Du lịch Việt Nam được Nhà nước Việt Nam xem là một ngành kinh tế mũi nhọn vì cho rằng đất nước Việt Nam có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú. Năm 2019, ngành Du lịch Việt Nam lập kỳ tích lần đầu tiên đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018. Giai đoạn từ 2015-2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22,7% mỗi năm. Việt Nam liên tục nằm trong nhóm những quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất thế giới. Năm 2019, du lịch Việt Nam nhận giải thưởng Điểm đến di sản hàng đầu thế giới do World Travel Awards trao tặng, Điểm đến Golf tốt nhất thế giới do World Golf Awards trao tặng. Cùng với đó, World Travel Awards cũng vinh danh Việt Nam là Điểm đến hàng đầu châu Á 2 năm liên tiếp 2018-2019, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019.
Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam có những hạn chế như tỷ lệ khách quay trở lại thấp (10-40%). Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao, trung bình hơn 1.000 USD cho một chuyến 9 ngày do sản phẩm du lịch của Việt Nam chưa hấp dẫn, thiếu gắn kết, các hoạt động giải trí, mua sắm, chăm sóc khách chưa đa dạng, công tác xúc tiến quảng bá chưa thực sự hiệu quả do hạn chế về nguồn lực, cơ chế vận hành, chưa thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài, Quỹ hỗ trợ và phát triển du lịch chưa được vận hành và đi vào hoạt động; hạ tầng sân bay có xu hướng quá tải, chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng cao về số lượng khách du lịch; chính sách thị thực nhập cảnh còn hạn chế so với các điểm đến cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam như Thái Lan.
Tiềm năng du lịch của Việt Nam
Di tích
Tính đến năm 2020, Việt Nam có hơn 41.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Mật độ và số lượng di tích nhiều nhất ở 11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ chiếm khoảng 56% di tích của Việt Nam.
Qua 10 đợt xếp hạng, Việt Nam hiện có 112 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Các di tích quốc gia đặc biệt ở Việt Nam được Thủ tướng chính phủ ra quyết định xếp hạng ở 2 đợt đầu gồm: Cố đô Hoa Lư, Di tích Pác Bó, Dinh Độc Lập, Hoàng thành Thăng Long, Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu di tích ATK Thái Nguyên, Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ, Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, Khu di tích Kim Liên, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Khu di tích Tân Trào, Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng, Nhà tù Côn Đảo, Quần thể di tích Cố đô Huế, Thành nhà Hồ, Thánh địa Mỹ Sơn, Thắng cảnh Tràng An – Tam Cốc – Bích Động, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long, Đô thị cổ Hội An và Đền Hùng.
Việt Nam có 117 bảo tàng trong đó các bộ, ngành quản lý 38, các địa phương quản lý 79. Hai bảo tàng lịch sử mang tính quốc gia là Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng lịch sử Việt Nam hiện đang đề xuất thêm Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tuy nhiên, hầu hết các bảo tàng đều vắng khách tham quan, đất công đôi khi bị lạm dụng và sử dụng trái mục đích.
Danh thắng
Hiện nay Việt Nam có 33 vườn quốc gia gồm Ba Bể, Bái Tử Long, Hoàng Liên, Tam Đảo, Xuân Sơn, Ba Vì, Cát Bà, Cúc Phương, Xuân Thủy, Bạch Mã, Bến En, Phong Nha-Kẻ Bàng, Pù Mát, Vũ Quang, Bidoup Núi Bà, Chư Mom Ray, Chư Yang Sin, Kon Ka Kinh, Yok Đôn, Côn Đảo, Lò Gò-Xa Mát, Mũi Cà Mau, Núi Chúa, Phú Quốc, Phước Bình, Tràm Chim, U Minh Hạ, U Minh Thượng, Tà Đùng.
Việt Nam có 400 nguồn nước nóng từ 40-120 độ[17]. Nhiều suối có hạ tầng xây dựng khá tốt như: Suối nước nóng thiên nhiên Đam Rông, Lâm Đồng; suối nước nóng Kim Bôi Hòa Bình, suối nước nóng Bình Châu Bà Rịa-Vũng Tàu, suối nước nóng Kênh Gà, Ninh Bình, suối nước nóng Quang Hanh Quảng Ninh, suối nước nóng Thanh Thủy – Phú Thọ.
Hang động Việt Nam chủ yếu nằm ở nửa phía bắc của đất nước này do tập trung nhiều dãy núi đá vôi. Hệ thống hang động ở Việt Nam thường là các hang động nằm trong các vùng núi đá vôi có kiểu địa hình karst rất phát triển. Ba di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam là vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và quần thể danh thắng Tràng An đều là những danh thắng có những hang động nổi tiếng. Cho tới năm 2010 chỉ riêng ở Quảng Bình đã thống kê được 300 hang động thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Tỉnh Ninh Bình có 400 hang động trong đó hơn 100 hang động tập trung nhiều ở quần thể di sản thế giới Tràng An – Tam Cốc – Bích Động. Hiện nay tổng số hang động ở Việt Nam được phát hiện lên tới gần 1000 hang động. Các hang động ở Việt Nam tuy nhiều nhưng số được khai thác sử dụng cho mục đích du lịch còn rất ít. Tiêu biểu nhất là: động Phong Nha (Quảng Bình), động Hương Tích (Hà Nội), hang động Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, động Địch Lộng, động Vân Trình, động Thiên Hà (Ninh Bình), hang Pác Bó (Cao Bằng), động Tam Thanh (Lạng Sơn), động Sơn Mộc Hương (Sơn La), các hang động ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)…
Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới với 125 bãi tắm biển, hầu hết là các bãi tắm đẹp. Việt Nam là 1/12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới là vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang.
Tính đến năm 2003 Việt Nam có khoảng 3500 hồ chứa có dung tích lớn hơn 0.2 triệu m3. Chỉ có 1976 hồ có dung tích lớn hơn 1 triệu m3, chiếm 55,9% với tổng dung tích 24.8 tỷ m3. Trong số hồ trên có 10 hồ do ngành điện quản lý với tổng dung tích 19 tỷ m3. Có 44 tỉnh và thành phố trong 63 tỉnh thành Việt Nam có hồ chứa. Tỉnh có nhiều hồ nhất là Nghệ An (249 hồ), Hà Tĩnh (166 hồ), Thanh Hóa (123 hồ), Phú Thọ (118 hồ), Đắk Lăk (116 hồ) và Bình Định (108 hồ). Một số hồ nổi tiếng ở Việt Nam đã được khai thác du lịch như: Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Đại Lải, hồ Quan Sơn, hồ Suối Hai (Hà Nội); Hồ Ba Bể (Bắc Kạn); Hồ Cấm Sơn (Bắc Giang); Hồ Đồng Chương, hồ Đồng Thái, hồ Yên Thắng, hồ Mạc (Ninh Bình); hồ Tuyền Lâm, hồ Than Thở (Đà Lạt,…
Danh hiệu UNESCO
Danh hiệu UNESCO ở Việt Nam gồm danh sách các di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới, di sản tư liệu thế giới, công viên địa chất toàn cầu, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại… đã được UNESCO công nhận tại Việt Nam. Trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO, di sản thế giới là danh hiệu danh giá nhất và lâu đời nhất. Thủ đô Hà Nội hiện sở hữu nhiều danh hiệu UNESCO trao tặng nhất cho các đối tượng: Hoàng thành Thăng Long, Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long, ca trù, Hội Gióng, Kéo Co và Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Đến năm 2019, các tỉnh sở hữu từ ba loại danh hiệu UNESCO khác nhau trở lên là: Ninh Bình, Quảng Nam, Lâm Đồng và Hà Nội; Các tỉnh Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Thái Nguyên chưa từng sở hữu một danh hiệu UNESCO nào.
Tới năm 2017, có 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới tại Việt Nam bao gồm: Quần thể danh thắng Tràng An, Thành nhà Hồ, Hoàng thành Thăng Long, Quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Phố Cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, và Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Các di sản thế giới hiện đều là những điểm du lịch hấp dẫn.
Tính đến hết năm 2019 Việt Nam được UNESCO công nhận 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới đó là Châu thổ sông Hồng, Cát Bà, Tây Nghệ An, Đồng Nai, Cù lao Chàm, Cần Giờ. Cà Mau, biển Kiên Giang và Khu dự trữ sinh quyển Langbian.
Có 13 di sản văn hóa phi vật thể trên thế giới tại Việt Nam như Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, Quan họ, Ca trù, Hội Gióng, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Tín ngưỡng thờ Mẫu, Đờn ca tài tử, Kéo co, Nghệ thuật Bài Chòi, Thực hành then Tày – Nùng – Thái.
Ngày 21/09/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam. Tại Nghị định 109 giải thích: Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (sau đây gọi chung là di sản thế giới) là di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam có giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa và thiên nhiên, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (sau đây gọi chung là UNESCO) ghi vào Danh mục Di sản thế giới..
Văn hóa
Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng về văn hoá, phong tục tập quán và lối sống riêng. Ngành du lịch và các địa phương đã nỗ lực xây dựng được một số điểm du lịch độc đáo, như du lịch cộng đồng Sa Pa, du lịch Bản Lát ở Mai Châu… Sự ra đời và phát triển của sân khấu dân gian Việt Nam gắn liền với đời sống nông nghiệp, múa rối nước là nghệ thuật dân gian của người nông dân làm ruộng nước ở vùng châu thổ sông Hồng, thường được biểu diễn trong dịp hội hè, những lúc nông nhàn, múa rối nước là một nghệ thuật tổng hoà giữa các nghệ thuật điêu khắc, sơn mài, âm nhạc, hội họa và văn học. Cùng với múa rối nước là các môn nghệ thuật hát chèo, tuồng, cải lương góp phần làm phong phú nền sân khấu cổ truyền Việt Nam. Từ đầu thế kỷ 20, cùng với những ảnh hưởng của sân khấu phương Tây, nghệ thuật sân khấu hiện đại Việt Nam được bổ sung thêm các môn nghệ thuật kịch, hài kịch, xiếc, ảo thuật, múa, ballet, opera,… Hiện nay, một số đơn vị nghệ thuật đã đưa vào phục vụ khách du lịch như rối nước Hà Nội, Đờn ca tài tử Bạc Liêu, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Chèo Ninh Bình, Nhà hát Chèo Hà Nội.
Âm nhạc dân gian Việt Nam cũng có truyền thống lâu đời, bắt đầu với chầu văn, quan họ, ca trù, hát ví, dân ca, vọng cổ, nhạc cung đình,…của người Việt và bên cạnh đó là âm nhạc dân gian của các dân tộc khác như hát lượn của người Tày, hát Sli của người Nùng, hát Khan của người Ê Đê, hát dù kê của người Khmer…Cùng với các môn nghệ thuật hiện đại khác, nền âm nhạc hiện đại Việt Nam từ những năm 1930 được hình thành và phát triển đến ngày nay được gọi là tân nhạc Việt Nam với các dòng nhạc tiền chiến, nhạc đỏ, tình khúc 1954-1975, nhạc vàng, nhạc hải ngoại và nhạc trẻ. Tuy nhiên, từ hơn 20 năm phát triển du lịch, Việt Nam vẫn chưa có được một sân khấu, nhà hát biểu diễn nghệ thuật dân tộc nào đủ lớn để giới thiệu đến du khách quốc tế, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Ngoại trừ múa rối nước, hiện có 1 sân khấu nhỏ tại Hà Nội và sân khấu múa rối nước Rồng Vàng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Lễ hội Việt Nam
Theo thống kê vào 2009, hiện cả nước Việt Nam có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%). Các địa phương có nhiều lễ hội là Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương và Phú Thọ. Tính đến hết năm 2014, Việt Nam có 28 lễ hội được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm: Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội), Lễ hội Yên Thế (Bắc Giang), Lễ hội Đền Đô (Bắc Ninh), Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn (Hà Giang), Lễ hội Côn Sơn (Hải Dương), Lễ hội Kiếp Bạc (Hải Dương), Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa (Khánh Hòa), Lễ hội Gầu Tào (Lào Cai, Hà Giang), Lễ hội Kỳ Yên ở đình Gia Lộc (Tây Ninh), Lễ hội Tháp Bà (Ponagar) Nha Trang (Khánh Hòa), Lễ hội Lồng Tông của người Tày (Tuyên Quang).[25]. Lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định; Hội Lim, Tiên Du,Bắc Ninh,Lễ hội Nghinh Ông, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Lễ hội Roóng poọc của người Giáy (Tả Van, Sa Pa, Lào Cai) và Lễ Pút tồng của người Dao đỏ (Sa Pa, Lào Cai). Lễ hội Đền Trần Nam Định, Lễ hội Hoa Lư Ninh Bình, Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ núi Sam An Giang, Lễ hội Lồng tồng Ba Bể Bắc Kạn, Lễ hội làng Lệ Mật Hà Nội, Lễ hội Khô già của người Hà Nhì đen, Đại lễ Kỳ Yên đình Tân Phước Tây – Long An, Lễ hội vía Bà Ngũ hành Long An, Lễ làm chay (Long An), Lễ hội Rước cộ Bà chợ Được (Quảng Nam), Lễ hội Làng Đồng Kị(Bắc ninh)
Vùng du lịch và trung tâm du lịch
Việt Nam có 7 vùng du lịch với 24 trọng điểm du lịch: Vùng trung du và miền núi phía Bắc:
- Bao gồm 14 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Giang.
- Vùng này có 5 trọng điểm du lịch là:- Sơn La – Điện Biên: gắn với Mộc Châu, hồ Sơn La, cửa khẩu quốc tế Tây Trang, di tích lịch sử Điện Biên Phủ và Mường Phăng.- Lào Cai gắn với cửa khẩu quốc tế Lào Cai, khu nghỉ mát Sa Pa, Phan Xi Phăng và vườn quốc gia Hoàng Liên.- Phú Thọ gắn với lễ hội Đền Hùng và hệ thống di tích thời đại Hùng Vương, du lịch hồ Thác Bà nằm ở Tỉnh Yên Bái thuộc 2 huyện Lục Yên – Yên Bình.- Thái Nguyên – Lạng Sơn gắn với hồ Núi Cốc, di tích ATK Định Hóa, Tân Trào, khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, khu nghỉ mát Mẫu Sơn.- Hà Giang gắn với công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, cảnh quan Mèo Vạc, đèo Mã Pì Lèng, Na Hang thuộc tỉnh Tuyên Quang…
Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc:
- Gồm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng và Quảng Ninh.
- Gồm 3 trọng điểm du lịch là:- Thủ đô Hà Nội gắn với hệ thống di tích lịch sử văn hóa nội thành và các cảnh quan tự nhiên vùng phụ cận.- Quảng Ninh – Hải Phòng gắn với cảnh quan biển đảo Đông Bắc đặc biệt là Hạ Long – Cát Bà, Vân Đồn, Đồ Sơn.- Ninh Bình gắn với Tam Cốc – Bích Động, Hoa Lư, Tràng An – Bái Đính, Vân Long, Cúc Phương, Tam Chúc – Ba Sao và quần thể di tích, cảnh quan vùng phụ cận.Vùng Bắc Trung Bộ:
- Gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
- Vùng này có 3 địa bàn trọng điểm du lịch là: – Thanh Hóa và phụ cận gắn với điểm du lịch quốc gia Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Bến En và đô thị du lịch Sầm Sơn.- Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh gắn với Cửa Lò, Kim Liên, Đồng Lộc, cửa khẩu Cầu Treo, núi Hồng – sông Lam, Xuân Thành…- Quảng Bình – Quảng Trị gắn với Phong Nha – Kẻ Bàng, biển Cửa Tùng – Cửa Việt, đảo Cồn Cỏ, cửa khẩu Lao Bảo và hệ thống di tích chiến tranh chống Mỹ.Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ:
- Gồm các tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
- Vùng này có 3 địa bàn trọng điểm du lịch là:- Đà Nẵng – Quảng Nam gắn với Sơn Trà, Hải Vân, Hội An, Mỹ Sơn…- Bình Định – Phú Yên – Khánh Hòa gắn với các bãi biển Phương Mai, Đầm Ô Loan, mũi Đại Lãnh, vịnh Nha Trang, Cam Ranh,…- Bình Thuận gắn với biển Mũi Né, đảo Phú Quý…Vùng Tây Nguyên:
- Gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
- Vùng này có 3 trọng điểm du lịch là:- Thành phố Đà Lạt gắn với hồ Tuyền Lâm, Đan Kia – Suối Vàng.- Đắk Lắk gắn với vườn quốc gia Yokđôn và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.- Gia Lai – Kon Tum gắn với cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Măng Đen, Yaly.Vùng Đông Nam Bộ:
- Gồm TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh.
- Vùng này có 3 trọng điểm du lịch:- Thành phố Hồ Chí Minh gắn với khu rừng sác Cần Giờ và hệ thống di tích lịch sử văn hóa nội thành.- Tây Ninh gắn với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, núi bà Đen, hồ Dầu Tiếng.- Thành phố Vũng Tàu gắn với Long Hải, Phước Hải, Côn Đảo.Vùng Tây Nam Bộ:
- Gồm các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang và TP. Cần Thơ.
- Vùng này có 4 trọng điểm du lịch:- Tiền Giang – Bến Tre gắn với du lịch miệt vườn Thới Sơn.- Cần Thơ – Kiên Giang gắn với biển đảo Phú Quốc, Hà Tiên.- Đồng Tháp – An Giang gắn với Tứ giác Long Xuyên, vườn quốc gia Tràm Chim.- Cà Mau gắn với U Minh – Năm Căn – mũi Cà Mau.
Khu du lịch quốc gia
Việt Nam hiện có 46 khu du lịch quốc gia, là những trọng điểm để đầu tư thúc đẩy phát triển du lịch. Các khu du lịch đó là: Khu du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn, Khu du lịch thác Bản Giốc, Khu du lịch Mẫu Sơn, Khu du lịch Ba Bể, Khu du lịch Tân Trào Khu du lịch Núi Cốc, Khu du lịch Sa Pa, Khu du lịch Thác Bà, Khu du lịch Đền Hùng, Khu du lịch Mộc Châu, Khu du lịch Điện Biên Phủ-Pá Khoang, Khu du lịch hồ Hòa Bình, Khu du lịch Hạ Long-Cát Bà, Khu du lịch Vân Đồn, Khu du lịch Trà Cổ, Khu du lịch Côn Sơn-Kiếp Bạc, Khu du lịch Ba Vì-Suối Hai, Khu du lịch Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu du lịch Tam Đảo, Khu du lịch Tràng An, Khu du lịch Tam Chúc, Khu du lịch Kim Liên, Khu du lịch Thiên Cầm, Khu du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, Khu du lịch Lăng Cô-Cảnh Dương, Khu du lịch Bà Nà, Khu du lịch Cù Lao Chàm, Khu du lịch Mỹ Khê, Khu du lịch Phương Mai, Khu du lịch Vịnh Xuân Đài, Khu du lịch Bắc Cam Ranh, Khu du lịch Ninh Chữ, Khu du lịch Mũi Né, Khu du lịch Măng Đen, Khu du lịch Tuyền Lâm, Khu du lịch Đan Kia-Suối Vàng, Khu du lịch Yokđôn, Khu du lịch núi Bà Đen, Khu du lịch Cần Giờ, Khu du lịch Long Hải-Phước Hải, Khu du lịch Côn Đảo, Khu du lịch Thới Sơn, Khu du lịch Phú Quốc, Khu du lịch Năm Căn, Khu du lịch Xứ sở hạnh phúc.
Điểm du lịch quốc gia
Việt Nam có 40 điểm du lịch quốc gia: Điểm du lịch thành phố Lào Cai, Điểm du lịch Pắc Bó, Điểm du lịch thành phố Lạng Sơn, Điểm du lịch Mai Châu, Điểm du lịch Hoàng thành Thăng Long, Điểm du lịch Yên Tử, Điểm du lịch thành phố Bắc Ninh, Điểm du lịch Chùa Hương, Điểm du lịch Cúc Phương, Điểm du lịch Vân Long, Điểm du lịch Phố Hiến, Điểm du lịch Đền Trần-Phủ Giầy, Điểm du lịch Thành nhà Hồ, Điểm du lịch Lưu niệm Nguyễn Du, Điểm du lịch Ngã ba Đồng Lộc, Điểm du lịch thành phố Đồng Hới, Điểm du lịch thành cổ Quảng Trị, Điểm du lịch Bạch Mã, Điểm du lịch Ngũ Hành Sơn, Điểm du lịch Mỹ Sơn, Điểm du lịch Lý Sơn, Điểm du lịch Trường Lũy, Điểm du lịch Trường Sa, Điểm du lịch Phú Quý, Điểm du lịch Ngã ba Đông Dương, Điểm du lịch Hồ Ya Ly, Điểm du lịch Hồ Lắk, Điểm du lịch thành phố Gia Nghĩa, Điểm du lịch Tà Thiết, Điểm du lịch TW Cục miền Nam, Điểm du lịch Cát Tiên, Điểm du lịch Hồ Trị An-Mã Đà, Điểm du lịch Củ Chi, Điểm du lịch Láng Sen, Điểm du lịch Tràm Chim, Điểm du lịch Núi Sam, Điểm du lịch Cù lao Ông Hổ, Điểm du lịch thành phố Cần Thơ, Điểm du lịch thành phố Hà Tiên, Điểm du lịch Lưu niệm Cao Văn Lầu.
Đô thị du lịch
Việt Nam quy hoạch 12 đô thị du lịch gồm: – Đô thị du lịch Sa Pa, thuộc tỉnh Lào Cai;
– Đô thị du lịch Đồ Sơn, thuộc Thành phố Hải Phòng;
– Đô thị du lịch Hạ Long, thuộc tỉnh Quảng Ninh;
– Đô thị du lịch Sầm Sơn, thuộc tỉnh Thanh Hóa;
– Đô thị du lịch Cửa Lò, thuộc tỉnh Nghệ An;
– Đô thị du lịch Huế, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế;
– Đô thị du lịch Đà Nẵng, thuộc thành phố Đà Nẵng;
– Đô thị du lịch Hội An, thuộc tỉnh Quảng Nam;
– Đô thị du lịch Nha Trang, thuộc tỉnh Khánh Hòa;
– Đô thị du lịch Phan Thiết, thuộc tỉnh Bình Thuận;
– Đô thị du lịch Đà Lạt, thuộc tỉnh Lâm Đồng;
– Đô thị du lịch Vũng Tàu, thuộc tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.
Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Du_l%E1%BB%8Bch_Vi%E1%BB%87t_Nam