạnh du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển thì du lịch mạo hiểm như: trekking (đi bộ dài ngày), leo núi, vượt thác, khám phá hang động, lượn dù… đang ngày càng phổ biến, được nhiều du khách, đặc biệt giới trẻ ưa chuộng.
Trong đó những đỉnh núi như Fanxipan thuộc Lào Cai (độ cao 3.147m) hay các đỉnh núi ở Lai Châu gồm: Bạch Mộc Lương Tử hay còn gọi Kỳ Quan San với độ khó cấp 4 (độ cao 3.046m); Pu Si Lung (độ cao 3.083m); Đỉnh Tà Chì Nhù thuộc Yên Bái (độ cao 2.985m); Tà Năng – Phan Dũng thuộc Lâm Đồng (độ cao 1.160m)… luôn được các phượt thủ “nhắm” đến và chinh phục.
Trang bị kiến thức kỹ năng trekking – sinh tồn
Là người có 30 năm kinh nghiệm cứu hộ, cứu nạn, là huấn luyện viên kỹ năng trekking – sinh tồn, đánh giá rủi ro thực địa, anh Trần Xuân Thanh – Giám đốc đào tạo của công ty lữ hành Vietnam Expeditinons đã có những chia sẻ với Dân Việt. Đối với sự việc đau lòng trên, anh Thanh bày tỏ:
– Đây là sự việc rất đáng tiếc và đau xót. Điều đáng nói là ở bất kỳ một cung treckking nào cũng tiềm ẩn các rủi ro từ con người cho tới thiên nhiên và đỉnh núi Tà Chì Nhù cũng không ngoại lệ.
Năm 2017, nữ phượt thủ Ng. V.Q. (SN 1986, trú tại Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cùng nhóm bạn khám phá cung đường rừng Tà Năng – Phan Dũng. Khi vừa tới con suối Phan Dũng, gần thác Yavly thuộc xã Phan Dũng thì trời mưa rất to. Nhóm này đã tìm cách vượt suối khi lũ đang đổ về. Do bên dưới là đá trơn, nữ du khách Q. trượt chân và bị cuốn trôi để lại bao tiếc thương cho người thân, bạn bè.
Cũng năm 2017, tại Đà Lạt, một hướng dẫn viên và một du khách nước ngoài đã tử vong khi tham gia đu dây vượt thác tại hang Cọp. Vào thời điểm này, nước từ đỉnh thác đổ xuống khá lớn, cuốn trôi thi thể của cả hai nạn nhân về phía hạ lưu khiến cho việc tìm kiếm nạn nhân gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ với những người leo núi nghiệp dư, ngay cả vận động viên leo núi chuyên nghiệp cũng đã xảy ra tử vong như trường hợp của du khách người Anh – Aiden Webb. Tháng 6/2016, Aiden Webb từng chinh phục nhiều đỉnh núi ở châu Âu đã một mình leo lên đỉnh Fansipan (Sa Pa) từ hướng thôn Sín Chải, dọc theo hướng cáp treo. Tuy nhiên khi đang leo, du khách này đã bị ngã xuống thác, chấn thương đầu gối và bị đá cắt tay rách sâu chảy rất nhiều máu. Aiden Webb đã nhắn tin và gửi định vị GPS cho bạn gái.
Cuộc nói chuyện của hai người diễn ra từ ngày 3/6/2026 đến 4/6/2026 thì mất liên lạc. Sau đó người thân của Aiden đã kêu gọi trên Facebook, mong mọi người ở Việt Nam đang đi qua khu vực này chung tay tìm kiếm. Cơ quan chức năng, đã tăng cường tới hơn 150 lực lượng từ nhiều đơn vị chức năng, người dân để tìm kiếm Aiden Webb. Thế nhưng đến sáng ngày 9/6, lực lượng tìm kiếm cứu hộ mới phát hiện thi thể của nam du khách sau 6 ngày mất tích.
Vẫn biết, du lịch mạo hiểm luôn mang đến cho người tham gia những giây phút tuyệt vời khi chinh phục được đỉnh núi, vượt qua được thử thách, khẳng định được bản lĩnh. Phượt thủ được đứng trước thiên nhiên kỳ vỹ mà thỏa thích ngắm nhìn. Thế nhưng để có chuyến đi chinh phục trọn vẹn, tuyệt vời ấy, các phượt thủ nhất định phải trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng trekking – sinh tồn. Phải rèn thể lực, kiểm tra sức khoẻ và chuẩn bị đồ cẩn thận trước ngày lên đường.
Anh có thể chia sẻ kỹ hơn về việc trang bị kiến thức kỹ năng trekking – sinh tồn?
– Để tham gia cung trek an toàn, thì chuẩn bị về thể chất, hậu cần, đánh giá rủi ro về địa hình, thời tiết là điều tất yếu khi bắt đầu trekking hoặc chinh phục một thử thách nào đó.
Nếu du khách tự đi mà không thông qua các đơn vị lữ hành, không đi theo tour, chỉ thuê người dẫn đường. Du khách nên tìm hiểu kỹ người dẫn đường đó có những kinh nghiệm gì, ngoài việc chuẩn bị như ở trên tôi nói.
Với những du khách tự tổ chức một nhóm đi với nhau mà không cần cả porter (người khuân vác -PV) thì cần chuẩn bị kỹ hơn về kỹ năng trekking – sinh tồn, đặc biệt bắt buộc phải mang theo bản đồ giấy. Bên cạnh đó, trước khi bước vào cung đường hành trình cần xác định phương hướng, đánh dấu mốc để còn biết vị trí quay trở lại, nếu không rất dễ bị lạc…
Tôi cũng lưu ý với các phượt thủ khi tham gia trekking không nên quá ỉ lại vào điện thoại di động để xác định cung đường, hướng đi. Bởi đôi khi ở trong điều kiện rừng núi hiểm trở, điện thoại sẽ trở nên vô dụng vì không có sóng, không sử dụng được thiết bị định vị GPS.
Về việc chuẩn bị đồ dùng cá nhân, du khách nên chuẩn bị balo, giày chuyên dụng trekking hoặc đa dụng, túi y tế cá nhân, lọc nước, dao, bật lửa, thực phẩm khô, quần áo nhanh khô giữ nhiệt, tăng võng hay lều….Tùy theo địa hình, thời gian mà chúng ta chọn phục trang phù hợp với thời tiết.
Du lịch mạo hiểm ở Việt Nam còn có những đặc thù nào khác mà mọi người cần lưu ý không anh?
– Nhiều người cho rằng đất nước của chúng ta làm gì còn những cánh rừng hoang đi năm bảy ngày mà không ra khỏi. Họ nghĩ rằng chỉ cần đi dăm ba chục cây số là gặp buôn làng, khu dân cư, trang trại…Tuy nhiên nói như thế là du khách chưa hiểu gì về “rừng”. Nếu không có kỹ năng và sự am hiểu về thiên nhiên hoang dã thì bất cứ cánh rừng nào cũng có thể nhấn chìm họ, cho dù đó là cánh rừng nhỏ hay khu rừng bạt ngàn.
Du khách nên biết, khái niệm sinh tồn được lưu hành rộng rãi với ba nguyên tắc cần nhớ sau: Thứ nhất con người không thể sống sót nhiều hơn 3 giờ khi tiếp xúc với nhiệt độ cực thấp. Thứ hai con người không thể sống sót nhiều hơn 3 ngày mà không có nước. Thứ ba, con người không thể sống sót nhiều hơn 3 tuần mà không có thức ăn.
Bên cạnh đó, du khách cần trang bị kiến thức đi rừng cốt lõi là những điều kiêng kỵ sau: Không chặt phá, giết hại động vật khi không cần thiết; Không lấy, mang gì từ rừng về nhà…
Du khách nên trang bị kiến thức cách lấy nước, lọc nước, cách tạo lửa, tìm và tạo chỗ trú ẩn…
Ngoài ra khi đi trekking thì nên đi theo đường sống núi (lưng núi), đi dưới lòng suối, dọc đường mòn hẻm núi, đi theo đường zíc zắc. Và còn rất nhiều vấn đề khác nữa mà tôi không thể kể hết. Tuy nhiên, những điều tôi nói cũng là một phần những điều cơ bản để du khách có thể trang bị kiến thức cho mình khi tham gia trekking leo đỉnh núi hay đi xuyên rừng.
Nói đến chuyện bị lạc, anh đã bao giờ gặp phải tình huống này khi tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn?
Có chứ, tôi cũng đã bị lạc nhiều lần trong rừng. Ngày trước khi còn ở Đà Lạt, tham gia vào đội tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, tôi cùng hai thành viên, trong một lần đi tìm thi thể của phượt thủ đã bị lạc trong rừng ở huyện Đơn Dương.
Tất nhiên, với những kinh nghiệm thực địa mà chúng tôi có được, tôi nhanh chóng nhận ra mình đang đi lạc. Nhưng vì trời tối nên việc xác định hướng sẽ khó khăn hơn, hơn nữa đi ban đêm trong rừng là điều không nên, trừ trường hợp cấp bách. Vì thế tôi và hai thành viên đã dừng lại mắc võng, nấu cơm, ngủ đêm, sáng sau nhìn lại bản đồ xác định phương hướng và đi tiếp.
Tôi khuyên các phượt thủ khi bị lạc trong rừng vào ban đêm, tốt nhất nên ở nguyên một chỗ, chờ trời sáng hãy đi tiếp hoặc chờ lực lượng cứu hộ cứu nạn đến cứu. Vì trong rừng tự nhiên luôn ẩn chứa những mối nguy hiểm tiềm tàng như: đèn pin hết năng lượng, bò sát, thú dữ tấn công, trượt chân ngã từ độ cao xuống thác hoặc vực…
Hướng dẫn viên chưa được đào tạo cơ bản về kỹ năng trekking – sinh tồn
Có một thực tế hiện nay, rất nhiều hướng dẫn viên, porter không được đào tạo bài bản về kỹ năng trekking – sinh tồn, mà chỉ là kinh nghiệm truyền miệng. Anh nghĩ sao về điều này?
Đúng vậy. Một thực tế phổ biến hiện nay ở Việt Nam, đó là trekking, sinh tồn đa phần là tự phát. Người dẫn đường địa phương hay chính bản thân du khách phần lớn học từ các trang mạng về kinh nghiệm trekking, sinh tồn dẫn tới gây ra sự ảo tưởng sức mạnh cá nhân và đẩy cá nhân đó rơi vào hoàn cảnh sống còn.
Một số cơ quan quản lý ở địa phương cho phép các tổ chức hoạt động khai thác du lịch mạo hiểm nhưng lại chưa thực sự có khung qui định, chưa có những lớp đào tạo, hoặc các trại huấn luyện thực địa cho các hướng dẫn viên. Các hướng dẫn viên chưa được trang bị các kiến thức về an toàn như: đánh giá rủi ro, sơ cứu, an toàn và cứu hộ cứu nạn… Chính vì vậy mà các hướng dẫn viên gần như không có kinh nghiệm, kỹ năng thực địa.
Chưa kể, hiện nay tình trạng porter tự đăng quảng cáo các tour trekking, hoạt động thể thao mạo hiểm, rồi sau đó dẫn khách đi mà không lường được hết những hệ lụy như xảy ra sự cố, tai nạn, thậm chí là bỏ mạng, xa hơn nữa là làm ảnh hưởng tới các công ty lữ hành có đội ngũ chuyên nghiệp.
Vì điều này, tôi khuyên du khách nên đi theo nhóm có tổ chức hoặc lựa chọn công ty lữ hành uy tín, chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn, hạn chế các rủi ro có thể xảy ra khi đi trekking hoặc tham gia hoạt động thể thao mạo hiểm.
Nhìn sang các nước trong khu vực Đông Nam Á hay ở châu Âu, những hoạt động thể thao mạo hiểm, trekking đã được họ thực hiện như thế nào, thưa anh?
– Tôi được biết, ở một số vườn quốc gia của các nước, họ đặt trạm liên lạc khẩn cấp ở một số cự ly nhất định. Họ có lực lượng chuyên nghiệp hướng dẫn, họ khoanh vùng quản lý bằng chip khi khách vào treck nên hướng dẫn viên rất hiếm. Hơn nữa, kỹ năng dã ngoại tại các nước được huấn luyện từ trẻ em nên họ đã có kỹ năng đối phó thiên nhiên tốt hơn chúng ta.
Xin cảm ơn anh!