Nội dung chính:
- Tính chống thấm nước của giày leo núi & giày trekking
- Tính chống trượt của giày leo núi & giày trekking
- Các lớp lót bên trong giày leo núi & giày trekking
- Chọn giày leo núi, giày trekking cổ thấp hay cổ cao?
- Chọn size giày thế nào là phù hợp?
- Giày bình thường có đi leo núi được không?
Việc lựa chọn sắm sửa trang phục trước khi đi Phượt – một công việc rất thú vị, nhưng đồng thời đó cũng gây nhiều điều phiền toái khiến chúng ta phải đau đầu khi thiếu kiến thức chuyên môn cũng như bị ảnh hưởng bởi thông tin nhiễu loạn của thị trường.
FanFan sẽ hướng dẫn các bạn trong việc lựa chọn đồ nghề, trang phục dã ngoại phù hợp nhất với chuyến đi của mình vừa bằng kiến thức của một người bán và quan trọng hơn là của một người sử dụng. Nhằm để các bạn hiểu rõ các tính năng của sản phẩm, không bị mua nhầm hàng không đúng mục đích sử dụng.
Topic này đề cập đến món đồ đặc biệt quan trọng, có thể nói là một trong những biểu tượng của dân di chuyển đó là GIÀY ĐI PHƯỢT bao gồm giày leo núi và giày trekking. Khái niệm giày leo núi, giày trekking ở Việt Nam thường được hiểu là một, nhưng thực ra khái niệm trekking rộng hơn leo núi, nó còn bao gồm đi rừng, đi thám hiểm những vùng xa xôi, ít người biết tới…
Nhưng tai hại hơn cả là rất nhiều người nhầm lẫn giữa giày leo núi với các loại giày lính, giày ghệt, bốt da, giày bảo hộ lao động trong khi bản chất các loại giày này là hoàn toàn khác nhau. Mục đích sử dụng cũng khác nhau hoàn toàn. Sau khi xem bài viết này hy vọng ít nhất các bạn cũng có thể nhìn là phân biệt được đâu là một đôi giày chuyên dụng cho leo núi.
Hình ảnh: sưu tầm từ Internet
Tại sao đôi giày lại là món đồ đặc biệt quan trọng của dân Phượt?
- Điều dễ hiểu nhất, đôi giày luôn đồng hành cùng chúng ta khi đi du lịch, đi Phượt, gần như chỉ rời ta lúc đi ngủ, lúc tắm.
- Sử dụng đúng loại giày giúp chúng ta dễ dàng hơn nhiều trong việc chinh phục những mục tiêu như núi, rừng, đường bộ, vách đá…
- Giày giữ ấm chân lúc lạnh.
- Giày bảo vệ chân khỏi những chướng ngại vật trên đường đi.
- Đối với đa số giày chống thấm chuyên dụng cho leo núi, nó giúp giữ khô chân.
- Một công dụng vô cùng quan trọng nữa là giày là một món đồ thời trang không thể thiếu, giày đi phượt cũng vậy.
Giày leo núi có rất nhiều loại, nhiều kiểu dáng và chức năng nhằm phục vụ các mục đích chuyên biệt được tốt hơn, nhưng nhìn chung thì đều được cấu tạo và có các thành phần cơ bản như nhau, chỉ khác ở bản chất mỗi thành phần cho mỗi mục đích sử dụng. Để chọn được đôi giày đúng với mục đích của bạn thì cần lưu ý những điểm sau:
1. TÍNH CHỐNG THẤM NƯỚC CỦA GIÀY LEO NÚI, GIÀY TREKKING
Giày leo núi chuyên dụng với phần đế bám
Hình ảnh: Sưu tầm từ internet
Không phải loại giày leo núi nào cũng chống thấm nước, có những loại giày không chống thấm nước nhưng có đặc tính nhanh khô, thoát nước. Chọn giày có chống nước hay không phải tùy vào mục đích sử dụng. Ở môi trường thời tiết như Việt Nam thì loại chống thấm nước được ưa chuộng hơn nhiều.
Công nghệ chống thấm nước của giày leo núi chuyên dụng
Được sử dụng cho trang phục, phụ kiện outdoor là vô cùng phức tạp, rất khó làm giả, nhái, nên ở đặc tính này sự khác biệt giữa giày nhái Trung Quốc và các loại giày chính hãng là rất lớn. Có rất nhiều các công nghệ chống thấm dùng cho giày leo núi nhưng phổ biến nhất được nhiều người biết đến như Gore-Tex – loại công nghệ chất liệu được rất nhiều hãng sử dụng, ít phổ biến hơn như Sympatex, Comfortex… trừ một số hãng lớn có tên tuổi sử dụng những công nghệ vật liệu riêng của họ như Jack Wolfskin với Texapore, Mc.Kinley với Aquamax, Columbia với Omni… nhưng nhìn chung tất cả các công nghệ trên đều có đặc điểm chung là chống thấm 1 chiều (tức là ngăn không cho nước thấm từ ngoài vào trong nhưng vẫn có thể thoát hơi ra ngoài, giúp thông thoáng). Thông thường tên công nghệ chống thấm sẽ được gắn trực tiếp lên giày, nên khi mua giày chúng ta nên xem thử là đôi giày đó có sử dụng công nghệ chống thấm nước hay không và đó là công nghệ gì?
Các công nghệ được sử dụng thường đươc gắn mác trên thân giày (trong hình: Công nghệ Gore-tex trên giày Eider và công nghệ Texapore trên giày Jack Wolfskin)
– Tuy nhiên, “chống thấm nước” không có nghĩa là “chống nước hoàn toàn”, nhiều người quá kì vọng vào khả năng chống thấm của giày leo núi nên vô tư đứng ngâm nước để rồi thất vọng khi khoảng 1 phút sau nước bắt đầu ngấm vào giày. Cần nhớ rằng giày leo núi không phải ủng cao su, công nghệ chống thấm 1 chiều có ngưỡng giới hạn thấm. Tính chống thấm chỉ phát huy tác dụng tuyệt vời khi bạn sử dụng đúng cách. Theo đó, để nước sẽ không kịp thấm vào giày bạn nên bước đi liên tục, để giữa 2 lần nhúng nước là khoảng thời gian giày ở ngoài nước, còn khi bị ngâm lâu, nước sẽ có thời gian để thẩm thấu qua các lớp chất liệu vào bên trong giày.
– Làm sao để biết đôi giày trekking của bạn có chống thấm hay không?
Để kiểm tra xem giày có chống thấm hay không ta nhìn vào lưỡi gà (phần trên đệm trên mu bàn chân, chính giữa 2 hàng lỗ xỏ dây) xem thử có được nối liền với thân giày hay không, nếu 2 phần này rời nhau từ trên xuống dưới thì chắc chắn 100% giày đó không chống thấm nước, còn nếu liền nhau thì khả năng lớn giày đó sử dụng công nghệ chống thấm nước. Thiết kế kín liền khối là yêu cầu bắt buộc đối với một đôi giày chống thấm nước, thiết kế này ngăn không cho nước chảy xuyên qua các lỗ xỏ dây vào giày.
Phần lưỡi gà được nối với thân giày thành một khối kín là dấu hiệu của một đôi giày có tính chống thấm nước
2. TÍNH CHỐNG TRƯỢT CỦA GIÀY LEO NÚI GIÀY TREKKING
– Đế giày leo núi – bộ phận quan trọng nhất đối với giày leo núi.
Đó là phần quyết định chức năng của đôi giày. Chọn thiết kế đế giày phải phù hợp với địa hình, đường xá chúng ta đi, mỗi kiểu đi lại có những cung đường và những địa hình khác nhau, theo đó mà hàng chục, hàng trăm loại đế giày chuyên dụng dành cho outdoor ra đời. Nhưng để có thể sắm cho mình đủ loại giày cho các nhu cầu khác nhau rất tốn kém, vì vậy ở đây mình chỉ nói đến vấn đề làm thế nào để chọn những loại thông dụng và đa dụng nhất.
– Đế giày leo núi thường được làm từ cao su có khả năng chịu mài mòn tốt, cứng hơn, ít đàn hồi hơn so với giày thể thao, chạy bộ thông thường nhưng vẫn mềm và đàn hồi tốt hơn nhiều so với các loại giày bảo hộ (tuy nhiên vẫn có một số loại thoát nước – nhanh khô chuyên sử dụng cho mùa khô – nóng thì vẫn nhẹ nhàng không khác giày thể thao chạy bộ). Khi tham gia các hoạt động leo núi, trekking đôi giày của bạn sẽ hoạt động với cường độ mạnh, va chạm và ma sát nhiều hơn, chính vì thế đế giày leo núi yêu cầu phải cứng hơn, bền hơn, để ít bị hao mòn, bảo vệ bàn chân tốt hơn.
Bề mặt đế giày leo núi được làm từ cao su chịu được mài mòn với những đường gân giúp bám dính, chống trượt (ảnh: Đế giày Jack Wolfskin)
– Có phải gai càng sâu thì càng chống trượt tốt?
Khác với suy nghĩ của nhiều người, khái niệm chống trượt của đế giày leo núi KHÔNG phụ thuộc vào kiểu dáng, độ lớn của gai đế giày mà phụ thuộc vào chất liệu, công nghệ sản xuất đế giày, thông thường đế giày leo núi làm bằng cao su có bề mặt được làm nhám và có độ bám rất cao. Để thử nghiệm ta có thể để giày lên mặt phẳng như sàn gạch sau đó di qua đi lại sẽ thấy giày không thể trượt trơn tru trên bề mặt được mà sẽ bị bám rít rất khó trượt. Độ lớn và độ sâu của gai đế giày chỉ quyết định tới địa hình đi, gai đế càng sâu, càng lớn thì sử dụng cho địa hình mềm, lún như sình lầy, cát… Địa hình cứng như đá, sỏi, đất nện (đất cứng), đường nhựa, đường bê tông… nên sừ dụng gai thấp, ít và nông . Mục đích chính của những thiết kế này là tăng tối đa tiết diện tiếp xúc của đế giày với mặt đường. Tuỳ thuộc vào địa hình các bạn sẽ đi mà chọn gai đế giày cho phù hợp.
– Có một loại đế giày từng rất được ưa chuộng trên thị trường Việt Nam do sự ngộ nhận tai hại của cả người bán và người mua – loại giày có đế được cài sẵn các lá thép, thường được người bán quảng cáo là chuyên dụng cho leo núi, giúp chống trượt. Lời quảng cáo không sai, tính năng của nó đúng là như vậy nhưng chỉ sử dụng được với duy nhất một địa hình là trên băng tuyết, các lá thép sẽ cắm vào băng và giúp bám trên băng rất hiệu quả, nhưng với các loại địa hình khác thì hoàn toàn không nên sử dụng vì sẽ bị tác dụng ngược. Thường những lá thép trên đế giày này có khả năng gấp quặt vào trong khi không sử dụng, nhưng bản thân phần gai đế lởm chởm bằng cao su cứng của loại giày này cũng không bám dính, không thích hợp để sử dụng ở các địa hình khác ngoài băng tuyết, trọng lượng của loại giày này cũng khá nặng, do có cả các lá thép không cần thiết. Nếu không phải sử dụng để leo núi băng, các bạn nên tránh loại này.
– Loại công nghệ đế giày phổ biến và xịn xò dành cho leo núi phải kể đến là Vibram -công nghệ được nhiều hãng giày sử dụng nhất, bên cạnh đó còn có X-Grip, FX-Grip,… Những hãng lớn có tên tuổi sử dụng loại công nghệ riêng của họ như Jack Wolfskin và MeinDl với loại đế cùng tên, Columbia với Omni-Grip,…
So sánh giày chống thấm và giày lội suối
3. CÁC LỚP LÓT BÊN TRONG GIÀY LEO NÚI, GIÀY TREKKING
– Thành phần này tạo nên sự thoải mái cho người mang nhưng thường rất ít người sử dụng để ý tới, hầu hết mọi người đi chọn giày chỉ nhìn kiểu dáng bên ngoài giày rồi xỏ vào đi thử mà không quan tâm xem phía bên trong như thế nào. Hầu hết các loại giày leo núi đều cấu tạo từ nhiều lớp, lớp trong cùng thường khá dày và êm để mang lại cảm giác thoải mái cho người mang, nhưng ở mỗi loại giày lớp bên trong lại khác nhau và sự khác nhau này không quyết định đến mục đích hay địa hình sử dụng mà thường liên quan tới khí hậu, nhiệt độ khi sử dụng.
– Thường khi chọn giày ta nên chọn loại có lớp lót trong đủ độ êm , độ đàn hồi, giúp ôm chân mà không gây gò bó, độ dày cùng độ đàn hồi của lớp trong giúp tạo ra một khoảng linh hoạt ngay cả khi bạn lựa chọn được size giày vừa khít, di động theo sự chuyển động của bàn chân, cổ chân, giảm ma sát giúp giảm nguy cơ bị phồng dộp chân do di chuyển nhiều.
Lớp lót trong của giày leo núi thường khá dày và bằng Airmesh giúp thông thoáng
– Mặt trong của giày phổ biến nhất là bằng Airmesh, tức loại vải có lỗ khá lớn (như mùng chống muỗi), chất liệu này giúp thoáng khí, thoát hơi, không bị hầm chân mà lại khá êm ái.
– Giày đi tuyết: Loại này có lớp lót rất dày, phần trong cùng thường sử dụng chất liệu lông hoặc bông, mục đích để giữ ấm chân khi đi trong thời tiết lạnh giá như băng, tuyết… Chủ yếu được sử dụng ở những nước ôn đới có khí hậu lạnh, ở Việt Nam thường không sử dụng loại này.
4. CHỌN GIÀY LEO NÚI, GIÀY TREKKING CỔ THẤP HAY CỔ CAO?
– Câu hỏi mà chúng mình gặp RẤT RẤT nhiều, hầu như đối với tất cả những người mới mua giày leo núi lần đầu. Để hiểu được tại sao các nhà sản xuất lại làm nhiều kích cỡ cổ giày như vậy và làm sao để lựa chọn thì ta cần hiểu rõ được đặc điểm, tính năng của các loại cổ giày.
Giày leo núi thường có 3 loại kích cỡ cổ giày:
Low cut (giày cổ thấp):
Loại giày cổ thấp này thường mang lại sự linh hoạt, thoải mái tối đa, đặc biệt đối với những người mới. Việc cổ giày được cắt thấp dưới mắt cá giúp cho cổ chân thoải mái hoạt động, việc đi lại, chạy nhảy thật dễ dàng, không còn gì gò bó nữa. Giày leo núi cổ thấp với các ưu điểm như nhẹ, dễ dàng mang theo, cảm giác nhanh nhẹn hơn. Tuy nhiên các vấn đề gặp phải khi sử dụng giày cổ thấp cũng không dễ chịu chút nào, bạn có thể phải chấp nhận một chút nước, một chút bụi đất hoặc một chút bùn sình sẽ lọt vào trong giày, việc này rất khó tránh khi cổ giày chỉ thấp hơn mắt cá chân. Khi vận động mạnh như chạy, nhảy, hoặc nếu bạn mang ba lô nặng trên lưng mà đôi giày không vừa khít với chân bạn thì rất có khả năng gót chân bạn sẽ thường xuyên bị trượt ra. Việc cổ giày được cắt dưới mắt cá đồng nghĩa với việc sẽ không còn gì bảo vệ mắt cá bạn nữa, nguy cơ bị trặc cổ chân là khá cao khi đi ở những địa hình phức tạp, nhất là với những người không chuyên. Giày cổ thấp thường thích hợp với những người chuyên nghiệp, cần sự linh hoạt, những chuyến đi nhẹ nhàng, vào mùa khô, nóng, đạp xe, đi bộ…
Mid cut (Cổ ngang mắt cá – Cổ lửng)
Đây thường là loại được ưa chuộng vì khắc chế được tương đối tốt những điểm yếu của giày cổ thấp, bảo vệ khá tốt chân bạn khỏi bụi, đất, cát, nước, bùn sình và cũng góp phần giảm khả năng cổ chân bị trặc khi đi trên địa hình gồ ghề. Giày cổ lửng thường thích hợp cho những chuyến đi khá dài ngày, mạo hiểm một chút, hoặc khi mang vác một ba lô khá nặng.
High cut (Cổ cao qua mắt cá – boots):
Giải pháp tối ưu với những người không chuyên, những chuyến đi rất dài và gian khổ với cái ba lô siêu nặng trên lưng hoặc khi đối mặt với những cung đường rất xấu đầy bùn sình, ẩm ướt và gồ ghề. Giày cổ cao bảo vệ bạn rất tốt trước sự tấn công của đất, cát, bùn sình và nước, vốn rất khó chịu nếu bị lọt vào giày trong các chuyến đi xa, đồng thời bảo vệ cổ chân của bạn tránh được việc bị đau nghiêm trọng khi lỡ một bước nào đó. Tuy nhiên việc cổ giày cao trên mắt cá cũng sẽ làm giảm sự linh hoạt của cổ chân, đôi khi những người mới không mang quen sẽ cảm thấy rất khó chịu và gò bó với giày cổ cao, vì thế nếu bạn quyết định chọn một đôi giày cổ cao cho chuyến đi của mình mà trước đó chưa từng mang loại này thì nên đi mua trước đó khoảng 1 – 2 tuần, sau đó mang nó hàng ngày khi đi làm, đi học để chân bạn quen với cảm giác đó, điều này sẽ giúp chuyến đi của bạn được hoàn hảo hơn.
Việc lựa chọn giày cổ thấp, cổ lửng hay cổ cao cũng rất quan trọng đối với chuyến đi của bạn
5. CHỌN SIZE GIÀY LEO NÚI NHƯ THẾ NÀO THÌ PHÙ HỢP?
– Công việc chọn size giày tưởng chừng như đơn giản nhưng lại khiến không ít người mắc sai lầm. Suy nghĩ thường gặp nhất là size giày thường và size gày leo núi sẽ giống nhau, nhưng thực ra để lựa được một đôi giày leo núi mang lại sự thoải mái nhất thì phức tạp hơn một chút. Để biết được câu trả lời, trước tiên bạn phải hiểu được sự tương tác giữa chân và giày khi di chuyển.
– Với giày thường bạn mang hàng ngày, việc mang đôi giày hơi chật hầu như không phải vấn đề gì đáng lo ngại lắm, nhưng nếu giày hơi rộng thì lại phiền. Ngày thường bạn “mang giày” nhiều hơn là “đi giày”, tần suất hoạt động của chân rất thấp. Nhưng khi đi phượt hay leo núi thì chuyện không diễn ra như những ngày bình thường nữa, chân các bạn sẽ phải hoạt động liên tục cùng với việc mang sức nặng của cơ thể và ba lô đồng thời liên tục ma sát vào giày khiến bàn chân nở ra, to hơn bình thường một chút. Vấn đề phát sinh khi độ nở của chân nhanh và nhiều hơn giày, nếu chọn một đôi giày leo núi quá khít với chân thì có thể gặp các nguy cơ sau: Phồng dộp da do ma sát, bầm đen các móng chân do bị ép nén với mũi giày (trường hợp này hay gặp khi đi xuống dốc), đau các khớp ngón chân do bị đè nén. Nếu các vấn đề trên trở nên tồi tệ có thể bạn sẽ phải chia tay cuộc hành trình.
– Vậy nên chọn size giày leo núi như thế nào?
Lời khuyên đúng đắn là các bạn nên chọn size giày leo núi lớn hơn 0.5 đến 1 size so với giày bình thường bạn hay mang hàng ngày. Nhưng nói như vậy hơi chung chung và có thể vô tình sẽ khiến các bạn chọn nhầm đôi giày to quá khổ so với mình. Bởi vì ngoài thông số về size, giày leo núi còn có form nữa, form thường gặp nhất là form phổ thông cho mọi loại chân nhưng cũng có form dành cho kiểu bàn chân dài, thanh mảnh, có form thì dành cho kiểu chân bè, mập. Ở Việt Nam phổ biến nhất ngoài các loại giày do Trung Quốc sản xuất ra thì còn giày leo núi xuất khẩu đủ chủng loại dành cho đủ các loại thị trường (giày bán tại cửa hàng FanFan là những loại này) nên có rất nhiều hệ size khác nhau. (Size chuẩn mà Việt Nam hay dùng là size Châu Âu – EUR), để nhớ được hết các loại size thì cũng không dễ, có một cách để bạn có thể lựa chính xác được đôi giày phù hợp nhất với mình đó là THỬ GIÀY, thậm chí bạn có thể quên luôn size chân của mình đi và tập trung vào cảm giác lúc mang thử.
– Thử giày đúng cách: Khi đã xỏ giày vào chân, bạn hãy cố đưa các ngón chân lên trên chạm vào mũi giày, làm sao để phần mũi giày khít với chân hết mức có thể nhưng các ngón chân vẫn duỗi thẳng, không được gập, sau đó bạn đưa ngón tay trỏ vào giữa gót chân và phần gót giày, nếu ở đó có một khoảng hở đủ để ngón tay bạn luồn lách vào và chạm được tới đáy và khi bạn rút ngón tay ra, đưa gót chân lùi về chạm vào phần gót giày, lúc đó các đầu ngón chân không chạm vào mũi giày hoặc chạm rất nhẹ (có lẽ bạn nên cắt móng chân) thì cỡ giày đó là dành cho bạn.
LƯU Ý: Đôi giày quá to so với chân bạn nếu ngón tay không cần luồn lách gì cả vẫn có thể chạm đáy dễ dàng, còn nếu ngón tay quá khó khăn để luồn vào hoặc không thể chạm vào đáy giày được đồng nghĩa với việc đôi giày hơi chật.
Thử giày leo núi bằng cách này rất hiệu quả
– Đối với những bạn ở tỉnh xa phải mua qua bưu điện không thể thử trước được, tốt nhất các bạn nên cung cấp cho nhân viên bán hàng size giày thường đi cùng với chiều dài bàn chân (tính từ gót đến đầu ngón chân dài nhất), lúc này nhân viên lựa cỡ giày phù hợp cho bạn sẽ dễ dàng hơn (rất nhiều loại giày leo núi đều in sẵn thông số chiều dài bàn chân trên mỗi size).
– Có một số thắc mắc là khi mang giày như vậy thì chân cứ bị trượt phía trong giày, nguyên nhân do phương pháp cột giày chưa đúng và thường chỉ gặp với giày cổ thấp, vì với mức chênh lệch 0.5 đến 1 size đối với giày leo núi thì không rộng đến mức chân có thể trượt thoải mái bên trong. Khi cột giày bạn phải đảm bảo gót chân đã để sát vào gót giày, sau đó bạn cột chặt ĐẾN LỖ XỎ DÂY CUỐI CÙNG (nhiều người có thói quen bỏ qua 2 lỗ xỏ dây cuối). Đối với giày cổ lửng và cổ cao, phần cổ cao ngang hoặc hơn mắt cá sẽ ôm cố định vào cổ chân khi cột chặt.
6. GIÀY BÌNH THƯỜNG CÓ THỂ LEO NÚI ĐƯỢC KHÔNG?
– Câu trả lời là HOÀN TOÀN CÓ THỂ. Có một câu nói nổi tiếng đó là “cứ đi rồi sẽ tới đích”. Giày leo núi cũng như những trang phục, thiết bị outdoor chuyên dụng khác chỉ giúp chúng ta dễ dàng, thoải mái và an toàn hơn khi chinh phục những cung đường, những cột mốc khó khăn chứ không quyết định chuyện chúng ta có làm được hay không, điều quyết định được chuyện đó là ý chí và khả năng của mỗi người. Có người trang bị tận răng nhưng vẫn giữa đường bỏ cuộc, nhưng có người chẳng trang bị gì (Các Porter là một ví dụ) vẫn chinh phục hết lần này đến lần khác. Nhưng đó là ý kiến khá chủ quan. Đối với những người không chuyên thì lời khuyên đúng đắn nhất là nên trang bị tất cả những thứ cần thiết để đảm bảo cho chuyến đi của các bạn sẽ thành công.
– Có nhiều bạn đến cửa hàng và hỏi về việc sử dụng GIÀY BỘ ĐỘI để leo núi, thậm chí để leo Fansipan. Đây là sai lầm vô cùng tai hại đối với dân phượt nghiệp dư, xuất phát từ những thông tin trên mạng, những tư vấn của những “chuyên gia sơ sài” trên các diễn đàn dành cho dân Phượt vô tình có thể tạo nên cơn ác mộng cho các bạn mới đi leo núi lần đầu. Bạn sẽ thấy là khi có ai đó hỏi về bất cứ đồ dùng nào cho đi Phượt họ đều tư vấn câu đầu tiên là “đồ bộ đội”, từ trang phục dã ngoại, giày dép, ba lô, dụng cụ cá nhân… thì đồ quân đội với họ đều là số một. Dĩ nhiên rồi, vì ngoài việc họ là fan ruột của đồ quân dụng ra thì hầu hết họ đều là dân chuyên nghiệp (chuyên nghiệp ở đây nghĩa là đi nhiều), khả năng chịu gian khổ rất giỏi. Nhưng bạn không phải họ.
Lựa chọn giày bộ đội hay giày leo núi chuyên nghiệp??
– Thật khập khiễng khi so sánh đôi giày leo núi chuyên dụng giá trên dưới 1 triệu đồng với đôi giày được thiết kế với tiêu chí tiết kiệm tối đa của bộ đội Việt Nam giá khoảng 60 ~ 80 nghìn đồng. Không thể phủ nhận độ bền của giày bộ đội và sự dẻo dai, gian khổ mà những người lính của chúng ta phải chịu đựng, nhưng đó là do đất nước nghèo, không thể trang bị tốt như các nước phát triển. Có thể các bạn quên mất điều quan trong – các bạn KHÔNG phải bộ đội, việc mang một đôi giày tối đơn giản, chỉ gồm vải bố và đế cao su cứng để chinh phục những cung đường vất vả như Fansipan trở nên vô cùng khó nhọc, có thể dẫn đến nguy hiểm (vì đế cao su cứng của giày bộ đội không đạt được độ bám yêu cầu), vải bố cứng của giày bộ đội không hề chống thấm và không được bọc lót bên trong cẩn thận như các loại giày leo núi khác dễ làm chân các bạn bị lạnh vì ướt, phồng dộp do ma sát, và chuyến đi sau đó có thể sẽ biến thành một chuyến khổ hạnh. Đương nhiên hoàn toàn CÓ THỂ leo núi bằng giày bộ đội hay các loại giày bình thường khác như giày bata, hay thậm chí là dép, nếu cung đường đó khá nhẹ nhàng, khô ráo, nhưng để nó cho những cung dài ngày và gian khổ như Fansipan, Bạch Mộc hay Tà Năng-Phan Dũng thì nên suy nghĩ thật thấu đáo, trừ khi các bạn chắc chắn phải thực sự thích thử thách bản thân, thích sự vất vả trên đường đi.
Sau khi đọc bài viết, bạn đã có đủ tự tin để lựa chọn cho mình một đôi giày leo núi, trekking ưng ý chưa?
Một vài gợi ý tại Fanfan để anh em không cần đi kiếm đâu xa:
1. Giày thoát nước nhanh khô Hanagal Swift
2. Giày chống thấm Hanagal
Ưu điểm: Chống thấm, đế bám tốt.
Thích hợp sử dụng cho những chuyến đi di chuyển qua môi trường ẩm ướt, lạnh.
Hoặc tại đây để xem thêm nhiều mẫu giày hơn nhé!
Chúc các bạn có những chuyến đi thật vui và thú vị!