Đi “phượt” khác với đi du lịch ngắm cảnh. “Phượt” là tự mình vạch ra những cung đường, dùng phương tiện của mình để đi đến đó. Mục đích chính của việc “phượt” là làm cho chúng ta có cảm giác khám phá đích thực. Được đi đâu chúng ta muốn, dừng khi chúng ta thích, và ăn những gì chúng ta khoái. Tuy nhiên, khi chọn đi “phượt”, bạn cần chuẩn bị kỹ càng hành trang cũng như vạch ra cung đường lộ trình tương đối rõ ràng để tránh trường hợp rơi vào thế “dở khóc, dở cười”.
– Xe cộ: Khi đi xe máy, bạn cần lắp đủ 2 gương chiếu hậu. Bảo dưỡng thay dầu xe trước khi đi. Nếu đi ôtô, cũng cần mang ra gara để kiểm tra phanh, dầu máy, đảo lốp cho xe nếu cần. Đặc biệt kiểm tra dàn đèn, xe ôtô đi phượt nên có đèn vàng để chiếu sáng trong điều kiện sương mù ở các tỉnh miền núi. Với xe máy, không lắp được thêm đèn, bạn nên chuẩn bị một tờ decal trong loại màu vàng để dán vào đèn pha xe máy khi đi qua mây mù. Nhưng tốt nhất là tránh đi buổi đêm. Cần mang theo tất cả các giấy tờ xe, giấy phép lái xe.
– Tiền bạc: Không mang theo nhiều tiền mặt, chỉ mang tiền vừa đủ cho xăng xe, ăn ở ngủ nghỉ và một số chi phí mua sắm lặt vặt. Nên mang theo thẻ ATM đề phòng cần viện trợ dọc đường và để đảm bảo an toàn.
– Hành lý: Đồ đi phượt không cần nhiều, chỉ mang những đồ thiết yếu. Dùng ba lô hoặc túi mềm. Không mang vali hoặc đồ túi cứng vì khó vận chuyển và cồng kềnh.
– Những trang bị cần thiết:
+ Quần áo: Tuỳ thời tiết vùng miền mà bạn định đến. Mang quần áo vừa đủ. Lưu ý: Mang theo áo gió mặc vừa người. Đặc biệt khi bạn đi xe máy, cần mặc áo gió, hoặc áo bảo hộ đi xe, tránh gió tạt vào người. Giúp bạn đi xe lâu hơn mà không bị mệt.
+ Giầy đế mềm, có gai ở đế, tránh bị trơn trượt
+ GPS: thiết bị định vị. Hiện nay thiết bị GPS gắn trên xe máy hoặc ôtô khá phổ biến. Giá từ 2 triệu đến 4 triệu đồng. Chống va đập, chống thấm nước. Có thể đấu trực tiếp vào xe máy hoặc sử dụng điện 12v trên ôtô. Khi vào vùng đường vắng không có ai hỏi đường. GPS rất đắc lực trong việc tìm đường, xác định vị trí.
+Đồ ăn vặt như sô cô la thanh, một số loại kẹo có vị cam, chanh. Kẹo chanh, cam có vị chua, giúp bạn tỉnh táo khi đi đường.
+ Bông, gạc, thuốc chống dị ứng, thuốc đau bụng. Khi ăn đồ lạ, đặc biệt đồ dân tộc miền núi, có nhiều món sống, lạ vị dễ gây đau bụng nếu không quen ăn.
+ Sạc điện thoại, mang theo các chân sạc đôi, loại phổ thông nhất. Cố gắng sử dụng loại điện thoại pin lâu ngày. Vì khi lên vùng hẻo lánh, điện cũng là thứ xa xỉ.
+ Một số đồ lặt vặt: Bật lửa hay diêm, băng dính cỡ lớn 5cm, một ít dây dù chắc chắn, dao nhỏ, và ít nước khoáng. Các “phượt thủ” cũng nên lưu ý khi di chuyển ra ngoại thành. Chú ý các biển báo tốc độ dọc đường, biển phân làn, cảnh báo sạt lở để có thể di chuyển hợp lý. Trước khi đi, nên lên mạng hoặc hỏi những người có kinh nghiệm về văn hoá dân tộc vùng miền sẽ qua.
Đồng thời, không thể thiếu là nghiên cứu kỹ cung đường sẽ đi qua. Đường núi hầu hết đã được bê tông hoá, nhưng có những đường tỉnh lộ còn chưa hoàn thiện hoặc bị xuống cấp sau trận lũ. Từ đó chọn phương tiện đi cho phù hợp. Có thể chọn xe Cào cào, xe Win…hoặc xe 2 cầu gầm cao nếu là ôtô để đi những cung đường có địa hình hiểm trở, đèo dốc đường đất, hoặc đường bê tông đã bị sạt lở.
Chúc các bạn có một chuyến “phượt” thực sự ý nghĩa và an toàn.